“BỮA TIỆC LY”-TÁC PHẨM XUẤT SẮC NHẤT CỦA HOẠ SĨ NGA NIKOLAI GE (1831-1894)
Nikolai Ge vẽ bức tranh “Bữa tiệc ly” (283cm x 382cm) này năm 1861, sau một năm không vẽ gì, và có ý định từ bỏ hội họa. Khoảng thời gian này, ông đang ở Florence, Ý. Bộc lộ qua thư từ gởi cho bạn bè ở Nga, đây là giai đoạn khủng hoảng của ông. Ở Ý, ông ngưỡng mộ các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo vĩ đại hiện diện khắp nơi, và cảm thấy mình không thể làm được gì mới mẻ hơn...
Về chuyện ông vẽ “Bữa tiệc ly”, và chọn thời khắc Judas đứng dậy khoác áo ra đi, theo một số nhà phê bình mỹ thuật Nga sau này: thể hiện ý thức tôn giáo của ông. Ông bị ám ảnh bởi nhân vật Judas. Ông thấy mình trong đó-lòng đầy hoài nghi và cô độc. Trong tranh, dường như Judas đã đứng dậy bỏ đi, sau một cuộc cãi vã... Bức tranh này của ông, như “một tuyên bố ly khai”...!
Tuy nhiên, theo các nhà phê bình mỹ thuật khác, thì đó chỉ là những suy diễn đầy thành kiến. Đúng là Nikolai Ge đã từng bị “khủng hoảng đức tin”, nhưng ông “đã được cứu rỗi”. Nếu bỏ qua các ý kiến bên lề, và chỉ nhìn vào tất cả những gì được thể hiện trong tranh, hẳn thấy điều đó. Tư tưởng chủ đề rất rõ ràng qua cách thể hiện vừa trực quan vừa đầy ẩn ý. Trong tranh, người xem nhận ra sự u sầu của Chúa Jesus, sự kinh ngạc của các Thánh Tông Đồ-nổi bật là John ở bên phải và Peter bên trái. Tất cả, đều ở trong vùng sáng. Trong khi đó, Judas, khi bước ra, đã quay lưng lại, đã bước vào vùng tối. Đã trở thành tối tăm. Bức tranh trong ý nghĩa như vậy, là một sự “tuyên xưng đức tin”.
Các ý kiến phản đối bức tranh này trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, cho đến nay, chủ yếu đứng trên quan điểm truyền thống. Truyền thống vốn tin, đã vẽ “Bữa tiệc ly”, thì phải tập trung định hướng về “Bí tích Thánh Thể”-mà bức tranh của Leonardo da Vinci là mẫu mực.
Năm 1863, Nikolai Ge mang bức tranh về Saint Petersburg-Nga-tham dự Triển lãm Hàn lâm tại đây. Hội đồng nghệ thuật của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia đã khen ngợi kỹ năng hội họa của nghệ sĩ hết lời, và phong tặng ông danh hiệu giáo sư lịch sử hội họa. Bức tranh đã được Hoàng đế Alexander II mua và tặng cho Bảo tàng của Học viện Nghệ thuật.
Hiện tại, “Bữa tiệc ly” của Nikolai Ge được trưng bày tại Rusian Museum, ở Saint Petersburg.
(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2014)
0 Nhận xét