Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Kính chào Lòng Chúa Thương Xót - Bài 6: TRÊN ĐƯỜNG ĐUA PHƯƠNG ĐÔNG


Kính chào Lòng Chúa Thương Xót

Bài 6: TRÊN ĐƯỜNG ĐUA PHƯƠNG ĐÔNG


Những phản ứng hồn nhiên của các “hiền sĩ” thời nay ở bài trước cho thấy chay tịnh là một lãnh vực đáng lưu ý và hứa hẹn nhiều kết quả cho việc đối thoại liên tôn,… rất chính xác mà không đụng gì tới giáo lý mạc khải. Ta chỉ cần mở rộng vòng tay đón nhận lớp tín hữu mới với cả những kinh nghiệm nhân loại cao quý của họ…

NGƯỜI CÔNG GIÁO NẤU CƠM CHAY

Năm 2010, tôi đưa lên mạng loạt bài “Những nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng”, trong đó có bài chia sẻ về việc ăn chay phương Đông. Bài viết đã gây cảm hứng cho một phụ nữ Công giáo là chị Đông A, bàn với chồng là một tín hữu Cao Đài, thực hiện quán Lẩu chay An Nhiên ở đường Phạm Ngũ Lão. Ngày nay, An Nhiên đã thành một thương hiệu có uy tín với mấy chi nhánh ở các đường  Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Văn Thủ, Lê Ngô Cát, Lê Quang Định, Nguyễn Tri Phương…
Tại Tp. Quy Nhơn, quán chay Thanh Minh ở đường Phan Bội Châu có chủ nhân là một vị trong Hội đồng Giáo xứ Chính Tòa. Mỗi tháng hai ngày, rằm và mùng một, còn thêm một ông biện khác tới tiếp sức. Mỗi khi phải tiếp những anh chị em ăn chay, tôi đều đưa đến đó, hoặc gọi điện nhờ đưa đồ chay tới tận nơi.

CHIA S VÀI KINH NGHIM BN THÂN

Vào những năm 1990, có lần sau lớp giáo lý hôn nhân, một đôi bạn mời tôi dự tiệc cưới, tôi xin kiếu vì đang thời gian ăn chay trường. Đôi bạn quá tha thiết muốn tôi hiện diện nên đã đề nghị dọn riêng cho tôi một khẩu phần “gạo lứt muối mè”. Những năm sống dưới mái nhà Thánh Don Bosco, đồng bàn với anh em Salêdiêng, tôi tránh gắp thịt cá, chỉ dùng rau, củ, quả. Dĩ nhiên có những thứ nấu chung với thịt cá và nêm bằng nước mắm… Chọn lựa ấy giúp tôi cùng lúc vừa cầu nguyện cho những anh chị em thiện chí chưa biết Chúa vừa hiệp thông với anh em đồng đạo. Cảm nghiệm sâu xa êm đềm nhất của tôi là việc ăn chay này giúp tôi được gia tăng lòng thương xót. Khi thấy muỗi đậu lên cánh tay, tôi nhẹ thổi cho nó bay đi. Tôi dùng phấn vạch lên nền nhà chặn không cho kiến vào để khỏi dùng bình xịt diệt côn trùng. Tôi hiểu nhờ đâu rất nhiều anh chị em lương dân tôi quen, luôn nói năng ý nhị, ứng xử rất hiền hòa, nhã nhặn. Vâng, với sinh mạng một con muỗi, một con kiến, họ còn trân trọng, thì với người anh em đồng loại, họ còn kính trọng biết bao…
Cuối năm 1999, tôi gia nhập dòng Cát Minh Têrêxa. Hai tháng rưỡi tại Pháp tôi cố gắng tập ăn lại một chút cá thịt. Thế nhưng, bữa tối đầu tiên tại nhà tập Las Palmas ở Tây Ban Nha, nhằm ngày đầu năm 2000, tôi choáng váng nhìn phần ăn của mỗi người là một đùi cừu. Tôi thấy cần phải mạnh dạn thưa thật với người đào tạo. Tôi chỉ ngồi nhâm nhi bánh mì và rau quả để sau đó thưa ngay với cha tập sư rằng tôi là người ăn chay trường. Cha tập sư đầy nhân ái:
- Anh được quyền ăn như thế với những gì người ta dọn trên bàn (cả trên bàn ăn và chiếc bàn “dự phòng” bên cạnh) nhưng không được tự động lục trong tủ đồ ăn.
Thầy già phụ trách nhà cơm biết ý, luôn có một ít rau củ quả, dầu ôliu và phô-mai trên bàn dự phòng.
Tại dòng Cát Minh Philippines, tôi tiếp tục ăn chay tới khi rời nhà dòng đầu năm 2007. Khi bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh “gút”, anh em đổ thừa rằng tại tôi ăn nhiều đậu khuôn, bị dư chất đạm. May mắn, cuối cùng người ta xác định được bệnh tôi chẳng phải gút mà là đa khớp thấp, không phải do dư đạm.
Rời dòng Cát Minh và Phippines, chống gậy về nhà với chiếc thân tàn tạ, ăn cơm với mẹ già thui thủi, tôi không nỡ từ chối cùng ăn thịt cá với mẹ… Tuy nhiên tôi linh cảm rằng lịch sử truyền giáo tại Việt Nam không chừng rồi sẽ một lần nữa bỏ lỡ một cơ hội vàng, không khác mấy chuyện tôn kính Tổ tiên trước đây. Cơ hội ấy là kinh nghiệm dùng rau củ quả. Chẳng cần phải qui định như một luật buộc, chỉ cần một sự nhìn nhận, một sự trân trọng hoặc ít ra một thiện cảm. Chỉ cần mời gọi dùng thực đơn chay vào ngày Thứ Sáu hằng tuần là đủ. Nếu ta cứ tỏ ra dị ứng và loại trừ kinh nghiệm quý báu này, sẽ có rất nhiều người khó mà lìa bỏ một giá trị để chọn điều bị cho là kém giá trị hơn. Có thể nói những người quen ăn thịt cá khó mà hiểu được người ăn chay, cũng tựa như có những người sống bậc gia đình khó mà hiểu được tại sao các linh mục và tu sĩ Công giáo lại giữ độc thân khiết tịnh.

MỘT ƯỚC MƠ

Những bản văn hướng dẫn vừa qua của các Ủy ban HĐGMVN đã được tín hữu khắp nơi đón nhận cách bình an và trân trọng. Tại Giáo điểm Tin Mừng, mọi chuyện cũng đã được điều chỉnh theo đó. Những điều chỉnh ấy cho thấy ý chí hiệp nhất của Giáo hội Việt Nam, dường như từ trên xuống dưới, người người đang nhắc nhau tiến vào thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. 
Thiết tưởng, khởi đi từ những bản văn khá đặc biệt ấy, Giáo hội Việt Nam cần có thêm những bản văn tương tự nêu rõ chỉ dẫn kiên quyết và thiết thực cần có về kỷ luật và giáo lý, để giúp Dân Chúa chuyển từ một đám đất nhiều gai góc thành một đám đất tốt. Giữa bao nhiêu điều nhiều người đó đây có thể muốn nêu lên, tôi cũng xin góp một số ý về mặt kỷ luật, mong được Ủy ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN quan tâm nghiên cứu để giúp cộng đồng Dân Chúa chỉnh đốn lại từ trang phục, ăn uống, nói năng, cách cầu nguyện và làm việc:
* Ăn uống: Luật kiêng thịt ngày thứ Sáu hiện vẫn còn hiệu lực trong Hội thánh toàn cầu, với kinh Năm Điều Răn. Trong thời chiến, giáo dân Việt Nam đã được chước miễn luật này. Nay chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ rồi, chúng ta vẫn chưa quay lại với luật thường, phải chăng là quá lạm dụng? Theo hướng đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa, khi tái lập luật kiêng thịt ngày thứ Sáu thiết tưởng cũng nên ghi chú thêm: Rất khuyến khích dùng rau quả thay thịt cá, để hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em lương dân sớm được ơn tin nhận Chúa.
Đi xa hơn, cũng nên có lời mời gọi tránh rượu bia và thuốc lá để góp phần chấn hưng đạo đức xã hội và đồng cảm với anh chị em Tin Lành…Năm 2007, về lại trong cộng đồng giáo phận, vào bữa ăn tôi cũng dùng một cốc bia để hòa đồng với anh em. Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng nếu mình từ chối uống bia cũng chẳng có gì là kênh kiệu hay lập dị, vì số anh em linh mục không uống bia chiếm một tỉ lệ khá cao. Nếu Hội đồng Giám mục Việt Nam có một lời mời gọi tha thiết, chắc hẳn số lượng những anh em từ chối bia rượu và cả thuốc lá sẽ tăng lên rất nhanh, vì sức khỏe bản thân, vì một hình ảnh cao đẹp của người thánh hiến, vì công cuộc giáo dục chung của xã hội và nhất là vì đại cuộc Tin mừng. Không phải tái lập một khoản luật với hệ quả là “tội trọng đáng sa hỏa ngục” nhưng là lời mời gọi thúc bách đáp đền Lòng Chúa Thương Xót bằng tin, cậy, mến.
* Trang phục: Ai cấm được chúng ta quy định vào nhà thờ phải ăn mặc chỉnh tề? Nhiều giáo xứ đã quy định rõ và đã thành nếp: đến dự lễ, nữ giới mặc áo dài, nam giới mặc âu phục, bỏ áo trong quần…
* Nghỉ việc ngày Chúa nhật: Cùng với việc chuẩn kiêng thịt, hình như những khó khăn của thời chiến đã khiến các mục tử quá dễ dãi trong việc chuẩn kiêng việc xác ngày Chúa nhật. Trước cơn lốc mải mê vật chất hiện nay, thiết tưởng việc tái lập luật kiêng việc xác ngày Chúa nhật hết sức quan trọng.
* Lời nói, lời kinh:Cần nhắc nhở chính thức về lời ăn tiếng nói của tín hữu phải xứng đáng là của con cái Chúa. Về lời kinh, khi nguyện kinh truyền thống cũng như Các Giờ kinh Phụng vụ, nhiều nơi đọc quá nhanh và máy móc, mất cả ý nghĩa. Việc lần hạt khi rước kiệu cho thấy việc đọc kinh chậm là điều có thể làm được. Cũng cần ý thức: Cung giọng ê a có thể tạo tác dụng chiêm niệm nhưng việc đọc chậm theo cung nói lại dễ đưa ta vào nhịp thổn thức rên rỉ trong Thánh Thần (x. Rm 8,26).
* Bàn thờ gia đình và Lời Chúa: Nhiều gia đình còn để bàn thờ hỗn độn, phản cảm, không nói lên được trọng tâm của đức tin.Sách Thánh và các kinh sách đạo bị vất bừa bãi, thiếu trân trọng. Mỗi gia đình nên có một kệ nhỏ để cất giữ kinh sách cho xứng đáng.
Mời xem tiếp bài 7: Cần đến Lòng Chúa Thương Xót.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét