CẢM NẾM TÌNH YÊU
Trần
Thị Cẩm Lệ (Bình Định)
Sống ở đời, chắc
hẳn ai cũng đã từng yêu và được yêu, nhưng lại chẳng có ai định nghĩa được tình
yêu một cách trọn vẹn. Nhà văn Victo Hugo cho rằng “yêu là nửa phần tư tưởng”, nhà thơ Xuân Diệu lại nói “yêu là chết trong lòng một ít”, còn đối
với tôi tình yêu là một huyền nhiệm.
Tình yêu là một
cái gì đó vô hình không thể thấy bằng mắt, không thể nghe bằng tai, không thể nếm
bằng miệng, cũng không thể nắm bằng tay mà chỉ cảm nhận được bằng con tim. Tình
yêu tuy vô hình nhưng chứa chan đầy hương vị thanh cao và hy sinh. Tình yêu có
nhiều cung bậc và sắc thái khác nhau. Cha mẹ yêu thương con cái qua công sinh
thành dưỡng dục, sống trọn cuộc đời chỉ để lo cho con cái có một cuộc sống sung
túc. Anh chị em yêu thương nhau qua việc nhường nhịn nhau, sống thuận hòa… Và
còn nhiều, nhiều nữa, nhưng đó mới chỉ là tình cảm trong gia đình. Còn với đôi
lứa yêu nhau cũng được thể hiện qua từng cử chỉ hành động: Luôn quan tâm, chăm
sóc nhau, và đặc biệt là qua những cái nắm tay siết chặt, những cái nhìn say đắm
có chút ngượng ngùng của thưở ban đầu… Nếu có ai hỏi tôi tình yêu như thế nào,
tôi sẽ trả lời: Nó tuyệt vời lắm! Bởi bản thân tôi đã từng một lần yêu: đắng,
cay, ngọt, bùi đều có đủ. Cũng như cầu vồng cần có nắng có mưa để làm nên màu sắc
của nó, thì tình yêu cũng thế, cũng trải dài theo những tháng nắng ngày mưa.
Sẽ là gì nếu hai
người kết hôn với nhau mà không có tình yêu? Sẽ là gì nếu một tu sĩ không yêu
Chúa? Và vì điều gì mà Con Thiên Chúa từ bỏ tất cả để xuống thế làm người, để sống
một cuộc sống như con người, để chịu sỉ nhục và cuối cùng chịu chết trên cây thập
giá?
Đó chẳng phải
tình yêu thì là gì? Một “Tình yêu nhập thế”.
Nhớ cuối tháng
Tám vừa rồi, tôi có tham dự tĩnh tâm tại Đan viện Xitô Mỹ Ca. Đã nhiều lần tôi
bước vào khuôn viên của các dòng nam, nhưng đây lại là lần đầu tiên được tận mắt
nhìn thấy cảnh sinh hoạt, những giờ kinh nguyện của các thầy. Giờ kinh phụng vụ,
giọng nam trầm ấm vang khắp cả khu nguyện đường. Tôi nhớ mãi những khuôn mặt rạng
rỡ khi khoác trên mình bộ quần áo lao động để đi làm lao tác. Tất cả trong
thinh lặng nhưng lại chứa đựng niềm vui.
Một buổi chiều dạo
quanh bờ hồ, cầm quyển Kinh Thánh tôi nguyện gẫm. Cả thời gian và không gian đều
quá lí tưởng, thế nhưng tôi lại không suy gẫm theo Tin Mừng mà lại nghĩ về đời
sống các thầy trong Đan viện nhiều hơn. Nghe có chút lãng mạn mơ tưởng, nhưng
không, tôi đang nghiêm túc đấy! Một chủ đề quá rõ ràng. Tôi tự hỏi: “Vì đâu mà
những thanh niên trai tráng, dáng vẻ cũng khôi ngô, có tài năng như thế mà lại
vào đây?”. Sau giờ kinh sáng, các thầy người quét sân, người thì dọn rác (hình ảnh
này làm tôi nhớ lại lúc tôi còn dự tu, cả năm trời cứ sáng là cầm chổi quét
sân, mà tôi thích gọi là múa ba-lê hơn). Nhìn các thầy người thì cho cá ăn, người
dọn vườn chăm sóc cây, người đi chợ, người nấu ăn… mỗi người mỗi việc khác
nhau, nhưng có một điểm chung làm tôi rất thán phục là việc giữ thinh lặng.
Không gian cứ thế yên ắng lạ thường. Từng ấy con người mà vẫn lặng thinh. Công
việc đó với những thanh niên bên ngoài như xa vời quá, nghe hư cấu quá, nhưng lại
có thật nơi đây, tại chốn này. Như thế nếu không vì tình yêu thì là gì? Nếu ơn
Chúa không tác động thì làm sao có thể làm được? Tôi lại tiếp tục nghĩ suy…
Một chú cá nhảy
lên, làm cho bờ hồ đang yên ả lại xuất hiện lăn tăn những gợn sóng. Dòng suy tư
của tôi bị ngắt quãng. Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Hình ảnh về cuộc sống
các thầy cứ ở mãi trong tâm trí tôi. Không phải là bóng dáng của riêng một ai,
nhưng là bóng dáng của những người được Thiên Chúa tuyển chọn: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển
chọn, hiến thánh và yêu thương”. Quá tuyệt vời cho một tình yêu gọi là dâng
hiến.
Hạnh phúc của
con là được ở kề bên Chúa (Tv 72, 28). Tình yêu vốn là cốt lõi của hạnh phúc,
là đích đến của mọi cuộc kiếm tìm, của mọi nỗi nhớ nhung xao xuyến. Với tình
yêu chân chính, người ta có thể vượt qua mọi rào cản, mọi cách ngăn để nên một
với người mình yêu. Điều tuyệt vời của tình yêu là cả hai đối tượng được trở
nên một trong nhau và vì nhau (Chút gì với
Chúa - Tập 8).
Có lẽ các thầy ở
đây có một niềm xác tín: “Chúa đang hiện diện, đang sống và cùng sống với các
thầy”. Và các thầy hạnh phúc với niềm vui được ở cùng người mình yêu. Như cha
giảng phòng đã nói với chúng tôi: “Đôi lứa yêu nhau luôn muốn ở cùng nhau, luôn
muốn có một chỗ thân quen để hẹn hò, gặp gỡ. Chỉ cần vai kề vai, tay siết chặt
hay ngồi bên nhau là đủ vui, đủ hạnh phúc mà không cần phải nói hay làm bất cứ
điều gì”.
Thiên Chúa yêu
tôi và Ngài muốn ở cùng tôi. Tình yêu Thiên Chúa là gì nếu không phải là tình
yêu ở cùng. Một Thiên Chúa sẽ yêu thế
nào được khi cứ ở trên cao nhìn xuống? Làm sao thấu hiểu để cảm thông, để cứu vớt?
Quá tuyệt vời vì Thiên Chúa tôi thờ là một Thiên Chúa ở cùng tôi. Cách đây hơn
hai ngàn năm, Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ sinh, nơi cung lòng Đức Trinh nữ Maria.
Không phải ở lâu đài tráng lệ hay cung điện cao sang, mà là nơi máng cỏ hang lừa
giữa đồng hiu quạnh. Không phải là nệm ấm chăn êm, mà là cỏ rơm hôi tanh mùi bò lừa. Một “Ngôi Hai Thiên
Chúa” mà lại như thế sao? Câu hỏi ấy theo tôi suốt ngần ấy năm qua, hôm nay tôi
lại tự chất vấn mình. Chỉ có thể là tình yêu, tôi thốt lên trong vô thức, từ
sâu thẳm cõi lòng vang vọng tiếng “Thiên
Chúa là tình yêu”. Khẽ gật đầu, tôi chấp nhận câu trả lời. Nở một nụ cười
bình an.
Bờ hồ vẫn gợn sóng, đàn cá vẫn nô đùa thi nhau
đớp mồi. Bầy cò trắng đang bay về nơi trú ngụ, mặt trời đang tỏa bóng hoàng hôn
phía sau những dãy núi dài. Còn tôi, tôi như tìm được nguồn sống mới, như được
tiếp thêm sức mạnh. Phải chăng tôi đã chạm được Chúa, dù chỉ là một chút…
0 Nhận xét