Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Raphael, họa sĩ hàng đầu của nghệ thuật Công giáo



RAPHAEL (1483-1520), HOẠ SĨ HÀNG ĐẦU CỦA NGHỆ THUẬT CÔNG GIÁO.


Danh hoạ Raphael Sanzio, thường gọi là Raphael là 1 trong những hoạ sĩ vĩ đại nhất, hoạ sĩ số 1 của nhà thờ Thiên chúa giáo, tinh hoa của thời đại Phục hưng Italia. Trong cuộc đời 37 năm ngắn ngủi của mình, Raphael đã làm nên 1 phong cách hội hoạ và 1 nhân cách có sức hấp dẫn lạ thường, không ngừng làm kinh ngạc và say mê những người yêu chuộng mỹ thuật trên khắp các châu lục.

Raphael cùng với Leonardo Da Vinci, Michel Angelo, Titian trở thành những đại biểu xuất sắc nhất của mỹ thuật phục hưng Italia. Trong đó, nếu Da Vinci là thiên tài hội hoạ với nhiều kiếm tìm khám phá, xây dựng nhiều quy tắc và phát minh như phép phối cảnh (perspective) trong hội hoạ, Michelangelo tác giả của 1 khối lượng khổng lồ những tác phẩm nghệ thuật của cái bi thương nhưng hùng tráng, Titian để lại rất nhiều tác phẩm với màu sắc lộng lẫy thiết tha thì Raphael là người có tài tinh lọc những gì là tốt đẹp nhất trong mỹ thuật của các bậc tiền bối. 
Raphael là người có tài kết hợp cả những điều khó kết hợp nhất: rất xưa mà nay, huyền thoại với đời thường, thiêng liêng thánh thiện với trần gian gần gũi.. để làm nên những tác phẩm bất hủ với bố cục hoành tráng mang tính tổng hợp của các phong cách Phục hưng.

Raphael sinh năm 1483 tại Urbino. Thời gian học tập ở Urbino và Peruga, Raphael từng là học trò của danh hoạ Pietro Perugino (1450 – 1523). Thời kì mở đầu này, Raphael đã vẽ nhiều tranh chịu ảnh hưởng của thầy, có thể kể như : Thánh Niccolo (Saint Niccolo da Tolantino Altarpiece 1501. Bảo tàng Capodimonte, Naples); Jesus chịu đóng đinh trên thánh giá (The Crucifixion 1502. Phòng tranh quốc gia London); Trao vương miện trinh nữ (Coronation of the Virgin 1503. Vatican); Lễ cưới trinh nữ (Marriage of the Virgin 1504, Phòng tranh Brera, Milan)

Năm 1504 Raphael tới Florence – Raphael đã gặp Leonardo da Vinci và Michelangelo đang làm việc ở đây. Raphael đã học tập những nghệ sĩ tài ba đã nổi tiếng này và sáng tạo nên những tác phẩm của riêng mình. Trong khoảng thời gian 4 năm ở Florence, Raphael đã vẽ nhiều tranh, trong đó có những bức nổi tiếng như: Đức Bà và hài Đồng lên ngôi với 5 thánh (the Madona and Child enthroned with 5 Saints – 1505. Bảo tàng Metropolitan, New York), Thánh Micheal và con rồng (Saint Micheal and dragon – 1505. Bảo tàng Louvre, Paris), Chân dung Angelo Doni (Portrait of Angelo Doni 1506. Phòng tranh Pitti, Florence), Hạ huyệt (The entombment 1507. Phòng tranh Borghese, Roma)


Năm 1508, Raphael được Giáo hoàng Julius II mời tới làm việc tại Roma. Chính ở đây, ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới như: Tranh luận về Chúa Ba Ngôi (Dispute 1509 – 1510, Vatican, Roma), Trường Athenes (The School of Athènes, 1510 – 1511. Vatican, Roma). Đặc biệt là 1 loạt tranh tôn giáo rất đẹp như: Đức bà Alba (the Alba Madonna. 1511. Phòng tranh quốc gia Washington), đặc biệt nhất là bức Đức bà Sixtine ( The Sistine Madonna, 1512 – 1513. Bảo tàng Dresden). Kiệt tác này là đỉnh cao và sự tổng kết về tranh Thiên chúa giáo. Trường Athenes là bức tranh tượng khổ lớn được Raphael vẽ tại phòng chữ ký (Stanza della Segnatura) của Giáo hoàng ở Vatican. 
Trong đó, ông đề cao triết học Hy Lạp cổ đại, một điều không thể chấp nhận được với Thiên chúa giáo thời Trung cổ. Tất cả các mặt: Phối cảnh, hình hoạ, bố cục, màu sắc… được Raphael giải quyết 1 cách hoàn hảo đến mẫu mực. Trên nền cao của ngôi đền nguy nga tráng lệ, đồng thời cũng là trung tâm của bức tranh, Raphael đã thể hiện 2 triết gia vĩ đại là Platon và Aristotles vừa đi vừa tranh luận. Đây chính là những người đặt nền móng cho triết học châu Âu. Xung quanh và những bậc thang thấp là những học giả, những đại biểu của tư tưởng, khoa học, nghệ thuật của các thời kỳ sau đó, suốt chiều dày lịch sử 2000 năm tới thời Raphael. Hơn 50 nhân vật được diễn tả trong 1 bố cục gắn bó chặt chẽ với tương quan sáng tối lý tưởng làm nổi bật các nhân vật trên 1 nền kiến trúc tầng tầng lớp lớp trong sáng và sâu thẳm.



Hai năm sau, khi Raphael vẽ bức Trướng Athenes, ông vẽ bức Đức bà Sistine cho nhà thờ Saint Sixto. Bức tranh có bố cục tài tình khéo léo với 6 nhân vật, tạo nên tam giác ổn định bền vững như mong muốn trường tồn của nhà thờ. Đỉnh cao trang nghiêm đường bệ là hình Đức Mẹ Đồng trinh bế Chúa Hài đồng với những nét tâm lý sâu sắc qua từ dáng ngồi đến ánh mắt, như tiên báo một con người sinh ra để làm những việc lớn lao phi thường. Xung quanh gương mặt ngời sáng của Đức Mẹ và Chúa Hài đồng là vầng hào quang kỳ ảo, nếu ta nhìn kỹ sẽ thấy vầng hào quang này soi rõ vô vàn những khuôn mặt đang hướng về Chúa. Hai bên là các nhân vật Saint Sixto và Barbara đang tôn vinh Đức mẹ và Chúa hài đồng, tất cả đang bồng bềnh trên mây. Bên dưới cận cảnh bức tranh được kết bởi 2 thiên thần hướng thượng. Màu sắc ở đây cao nhã và tha thiết. Những hình ảnh hết sức tôn nghiêm nhưng lại gần gũi lạ thường. Bức tranh này là bản tổng kết tuyệt vời của Raphael về đề tài tôn giáo và tình mẹ con để mãi mãi về sau chưa ai có thể vượt qua.

Chỉ sau 5 năm tới làm việc tại Roma, khi Giáo hoàng Julius II mất (1513) danh tiếng Raphael đã vang dội. Tài năng và sự uyên bác của ông đã ảnh hưởng to lớn tới giới hoạ sĩ trẻ ở Italia thời bấy giờ, Tiếp theo 7 năm cuối đời của ông, Raphael đã làm việc dưới thời Giáo hoàng Leon X, mặc dù phải đảm đương nhiều trọng trách, giám sát các công trình ở Vatican, ông vẫn lãnh đạo 1 tập hợp đông đảo các nghệ sĩ tài năng, trong đó có Jiulio Romano và Giovan Francesco Penni. Với hội họa Raphael tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm đẹp và hoành tráng như: Bà Velata (La Donna Valata 1514, Phòng tranh Pitti, Florence), Đức mẹ ngồi ghế (the Madonna of the chair 1515, Phòng tranh Pitti, Florence), Đám cháy ở Borgo ( The fire in the Brogo 1515. Vatican), Mẻ lưới kì diệu ( the miraculous draught of fishes 1515, Bảo tàng Victoria và Albert, London)….

Raphael mất vào năm 1920 ở tuổi 37 trong vinh quang tuyệt đỉnh và sự nuối tiếc vô hạn của bạn bè và những người yêu thích tranh ông.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét