Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

XUÂN BỪNG CHÁY TRONG LÒNG NHỮNG NGƯỜI TÂM HUYẾT VỚI TUỔI THƠ - Lasan Ngô Văn Vỹ, o.Cist.



XUÂN BỪNG CHÁY TRONG LÒNG
NHỮNG NGƯỜI TÂM HUYẾT VỚI TUỔI THƠ
(Cảm nghiệm về ngày Họp mặt-Trao giải cuộc thi “Sáng Tác Cho Tuổi Thơ 2019”)
*Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.



Có lẽ tuổi thơ là tuổi ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng, vô tư… là tuổi được coi là đẹp nhất của đời người. Ai cũng có một tuổi thơ. Rồi tuổi thơ vụt mất. Tuổi thơ theo quy luật tự nhiên sẽ trôi qua theo dòng thời gian, không thể níu kéo. Thế nhưng, hãy giữ mãi “tâm hồn trẻ thơ” là lời tuyệt vời Đức Giêsu muốn nhắn nhủ với tất cả mọi người (x. Mc 10,13-16). Bởi chưng khi nào tâm hồn còn “trẻ thơ”, khi ấy còn mùa xuân, một mùa xuân bất tận.
“Xuân xuân ơi xuân đã về… Xuân xuân ơi xuân đến rồi”… Sắc xuân chợt bừng lên trong chúng tôi rất lạ qua cuộc họp mặt cùng Đức Cha Giáo phận Qui Nhơn, quý cha, quý tu sĩ, cô chú anh chị em... khắp bốn phương tâm huyết với tuổi thơ, tựu về Chủng viện Qui Nhơn ngày 21-22 tháng 9, nhằm dịp sinh nhật lần thứ 107 của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Đặc biệt cuộc sum họp năm nay còn diễn ra lễ trao giải CUỘC THI SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019. Buổi họp mặt và trao giải thật thú vị lưu lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng tôi.
Điều đáng nói ở đây, tuy buổi sum họp bên nhau chỉ diễn ra khoảng hơn một ngày, nhưng “xuân” của tình huynh đệ, “xuân” của tình thân ái nơi chúng tôi thật đậm đà thắm thiết. Không còn khoảng cách tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính nữa, trong chúng tôi lúc ấy là:
Dòng cảm xúc đầu tiên
Niềm vui mừng khôn xiết
Hòa đồng cùng thân thiết
Khắc ân tình anh em.
Hầu như từ lúc gặp mặt cho đến lúc chia tay bầu không khí luôn rộn ràng “hương sắc xuân” qua những lời chào, lời thăm hỏi và chia sẻ với nhau về đủ chuyện trên đời! Mỗi người một quê nhưng về đây không còn quê riêng nữa, mỗi người mỗi thao thức riêng nhưng về đây cũng không còn thao thức riêng nữa, bởi chúng tôi có chung một mối bận tâm lo cho tương lai của trẻ thơ Việt Nam. Chúng tôi như gặp lại “xuân” của đời mình qua từng sáng tác cho tuổi thơ. Thật vậy:
Xuân kia sắc thắm mai đào
Xuân đây rộn rã thăm chào ôm hôn
Nắng xuân bừng sáng khai môn
Cao niên xuân nở tươi hồn trẻ thơ.

Bên cạnh đó, “tình xuân” thắm sắc nơi lòng cảm phục, biết ơn của mỗi chúng tôi. Qua những cuộc chuyện vãn thân tình, nhiều anh chị em lần đầu tiên được gặp gỡ tiếp xúc với Linh mục Trăng Thập Tự, trưởng Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, đã bày tỏ lòng cảm phục mến yêu “Ông Trăng”. Người cha ấy với dáng người hao gầy, mái tóc bạc trắng, ăn mặc giản dị… thế mà sức “xuân” trong ngài luôn đầy ắp, tràn ra một nụ cười luôn tươi nở trên môi. Ngoài sự uyên bác về văn thơ và tài tổ chức lãnh đạo, ngài thực sự là một “Ông Trăng” dành trọn tâm huyết cho tuổi thơ, đồng thời là người cha khả ái, thân thiện gần gũi, quan tâm lo lắng tới việc đi lại, miếng ăn, giấc ngủ cho từng thành viên trong dịp họp mặt. Cảm nghiệm được tình thương yêu vô bờ của “cha già dấu yêu”, bạn Dương Thái Chân xúc động chia sẻ trên Facebook cá nhân: Thấy người già hơn, bận rộn nhiều, lo lắng mọi sự, đứng ngồi không yên trong lễ trao giải… “Thương quá thương!”
Đặc biệt “Xuân đức tin và hy vọng” cũng bừng sáng trong tâm hồn chúng tôi, những người Công giáo cũng như người các tôn giáo bạn, khi nghe bạn Lệ Hằng kể về hành trình tin Chúa (Lệ Hằng đạt Giải Nhì với truyện ngắn MÌNH KHÔNG CÓ CHÚA), như khơi thêm niềm tín thác của chúng tôi vào Chúa. Lệ Hằng kể:
Năm 2004-2005 Hằng là học sinh lớp 10 trường chuyên Quốc Học Huế, quê Hằng ở huyện Hương Thủy cách thành phố tầm 20km, nên Hằng phải thuê phòng trọ tại thành phố để đi học. Hằng ở trọ trong một kiệt trên đường Nguyễn Huệ, đối diện Dòng Chúa Cứu Thế. Nhà Dòng có phòng tự học mở ra cho sinh viên, không phân biệt tôn giáo. Một ngày mùa đông 2004, Hằng thấy nhà thờ Dòng trang trí Giáng Sinh nên tò mò đến hành lang thánh đường để xem, chứ không dám bước vào bên trong. Hình như lúc ấy mọi người đang dựng lại cảnh Chúa ra đời, có máng cỏ và 3 tượng người: 1 tượng đàn ông, 1 tượng phụ nữ và 1 tượng hài nhi. Hằng biết trong ba người sẽ có một người là Chúa, nhưng không biết cụ thể ai là Chúa. Hằng tiến lại hỏi người đang quét dọn hành lang: "Chú ơi chú, trong ba người này thì ai là Chúa?". Sau này mới biết chú ấy chính là cha Giuse Nguyễn Quốc Việt (Dòng Chúa Cứu Thế). Hằng đã hỏi khá nhiều về đạo Công giáo lúc cha quét dọc hành lang, và được cha giải thích tận tình.



Về sau, bà con Hằng có người biết Hằng thường xuyên lui tới nhà thờ, và gia đình Hằng cũng biết. Ở làng Hằng, đa phần mọi người không hiểu gì về đức tin Kitô giáo, lại còn kỳ thị và báng bổ Chúa nữa. Nhiều người ái ngại vì thấy rất rõ tâm nguyện và sự tin yêu của Hằng với những gì Hằng học biết về Đạo. Ai cũng nghĩ nếu để Hằng đến nhà thờ thường xuyên e là Hằng sẽ theo Chúa. Từ đó, gia đình cấm cản…
13 năm đã qua đi, rất nhiều ký ức đã bị thời gian bào mòn và làm phai mờ, duy chỉ có một điều luôn in đậm sâu trong trái tim Lệ Hằng không chút phai nhòa, không gì có thể tẩy xóa: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa ở cùng tất cả chúng ta và Chúa ở trong tất cả chúng ta. Chỉ cần trong tim con có tình yêu, có bác ái thì con cũng có Chúa rồi…”. Đây là điều cha Việt đã nói với Hằng và bằng con đường sáng tác, Hằng đã viết lại điều này qua “Mình Không Có Chúa” trong sự khắc khoải nhớ về thời gian ngắn ngủi được “biết Chúa” ấy.
Chúng tôi sinh ra trong gia đình đạo gốc, không giống hoàn cảnh của Hằng, nhưng cũng cảm được phần nào những hy sinh và cái giá đắt em trả cho Đức tin tinh tuyền vào Chúa. Đức tin của Hằng như “âm vang” Đức tin của các bậc tiền nhân đã bị sát hại vì Chúa vào năm 1885, thời Văn Thân, mà ngày hôm sau (22-09) chúng tôi hân hạnh được đến hành hương và tưởng niệm. Được biết: Năm 1885, 80 giáo dân Phương Phi cùng với 110 giáo dân Xóm Chuối đã đến Qui Nhơn để lánh nạn Văn Thân, một số đi ghe ven theo bờ đầm Thị Nại, một số khác đi bộ dọc theo bán đảo Phương Mai, một số ít còn nán lại nên bị Văn Thân sát hại. Ngày nay tại Xóm Chuối có một ngôi mộ của các tín hữu bị sát hại này. Ngoài ra một số giáo dân từ Phương Phi chạy ra Vĩnh Hội cũng bị Văn Thân sát hại. Hiện nay còn hai ngôi mộ tại Vĩnh Hội, cư dân gọi là mả đạo. Lòng tin can trường nơi các bậc anh hùng tử vì đạo phấn khích chúng tôi hãy “cháy hết mình” vì tình yêu Chúa và tình yêu nhân loại.
Qua chuyến du hành lên Chùa Ông Núi, đến viếng mộ thi sĩ họ Hàn, mỗi anh chị em trong đoàn được hiểu biết thêm về cuộc đời và tác phẩm của người thi sĩ tài ba. Từ đó gợi lên trong mỗi người có những tâm tình riêng với Anh, có những cảm tác mới về Anh. Như một tác giả trong đoàn, chị Lương Mỹ Hạnh (Sơn La), đã viết:
MỘNG THI NHÂN
Biển quẫy tung con sóng bạc
Xanh trầm ngẫm chuyện thế gian
Vườn thi hoa vàng hóa điệp
Chở giấc mơ thu muộn màng.

Sao người vội về nơi ấy
Núi Ông khắc đá câu thề
Biển Qui Nhơn bao giờ cạn?
Thét gào vọng đến mai sau...

Xuân xanh hãy còn hơn nửa
Tài hoa chi lắm trời đày
Trăng thi chạm "Hàn" rỏ máu
Rưới hồng lối cũ thương đau.

Thuyền ai xua tan sương khói
Cánh buồm phất "nắng mới lên"
Hồn thi thả tình theo gió
Biển êm.

Buổi họp mặt còn là xuân của sự trau dồi kiến thức. Cha ông ta thường nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Quả vậy, trong cuộc hạnh ngộ hôm ấy, chúng tôi học biết thêm về tâm lý của tuổi thơ và phong cách viết cho tuổi thơ qua những chia sẻ của Ts. Lê Nhật Ký, giảng viên Đại học Qui Nhơn, trình bày về “Sáng Tác Cho Lứa Tuổi Nhỏ”. Rồi qua những gặp gỡ chia sẻ thân tình với Nhà báo Hoàng Mạnh Hà- chủ biên báo Đồng Hành, và Nhà báo Nguyễn Văn Học- Hội Nhà Văn Việt Nam, chúng tôi biết thêm về các thể loại báo chí, nhu cầu của các độc giả hiện nay, cũng như cách in ấn phát hành sách báo… Tất cả như khơi lên sức xuân, gợi hứng cho chúng tôi có nhiều đề tài cảm tác mới lạ cống hiến cho đời.



“Xuân của lòng biết ơn”: Cảm nghiệm mùa xuân đang rộn rã trong tâm hồn mỗi tham dự viên. Xin chân thành cảm ơn và chúc mừng Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã tổ chức hết sức chu đáo và thành công tốt đẹp, một cuộc họp mặt và trao giải cho các tác giả Sáng Tác Cho Tuổi Thơ đầy ý nghĩa này. Cảm ơn quý ban Giám khảo, quý Thầy, quý Sơ, quý ông: Xuân, Tường, Thiêng, Bảo… Sự nhiệt tình thân ái của quý vị làm chúng tôi cảm nếm “xuân đang bừng sáng trong tâm hồn”. Chúng tôi cũng cảm ơn nhau vì sự hiện diện quý báu thân tình. Nhưng trên tất cả, xin cảm đội ơn Chúa là Cha nhân lành đã yêu thương quy tụ “anh chị em” chúng tôi từ khắp muôn phương về đây, để chia sẻ tình huynh đệ mặn mà thắm thiết, da diết khôn nguôi.
Dẫu chỉ có hơn một ngày họp mặt, được sum vầy để chia chung cùng một thao thức giáo dục tuổi thơ, nhưng tình thân ái đã nẩy nở thắm thiết lạ lùng nơi chúng tôi. Đến giờ phải chia tay, nhiều người không giấu được cảm xúc dâng tràn… giọt xuân trên mí mắt. Dường như ai cũng ước mong sẽ có nhiều dịp được sum họp, và cộng tác lâu dài trong việc phục vụ “những món ăn tinh thần” bổ ích cho các em thơ.
Chúng tôi, những người tâm huyết với tuổi thơ, lên đường và mang cả mùa xuân tung gieo khắp đất trời, với nhiệt huyết nguyện dâng cho đời những áng thi văn đong đầy niềm tin yêu con người, cuộc sống. Và với một khát vọng cháy bỏng: Trẻ thơ Việt Nam luôn được sống hồn nhiên, trong sáng, vui tươi như mùa xuân của đất trời.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét