Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

MỜI GỞI BÀI CỘNG TÁC CHO MỤC ĐỒNG 21

 MỜI GỞI BÀI CỘNG TÁC CHO MỤC ĐỒNG 21

* Hiện nay MỤC ĐỒNG 20 “Chung một mái nhà” đã dừng nhận bài về chủ đề này, chuẩn bị “chốt lại” bản thảo để gởi xin giấy phép và bắt đầu tiến hành dàn trang trình bày. Ngay sau đó, sẽ tiếp tục đọc chọn bài cho MỤC ĐỒNG 21 “Hương trầm dâng Chúa” để kịp phát hành vào tháng 1/2022 mừng Xuân mới (Vì thế số này sẽ dừng nhận bài vào nửa cuối tháng 11/2021). Xin giới thiệu trước “Lời mở đầu” của tập này như “gợi ý” về những nội dung chính để quý tác giả dễ hình thành ý tưởng cho bài viết. Ngoài ra, đây cũng là số báo đón mừng ngày Tết cổ truyền, nên cũng có thể viết về những câu chuyện xoay quanh đề tài này. Rất mong quý tác giả nhanh tay gởi bài cho số báo đầu năm mới để không phải “lỡ hẹn với Mùa Xuân”.


+ Lời mở đầu MỤC ĐỒNG 21: HƯƠNG TRẦM DÂNG CHÚA


Hình ảnh của một người Công giáo cúi đầu vái hương thành kính trước bàn thờ đã không còn quá mới mẻ và xa lạ. Có lẽ đã xa rồi cái thời người lương dân hay nói: Theo Đạo là bỏ ông bà! Cũng đã xa rồi cái thời người Công giáo hay đánh đồng nghi thức vái hương cúi đầu với việc mê tín dị đoan.

Hương trầm bay tỏa trước bàn thờ vốn là một hình ảnh rất linh thiêng và nên thơ, đã có từ tận nền tảng của niềm tin vào Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên cùng ĐỨC CHÚA của mình thế này: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan/ Và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141,2). Tựa làn trầm hương bay nghi ngút trên bàn thờ, người vái hương ước mong tâm tình và những lời khẩn nguyện của mình cũng bay lên trước ngai tòa Thiên Chúa. Thơm tho và linh thánh.

Bởi thế, trong số những hình ảnh đẹp ngày Tết, không thể không kể đến những nén hương trầm. Hương trầm là kết tinh của sự sống từ những dòng nhựa cây, là mộc dược đã hấp thụ linh khí đất trời. Hương trầm được đốt lên, tan thành khói hương, lãng đãng bay về trời, mang theo những lời kinh nguyện chân thành và tha thiết của con người. Ấy là biểu tượng tôn nghiêm và linh thánh nhất của ngày Tết. Trong giây phút cúi đầu lặng lẽ trước bàn thờ, con người được sống với phần linh thánh của chính mình trong cuộc đời làm người. Một người không biết cúi đầu trước bàn thờ là người chưa sống được trọn vẹn thân phận con người của mình, dù con người ấy có quyền cao chức trọng đến đâu, có giỏi giang khí phách đến đâu, có thành đạt giàu có đến đâu…

Một năm mới sẽ không có khởi đầu trọn vẹn nếu người ta không sống được giá trị linh thánh của ngày Tết. Tết không chỉ là để ăn. Bởi con người đâu phải chỉ thuần vật chất, và đời sống con người đâu thể chỉ giản lược trong chuyện ăn uống nhậu nhẹt. Tết không chỉ là để chơi. Bởi con người được sinh ra đâu phải chỉ để tìm kiếm những thú vui chóng qua và vô bổ. Trong giây phút linh thiêng nhất của một năm, khi thời gian chuyển mình rũ bỏ lại phía sau những tháng ngày đã cũ để hướng đến một năm mới, những nén hương trầm lại la đà bay lên trên bàn thờ. Trong bầu khí thơm tho và linh thiêng ấy, những kẻ xa nhà tìm lại được mùi hương của tổ ấm. Giữa la đà trầm hương, những đứa con được trở về nhà để học nghe lại đạo nghĩa luân thường, học tìm lại chữ thiện chữ lương trong tâm hồn, học nhớ về cội nguồn gốc gác. Được hưởng một cái Tết bình yên với hương trầm thơm ngát, tâm hồn con người được ươm nồng và bồi dưỡng, lại có thể ngẩng đầu an nhiên làm người.

Tuyển tập Mục Đồng tập 21 với chủ đề “Hương Trầm Dâng Chúa” xin giới thiệu đến quý vị và các bạn những bài viết về giá trị tâm linh của ngày Tết, về ý nghĩa của niềm tin tôn giáo trong việc cử hành mừng Tết cổ truyền của dân tộc, về lòng thảo hiếu với cha mẹ và ông bà tổ tiên, và chiều kích nguồn cội trong đức tin của một con người… Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong Mục Đồng tập 22 với chủ đề “Dòng Sông Chữ Việt”.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét