Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"White Crucifixion" (Thập Tự trắng) - bức tranh nổi tiếng nhất của Marc Chagall

 “WHITE CRUCIFIXION”-BỨC TRANH NỔI TIẾNG NHẤT CỦA MARC CHAGALL (1887-1985)

“White Crucifixion” là bức tranh sơn dầu vẽ năm 1938 vô cùng nổi tiếng của Marc Chagall. Sự nổi tiếng, được ví ngang với “Guernica” vẽ năm 1937 của Picasso.



Bức tranh là sự thể hiện tượng trưng những khổ nạn mà người Do Thái ở Đông và Trung Âu phải gánh chịu trước và trong Đệ Nhị Thế Chiến. Trong tranh, hoạ sĩ đã sử dụng rất nhiều hình ảnh và biểu tượng đặc biệt.

Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập Tự Giá màu trắng. Màu trắng tràn khắp không gian tranh. Đó là màu trắng của sự vô tội, cũng là màu trắng “thanh thiên bạch nhật”: Tội ác diễn ra công khai giữa ban ngày, và nhắm vào những người vô tội...

Hình ảnh Chúa Jesus trên Thập Tự Giá nằm ở trung tâm của tranh. Trên đầu, thay cho vòng gai, Người được quấn chiếc khăn của người Do Thái. Ngay chiếc khăn quấn quanh mình, cũng là chiếc khăn choàng cổ của người Do Thái. Với hình ảnh này, Chúa Jesus trên Thập Tự Giá, là một biểu tượng, một đại diện Do Thái trong sạch, thánh thiện và chịu khổ nạn... Ở hai bên của tranh, là hình ảnh của rất nhiều hành vi bạo lực. Trong số đó có việc đốt nhà cửa cũng như bắt bớ người Do Thái.

Phần trên của tranh, là các nhân vật trong Cựu Ước, đang khóc thương trước những gì đang xảy ra. Ở tiền cảnh, bên phải, là hình ảnh một người đàn ông với một cái túi trên vai. Hình ảnh như thế này, xuất hiện trong một số tác phẩm tôn giáo của Chagall, và được giải thích là tiên tri Elijah hay “Người Do Thái lang thang trên đường”. Chiếc thuyền ở bên trái, có lẽ, là chiếc thuyền của những người Do Thái chạy nạn.

Trong tranh, không chỉ có hình ảnh dấu thập ngoặc của Phát xít Đức (trên băng đeo tay của kẻ đang đốt nhà bên phải), mà còn có cờ đỏ của những người cộng sản đang cầm giáo mác hò reo ở bên trái. Người Do Thái, là nạn nhân của cả hai...

Phía dưới cùng, ở chính giữa, là giá nến 7 cây của nhà thờ Do Thái giáo. Nó có ý nghĩa của sự cầu nguyện

Marc Chagall vẽ bức tranh này trong thời gian ở Paris, khi ông nhận được tin tức về sắc lệnh chống người Do Thái do Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels của Đức Quốc xã công bố vào ngày 9 tháng 11 năm 1938, chuyện người Do Thái bị đàn áp dã man ở Litva ngay sau đó. Bức tranh, cũng được xem là một dự báo về tình cảnh ngày càng bi thảm hơn của người Do Thái ở khắp Đông và Trung Âu...

Bức tranh như vậy, không nhằm thể hiện câu chuyện trong Tin Mừng. Marc Chagall mượn hình ảnh Chúa bị đóng đinh trên Thập Tự Giá, để thể hiện khổ nạn của người Do Thái.

Bức tranh này, hiện tại, đang được trưng bày trong Viện Nghệ thuật Chicago. Được xem, là “bức tranh tuyệt vời nhất của Marc Chagall"

Nguyên Hưng

(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2014)

BBT: Đây là một trong những bức tranh DTC Phanxico yêu thích

Đăng nhận xét

0 Nhận xét