Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH - Anna Bích Hạt

 CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH

Anna Bích Hạt  

(Hội Dòng MTG Thủ Đức)


Tàu về ga lúc chập choạng tối. Nam đứng đó tự bao giờ. Quyên bất ngờ vì gặp lại ánh mắt ấy, ánh mắt mà cô luôn thấy mình còn mắc nợ. “Sao anh biết ngày mình về chứ ?”, đang lẩm bẩm tự hỏi thì Nam đã đưa tay kéo chiếc vali từ tay Quyên. Anh vừa cười, vừa hỏi: “Quyên mệt không? Chị Mai nhờ anh đón Quyên”... “Ra vậy!”, cô thuộc lòng ý đồ của người chị gái, lâu nay chị vẫn khăng khăng cản Quyên đi tu chỉ với một lý do là sợ em khổ. Có lẽ chị nghĩ rằng trái tim Quyên dù gì vẫn làm bằng thịt, mà nó đã một lần rung động, khi có cơ hội, ai dám chắc được nó sẽ không rung thêm một lần nữa. Chị cứ mãi hy vọng… Hà Nội về đêm đẹp lãng mạn lạ thường. Nam nói hai giờ nữa mới có chuyến xe về Thái Nguyên. Vậy là Nam có dịp chở Quyên đi lòng vòng Hà Nội như thuở sinh viên. Quyên ngồi sau, không còn tự nhiên như trước nhưng vẫn nhỏ nhẹ:

- Đáng lẽ giờ này anh phải chở một cô bé dễ thương nào đó rồi chứ nhỉ?

- Cô nào hả Quyên?

- Thì một em trẻ trung xinh đẹp nào đó...

- Có ai đâu mà!- Nam cười hiền lành.

Mặc cho dòng xe cộ ồn ào chảy qua, hai con người lâu ngày gặp lại cứ đua nhau đuổi theo những khoảng không trống rỗng trong lòng mình. Con đường đêm dưới ánh đèn lạnh buốt. Nam tạt vô tiệm chè Sài Gòn trên phố Láng, và gọi hai ly sữa chua nếp cẩm một đá một ấm. Nhìn cái cách ấy, Quyên biết anh chưa hề quên điều gì, kể cả thói quen thường hằng nhất của cô. Nam kể về quãng ngày sau khi ra trường, về gia đình trong lúc sa sút rủi ro, về người mẹ hiền lành nhưng can đảm trong hoàn cảnh khốn cùng nhất. Nam còn kể về những lần anh chứng kiến sự bất công của công nhân khi bị bòn rút, phải vắt kiệt tuổi trẻ và sức lao động ngay trên chính mảnh đất quê hương họ. Sau khi Quyên vô Sài Gòn, Nam lao đầu vào công việc nhưng trái ngành và gánh trách nhiệm về gia đình trên vai. Nhiều lần Nam can thiệp vào mấy vụ bất bình ở công ty, ai cũng gạt đi vì biết tính Nam siêng lo “chuyện làng nước”, sớm hay muộn rồi cũng bị vạ lây. Và rồi đúng vậy, anh phải rời vị trí trưởng phòng và đang tìm việc mới.

Quyên ngồi đó như pho tượng “Người Trinh Nữ”, nghe tất cả và nuốt từng lời chia sẻ của anh. Những vất vả cực nhọc quá nhiều từ ngày xa nhau. Nhưng Quyên vui vì thấy những thứ bên ngoài cuộc sống không dễ gì làm mất đi lòng nhân hậu, những phẩm chất cương trực trong con người anh. Thương Nam quá! Nước mắt Quyên trào ra nhưng đó không phải là thứ cảm tính bồng bột của cô sinh viên mười chín. Nam lúng túng châm điếu thuốc rồi hí hoáy nhắn tin. Quyên cũng mở điện thoại: “Quyên đừng khóc, Quyên mà khóc là có người không cho đi tu nữa đâu”. Quyên cười, nước mắt lại rơi...

* * *

Ngày đó, sau khi ra trường, Nam chọn ở lại Hà Nội lập nghiệp. Có nhiều lý do, nhưng động lực mạnh nhất hẳn anh là người rõ hơn ai hết.

Quyên quen Nam lần đầu tiên trên giảng đường lớn hồi năm nhất đại học. Ngày ấy, sinh viên của mấy khoa xã hội hay học chung một số môn có các thầy thỉnh giảng từ Sài Gòn ra. Giảng đường mênh mông hầu như không còn một chỗ trống. Nhìn lên những bậc ghế cao Quyên thất vọng vì không thấy cô bạn thân ngồi đâu cả. Đang đưa mắt để tìm một chỗ trống, chợt thoáng qua trong hàng ghế cuối, phía trên cao, một cánh tay giơ lên chỉ vào chiếc ghế duy nhất bên cạnh. Trên cổ tay của người con trai ấy có đeo một tràng chuỗi bằng gỗ. Đôi mắt biết cười làm cô thấy thân thiện. Cô ngồi xuống, mỉm cười cám ơn rồi lôi cuốn “Kẻ trộm sách” ra tranh thủ đọc tiếp đoạn kết. Người con trai vừa chỉ ghế trống cho cô bỗng đứng lên. Chưa đầy một phút sau thì có tiếng giới thiệu từ phía giảng đường của thầy trưởng khoa: “Thưa các bạn, học kỳ này, tôi xin giới thiệu với các bạn thầy Nguyễn Hoàng Nam, thỉnh giảng và trợ giảng của khoa. Chắn chắc các bạn sẽ có một bầu không khí trẻ trung và mới mẻ trong bộ môn này. Xin chào đón thầy bằng một tràng pháo tay”. Quyên ngẩng lên, là gương mặt ấy… Cô quen Nam tình cờ như vậy. Những lần gặp gỡ, những giờ giảng và giờ học của hai người cũng như một sự xếp đặt. Hơn nữa còn có Chúa…

Rồi một ngày Nam ngỏ lời yêu. Quyên lặng im. Mỗi buổi chiều, Nam vẫn chở cô đi lễ trên con đường rợp bóng sấu già. Giáng Sinh năm ấy, quà Quyên nhận được là chính chuỗi hạt bằng gỗ mà cô đã thấy Nam mang trên cổ tay trong buổi gặp đầu tiên. Nam thường mang nó như một lời tuyên xưng đức tin giữa một môi trường rất ít người biết Chúa. “Mỗi tối, đọc cho anh nửa kinh thôi, ước mơ của anh thành sự hay không là nhờ Quyên đó”… Quyên mỉm cười gật đầu rồi dí vào tay Nam cuốn “I Chose You”, buông một câu dí dỏm: “Vậy thì Quyên đọc kinh còn anh đọc sách, công bằng nha!”. Thời gian vụt qua như kẻ trộm. Nam vẫn chờ đợi một câu trả lời từ Quyên, nhưng anh biết tình yêu không có quyền chiếm hữu, càng cố giữ nó càng nhanh chóng tuột mất.

* * *

Còn Quyên, sau khi ra trường, cô nán lại thành phố để kiếm việc gia sư làm tạm, nhưng chỉ đủ xăng xe và mua cho các em mấy cuốn tập. Tấm bằng Văn khoa đã nhàu đi vì photo công chứng quá nhiều. Hồ sơ xin việc không nhúc nhích vì không có “phong bì” đi trước! Thi thoảng bố lại đay nghiến: “Thời này chỉ có chuột chạy cùng sào mới đâm đầu vào sư phạm, cứ làm theo ý mình, giờ thì thất nghiệp con ạ!”. Quyên không nói, nhưng đắng họng mỗi khi thấy bố lụi hụi ra vườn vì thằng út sáng nào cũng xin tiền học phí. Từ lâu, Quyên luôn có dự cảm về một cuộc ra đi đầy nước mắt sẽ xảy đến, nhưng lúc ấy cô không dám công nhận nó vì còn đó bố đau bệnh, và hai đứa em nhỏ. Mỗi buổi chiều muộn, trên đường đi dạy về, Quyên cũng tạt qua phố Nhà Chung, chỉ để ngồi lặng một mình trong cái khoảng không linh thiêng, vừa thân quen, vừa ấm áp của ngôi nhà nguyện cổ kính ấy. Có khi chỉ để thở “phù” một cái thật dài, rồi trút mọi nỗi cực lòng cho Chúa. Có khi Quyên cứ thế bật khóc một cách thoải mái như thể chỉ có cô với Chúa. Quyên thương các em và hiểu thấu nỗi khó nhọc của bố, cô cũng biết rất rõ những tình cảm của Nam. Nhưng lạ thay, một tiếng gọi khác luôn thúc bách cô cách mơ hồ và bất định, nhưng nó cứ âm vang trong thâm tâm cách dai dẳng. Suốt thời gian dài, Quyên sống trong sự đấu tranh với chính mình để tìm ý Chúa. Và rồi cô nhận ra rằng: “Khao khát và ước mơ cũng cần biết chờ đợi, khi nó hội tụ đủ sức mạnh, tự khắc nó sẽ đẩy ta đi đến một hành động cụ thể, cho dù hành động đó có phải trả giá đi nữa, người ta vẫn sẵn sàng”.

Ngày Quyên khăn gói lên đường, chỉ có cơn mưa rào tiễn đưa. Nam gọi nhưng cô cúp máy cái rụp rồi lại tự nguyền rủa mình trước cách xử sự ấy. Đúng hơn là cô sợ, sợ mắc nợ người ta khi chọn Chúa. Cô biết Nam thương mình nhưng chưa bao giờ anh muốn cản lối hạnh phúc trên con đường cô đã chọn. Còn với người thân của cô, ai cũng cho rằng Quyên bất hiếu, không thương bố và các em. Sau khi không thuyết phục được Quyên trở về, tức quá, chị Mai quay mặt lên xe để lại câu nói vô tình: “Mặc kệ nó, trái tim nó hóa đá rồi”. Câu nói của chị như xé tâm hồn Quyên ra nhiều mảnh, cứ thế hai giọt nước mắt đuổi nhau trên gò má không ngơi.

* * *

Ngày đó, Sài Gòn cũng đón cô bằng cơn mưa, nhưng dịu dàng hơn. Quyên biết chặng đường vừa đi chỉ là con đường dài dằng dặc về mặt vật lý. Nhưng còn một con đường vô hình mà cô đang liều mình bước vào - Đường Dâng Hiến - ngược dòng đời và khó đi. Nhưng tự sâu thẳm cô lại thấy yêu thích và hứng thú hơn lúc nào hết. Quyên yên tâm vì Chúa thả cô chạy theo đường ray của lòng cậy trông và yêu mến. Hồn cô được mở ra như cánh cửa trên toa tàu kia, và Chúa đọc được tất cả những niềm vui, nỗi buồn mỗi khi ghé nhìn cô từ Trời cao.

Mới đó mà đã 8 năm... Nay, thi thoảng nhìn lại mình trong bộ áo dòng đen, Quyên chợt nhận ra một con người cũ đã chết và một con người mới đang được Chúa tô điểm. Không bằng son phấn, không bằng áo gấm lụa là nhưng bằng những điều bình dị, lòng biết ơn và tình yêu nhỏ bé mà cô dành cho Chúa.

Một ngày cuối tháng Sáu, sau khi kết thúc môn Thần học đời sống Thánh hiến, mặc cho dòng người hối hả dưới cái nắng rát bỏng trên con đường từ trường về nhà, Quyên đã suy nghĩ rất nhiều về Ơn gọi của mình. Đó là Chuyện Tình mà cô muốn viết ra hơn bao giờ hết. Cô nghĩ về những chiếc bóng đã ghé qua đời mình, đó là cha mẹ, thầy cô, bè bạn và anh… Nhưng Chiếc Bóng choán hết chỗ trong tim cô mang tên Giêsu. Về đến nhà dòng, lặng lẽ bước vào nhà nguyện để tạ ơn Chúa. Mắt cô bị hút vào ánh sáng từ ngôi Nhà Tạm, như thể Chúa đã giam mình trong đó chờ cô từ lâu lắm rồi… Quyên nghe được một lời duy nhất vọng lại: “Con yêu, ơn ta đủ cho con, đủ để con hiểu biết, yêu mến và phục vụ Ta nơi mọi người”. Quyên choàng tỉnh, bước ra khỏi nhà nguyện để dùng cơm trưa. Có tiếng chị Na ở phòng khách gọi với: “Quyên ơi, em có bưu phẩm nè”… Nét chữ sao quen quá chừng, lại không ghi rõ tên người gửi. Mở phong bao… Là tấm thiệp mời lễ khấn lần đầu có tên khấn sinh: Antôn Nguyễn Hoàng Nam, cùng vài dòng viết tay ngắn gọn: “Tạ ơn Chúa, vì tình yêu vốn dĩ chưa bao giờ là đơn giản, nhưng nó lại nhiệm mầu đến nỗi người ta nghĩ là nó phức tạp, khó hiểu. Trong Chúa thì nó đơn giản hơn vì chúng con tin Chúa Là Tình Yêu”.

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét