Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"Chúa Giáng Sinh" gây tranh cãi của Caraveggio

 “CHÚA GIÁNG SINH” GÂY TRANH CÃI CỦA CARAVAGGIO (1571-1610)

Bức tranh có tên “The Adoration of the Shepherd”, kích thước 210cm x 315cm này được Caravaggio vẽ năm 1609 trước khi ông qua đời một cách bí ẩn một năm. 



Tranh được vẽ trong thời gian Caravaggio ở Messina cho Nhà thờ Santa Maria degli Angeli. Hiện tại, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Messina.

“The Adoration of the Shepherd” của Caravaggio khác hẳn phong thái kiểu cách phổ biến trong hội họa đương thời. Tranh ông quá “hiện thực”. Thậm chí, là hiện thực đến “tàn nhẫn”... Nhiều người đã chỉ trích cách tiếp cận của Caravaggio đối với các bức tranh tôn giáo của ông và gọi nó là "thô tục" khi thể hiện các nhân vật trong Kinh thánh như những người dân nghèo bình thường.  

Trung tâm của tranh, là hình ảnh Đức mẹ Maria đang ôm Chúa Hài Đồng Giêsu trong lòng, ở tư thế vừa nằm vừa ngồi mệt mỏi trên nền đất trải rơm nghèo nàn. Không có Thiên thần reo ca hay bất cứ luồng sáng Thánh thiêng nào từ trời cao cả. Hai vầng hào quang trên đầu Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng hết sức mờ nhạt...

tranh được chỉnh sáng hơn


Trong không gian trần thế nghèo nàn và tối tăm đó, ngoài dáng vẻ thành kính của những người chăn cừu, và hai vầng hào quang mờ nhạt, không còn có dấu hiệu kỳ diệu công khai nào về sự ra đời của “Đấng Cứu Thế”...

Bố cục tranh cũng không chặt chẽ theo kiểu cổ điển. Caravaggio sắp xếp các nhân vật của mình dọc theo các đường chéo tưởng tượng chứ không phải là một bố cục tuyến tính trung tâm hoàn hảo như thời Phục hưng. Nó trông giống như một bức ảnh được chụp vào những khoảnh khắc chính xác sau khi Chúa giáng sinh.

Về mặt phong cách, Caravaggio đã sử dụng kỹ thuật mà ông nổi tiếng được gọi là chiaroscuro. Chiaroscuro là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng. Chính kỹ thuật này đã nâng cao kịch tính của tác phẩm để làm cho nó có vẻ thô ráp và phóng đại các khía cạnh cảm xúc của tác phẩm. Chiaroscuro buộc người xem tập trung vào hình ảnh mang chủ đề và sự kiện hơn là những thứ khác đang diễn ra ở hậu cảnh. Chính kỹ thuật này, đã khiến cho cái màu đỏ nơi áo Đức Mẹ có ý nghĩa và sức mạnh biểu cảm khó tả...

Với cách thể hiện như vậy, Caravaggio đã làm nổi bật chủ đề khiêm nhường của bức tranh. Đức Trinh Nữ không phải là một nữ hoàng trên trời, mà là một người mẹ trẻ giản dị. Phản ứng của những người chăn cừu biểu hiện sự quan tâm, yêu quý và ngưỡng mộ hơn là tôn kính. Có một sự tĩnh lặng và yên bình không thể nhầm lẫn được truyền tải trong tranh-tự nó thể hiện giá trị tâm linh nơi tác phẩm.

Nguyên Hưng

(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2012)


Đăng nhận xét

0 Nhận xét