Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

HỌ ĐÃ DẠY TÔI - Violet (Ở đâu?)


HỌ ĐÃ DẠY TÔI

Violet  (Ở đâu?)


Khi mặt trời chuẩn bị ló dạng, chiếc xe Hyundai dời bánh khỏi thành phố ồn ào đưa tôi về với vùng đất Gia Kiệm (Đồng Nai). Sau hơn một giờ đồng hồ, đi qua những cánh đồng dừa nước ngút ngàn dọc quốc lộ 20, tôi đã dừng chân tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nhân ái Bạch Lâm. Nơi đây có biết bao mảnh đời: già, trẻ, bệnh tật, cô đơn… đang được chắp vá, bù đắp bởi những tấm lòng nhân ái, quảng đại, hy sinh của quý Thầy Dòng Anh Em Bác Ái, của quý ân nhân xa gần, và của những tình nguyện viên với những nghĩa cử thầm lặng mà cao đẹp biết bao!
Nhóm tông đồ chúng tôi viếng Chúa nơi một nhà nguyện đơn sơ của Trung tâm, rồi được Thầy Tâm, một tu huynh của Dòng Anh Em Bác Ái đang phục vụ tại đây, tiếp đón và giới thiệu. Thầy Tâm cho biết: Hiện tại Trung tâm có 160 người đang được nuôi dưỡng và chăm sóc, gồm người già neo đơn, người tâm thần và trẻ mồ côi. Khi chúng tôi đến, những căn phòng với không gian khá rộng rãi thoáng mát đang được mọi người lau chùi, dọn vệ sinh. Nhìn gương mặt của những con người có hoàn cảnh đặc biệt nơi đây, tôi chợt nhớ đến Lời Chúa trong Mt 23,8 rằng: “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau”.




Chính trong Đức Kitô, tình thân thương của mọi người được gắn kết qua những tiếp xúc, trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ... Chúng tôi đóng góp vài tiết mục văn nghệ “bỏ túi”, xen với những bài hát, bài thơ của các bác, các cô chú, anh chị cùng các em nhỏ nơi đây. Khu hành lang bỗng rộn ràng như trên một sân khấu, các em nhỏ vô tư quấn quýt chúng tôi, những người già niềm nở bắt tay, vừa ngọng nghịu vừa lắp bắp cởi mở những câu chuyện về chính mình như được gặp lại người thân lâu ngày xa cách.
Chúng tôi phụ các Thầy trong giờ cơm trưa của Trung tâm. Mọi người đều trật tự xếp hàng nhận phần cơm của mình, không ồn ào, không chen lấn. Người khỏe phụ người yếu, người lớn giúp trẻ nhỏ… Các Thầy tâm tình: Để ổn định nề nếp và gây dựng được sự gắn bó như vậy phải mất một thời gian khá dài, các Thầy và từng thiện nguyện viên phải học cách kiên nhẫn và hiểu tâm lý của từng đối tượng, để có cách bố trí xếp sắp phù hợp trong mọi sinh hoạt, lao động.



Chúng tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy những ánh mắt, những đôi bàn tay thô nhám, run run như thể lâu lắm rồi chưa có ai đụng chạm. Đằng sau mỗi ánh mắt ấy có thể là cả một quá khứ không bình lặng; có thể là một nỗi cô đơn dài dằng dặc; có thể là những nỗi đau, sự tổn thương nào đó mà vô tình hay cố ý cuộc đời đã giáng xuống nơi những phận người này. Nhưng vẫn còn đó biết bao tấm lòng quảng đại dấn thân phục vụ, đang gieo vãi trong tâm hồn những người anh chị em này một niềm hy vọng chứa chan tình yêu thương. Đó là các Thầy chọn bậc sống sư huynh, để cả đời dấn thân phục vụ Chúa trong chính những thân phận bị gạt ra bên lề xã hội như vậy. Đó là bao bạn trẻ tự nguyện mỗi tuần đến tắm giặt cho những người già liệt giường. Đó là một chị người dân tộc chuyên lo chuyện cơm nước trong Trung tâm, mà các em nhỏ hay gọi chị cách thân thương là “mẹ”, người mẹ trong trí tưởng tượng của các em. Chúng tôi đã gặp, đã nghe và thấy tất cả. Như một sứ điệp mà Chúa gửi để học hỏi, học nữa, học mãi bài học yêu thương và sẻ chia.



Đức Giêsu vẫn đang đau nỗi đau của nhân loại. Ngài không vô hình nhưng hữu hình nơi những người mà Ngài dạy chúng tôi phải gọi họ, phải sống và đối xử với họ, như anh chị em chứ không phải là “kẻ nợ”, hay “gánh nặng” cho xã hội (điều mà người ta thường nghĩ về những bệnh nhân tâm thần, những người vô gia cư hay người già). Họ đã dạy tôi nhiều hơn cả những người thầy. Những gì mà tôi đã nhận được từ bao con người bất hạnh như Bà Cúc, như Bác Quang, anh Trọng, bé Sún… luôn là cách Chúa huấn luyện trái tim tôi trong cái nhìn đức tin đầy huyền nhiệm.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét