Kính chào Lòng Chúa Thương Xót
Bài 9: ĐỨNG VỀ PHÍA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Chia sẻ của Lm Trăng Thập Tự
Sau khi
gặp gỡ người dạy giáo lý và hai dự tòng, Cha sở Đồng Tiến quyết định cử hành
nghi thức nhập đạo cho bà Ba và bà Tư vào ngày 20-7-2019. Chồng bà Tư đang bị
ung thư, sẽ được cụ giáo lý viên đến tận nhà hướng dẫn. Còn bà Sáu sẽ học
riêng. Sáu người tiếp nối nhau, thật lạ.
KẺ GIEO, NGƯỜI GẶT
Thấm thoát
tới nay đã đã mười hai năm ngày tôi rời dòng Cát Minh về lại Giáo phận Qui Nhơn
trong tình trạng kiệt quệ do chứng đa khớp thấp kéo dài. Đức Giám mục đã ưu ái
cho nghỉ tại nhà hưu dưỡng để cầu nguyện cho Giáo phận và ngài bảo một ông lang
vườn chẩn bệnh và chữa trị cho tôi. Mười lăm ngày sau tôi bắt đầu khỏi bệnh. Đã
có lúc Đức Cha bảo tôi đi coi xứ nhưng tôi xin được chước miễn trách nhiệm ấy
để dành thời giờ cho một vài việc có lẽ cần hơn. Một trong các việc khác mà tôi
thao thức là thử tìm cách loan báo Tin mừng cho lương dân. Ngoài nỗ lực loan
Tin mừng qua con đường dòng họ, tôi thực hiện những tờ bướm Giáng sinh ba năm
liền, hai mùa Giáng sinh khác tặng CD nhạc, hai mùa Tết tổ chức văn nghệ… Tổng
cộng chỉ duy nhất những tờ bướm Giáng sinh đầu tiên đã mời gọi được ba bạn trẻ
xin tìm hiểu giáo lý qua email. Sau đó hai người bỏ cuộc, chỉ một nam sinh viên
theo học đến cùng, rồi thân phụ em được rửa tội trên giường bệnh, sau đó đến
lượt chính em, người mẹ và cô gái út. Các anh chị của em đã có gia đình, dù rất
thiện cảm nhưng không cải đạo.
Với những
ai biết các nỗ lực của tôi, những thời giờ, công sức và tiền bạc đã bỏ ra thì
cái kết quả quá èo uột ấy dường như trở thành một phản chứng, khiến họ nản lòng
không muốn nghĩ đến việc truyền giáo. Tuy nhiên, bản thân tôi lại nhận ra rằng
ơn đức tin của gia đình em sinh viên nọ chỉ là món quà Chúa an ủi để tôi làm
công việc gieo vãi. Tôi không nên giành lấy cả hai vinh dự gieo và gặt. Lắm
khi, gieo xong rồi ta còn được ơn chịu sỉ nhục để thành phân bón cho những hạt
mình gieo được nẩy mầm, bén rễ.
THIÊN CHÚA ĐANG MUỐN ĐẾN THẬT GẦN
Giờ đây,
sáu tháng đầu năm 2019, tôi khá bận rộn với việc gặt hái những thành quả do một
người anh em gieo vãi qua những bài giảng về Lòng Chúa Thương Xót. Tôi lại cũng
có thêm mấy suy tư khác:
1. Cả
người anh em ấy và tôi cùng gieo. Tại sao những hạt tôi gieo quá chậm phát
triển, còn công việc của người anh em ấy được Chúa chúc phúc ngoài sức tưởng
tượng của mọi người?
Bản thân
tôi cũng được đánh giá là một linh mục dễ gần gũi. Tôi lặn lội bằng xe đạp, xe
đò, xe buýt, xe ôm đi qua nhiều con đường mà lắm anh em linh mục trong giáo
phận chưa bao giờ biết tới, đến những thôn xóm, những ngóc ngách nửa thế kỷ qua
chưa từng được thấy bóng linh mục. Vậy tại sao hạt giống gieo xuống chờ mãi
chẳng thấy mọc lên? Phải chăng người anh em tôi đã tìm được một thứ hạt giống
Thần nông ngắn ngày, thay vì loại hạt giống mỗi năm chỉ một vụ hoặc hai vụ? Có
thể lắm! Có thể rằng tôi thì có dáng dấp gần gũi nhưng Thiên Chúa mà tôi giới
thiệu cho mọi người vẫn là một Thiên Chúa xa cách? Còn Thiên Chúa mà người anh
em tôi đang rao giảng là một Thiên Chúa đang cúi xuống trên nỗi khổ của từng
người, và họ rủ nhau ùn ùn kéo đến nơi hẻo lánh ấy vì họ cảm nghiệm được rằng ở
đó có một Thiên Chúa đang yêu thương họ. Lắm người chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện
phải đi đến đó nhưng vẫn say mê nghe những bài giảng ấy cả ngày lẫn đêm. Lý do
phải chăng là vì chỉ cần nghe thôi cũng đủ cho họ nhận ra rằng Thiên Chúa giàu
lòng thương xót đang rất mực xót thương họ?
