Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

NGƯỢC... - Nguyễn Chí Ngoan

 NGƯỢC...

Nguyễn Chí Ngoan  
(Kiên Giang)

Chiếc ghe dừng lại trước nhà, người đàn ông có khuôn mặt lang ben ăn gần hết tuột xuống sông nói với lên bờ bằng cái giọng “kháp kháp”:

- Chủ nhà ơi, cho tui xin mót nhau trâu (*) dưới bến này nha.

Con Rớt ngồi trên cầu gật đầu cái rụp mà chẳng hề để ý gì đến động tĩnh của tôi. Người đàn ông cũng chỉ hỏi cho có lệ rồi lại bắt tay vào công việc của mình, vì cứ độ chừng nửa tháng người đàn ông đó lại tấp ghe vào hỏi xin mót nhau trâu quanh cái ghe mục trước nhà. Nghề mót nhau trâu bán cho chủ vuông tôm chẳng có là bao, nhưng cũng đỡ được phần nào cho người không có miếng đất cắm dùi giữa những ngày thất sở. Con Rớt ngồi trên cầu sàn lãn quẫy nước sông, miệng hát vu vơ mấy bài hát nửa vời. Người đàn ông mót nhau trâu như chẳng hề để ý đến mớ lời được phát ra từ miệng con Rớt. Nó đứng bật dậy, chống nạnh nhìn về phía người đàn ông luôn cúi mặt.

- Tui nghe đồn… ông thích Má tui!

Người đàn ông tháo dây, leo lên ghe giật máy chạy đi mất. Khói từ cái máy xập xình đâu có làm mờ dáng hình của người đàn ông trốn chạy. Tôi nhìn con Rớt lắc đầu.

- Chuyện người lớn… Em biết gì mà nói.

Con Rớt nhìn tôi tỏ vẻ không hài lòng.

- Ai biểu ổng nhát hít làm gì. Thương thì nói đại ra đi. Lòng vòng chi cho thiên hạ đồn rồi mắc cỡ.

Từ hồi ba con Rớt rửa chân leo lên bàn thờ, cánh đàn ông trong xóm mò đến nhà nó muốn rách đáy quần. Không dưng nhà có nhiều người đến, Má nó mở quán cà phê, thuốc lá buôn bán đắp đổi qua ngày. Người đàn ông mót nhau trâu vẫn thường đậu ghe lại, đứng cúi mặt trước nhà, miệng thều thào “Bán cho tui gói thuốc”. Mà chẳng bao giờ thấy ông hút thuốc!

Đàn bà trong xóm Lung cứ lườm nguýt mỗi khi đi ngang qua cái quán nhỏ có mấy cái bóng đèn chớp nháy liên tục. Những bà mẹ cũng tiện thể cấm tuyệt đối không cho con mình có bất cứ thứ gì liên quan đến con bà bán cà phê “không đường”. Con Rớt cười nửa miệng: “Tụi mày mới không xứng đáng chơi với tao”. Nó tự cho mình cái quyền hơn đám con nít bị “bỏ chữ vào mồm”, nó cũng không có nhu cầu làm thân với bất cứ ai. Nó vẫn thường khoác vai tôi, mắt nhướng nhướng lên trời:

- Thây kệ thiên hạ! Họ có nuôi mình được ngày nào đâu.

Sự dửng dưng của con Rớt cứ làm tim tôi đau thắt lại vào những buổi chiều buồn buồn. Má con Rớt sinh nó vào một ngày mưa như trút. Chiếc đò dọc được phủ kín bằng tấm cao su vẫn không thể nào gói được tiếng la khóc của Má nó. Chủ đò dọc cứ nhấp nhỏm ngó vào trong khe hở nhỏ, coi thái độ ông chồng. Hai người đàn ông lóng ngóng nhìn nhau trong màn mưa trắng xóa. Ba con Rớt thiếu điều muốn quỳ xuống mới làm lay động được ông chủ đò dọc, chở vợ đi đẻ. Đò cập trạm y tế xã, chủ đò dọc hoảng hồn khi thấy cánh tay bé xíu lạnh cóng đang quờ quạng trong mưa, người đàn bà rệu rã đầu tóc bù xù. Ba con Rớt bồng Má nó lên trạm xá trong cơn đuổi xua của ông chủ đò dọc. Người ta thường nói, xui nào bằng xui chở đàn bà đi đẻ. Gặp cảnh đẻ lọt trên đường thì có nước kéo ghe lên bờ trồng hành. Ông chủ đò đạp ghe chạy đi mất hút mà chẳng thèm đợi lấy tiền. Đứng bên ngoài phòng sinh, ba con Rớt đứng ngồi không yên. Y tá hết chạy vào rồi lại chạy ra, không ai chú ý đến sự hiện diện của ông chồng với vẻ mặt đầy lo lắng. Ông chồng gục xuống khi tiếng khóc cất lên hòa vào tiếng mưa xối trên hàng mái tôn cũ mục. Cái tin con Rớt đẻ ngược lan khắp xóm Lung, người trong ta ném vào đứa trẻ vừa thấy mặt trời những lời lẽ sâu cay.

- Con Lến ăn không nói có nên mới đẻ ngược vậy. Lúc có bầu không lo tu cái miệng, bô lô bô la chuyện làng chuyện xóm làm chi.

Đám cỏ ngoài ngã tư ngã rạp hằn lên dấu ngồi lồi lõm, gió từ những chiếc nón lá của cánh đàn bà xóm Lung mang mớ lời đi xa đến thẳng tai người. Má con Rớt nghiến răng kèo kẹo trong lúc dỗ con ngủ. Nghĩ, mớ than nguội lạnh dưới sàn chỉ cần Má con Rớt chạm vào thôi cũng bừng cháy. Ra tháng, Má nó đã đứng trong nhà chống nạnh chửi xon xỏn, để mặc cho ba nó với mớ chén đũa ngổn ngang. Má con Rớt trở thành “điển tích” trong việc dạy đàn bà có thai trong xóm. Câu nói dài ngắn khác nhau nhưng đủ làm dày thêm nỗi đau của người trong cuộc.

Năm con Rớt hết đái dầm, ba nó xiệt chuột bị điện giật chết. Hồi khiêng quan tài đi chôn, con Rớt còn nắm áo ông thầy chùa. Nhìn đứt ruột. Má nó xỉu lên xỉu xuống nên đâu có để ý đến mớ lời bị khói nhang làm bạt lại phía sau.

- Thứ đàn bà nói tiếng đàn ông, không sát chồng cũng ganh con.

Con Rớt lớn lên cùng thứ lời nói mang hình móc câu sẵn sàng găm vào lòng người, tươm máu. Khác với má, nó chẳng bao giờ chửi lại với bất cứ ai ném vào nó những lời cay nghiệt. Nó nhìn tôi cười.

- Kệ, ai có sức thì nói. Mình có bụm miệng người ta lại được đâu. Chửi chi cho tốn hơi.

Chính vì không thể bụm miệng được thiên hạ nên cứ mỗi độ xế chiều người xóm Lung lại nghe tiếng chửi thề lốc cốc. Má con Rớt cũng bỏ cuộc sau năm lần bảy lượt biểu nó ra chửi tiếp hay lấy chổi chà đơm lên đầu mấy bà nhiều chuyện, chu mỏ vào chửi đổng. Những lúc ấy nó chỉ nhìn về phía xa xa, miệng nói bâng quơ: “Hơi sức đâu mà Má để ý đến chuyện người ta nói gì”.

Con Rớt vẫn thường tạt qua nhà tôi, ngồi nói chuyện năm sông bảy núi. Những câu chuyện rời rạc, chắp vá vào nhau. Đoạn vừa kể xong, thế nào nó cũng buông một câu gọn ơ.

- Mấy bà đó nói chuyện “ba tô chắc còn vô được một muỗng”.

Tự dưng tôi thấy tuổi thơ của con Rớt bị sứt mẻ đi mấy phần. Chiều nào nó cũng loay hoay bên cái cầu sàn lãn ngó đám bạn tắm sông, thả diều. Con Rớt từ chối mọi cuộc rủ rê của đám bạn, vì một chiều buồn buồn Má thằng Đất lôi nó ra “vợt” vài cây khi bắt gặp nó chơi với con Rớt. Thành ra, con Rớt cứ đứng từ xa nhìn đám bạn hồn nhiên như sông nước ngoài kia.

* * *

Không biết từ đâu mà người ta tin vào việc cái đứa đẻ ngược có thể vuốt xương bị mắc ở cổ xuống một cách ngon lành. Dù bị coi rẻ nhưng hễ trong xóm có ai bị mắc xương đều tìm ngay đến con Rớt nhờ nó vuốt giùm. Con Rớt mặt vẫn dửng dưng.

- Hết chuyện tin vào mấy thứ tào lao.

Đám trẻ ăn uống vội vàng mắc xương thường nuốt trọng nắm cơm nguội rồi đến nhờ “bà thầy” vuốt cho xuống. Cái xương cá mắc ở cổ còn rơi xuống sau những lần đè nén, vậy mà cái gai trong lòng người sao đè hoài không chịu xuống. Con Rớt bị thím Tư chửi không biết tàu ghe nào chở cho hết, khi một bữa thằng Tèo bị mắc xương, con Rớt vuốt cho, về đến nhà, cổ nó bị trầy một đường dài rướm máu. Thím Tư nói con Rớt thù hằn cá nhân nên mới hại con thím. Hỏi ra mới biết, thằng Tèo chui vô bụi lùm hái bình bát bị cây quẹt vào. Thím Tư cười:

- Về nó có nói đâu?

Con Rớt tuổi con cọp, ẩn tuổi với Má nó. Nghĩ, nó mà có tính cọp chắc nó đã vồ vào thím Tư cho ra lẽ như tính của Má nó. Nhưng chắc nó cốt con mèo nên nó chỉ nhìn về phía xa xăm.

- Vài bữa đừng có mượn vuốt xương giùm là được.

Ở xóm Lung con gái tuổi cọp thường khó có chồng. Mấy lần tôi hỏi con Rớt có sợ tuổi cọp không? Nó ngó bầy chuồn chuồn chấp chới:

- Thằng Đất đẻ bọc điều đó. Nó cũng ăn cơm với muối muốn sặc máu, ba nó nhậu xỉn vô cũng đánh Má con nó lên bờ xuống ruộng. Sướng đâu không thấy.

Buổi chiều mưa lất phất, con Rớt ngó ra sông. Lâu rồi không thấy người đàn ông mót nhau trâu lại bến, cũng không thấy ông tạt qua nhà mua gói thuốc với chút ngượng ngùng. Con Rớt thở dài, chắc ổng nghe Má nó tuổi dần, số sát chồng nên chạy mất… ghe. Má nó cũng thẫn thờ nhìn ra sân tìm một bóng dáng ngại ngần. Mái nhà được vá víu bằng đủ thứ hình thù cũng mục rữa theo thời gian, tối ngủ trong mùng nước mưa dột ướt cả tấm lưng. Sáng con Rớt leo lên lợp lại nóc nhà, Má nó còn đứng trước sân chống nạnh chửi với theo mấy bà vừa đi qua bỏ lại mớ lời khó nghe. Mái nhà rách thì lợp lại còn lòng người một khi đã rách thì khó mà lành lại, chắp vá thứ gì cũng thấy thênh thang.

Đoạn đường về nhà nội con Rớt bị mấy bụi cây mọc um tùm che mắt. Lâu lâu đi lại thấy một sự đổi thay đến bất ngờ. Mà lòng bà nội con Rớt đâu có bớt đi nỗi đau mất con. Hôm đám cưới, bà Mười còn xắn quần lên rượt theo cản đứa con trai ngỗ nghịch. Bà sẵn sàng bỏ của để ngăn đứa con trai thoát khỏi tai ương với con vợ tuổi Dần. Đi coi chín thầy thì có tới mười thầy nói tuổi kỵ nhau, nửa chừng bị gãy gánh. Mà thằng con trai cứ cứng đầu không chịu nghe lời. Bữa bà ôm xác đứa con trai khóc ngất, ánh mắt đăm đăm nhìn về phía con dâu tuổi Dần, ẵm đứa cháu tuổi Dần. Kỵ cỡ đó sao con bà không chết cho được?

Con Rớt về nội trong sự ghẻ lạnh đến tê người. Sự tồn tại của nó còn thua con mèo mun mà bà nội nó thường ẵm trên tay. Má nó thề không về, từ bữa hạ huyệt bà nội cầm di ảnh chỉ thằng vào mặt Má nó.

- Tại mày mà con tao mới chết.

Câu nói đó dường như rớt lại xuống đất, mọc rễ cắm sâu vào đất. Lâu lâu nó lại tỏa ra một mùi hương đủ làm tan nát lòng nhau. Mỗi lần đi về nhà nội xong, con Rớt đều tạt qua nhà tôi thở dài thậm thượt. Mấy lần định hỏi nó, sao biết vậy còn về nhưng thôi…

Sau một hồi lặng thinh, con Rớt đưa bàn tay lên nhìn miệng thều thào.

- Nữa không biết số em có phải đi xin ăn như người ta nói không?

- Ủa, sao em nói tin chi mấy chuyện tào lao đó mà?

Con Rớt bỏ về nhà, tiếng gió vẫn âm âm sau bờ lá.

- Bà nội em đi coi thầy rồi.

Ngọn gió giật mình thổi xiết, mang theo chút hương đồng ngai ngái. Dáng con Rớt đã khuất sau rặng bần già xơ xác. Bàn tay lành lặn cầm nắm cái gì cũng chặt, chỉ có những tiếng người làm nó mềm nhũn ra. Hôm thím Lến đẻ lọt cái tay nó dưới đò dọc, người ta ngồi chống cằm, số con nhỏ này nữa đi xin ăn, nghèo chết. Con Rớt thường bỏ ngoài tai mình tất cả những gì người xóm Lung nói xấu về nó. Nhưng lần này, bà nội nó nói chắc như đinh đóng cột. Hệt như cái lần bà cản ba nó. Con đường về nhà nội chắc ngày một xa hơn.

* * *

Bữa thím Lến vớt con Rớt với thằng Tèo dưới sông lên, thím Tư còn bận ngồi trước nhà nói chuyện “thiên đình”. Thím Lến chỉ la lên được một tiếng rồi nhào xuống sông lôi hai đứa với cái bụng óc ách nước lên bờ. Thằng Tèo nằm xụi lơ, gương mặt trắng bệch chẳng còn chút máu. Thím Lến với con Rớt ép ngực một hồi thằng Tèo mới mở mắt ra nhìn. Vừa thấy thằng Tèo nhút nhít, Má con con Rớt ôm nhau khóc mướt. Khi thím Lến đánh vào mông con Rớt, hàng xóm đã bu quanh hai bên bờ sông. Nước mắt đâu có tan đi lúc thím đưa roi lên đánh.

- Mày có bề gì tao biết sống với ai đây?

Con Rớt nép vào lòng thím Lến. Dù lằn roi kia vẫn còn hằn trên thịt da nó. Người xóm Lung lại xì xầm chuyện “bà Thủy” bắt con nít đi. Đoạn sông cạn èo mà lâu lâu lại có đứa chết đuối, cúng kiến không biết bao nhiêu mà trẻ con xóm Lung vẫn bị. Má thằng Tèo vừa mở miệng cười đã kịp méo đi khi thấy thằng con nằm xụi lơ trong vòng tay của bà con xóm Lung. Má con Rớt dẫn nó về nhà bỏ lại phía sau những gương mặt người nhếch nhác với tiếng xì xầm như nối dài nhau bất tận.

Cả xóm chưng hửng, khi thấy trái banh trôi lơ lửng dưới sông. Lúc đi ngang cầu, thằng Tèo để trái banh rớt xuống nước. Nó lấy cây vói ra vớt trái banh, làm cả người nó ngã nhào xuống nước. Chẳng chút nghĩ ngợi, con Rớt nhảy xuống sông vớt nó. Hai đứa cọ quậy, vùng vẫy một hồi mà chẳng thấy bờ. Thằng Tèo cứ ghì chặt con Rớt không buông, đến lúc Má con Rớt nhào xuống lôi hai đứa vào bờ thì đứa nào đứa nấy đã uống nước no nê, mắt đỏ ngầu. Thím Tư thập thò một lúc mới vào được đến nhà con Rớt, thím Lến làm mặt lạ như không hề thấy sự tồn tại của thím Tư. Thằng Tèo chìa tay đưa bụi bông súng về phía con Rớt, để mặc cho Má nó ngọng nghịu bên hàng ba.

- Bông súng non ngon lắm. Chấm mắm kho, ngon hết sẩy.

Thằng Tèo nắm tay con Rớt chạy về phía cánh đồng nghi ngút khói. Dáng hai đứa trẻ khuất dần theo ngọn khói đốt đồng mờ nhạt, chỉ có tiếng cười còn ở lại dội vào lòng người khôn nguôi. Chiều đó, Má con Rớt và thím Tư ngồi lại với nhau rất lâu. Những tiếng sụt sùi xuyên qua vòm lá, đi qua từng nóc nhà của xóm Lung. Hai người đàn bà tựa vào nhau, hoàng hôn đổ dài cả mặt sông. Bữa đó, con Rớt về nhà muộn lắm. Mấy cái bóng đèn xanh, đỏ, tím, vàng trước quán cà phê cứ làm cho người đi đường hoa mắt. Phía trong nhà, có một dáng người đàn ông rất quen. Người đàn ông sẵn sàng bán chiếc ghe leo lên bờ bưng cà phê, bỏ ngoài tai sự đầm đìa nghi kỵ. Nghe đâu, người đàn ông ấy cũng tuổi Dần…

---------------------------------------------------------------------------------------

(*) Nhau trâu: thường bám vào cây, tàu ghe dưới sông, thường được lấy về làm mồi cho cua.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét