MÙA DỠ LẠC
Lê
Minh Hải
(Phú Thọ)
Mùa dỡ lạc (*) đúng vào đầu
mùa hè, khi mà cái nắng chói chang bắt đầu đổ xuống cộng với tiếng ve kêu ra rả
trên các tán cây. Cái nắng nóng không ngăn nổi những đoàn người hối hả đi dỡ lạc.
Tiếng chào hỏi, cười nói, trêu đùa hòa vào những cơn gió làm dịu đi sự mệt nhọc,
hong khô những giọt mồ hôi.
Ngay từ sáng sớm khi trời còn chưa sáng rõ, bếp mọi nhà đã đỏ lửa, các
bà các mẹ đã dậy nấu cơm chuẩn bị cho buổi đi dỡ lạc. Mẹ cũng dậy sớm, tôi nghe
thấy tiếng mẹ múc nước ngoài giếng để nấu cơm. Tiếng nước lõng tõng chảy ra từ
đáy của chiếc gầu thủng làm tôi tỉnh giấc. Dưới bếp, lửa bập bùng hắt ánh sáng
vào tấm cửa nhà trên. Tôi cũng háo hức với những buổi đi dỡ lạc. Tôi chạy xuống
bếp hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Hôm nay nhà mình đi dỡ lạc hả mẹ?”. Mẹ đang hí húi thổi lửa,
giật mình quay ra nhìn tôi: “Ô hay, cái thằng này hôm nay dậy sớm thế! Ừ, đi ra
giếng rửa mặt đi con”. Ngoài sân, tôi thấy bố đang chẻ lạt tre và chuẩn bị đòn
gánh, xe cải tiến… sẵn sàng cho công việc. Bố rít một điếu thuốc lào, tiếng ống
điếu kêu lên, rồi bố thả khói lên trời, thêm ngụm nước chè, cười khoan khoái.
Mùa dỡ lạc cũng đông vui không kém mùa gặt. Trên các thửa ruộng, mọi người
ai nấy cũng nhanh nhẩu thoăn thoắt làm. Những cây lạc nhổ lên là mang lại cho mọi
người sự hồi hộp, bởi ai cũng mong mùa lạc năm nay sai củ. Những tiếng hỏi nhau
vang lên: “Nhà bác năm nay lạc thế nào, có sai củ không?”. Nếu tiếng cười đáp lại
náo nức khắp đồng ấy là mùa năm nay thắng lợi. Còn khi có những tiếng chép miệng,
những cái lắc đầu, ấy là thua kém, lạc ít củ… Nhưng nếu như có buồn về sự mất
mùa cũng chỉ làm mọi người trầm đi chút thôi, sau đó những tiếng cười lại vang
lên, người nông dân vốn quen vất vả nhưng không quen với cái trầm lắng. Thế là
họ lại chuyện trò, hỏi han và cười đùa, cười cho quên cái nắng cái mệt, cũng
như hướng tới cái tốt đẹp ở phía trước.
Nắng mỗi lúc một gay gắt, tiếng những khóm lạc được nhổ lên như cũng
nhanh dần và khẩn trương hơn. Trong những đám ruộng, lạc được nhổ xếp thành từng
bó nhỏ, củ lổn nhổn chĩa ra phía gốc lạc làm lòng người rộn lên niềm vui. Mọi
người ai cũng đã được phân công, người nhổ cứ nhổ, người bó cứ bó, công việc
theo đó mà trôi chảy. Lạc được bó thành những bó to rồi gánh ra bờ ruộng, chất
lên xe cải tiến. Những chiếc xe lúc sáng sớm còn thảnh thơi đứng chờ thì nay phải
gồng mình cõng những bó lạc nặng trĩu. Từ xa trông chúng như những con trâu mộng
chậm rãi xếp thành đoàn tiến về các ngõ xóm, đường quê.
Càng dần về trưa
trời càng nắng nóng, những giọt mồ hôi to tròn nóng hổi bò trên khuôn mặt đỏ
gay của những nông dân. Họ đã thấm mệt, tiếng chuyện trò í ới cũng lắng dần. Lũ
trẻ con thì dường như không biết mệt, chúng còn mải dõi theo những chú sẻ nâu
đang nhảy nhót, kêu lách chách quanh những khóm lạc. Chúng tôi cũng mải mê tìm
kiếm những con nườm nưỡm màu xanh, màu nâu béo nục, đem xâu chúng vào ngọn cỏ
may đem về nướng. Nhưng có lẽ điều thích thú nhất vẫn là những que kem ngọt mát
được đổi bằng những củ lạc. Vào mùa lạc, những bác bán kem cũng dạo quanh cánh
đồng để đổi kem. Khi nghe thấy tiếng kêu “kem mút… kem mút” từ chiếc kèn của
bác bán kem, là lũ trẻ con lại nhao nhao đòi bố mẹ lấy lạc để đổi kem. Những
que kem mát lạnh, những tiếng cười trẻ thơ hình như đã làm vơi bớt sự mệt nhọc
của những người lớn thì phải! Họ nhìn lũ trẻ con chúng tôi mà cười thật hiền. Mẹ
cũng ngồi ăn kem và nghỉ giải lao, mẹ lấy nón quạt cho chúng tôi. Mùi đất và
mùi lạc thơm ngai ngái thoảng lên trong gió, thoảng lên cả mùi của những giọt mồ
hôi.
Lạc sau khi thu hoạch về được chất đống ở góc sân, trên thềm hay ở các gốc
cây để tiện ngồi vặt củ. Những buổi trưa, nhà nào cũng thức để ngồi vặt củ lạc.
Những củ lạc được vặt ra và để riêng thành hai loại: Thúng lạc già và thúng lạc
non. Lạc non là để nhà dùng, còn lạc già thì để bán. Thường, mọi nhà đều chỉ để
lại chút ít lạc già để ăn mà thôi. Công đoạn vặt lạc cũng khá đơn giản và
nhanh, nhưng cũng có năm mưa nhiều, những thửa ruộng thấp bị úng nước đất nhão
bám vào củ, sau khi dỡ lạc về phải mất công đãi rửa khá lâu. Củ lạc sau khi vặt
được trãi ra sân gạch để phơi, những củ lạc cứ thế nằm lăn lóc trên sân cho nắng
hè làm khô. Mẹ phải canh để trở lạc cho đều nắng, những củ lạc đã sắp khô, hạt
lạc nằm trong vỏ cựa mình kêu rào rào làm lòng mẹ vui. Khi những củ lạc đã khô,
các nhà gom lạc vào cất chờ đem bán, việc này cũng đồng nghĩa với sự khép lại của
một mùa lạc.
Vào mùa lạc, những buổi tối mọi nhười thường đem lạc để luộc, đây là món
ăn chơi rất ngon của người nhà quê. Mọi người lại gọi nhau quây quần bên rổ lạc
luộc, cùng ấm nước chè và điếu thuốc lào. Người quê là thế, họ thường gần gũi,
thân tình, ngồi lại với nhau để chuyện trò, hàn huyên chứ vào mùa lạc thì nhà
ai chả có. Tôi cũng thích ăn lạc luộc, nhưng tôi lại ưa những củ lạc non và lạc
bánh tẻ (thứ lạc nửa non nửa già) vì nó vừa bùi, vùa béo lại có thêm vị ngòn ngọt
đặc trưng của lạc. Vừa ăn lạc vừa uống thêm vài ngụm nước chè xanh thì… Ôi,
tuyêt!
Ngày nay, món lạc luộc có mặt ở hầu hết
các quán bia từ nông thôn cho tới thị thành. Tôi cũng thường ngồi uống bia, ăn
lạc luộc và cố tìm, cố chắt lọc mà chẳng bao giờ tìm ra được cái mùi vị như mùi
vị trong rổ lạc luộc quê nhà. Nhớ làm sao cái nùi vị ấy ở những mùa lạc xa lơ
xa lắc của những năm tháng ấu thơ xưa…
(*) Lạc:
Miền Nam gọi là “Đậu phộng”
0 Nhận xét