Tôi và
nhiều người khác nhập đề gián tiếp bằng những đường vòng rất xa, còn người anh
em này trực tiếp nói ngay về Thiên Chúa giàu lòng Thương xót.
2. Có độ
chênh lệch hết sức lớn giữa một sáng kiến riêng được Chúa chúc phúc và một ơn
lành Chúa ban sẵn, ta chỉ cần đưa tay đón nhận. Có thể nói, nó tựa như sự chênh
lệch giữa gàu nước giếng với cơn mưa.
Ngoài
trường hợp Cha Trần Sĩ Tín đã được ơn ban bí tích Thánh tẩy cho 1000 người
trong năm thánh 2000, những con số khác hết sức khiêm tốn. Theo quyển “Giáo hội
Công giáo Việt Nam - Niên giám 2016” thì năm 2015, dân số Công giáo là
6.756.303 người, số người lớn được rửa tội là 38.050 người, số hôn phối cùng
tôn giáo là 69.536 đôi, số chuẩn khác đạo là 8.285 đôi. Trong số 38.050 có bao
nhiêu trường hợp trở lại nhân dịp kết hôn và bao nhiêu trường hợp trở lại nhờ nghe
các bài giảng về Lòng Chúa Thương Xót? Hiện không có số thống kê nhưng hai câu
hỏi nêu ra khá đáng cho ta suy nghĩ.
3. Một câu
hỏi khác quan trọng hơn: Làm sao để những người đến với Chúa nhân dịp kết hôn
và những người được ơn đức tin ngang qua ơn chữa lành có thể đứng vững, và hơn
nữa, ngày càng lớn lên trong cuộc sống đức tin và đức ái.
Đầu tháng
3/2019, tôi viết loạt bài “Hiệp nhất trong Lòng Chúa Thương Xót”. Trong thư
phản hồi, một linh mục dòng Cát Minh đã chia sẻ: “Thứ ba là về đêm tối của cha thánh
Gioan Thánh Giá. Em vừa giảng xong tĩnh tâm năm cho nhà kín Huế. Phần lớn của
các bài giảng là cuộc thanh tẩy chủ động, bị động của hai phần giác quan và tâm
linh của con người. Với chút kinh nghiệm của cá nhân và những gì em quan sát
đang diễn ra trong cuộc sống xã hội cũng như giáo hội em thấy con người cả giáo
dân, giám mục, linh mục, tu sĩ, cả các tu sĩ Cát Minh, tất cả đang đi tìm sự
vui thõa, niềm vui, sự an ủi, niềm tự hào... nơi cả các sự vật khả giác và tâm
linh chứ ít ai đi tìm Chúa vì chính Ngài. Hậu quả là ma quỉ đã lừa gạt họ qua
các giác quan bên ngoài cũng như bên trong. Ngay cả những anh chị em đến với
Chúa qua phong trào Lòng Thương Xót cũng đang đi tìm những quà tặng của Chúa,
ơn này ơn kia và những an ủi tâm linh chứ ít người đi tìm chính Chúa. Vì thế
nếu ta không cẩn thận và hướng dẫn cho họ biết để cho Chúa thanh luyện từ từ
thì họ cũng có nguy cơ bỏ Chúa khi không còn nhận được những ơn an ủi, hay khi
chứng kiến những xì căng đan của Giáo hội. Đêm tối của cha thánh là một sự tước
đoạt hoàn toàn mọi sự cả khả giác cả tâm linh, tước đoạt mọi sự vui thỏa, mọi
sự dính bén và quyến luyến chúng ta đã đặt vào, để rồi cuối cùng chúng ta có được
Chúa như chính Ngài là. Sự tước đoạt đó đi từ chủ động đến thụ động. Chúa biết
khi nào linh hồn đã sẵn sàng để chính Ngài sẽ tước đoạt nó, thanh luyện nó”
(Thư riêng, ngày 13/3/2019).
4. Trong
sách Tin Mừng của Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu đến gần chúng ta tới nỗi chịu
đóng đinh giữa hai tên gian phi. Một người chống lại Lòng Chúa Thương Xót và
một người cần đến tấm lòng ấy. Khi tự vấn mình đang nhập vai vào người nào, tôi
bỗng nghe vọng lại lời Chúa phán với Thánh nữ Brigitta: “Này trái tim Ta yêu
dấu loài người quá bội mà loài người vô tình tệ bạc.”
Thần dữ có
một kinh nghiệm dài hơn lịch sử loài người cho nên ta bị nó đánh lừa là chuyện
thường tình.Hãy quay về với Chúa Thánh Thần, cương quyết đứng về phía Lòng Chúa
Thương Xót, bênh vực cho mọi kẻ yếu hèn, đề cao thiện chí của anh em mình, quyết
không tiếp tay với thần dữ, nó sẽ phải xấu hổ bưng mặt chạy trốn.
LÚA GIỐNG NGẮN NGÀY
Tôi có một
kết luận nhỏ cho những tháng ngày còn lại nơi đời mục tử của tôi: Mình không
biết gieo thì góp phần gặt điều anh em đã gieo vậy. Chẳng ai nhờ mình gặt thì
mình đi mót. Không có thuyền có lưới thì mình đơm bằng rổ, bằng rá… Nỡ nào nhìn
lúa rệu rã bị nước cuốn trôi? Nỡ nào khoanh tay vô cảm nhìn bùn thải giết cá
chết tấp trắng biển bờ?
Nếu Chúa
muốn và tạo điều kiện, có lẽ tôi sẽ lần mò quay lại những nơi đã từng đi qua để
gieo loại hạt giống ngắn ngày, tận dụng các bài giảng trong chiếc máy nhỏ hoặc
trên mạng internet để giúp người ta thấy Thiên Chúa thật gần gũi. Trong lúc chờ
đợi tôi cứ ở đây, ai cần đến thì tôi giúp. Ai cần chiếc máy, tôi sẽ tìm người
giúp một cái. Anh ruột của một nữ tu mới bị mù mấy năm nay, cả ngày ngồi buồn
bã. Nay có cái máy, trở nên vui vẻ, cứ ba giờ chiều là bắt đầu cầu nguyện.
Chiếc máy là một quà tặng đa dụng cho công cuộc Tin mừng. Nó giúp những người
mắt kém, những người không đọc được chữ, những người đau ốm chẳng ai kề cận,
nay có được một người bạn thủ thỉ cả ngày lẫn đêm. Họ nghe, rồi lắm lúc cả nhà
và cả xóm cùng nghe. Họ trở thành kẻ rao giảng Tin mừng mà không ngờ.
Còn người
thợ hớt tóc hay bác xe ôm, lâu lâu lại đến xin chiếc máy cho một bệnh nhân
ngoại giáo, một người già neo đơn, thì biết rõ mình đang làm việc tông đồ. Các
hội viên Legio cũng thế.
Từ mấy
tuần nay, có mấy hội viên Legio Mariae hăng say tìm thăm một xóm ngư dân xưa
kia là một giáo họ, mấy chục năm rồi kể như đứt liên lạc, nhiều người không
biết mình đã được rửa tội hay chưa. Giờ đây họ lại lên thuyền ra khơi cả tháng
hoặc mấy tháng mới quay vào bờ, nhưng sung sướng có được một chiếc máy nhỏ, cả
thuyền cùng nghe chuyện một vị Chúa sống với mấy người đánh cá…
Chiếc máy
giúp đáp ứng nhu cầu nghe lời Chúa của người dân biển, tôi đã thao thức từ rất
lâu rồi và đã bắt tay vào việc mười năm rồi mà tới nay dường như vẫn đang ở
khởi điểm. Tôi khao khát giới thiệu Chúa Giêsu cho ngư dân qua câu chuyện của
một “Người đánh cá lừng danh thế giới” tên là Simon Phêrô. Các em sinh viên đã
cùng tôi xây dựng một kịch bản truyện tranh, đã có sẵn đầy đủ các phân cảnh và
lời thoại, nguồn tài trợ cũng sẽ tìm được, chỉ thiếu một điều là chưa có ai
giúp vẽ. Thật ra, dù có hoàn thành đúng kế hoạch, nhằm lúc văn hóa đọc suy tàn,
quyển truyện chưa chắc đã bắt kịp chiếc máy.
Chiếc máy
rất thiết thực cho ngư dân. Nó giúp họ khám phá ra một Thiên Chúa gần gũi, Đấng
biết họ và họ biết Ngài (x. Ga 10,14). Đó là Đấng đã từng ngủ trên thuyền (x.
Mt 8,23), hơn nữa, đã từng “ra khỏi thuyền, vừa trông thấy
một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ”
(Mt 14,14).
Thông điệp quan trọng và chủ yếu nhất của Kitô giáo là
Lòng Thương xót đã tự trang bị cho mình một phương tiện dễ hiểu để đến với đại
chúng người Việt, lan truyền cách tự phát như chất men đang biến đổi hết khối bột
này tới khối bột khác. Gió Thánh Thần đang thổi những bài giảng đến tận từng
thôn ấp làng mạc bằng những búi lông bồ công anh thời mới, tung vãi rắc gieo hạt
giống mới bằng những phương tiện hiện đại, qua một nẻo đường chằng chịt thật bất
ngờ là các gia đình. Xin mời đón xem bài 10: Gia đình của Lòng Chúa Thương Xót.
0 Nhận xét