TÌM ĐẾN MỘT PHẬN NGƯỜI
Anê Xuân Trần
(An Mỹ-
GP. Qui Nhơn)
Tôi đến nhà chị vào một buổi chiều nắng còn gay gắt,
đường đi xa xôi ngoằn ngoèo và đầy đất đá. Vừa đi tôi phải vừa hỏi thăm đường,
vì chỗ tôi ở cách xa chỗ chị khoảng vài chục cây số lại chưa quen biết, nhưng rồi
mọi chuyện cũng đã rất tốt đẹp.
Nhìn từ xa, đó là một căn phòng nhỏ bằng gạch không
tô phết, rộng chừng bốn mét vuông, nằm ở cuối khu vườn lẻ loi cô độc. Xung
quanh và trước mặt chất chồng nào là gạch, đá, cây củi... Tôi bước đến cửa,
nhìn vào bên trong, một phút chạnh lòng! Căn phòng chật chội nóng nực như một
cái kho chứa đồ đạc. Chị nằm đó, trên chiếc giường tre, lọt thỏm giữa bộn bề
chăn màn thùng hộp, mì tôm, nước uống, chai lọ... Tất cả đều chất lên trên một
chiếc giường! Phải một lúc lâu tôi mới bình tĩnh lại, lên tiếng:
- Em chào chị. Chúng em đến thăm chị đây.
Nghe có tiếng người, chị lồm cồm ngồi dậy, tay sờ soạng
tìm chiếc nón lá cũ rách đội lên đầu (chắc là che cho bớt nóng vì mái tôn quá
thấp).
- Ai? Ai đó?
- Dạ, em ở nhà thờ An Mỹ.
- À, có đạo hả? Cô vào chơi!
Tôi đi thẳng vào trong, loay hoay tìm vật gì để ngồi
nhưng không thấy đành ra ngoài lấy viên gạch dùng tạm. Đối diện với chị tôi mới
thấy đây thực sự là một hoàn cảnh đáng thương: Mắt thì mù, tai không còn nghe
rõ, đôi chân sưng húp không đi lại được. Cả ngày hết nằm lại ngồi, cô đơn chiếc
bóng... Tôi nhìn một lượt khắp căn phòng mà lòng nặng trĩu suy tư: Đây là cuộc
sống của một con người sao? Sống mà chẳng nhìn thấy, chẳng biết gì về thế giới
bên ngoài, năm này qua năm khác, tháng nọ nối tiếp tháng kia, ngày nắng ngày
mưa, tết đến xuân về vẫn một cảnh sống, ngồi đó và chờ đợi...
Tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó, ngay lúc này.
Thế là bắt tay vào việc, vừa dọn dẹp vừa trò chuyện. Mà tôi lại nói giọng Huế,
nhiều lúc nghe không lọt tai, chị cười trêu: “Cái cô này nói sao đâu, tôi chẳng
hiểu gì cả!”. Tôi lại phải nói rất chậm, giả lai lai tiếng Bình Định làm chị
khoái trá. Tôi hỏi: “Sao chị bị mù thế?”… “Chân chị làm sao mà sưng húp thế
kia?”… Vân vân... Những câu hỏi dồn dập thế mà chị trả lời vanh vách, đôi lúc
nghe xúc động, đầy thương cảm. Tôi nói: “Bây giờ chị kể cho em nghe về cuộc đời
của chị trước đây đi!”
Như được mở cờ trong bụng, chị huyên thuyên nói cười,
thao thao bất tuyệt như sợ bị tôi cắt ngang. Chị bảo lúc còn trẻ chị cũng được
gái lắm, cũng có nhiều người mai mối nhưng chị không thích. Chị mong ước đi tu
nhưng rồi không thành. Gia đình chị sau đó liên tiếp xảy ra nhiều tai ương, cha
mẹ lần lượt qua đời, chị một mình làm thuê làm mướn. Cho đến một ngày đôi mắt bỗng
mờ đi và dần dần trở nên mù lòa. Từ đó chị suy sụp, may mà có đứa cháu gái
thương tình giúp đỡ... Nghe chị kể mà tôi cứ nghẹn ở cổ.
Một lúc lâu thì công việc cũng hoàn thành, tôi đến
bên chị vỗ vai an ủi:
- Cầu Chúa ban sức mạnh cho chị. Chị siêng năng đọc
kinh lần hạt hằng ngày, Ơn Trên sẽ
nâng đỡ chị. Chị cố gắng lên nhé!
Tôi cầm đôi tay gân guốc khô sạm của chị, định nói
vài lời từ giã. Nhưng chợt nhìn thấy những ngón tay quá bẩn, móng dài lởm chởm
của chị, thế là phải lấy nước ngâm tay cho chị và bắt đầu làm công việc của một
thợ nail! Tôi hỏi: “Bây giờ chị ước
ao điều gì nhất?”
- Giá mà chân không đau, tôi sẽ đến nhà thờ để được
cùng mọi người hát kinh, nghe Cha giảng thì sung sướng biết bao! Nhưng… đã
không còn hy vọng nữa rồi…
- Can đảm lên chị nhé, phần thưởng sau này Chúa sẽ
dành cho chị… Chị đọc kinh và cầu nguyện cho chúng em, ngoài xã hội nhiều cám dỗ
lắm!
Chị dò dẫm nắm lấy tay tôi: "Lần sau cô có đến
nữa không?" - Tôi chần chừ nhưng rồi cũng buột miệng, quả quyết: “Chúa Nhật
tới em sẽ đến”.
Chia tay chị trở về, lòng tôi dâng lên bao niềm
thương cảm. Lần sau đến, tôi sẽ ngồi nghe chị nói, lắng nghe nỗi lòng và tâm sự
của chị, nghe chị khoe về dĩ vãng tươi sáng… Đó là những kỷ niệm đẹp mà chị khó
có dịp để thổ lộ cùng ai.
* * *
Như lời đã hứa, Chúa Nhật này tôi lại đến thăm chị.
Cả một tuần, hình ảnh người chị già neo đơn bệnh tật lúc nào cũng hiện diện
trong tâm trí tôi. Tôi là một người lính của Mẹ, là tông đồ của Chúa. Mục đích
của người hội viên Legio là tiến bước theo chân Mẹ, đem Chúa đến với những người
bệnh tật khổ đau, an ủi những người khó khăn sầu não... Tôi nhớ đến chị không
những vì chị mà vì lời Chúa nhắc nhở bên tai: "Ai làm cho một kẻ bé mọn vì Ta là làm cho Ta". Vì thế, đến
với chị là đến với Giêsu, một Giêsu mù lòa đang chờ đợi để nghe một tiếng gọi
tiếng chào phát ra từ cánh cửa, một Giêsu đang bị nhức nhối vì đôi chân sưng
húp, một Giêsu cô đơn âm thầm lặng lẽ mong tìm kiếm bóng hình ai…
Nhờ chị mà tôi biết nhìn lên để thấy mình thật hạnh
phúc, để thấy Chúa ưu ái mình biết chừng nào! Tôi đang có trái tim khỏe mạnh,
trí khôn thông hiểu, có đủ mọi giác quan để trải nghiệm, có cuộc sống ấm no.
Nhìn lên để hằng ngày cảm tạ muôn vàn hồng ân Chúa ban, để không còn than van
trách móc...
Nhờ đến với chị mà tôi đã biết nhìn xuống để mở rộng
tấm lòng, quan tâm sẻ chia với những ai nghèo đói, bệnh tật. Để tôi biết sống
chan hòa với mọi người hơn, biết chú ý lắng nghe và đồng hành với khó khăn của
người chung quanh.
Lạy
Mẹ! Xin hãy cùng đi với con và giúp con thực hiện những gì Chúa mong muốn.
0 Nhận xét