Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

MÙA ĐÔNG NĂM ẤY - Pađôva (ĐCV Sao Biển – Nha Trang)


MÙA ĐÔNG NĂM ẤY

Pađôva (ĐCV Sao Biển – Nha Trang)

Kết quả hình ảnh cho chúa giáng sinh ra đời

Khi những bài thánh ca Giáng sinh đã bắt đầu vang lên, hòa với tiết trời se lạnh, báo hiệu một mùa Giáng sinh nữa lại đến. Những hang đá đã xuất hiện nhiều ở các giáo xứ, nơi các gia đình, cộng với những ánh đèn với đủ loại màu sắc tô thêm vẻ đẹp cho gia đình Nadarét năm xưa. Không khí thật hạnh phúc vui tươi và ấm áp là thế, nhưng lòng Đăng lại thấy buồn và trĩu nặng khi nhớ về giáo xứ với một “Giáng sinh buồn” cách đây hai năm trước.
“Alô! Đăng hả, biết tin gì chưa? Cha xứ qua đời rồi đó”. Lời thông báo của Hoàng làm cho Đăng cảm thấy “sốc” và bàng hoàng. Định thần lại, hắn cầm điện thoại gọi về cho gia đình, hắn gọi hết cho ba, cho mẹ, cho chị nhưng không ai trả lời hắn. Và rồi linh cảm báo cho hắn biết “hung tin” mà Hoàng thông báo cho hắn là đúng sự thật.
Lòng hắn buồn, trĩu nặng. Ngồi một mình trong căn phòng của ký túc xá, bao nhiêu kỷ niệm, ký ức về cha xứ ùa về trong tâm trí hắn như một cuốn phim đang được chiếu trước mắt hắn.
* * *
Cha về nhận xứ khi hắn vừa tròn bốn tuổi. Ở cái tuổi đang bập bẹ từng chữ cái, nhưng hắn rất có “ấn tượng” với cha. Nhà hắn ở ngay bên hông nhà thờ, hằng ngày hắn vẫn theo anh chị lên nhà thờ chơi với tụi bạn cùng lứa. Rồi những lần được cha dẫn vào phòng cho bánh, cho kẹo… nên dần dà hắn “kết thân” với cha luôn. Chắc cũng tại lý do đó mà hắn có “ấn tượng” với cha.
Về nhận giáo xứ nơi vùng quê nghèo, lòng cha ấp ủ biết bao nhiêu kế hoạch để giúp giáo xứ phát triển. Cha từng bước cố gắng xây dựng đời sống đạo đức cho đoàn chiên, gây dựng những đoàn thể trong giáo xứ, xây dựng cơ sở vật chất cho giáo xứ… Dù cha bận trăm công nghìn việc, nhưng hắn luôn thấy cha dành thời gian quỳ trong nhà thờ. Lúc nhỏ hắn không hiểu, nhưng về sau hắn mới hiểu cha quỳ để làm gì.
Thời gian dần trôi qua, tuy hắn ở trong ban lễ sinh nhưng những buổi học thêm, học bớt đã chiếm hết thời gian của hắn, làm cho những lần gặp gỡ, những cuộc nói chuyện giữa hắn với cha ngày càng ít đi. Dù ít gặp gỡ nhưng cha vẫn dành cho hắn sự quan tâm, cha vẫn “theo dõi” hắn từ xa. Hai ba ngày không thấy hắn đi lễ, đi nhà thờ là cha đã hỏi thăm, đã xuống nhà xem hắn có bị làm sao không. Và rồi trong xứ ai cũng bảo hắn là con thiêng liêng của cha.
Rồi cũng đến lúc hắn trưởng thành, hắn trở thành một chàng thanh niên với những hoài bão, những ước mơ. Ngày hắn nhận giấy báo trúng tuyển đại học ai trong gia đình hắn cũng vui, cũng hãnh diện về hắn, và tin vui ấy cũng đến tai cha. Vẫn là sự điềm tĩnh như những lần gặp gỡ trước đây, nhưng cha vẫn không che giấu được niềm vui và hạnh phúc khi nghe được tin “trọng đại” này.
Những ngày nghỉ hè cũng dần khép lại, ngày nhập học cũng tới gần, lòng hắn nao nức vì từ nay được tự do thoải mái “bay nhảy” nơi một vùng đất mới, vùng đất Sài Thành. Ngày hắn chào cha đi học, ngài không khuyên hắn một điều nào ngoài lời dặn dò ngắn ngủi: “Cố gắng học tập và sống tốt nghe con”, cùng với chiếc phong bì làm “lộ phí” đi đường.
Đặt chân lên đất Sài Thành sau một đêm dài nằm trên xe khách, hắn có cảm giác sờ sợ vì cuộc sống ở đây quá tấp nập, ồn ào náo nhiệt, không như vùng quê nghèo nhà hắn. Ngôi trường hắn chọn để thực hiện ước mơ nằm ở vùng ven ngoại thành. Hắn cảm thấy buồn vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ anh chị em, nhớ cha xứ, nhớ những công việc giúp lễ hàng ngày… Và những lúc đó, cha là chỗ dựa để hắn “trút” hết nỗi buồn của kẻ xa xứ.
Sau một thời gian làm quen và tập “thích nghi” với cuộc sống sinh viên, hắn bắt đầu quen được nhiều bạn bè, hắn bắt đầu bắt nhịp được với cuộc sống nơi phồn hoa đô thị. Và rồi nỗi buồn của hắn dần dần cũng được vơi đi, hắn cảm thấy cuộc đời vui tươi, hạnh phúc hơn.
Khi cuộc đời bắt đầu vui tươi và hạnh phúc hơn thì cuộc sống của hắn cũng bắt đầu bước vào một “thời kỳ” mới. Những “sợi dây” liên lạc của hắn với gia đình, với những người thân yêu và nhất là với cha xứ cũng bắt đầu thưa dần, họa chăng lâu lâu mới được một cái tin nhắn hỏi thăm, chúc mừng bổn mạng, ngày kỷ niệm thụ phong linh mục… Những công việc đạo đức mà hắn vẫn quen làm trước đây đối với hắn giờ thật là “xa xỉ”! Những cuộc hẹn hò, những lần ăn uống cùng bạn bè đã chiếm hết thời gian của hắn. Hắn dường như không còn “tha thiết” gì với việc học tập, việc đạo đức, việc nuôi dưỡng ơn gọi mà cha đã ươm mầm nơi hắn. Và còn tệ hại hơn, hắn “quên” luôn hắn là một người Kitô hữu, một người con của Chúa.
Ngồi lặng yên trong căn phòng ký túc xá, nước mắt hắn tràn trề. Hắn như người con hoang đàng không biết hướng phải đi đâu về đâu. Giờ đây hắn mới nhớ tới Chúa, tới gia đình, tới cha xứ. Hắn nhớ tới Chúa không phải vì ăn năn sám hối, nhưng là nhớ đến Chúa để “trách” Chúa. Hắn “trách” Chúa sao Ngài lại nỡ lấy đi người cha thân yêu của hắn, của giáo xứ. Hắn “trách” Chúa sao Ngài “ác” với hắn quá vậy, vì Ngài thừa biết cha là người quan trọng đối với hắn thế nào mà… Hết “trách” Chúa hắn lại đặt ra vô số câu hỏi đối với Chúa: Tại sao mầu nhiệm Nhập Thể Con Thiên Chúa làm người trao ban niềm vui, bình an cho nhân loại, thế mà giờ đây cả giáo xứ hắn đang “chìm ngập” trong bầu khí tang thương, màu tím đau thương đang “bao phủ” mọi con chiên của giáo xứ. Vậy liệu rằng Con Chúa Nhập Thể có thật sự mang lại hạnh phúc, bình an cho con người như lời sứ thần hát vang không: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”…
Đang loay hoay trong vô số câu hỏi mà hắn đang đặt ra không lời giải đáp, tiếng chuông điện thoại vang lên như kéo hắn về với thực tại. Vội lau dòng nước mắt mà hắn không biết đã chảy ra từ bao giờ, hắn cầm lấy điện thoại lên và nghe giọng nói ấm áp của mẹ: “Về nhà đi con, cha xứ mất rồi”. Hắn nghe mẹ khóc và nước mắt hắn lại rơi xuống. “Dạ, tối con về”, hắn đáp lại một cách ngắn gọn.
Nằm trên xe từ Sài Gòn về, hắn không thể nào chợp mắt dù người hắn đã rất mệt. Cứ mỗi lần chợp mắt là hắn lại nhìn thấy cha với một nụ cười hiền hậu. Hắn cứ thao thức, trằn trọc cả đêm, rồi hắn tự đặt cho hắn câu hỏi: Chúa muốn nói với hắn điều gì qua biến cố này đây? Sao không phải là dịp khác mà đúng ngay lúc cả nhân loại đang háo hức mừng sinh nhật của Ngôi Lời Nhập Thể? Dòng suy tư của hắn cứ miên man trong suốt hành trình.
Màu tím của cờ tang “bao phủ” giáo xứ hắn, cha nằm yên trong chiếc quan tài với khuôn mặt đầy vẻ hiền từ và phúc hậu. Đứng bên quan tài, hắn chỉ biết khóc và xin lỗi cha: “Con xin lỗi bố”. Cột lên đầu chiếc khan tang đưa tiễn cha về nơi an nghỉ cuối cùng, hắn đi như người mộng du, lê từng bước chân nặng trĩu. Hắn buồn vì sự ra đi đột ngột của cha, và hắn thấy mình quá xấu hổ đối với những gì cha đã làm cho hắn.
Thánh lễ an tang kết thúc, hắn trở lại công việc học tập của mình với một quyết tâm mới. Hắn cố gắng học tập để không phụ lòng mong đợi của những người thân yêu, của cha xứ đã khuất. Đặc biệt hơn, hắn tìm về lại với Chúa. Đã từ lâu, hắn không tham dự thánh lễ, không kinh sách, giờ đây hắn quyết tâm “làm mới lại” tình yêu mà hắn dành cho Chúa như lúc trước. Hắn đi lễ. Hắn xưng tội. Hắn cầu nguyện… Và cùng với những lần thinh lặng trước Thánh Thể Chúa, trước Hài Nhi Giêsu mà hắn nhận ra ý nghĩa của biến cố đau thương mà hắn vừa trải qua. Hắn nhận ra tình yêu thương của Chúa vẫn ấp ủ hắn.
Giờ đây, hắn thầm tạ ơn Chúa đã ban cho hắn một mùa Giáng sinh ý nghĩa. Một mùa Giáng sinh hắn được “sinh ra” lại cùng với Hài Nhi Giêsu, để từ đây cùng với Hài Nhi hắn sống đúng với địa vị làm con Chúa trong lòng Giáo hội. Nghĩ tới đây hắn sực nhớ đến cha xứ, và hắn cũng dâng linh hồn cha cho Hài Nhi Giêsu với lời kinh: “Con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho linh hồn cha cố được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng”…

Đăng nhận xét

0 Nhận xét