MỘT THOÁNG VÙNG CAO
Hạ là sinh viên
năm nhất, cô ở ngoài Bắc. Cô xa nhà, học khoa Ngôn ngữ học tại Trường ĐHKHXH&NV
Tp.Hồ Chí Minh. Hạ ở chung với mấy đứa bạn học Bách Khoa, Kỹ thuật. Mỗi tối ở
kí túc xá chúng bạn hay đàn hát rôm rả, làm thơ và chia sẻ chuyện thường ngày.
Mấy đứa bạn hay hỏi Hạ về vùng cao ngoài Bắc, chúng còn hay trêu ghẹo nhỏ Hạ là“nàng thơ Thủ Đô”. Đôi khi ngồi lại ngẫm
nghĩ thì Hạ thấy bản thân cũng hay phiêu thật! Nhưng Hạ chưa được chu du hết
trong bầu trời lộng gió của núi rừng ngút ngàn Tây Bắc. Hạ ôm mộng được lên lại
đó để khi trở về Hà Nội sẽ có nhiều chuyện kể cho đám bạn cùng phòng. Được dịp
về quê, Hạ xin phép bố mẹ khoác balô đi ngược lên vùng cao làm một chuyến thực
tế.
Cảnh vật thì hùng vĩ nhưng con người ở đây đều rất giản đơn,
bình dị. Trong bản không có những dãy nhà cao tầng mà chỉ có nhà sàn. Những
ngôi nhà sàn trông như những con bọ ngựa tựa vào vách núi. Núi thẳng đứng, núi
trùng trùng điệp điệp, núi cao nối tiếp núi cao. Quả thật, nhà khoa học vĩ đại
Albert Einstein nổi tiếng đã nói đúng:“Hãy
nhìn sâu vào thiên nhiên, bạn sẽ thấu hiểu mọi thứ rõ ràng hơn”. Cứ đi đâu tìm kiếm thứ quẩn quanh, nhưng
lại không biết rằng những thứ ta lang thang tìm kiếm luôn ở xung quanh. Chỉ cần
nhìn thật kỹ vào thiên nhiên, ta sẽ nhận ra mọi thứ một cách thấu đáo. Con người
ở đây là người dân tộc thiểu số, là người dân tộc H’mông, họ mưu sinh trên từng
vách đá mà vẫn tươi tắn, hồn nhiên, chân thật và rất thân thiện. Hạ lên đến nơi
vào tầm trưa. Xuống xe, Hạ nhìn thấy tụi trẻ con đang nô đùa cả đám ở bãi đất
trống dưới ruộng bậc thang, gần một nhà nguyện của bản. Hạ chạy tới thì đám trẻ
nhốn nháo vui cười, kháo nhau: “Cô giáo, chúng mày ơi cô giáo lên kìa”. Đám trẻ
con gọi nhau í ới và hướng mọi cặp mắt về phía Hạ.
Hạ nghe mấy chị lớn tuổi nói: Các em nhỏ ở đây cứ thấy người
Kinh lên là rất vui, chúng nghĩ chỉ có cô giáo, thầy giáo, có các Dì và các Cha
mang cái chữ, mang Chúa và quà lên đây. Hạ chưa phải cô giáo nhưng cứ để chúng
gọi vậy cho vui. Tụi nhỏ quây quần, ôm lấy cô sinh viên, ngó nghiêng balô của Hạ
xem có mang gì lên cho chúng không. Hạ lấy đưa cho các em một túi kẹo, chúng
chia nhau ăn rồi rủ Hạ.
“Cô giáo ơi, cô đi bắt cá với chúng em”
“Bố mẹ các em có nhà không?” - Hạ hỏi để gây sự thân thiện.
“Mọi người đi đào măng hết rồi cô ạ! Giờ cô đi với chúng em
đi cô!”
Cô sinh viên không muốn bỏ lỡ một cơ hội thú vị, liền bảo: “Nào
thì chúng ta cùng đi”. Chỉ chờ Hạ nói vậy, tụi trẻ liền đi sát bên Hạ, đứa
khoác tay, đứa níu áo, làm như Hạ đã quen thân với chúng từ lâu.
“Trước hết chúng ta đi vào nhà nguyện viếng Thánh Thể đã
nhé!”. Hạ rủ mấy đứa nhỏ cùng đi. Nhà nguyện là nhà của một người dân của bản,
họ chia ra làm một ngăn, có một mảnh bạt che phủ ngang để làm nơi thờ phượng. Tụi
trẻ con cùng nhau quỳ xuống chắp tay kính cẩn. Nhìn chúng thật dễ thương và
đáng yêu đến xao lòng.
Ban ngày, người lớn ở bản đi làm hết. Hạ nhìn thấy một chàng
thanh niên tầm tuổi mình đang lùa mấy con bò đi qua. Bọn trẻ nói anh tên là
Xình. Xình cao to vạm vỡ, khuôn mặt tròn trĩnh, đầy đặn, đầu nghẹo về một bên,
mặt nổi những mụn trứng cá, mặc chiếc quần thun rộng, xoắn cạp quần vén ngoài
áo, cứ đi được một quãng chàng ta lại xách quần lên. Hạ thoáng nhìn thấy ở
gương mặt “dị tướng” ấy những sợi lông tơ hai bên mép cứ rung rung. Cậu nhìn cô
sinh viên như muốn thôi miên, nhưng khi bị Hạ nhìn “chiếu tướng” thì cái mặt lại
nghệch ra như một đứa trẻ con. Lũ trẻ bảo Xình mắc chứng động kinh, thỉnh thoảng
lại lăn mình trên đất giãy giụa, bọt sùi ra hai bên mép. Những lúc ấy trông
Xình thật đáng sợ. Hạ rủ lũ trẻ con tới chỗ Xình chăn bò thì đám trẻ ngăn cô ấy:
“Cô giáo đừng ra chỗ Xình, hắn lên cơn động kinh là hắn đánh
cả cô đấy!”
Hạ vốn có máu phiêu lưu nên bảo:
“Cứ ra xem anh ấy chăn bò, nếu anh ấy dở trò gì, cô che chở
cho”.
“Cô có võ à?”
Hạ mỉm cười khẽ gật đầu. Thế là lũ trẻ ùa theo Hạ đi đến bãi
cỏ nơi Xình đang chăn mấy con bò. Đợi cả nhóm gần tới nơi, Xình bốc phân bò ném
về phía lũ trẻ con, làm chúng chạy tán loạn, hét lên: “Cô ơi chạy đi”. Hạ không
chạy mà quay về phía Xình nói to: “Xình, Xình ơi, không ném nữa”. Thấy cô bạn
sinh viên không ngại ngần tiến về phía mình, chàng trai cứ nhìn chăm chắm vào Hạ,
rồi hai tay xòe ra cho phân bò rơi xuống. Hạ hỏi:
“Tại sao em lại ném phân bò vào các bạn?”
“Tại chúng nó không chơi với em!” - Xình nói, đôi mắt còn đỏ
ướt tức giận.
“Các em ấy sợ Xình thôi, Xình vứt cái ở tay rồi đi xuống suối
rửa sạch đi” - Hạ ân cần nói với em. Hạ đưa tay ra để Xình nắm tay mình đi rửa,
chàng thanh niên đưa tay sạch ra ngần ngại nắm lấy tay cùng Hạ xuống suối rửa.
Cậu bình tĩnh trở lại, vừa đi cậu vừa hỏi cô bạn sinh viên với giọng nói khàn đặc:
“Cô giáo lên dạy học chúng mình ạ?”
“Không, chị không phải là cô giáo, chị là sinh viên lên đây
chơi với các em thôi”
Xình vừa rửa tay, vừa háo hức hỏi Hạ:
“Thế cô giáo có ở Hà Nội không? Hà Nội có tháp Rùa to khổng lồ,
có hồ Hoàn Kiếm, có máy bay bay lượn đúng không cô?”
“Chị ở dưới Hà Nội. Đúng rồi, Xình giỏi quá !”
Chàng trai thấy Hạ gần gũi và không ác cảm với chàng nên cậu
đã chia sẻ:
“Mình muốn được đi học mà bố mẹ không cho đi. Muốn giúp lễ
cho cha mà cũng không được. Nhiều lúc mình chỉ muốn ăn lá ngón mà chết đi cho
xong. Lớn rồi mình muốn lấy vợ mà chẳng có đứa con gái nào nó đồng ý lấy mình cả.
Mình buồn lắm”.
Vừa dứt lời, Xình nhìn thấy lũ trẻ con đang bắt cá dưới suối,
Xình bỏ chạy. Hạ có gọi với thế nào Xình cũng không quay lại. Cả buổi hôm đó, Hạ
không thấy bóng chàng trai ấy xuất hiện nữa. Ngày hôm sau, khi cô nàng sinh
viên đang dạy lũ trẻ con hát bi ba bi bô những bài hát thiếu nhi bằng tiếng
Kinh, thì bóng dáng Xình thấp thoáng sau phía cây mộc miên. Chàng trai lén nhìn
Hạ, thập thò cái đầu nghẹo, khi bị Hạ phát hiện và nhìn thẳng thì Xình cười. Hạ
khoe với đám trẻ con:
“Cô nhìn thấy anh Xình ở đằng cây cao phía kia, gọi anh ấy lại
đây chơi đi các em”.
“Hắn đang rình chú thợ máy cày đấy cô” - Một đứa nhỏ nói với
Hạ.
“Xình rình để ăn cắp gì vậy?” - Hạ tò mò hỏi.
“Không ăn trộm đâu cô, Xình rình để ngửi mùi xăng đấy cô” -
Thắng nói với cô sinh viên chắc nịch.
“Sao lại chỉ rình rập để ngửi mùi xăng thôi, các em đã nhìn
thấy nhiều lần chưa?”
“Nhiều lắm cô giáo! Xình bị làm sao đấy cô ạ, thỉnh thoảng
đang chơi bỗng dưng lăn đùng ra, mắt trắng nhỡn, giãy giụa đùng đùng, rồi nằm
im bất động 5-10 phút mới đứng dậy cô ạ!”
Xình bị động kinh. Hạ thấy run run nhưng vẫn muốn tụi nhỏ kể
tiếp.
“Anh ấy có làm hại ai bao giờ không?”
“Xình tốt lắm cô giáo ạ! Bình thường không lên cơn động kinh,
Xình hay đi lấy nhót cho chúng em ăn, đi bắt được bao nhiêu cá Xình cũng đưa
cho chúng em nướng hết. Xình còn đi lấy hoa mận về cho tụi con gái ở bản chơi,
có gì Xình cũng cho tụi em, cô giáo ạ!” - Tụi trẻ đều tranh nhau nói.
“Bây giờ chúng ta ra xem anh Xình đi” - Hạ rủ tụi trẻ.
“Cô không sợ à? Chúng em sợ anh Xình lắm cô giáo ạ!”
Ngày trước còn nhỏ, tụi trẻ con có lẽ chỉ “nghiện” ngửi mùi dầu,
khói xe công nông và chạy theo sau thôi. Còn Hạ chỉ nghe và biết về người nghiện
ma túy, người nghiện rượu, nghiện những thứ làm con người ta thỏa mãn cơn mê.
Sao lại có thể nghiện ngửi mùi xăng? Hạ thắc mắc quá nên đi thoáng chân về phía
Xình đang nấp. Cô nàng muốn xem chàng trai này nghiện ngửi mùi xăng kiểu gì mà
tụi trẻ nhắc kể tới như một chuyện kinh dị. Có chiếc máy cày giấu trong bụi tre
bên hông ruộng cùng một can xăng đã sử dụng lưng chừng. Hạ rón rén từng bước về
phía Xình thì cậu ta đã lao thật nhanh về phía chỗ máy cày để can xăng. Xình vừa
chạy tất tưởi vừa kéo chiếc quần thun rộng, tới khu vực có mùi xăng. Cậu ta
nhìn quanh, biết là không có ai theo dõi mình nên cậu ta mở nắp can xăng. Xình
đưa can xăng lên mũi, cậu hít lấy hít để, cậu dúi đầu sâu hơn để ngửi. Hạ tiến
tới gần hơn để chứng kiến chàng thanh niên mới lớn có hành động kỳ quặc. Lúc
này, Xình đã phê với mùi xăng. Những đỏm tóc con sau gáy dựng lên, những mụn nhỏ
li ti trên má cậu rõ rệt. Mắt đỏ ửng lên, long lanh ướt, nhỏ giọt xuống. Hạ
không ngửi thấy mùi xăng vấy vá nhưng vì cậu ta ngửi rất khéo, cậu đưa lên, đưa
xuống để mùi xăng vào sâu hơn trong mũi. Mùi xăng đã bay hơi và Xình đã phê như
một con nghiện lâu năm. Hai bên ria mép của chàng trai đang sùi bọt trắng, mắt
lim dim. Cậu gãi chân tay, vò đầu, bứt tóc, vuốt mũi, nhổ những cái râu lởm chởm
mới nhô trên cằm, và cắn móng tay cụt lủn tới thịt. Xình nằm lăn sóng soài trên
nền đất trống, rung đùng đùng. Cô sinh viên hoảng quá, vụt chạy lại thì có tiếng
mấy đứa trẻ thét: “Cô giáo không được tới gần”.
“Xình bị làm sao rồi kìa các em” - Hạ nói trong run sợ.
“Lát nữa Xình sẽ tự tỉnh dậy cô ạ! Cô giáo đừng động vào người
anh ấy” -Thắng nói với Hạ.
Hạ nhớ lại, một lần có chàng thanh niên bị đông kinh lại uống
rượu say tông vào một bà cụ và làm đổ một chiếc cột cổng nhà Hạ. Mẹ cô ấy không
trách cứ chàng thanh niên say rượu mà mang dầu, mang thuốc ra bóp xoa cho hai
người bị thương. Nhìn Xình như vậy Hạ không làm ngơ được. Hạ chạy lại nhẹ nhàng
giữ em để trấn tĩnh cơn giật. Cô sinh viên đặt nghiêng người em và nhẹ nhàng
xoa bóp chân tay, thái dương cho em như những lần Hạ nhìn mẹ mình đã làm. Chừng
năm phút sau, Xình tỉnh dậy. Cô nhỏ Hạ chạy vội xuống suối lấy nước cho em uống.
Hạ đỡ đầu em dậy và cho em uống nước, Xình háo nước nên uống ừng ực. Chàng
thanh niên mới lớn nằm trong vòng tay của cô bạn sinh viên cười dịu hiền và
nhìn Hạ say đắm. Ánh mắt biết nói của chàng trai làm nàng sinh viên cũng bị cuốn
theo. Từ đàng xa, lũ trẻ con gọi với Hạ đi lấy nhót với tụi chúng. Xình nghe thấy
tiếng tụi trẻ thì đứng lên khỏi tay Hạ nói: “Mình đi bắt cá đây”.
“Xình ở lại đi lấy nhót với mấy đứa nhóc đi”.
“Cô giáo cứ đi với chúng nó đi” - Xình vừa đi vừa ngoảnh lại
nói với Hạ.
Xình đi được một đoạn thì bỗng dưng chàng thanh niên lên cơn
động kinh lại, chàng trai lăn ra và giãy giụa, mắt trợn ngược trắng nhỡn. Hạ chạy
lại, Xình bất tỉnh. Cô sinh viên xoa bóp cho người em mềm lại nhưng vẫn chưa tỉnh.
Hò la kêu cứu thì chỉ có mấy đứa con nít chạy lại. Mọi người cùng khiêng Xình về
nhà. Một lúc sau chàng tỉnh dậy, cậu thở gấp, tim đập thình thịch. Hạ hoảng
quá, lấy nước cho em uống. Hạ nghĩ giờ có bố mẹ chàng trai ở đây thì tốt.
“Các em đi lên rẫy gọi bố mẹ anh Xình về cho chị” - Hạ mau mắn
gấp gáp nhờ sự trợ giúp từ đám trẻ con.
Từ vòng tay của Hạ, Xình ngẩng lên thều thào:
“Đừng gọi bố mẹ mình về, họ sẽ gọi thầy mo tới”.
“Bố mẹ về sẽ cho em xuống thị xã đi bệnh viện chữa bệnh, sẽ gọi
Cha lên đây dâng lễ cầu nguyện cho em”.
“Không… không… Cái sinh viên đừng gọi”.
Xình chưa dứt lời thì đã có tiếng bước chân hớt hải chạy về.
Y như rằng bố Xình dẫn theo thầy mo của làng tới. Ông mang theo chiếc túi, mấy
thứ lá và giấy bùa gì đó Hạ không biết nữa.
“Cô kia đặt Xình lên giường để cho tôi làm lễ” - Ông thầy mo
nhìn chằm chằm Hạ và ra lệnh.
“Xình bị bệnh phải đi bệnh viện, không lễ vái cũng bái gì cả”
- Hạ gặng giọng nói lại với ông thầy mo.
Bố Xình giằng người em từ tay Hạ, kéo lê em lên giường và đặt
em xuống “phịch” một cái. Chàng trai chau mày, kêu la, đau đớn khó chịu.
“Mình không làm lễ đâu…”
Hạ chạy lại bên em và xoa bóp. Ông thầy mo ngồi khoanh chân
trong manh chiếu giữa nhà, lật những trang sách cũ chắp tay khấn vái gì đó. Ông
vái mấy lần rồi nói:
“Hắn đang bị con ma rừng nhập. Chỉ vài ba hôm nữa con ma sẽ về
bắt hắn đi theo nó”.
“Thầy mo đuổi con ma đó đi cho hắn” - Bố Xình chắp tay nói
như van xin.
“Không có con ma nào cả, Xình bị bệnh thì cho Xình đi xuống
thị xã chữa bệnh, không có con ma nào hết” - Cô sinh viên nói lớn một cách chắc
chắn để lấy lại niềm tin cho Xình và bố chàng.
“Cô giáo không biết gì đâu, hắn sắp chết rồi, chúng tôi không
có tiền đi bệnh viện, để cho thầy mo đuổi con ma rừng đi cho Xình khỏe lại đi
chăn bò cho nhà tôi” - Bố Xình vừa rưng rưng, vừa nói quyết đoán.
“Phải cho Xình đi học thì Xình mới biết chữ, cho Xình giúp lễ
như cậu ấy thích, cậu ấy đi làm thì sẽ không có con ma nào bắt cậu đây đi đâu bố
Xình ạ!” - Hạ nói nhẹ nhàng khuyên bố
Xình.
“Cô không biết gì hết, cô ra khỏi nhà tôi ngay” - Ông bố quát
lớn.
Hạ lặng lẽ đứng dậy bước ra chái nhà nhìn dõi vào trong. Xình
cứ nhìn theo Hạ muốn cô bạn sinh viên ở lại. Một lúc sau như nguôi ngoai, bố
Xình rót chai rượu, bắt con gà biếu ông thầy mo và nói ông về. Ông lấy chai nước
phép đặt trên chiếc tủ thóc rảy xung quanh nhà. Bố Xình lấy chiếc khăn mặt ướt
xâm xấp nước bước lại bên giường. Ông lau cho con trai và ngậm ngùi, nâng nấc.
Tiến lại gần hơn bên con, ông khuyên chàng trai điều gì đó khiến Xình cứ chối
khăng khăng.
Sáng hôm sau, ông dẫn Xình tới nhà nguyện của bản “trao” cho
Hạ.
“Tôi đã nghe lời khuyên của cô. Cô gọi Cha lên làm lễ cầu
nguyện cho Xình và làm cách nào để cho Xình đỡ bệnh tôi nhờ cô hết” - Bố Xình
tin tưởng nhờ cậy vào Hạ. Nàng sinh viên còn bỡ ngỡ trước những phong tục và
sinh hoạt nơi đây.
“Dạ được! Cuối tuần Cha sẽ tới dâng lễ và cháu sẽ trình bày với
Cha về vấn đề của Xình. Chú cứ an tâm nhé!” - Hạ nói vui vẻ để trấn an cho bố
Xình.
Đầu giờ chiều, bố Xình dắt Xình tới điểm trường, chàng trai
vùng vằng không hợp tác. Hạ đang phụ một cô giáo ở trường đón trẻ vào lớp. Em
nhìn thấy Hạ thì gọi to: “Cái sinh viên”. Hạ chạy lại, nở nụ cười thân thiện,
nói với bố Xình và chàng trai: “Bố Xình cho Xình tới lớp à? Xình vào lớp học với
chị và các em nào!”. Vừa nói, cô sinh viên vừa cầm tay chàng trai dẫn vào lớp.
Xình mếu máo, nói dứt khoát: “Không học với bọn con nít”.
“Chị sẽ dẫn Xình vào và ngồi học với em. Xình phải chịu khó học
tập và tập thể dục như các em nhỏ thì mới hết bệnh. Thế Xình có muốn lấy vợ
không?” - Hạ dỗ dành, vỗ về thuyết phục chàng.
“Có, mình muốn. Cái sinh viên dạy mình học nhé!”
Hạ mỉm cười gật đầu, mắt chàng trai sáng lên và đồng ý theo Hạ
vào lớp. Bố Xình cám ơn cô sinh viên trẻ tuổi và trở về đi làm.
“Cám ơn cô giáo. Tôi sẽ về đi lên nương tiếp, tôi sẽ mang gạo
lên cho các cô giáo để cho Xình đi học cho hết bệnh”.
Vì chứng bệnh động kinh của chàng nên bố mẹ đã bắt Xình nghỉ
học không cho chàng đi học, cũng vì thế đi học lại Xình gặp rất nhiều khó khăn
trong việc viết. Cũng sắp đến ngày Hạ phải về xuôi. Còn mấy lời hứa trên Hạ
không biết làm điều gì để chàng có thể đi học mà không gián đoạn. Hạ nghĩ ra: Những
đứa trẻ con sợ Xình, Hạ lập hết thành một nhóm và nói các em dạy cho Xình học.
Lúc đầu chúng vẫn sợ nên không đồng ý, Hạ thuyết phục chúng bằng những trò chơi
dân gian thú vị của miền xuôi thì chúng chấp nhận dạy học cho Xình. Hạ biết
chàng trai sẽ không đồng ý để bọn “nhãi ranh” dạy mình nên đã chợt lóe lên một
ý rồi hỏi Xình:
“Xình muốn chị dạy học phải không?”
“Mình rất muốn cái sinh viên ngày nào cũng dạy mình học”.
“Thế bây giờ Xình phải nghe lời chị nhé! Những em nhỏ này sẽ
dạy cho Xình viết giỏi nhất, nếu Xình viết được tên cả gia đình em, viết tên cả
lớp học thì chị sẽ có món quà dành cho Xình. Xình có đồng ý không nào?”
Xình nghe là đám nhóc dạy học Xình, chàng ngập ngừng một lúc
rồi chấp nhận: “Mình đồng ý”.
Xình miệt mài viết, thỉnh thoảng cậu lên cơn động kinh nhẹ
giãy giật một chút rồi lại bình thường. Nàng sinh viên nhìn mà thương chàng
trai. Qua mấy hôm, Xình hòa nhập với mọi người, chơi đùa và viết được.
Buổi chiều hôm cuối Hạ ở đó, cha xứ lên dâng lễ cho điểm bản
và Hạ đã chia sẻ câu chuyện của Xình với vị linh mục trẻ tuổi dấn thân trên miền
sơn cước lộng gió này. Cha hứa sẽ cầu nguyện và ý chỉ mỗi ngày cho bệnh của
chàng trai thuyên giảm và cho giáo dân của bản ngày càng sốt sắng giữ đạo. Bố mẹ
Xình cho Xình trở lại giúp lễ, tâm lý của mọi người phần nào đã được bình tâm lại.
Lễ xong, tụi nhỏ ở điểm trường và ở khu vực xung quanh nhà nguyện rủ Hạ ra suối
bắt cá để nướng. Xình cũng đi. Chàng trai lúc nào cũng cầm tay Hạ, một điều “cái
sinh viên”, hai điều “cô giáo”. Chàng cùng đám trẻ con tung tăng níu áo kéo Hạ.
Cô nàng sinh viên không thể bỏ lỡ cuộc vui cuối cùng của mình ở đây nên đi xuống
suối cùng mọi người. Xình bắt cá và đâm cá rất giỏi, Xình đi ra những chỏm đá
nguy hiểm, luồn trong khe vách để bắt được nhiều về cho Hạ và bọn trẻ ăn. Chẳng
may chàng trai bị rách một mảng da lớn ở lòng bàn chân khiến máu chảy đỏ cả một
đoạn nước suối. Hạ và đám trẻ đưa em lên bờ, mấy đứa nhỏ đi kiếm lá gì đó đắp
vào chân cho Xình. Hạ xé chiếc khăn cuốn cổ băng chặt cho chàng. Có lẽ ở
dưới nước quá lâu với vết thương hở như vậy đã làm em kiệt sức.
“Anh Xình, anh đừng
có làm sao đấy nhé” - Mấy đứa nhỏ vỗ nhẹ vào vai Xình và nói ân cần như vậy.
“Không sao đâu,
bắt cá tiếp đi, lát về nướng cho cô giáo ăn” - Xình cười, gượng nói những câu từ
thật ấm áp khiến tụi trẻ bớt đi lo lắng.
“Em đã bớt đau
chưa? Chị nói tụi nhỏ cùng đưa em về nhà nhé?” - Hạ hỏi Xình.
“Mình không sao
đâu!”. Vừa nói chàng thanh niên mới lớn luồn tay phía sau lưng và vỗ vào mông
tôi. Người H’Mong có tục lệ “vỗ mông” để bày tỏ tình cảm của bản thân với người
mình đang thích. Hạ chau mày tỏ vẻ khó chịu thì chàng trai vừa cười hớn hở tâm
đắc, hạnh phúc như được mãn nguyện, nhưng có chút gì đó quyến luyến nói:
“Cái sinh viên về
xuôi rồi sao dạy mình học được nữa, sao được xem mình giúp lễ nữa?”
Hạ cười dịu dàng
và ân cần với chàng:
“Xình đã viết được
nên chị sẽ có món quà dành cho Xình”. Hạ tháo chuỗi tràng hạt trên cổ mình và
mang vào cổ cho Xình: “Xình xứng đáng được như vậy, đừng tin vào thầy mo ma
chay nào nhé Xình, nhớ đọc những kinh Cha dạy mỗi ngày và tập thể dục để cho hết
bệnh nhé Xình”.
“Chị có một chiếc
điện thoại cũ trước khi đi học xa, chị sẽ gửi lên cho Xình. Mỗi tối Xình muốn
chị dạy học thì viết chữ gửi tin nhắn cho chị, chị sẽ dạy Xình”.
“Ôi! Có thật
không? Cái sinh viên nhớ gửi cho mình nhé, để mình nhắn tin. Cô giáo nhớ quay lại
đây để dạy cho chúng mình cái chữ nhé!”
“Chị không dám
chắc sẽ quay trở lại làm cô giáo dạy học cho các em, vì chị còn học mấy năm nữa
mới ra trường”.
“Thế cái sinh
viên người Kinh có thích mình không?”
Xình hỏi làm cô
nàng sinh viên giật nảy mình.
“Chị rất thương
Xình”.
Trời vùng cao về
chiều càng lạnh, cái lạnh buốt đến thấu da thịt người ta. Hạ lấy mảnh khăn cuốn
cổ còn lại đắp cho cậu, ôm chặt Xình và hôn lên trán chàng. Chàng vui sướng và
cười hạnh phúc. Chàng trai ngẩng mặt lên cao hơn, hai tay vịn cổ Hạ xuống và
hôn nàng sinh viên. Hạ định vùng vằng không đáp, nhưng rồi nhìn thấy những giọt
nước mắt hạnh phúc của chàng rớt xuống má, làm bản thân mình chẳng chần chừ đáp
lại nụ hôn của chàng. Nụ hôn vụng về nhưng thật nồng cháy, như lần đầu tiên làm
chuyện đó của Xình. Mấy đứa nhỏ mang cá nướng và nhót xanh tới quây quần bên
nhau ăn. Mọi người ăn, cười nói vui vẻ như buổi ra mắt. Họ chia tay ấm cúng
trên bờ suối của bản. Hạ dìu Xình từ suối về nhà. Cô nàng sinh viên chào mọi
người và đám trẻ con trong bản để đón xe khách về xuôi. Thắng và các em học
sinh ở điểm trường ôm chặt Hạ quyến luyến. Giáo dân ở nhà nguyện không ngừng
níu kéo và mong muốn Hạ sẽ quay trở lại một ngày không xa để dạy giáo lý, bài
hát cho họ. Còn Xình, Xình đi tập tễnh lại phía đường chỗ Hạ đón xe và ngậm
ngùi nói chia tay:
“Đàng ấy nhớ
liên lạc với mình đấy!”
“Chị sẽ nhắn tin
cho Xình, Xình nhớ học giỏi mau khỏi bệnh nhé!”
“Nàng phải trở lại
nhé!”. Nói xong, chàng trai vẫy tay ngẩn ngơ, nước mắt chảy. Chàng vội lau đi
những giọt lệ, nhưng tụi trẻ con phát hiện ra và xì xào: “Cô giáo làm gì anh
Xình mà anh ấy khóc thế nhỉ?”…
0 Nhận xét