MỜI GỞI BÀI CỘNG TÁC CHO MỤC ĐỒNG 12
*
MỤC ĐỒNG 11 “Lời kinh mẹ dạy” đã làm
xong bản thảo, đang trong quá trình dàn trang trình bày và xin giấy phép in ấn.
Mời quý tác giả gởi bài cộng tác với MỤC ĐỒNG 12 “Tình yêu nhập thế” (dự kiến phát hành đầu tháng 11, nghĩa là sẽ “chốt”
bài vào giữa tháng 9). Để quý tác giả có thể nắm bắt những nội dung chính yếu của
chủ đề này và gởi những bài viết phù hợp, chúng tôi xin giới thiệu trước “Lời mở
đầu” của tập 12. Mong sớm nhận được nhiều bài viết hay về chủ đề này.
+
Lời mở đầu MỤC ĐỒNG 12
“TÌNH
YÊU NHẬP THẾ”
Yêu
nhau mấy núi cũng leo
Mấy
sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Dân gian Việt Nam có lối diễn tả
tình yêu thật lạ! Yêu là phải leo núi, phải lội sông, phải qua đèo. Không có
chuyện ngồi đó mà uỷ mị than vãn, kiểu như: “em
có chồng anh tiếc lắm thay!”. Đã có gan yêu thì phải dám vượt qua ngăn trở
thách đố, phải biết sống trọn vẹn cho tình yêu của mình.
Đã yêu là phải nhập thế. “Tình yêu không hệ ở lời nói, nhưng hệ ở việc
làm” (Thánh I-nha-xi-ô Lo-yo-la).
Người ta dễ rung động trước một
tình yêu lãng mạn của người biết sáng tạo trong việc bày tỏ tình yêu của mình.
Người ta dễ xiêu lòng trước một tình yêu chân thực của người biết trân trọng và
kiên định trong việc theo đuổi tình yêu. Người ta dễ mủi lòng trước một tình
yêu cao cả của người sẵn sàng hy sinh và dám làm tất cả vì hạnh phúc của người
mình yêu… Vậy thì có ai không rúng động trước tình yêu vừa lãng mạn, vừa chân
thực, vừa cao cả của một Thiên Chúa nhập
thể làm người, để nhập thế sống trọn kiếp người, và để ban
chính mạng sống mình hầu cứu độ con người? Mấy núi, mấy sông, mấy đèo, đâu có
nghĩa lý gì đâu so với khoảng cách vời vợi giữa con người phàm hèn cát bụi và
Thiên Chúa chí tôn vô thượng.
Càng chìm sâu vào Mầu Nhiệm Con
Thiên Chúa nhập thể và nhập thế, con người càng có cơ hội để khám phá và sống với
tầm mức vĩ đại của tình yêu.
Kính thưa quý độc giả,
Trong hai năm qua, liên tiếp 8 tập
của Mục Đồng đều xoay quanh đường hướng
chung của Hội Đồng Giám Mục VN là Mục vụ
gia đình. “Tình Yêu Nhập Thế” là
tập cuối trong loạt chủ đề này, trước khi Mục Đồng chuyển sang một mảng đề tài
mới. Đây là sứ điệp chính của chúng tôi trong tập san này: Nếu gia đình được gọi
là chiếc nôi của tình yêu, việc chiêm niệm tình yêu nhập thế của Con Thiên Chúa,
chính là nền tảng và là nguồn gợi hứng cho việc xây dựng đời sống gia đình.
Khi một con người đến với một con
người trong giao ước tình yêu, cả hai đều phải vượt qua nhiều ngăn cách lắm! Bởi
lẽ “giữa hai con người, dù có hoà hợp đến mấy, vẫn luôn tồn tại một hố sâu ngăn
cách mà “tình yêu […] chỉ có thể bắc qua đó một chiếc cầu mỏng manh" (Hermann Hesse). Hành trình sống giao ước
tình yêu không phải là hành trình tận hưởng một tình yêu đã có sẵn. Tình yêu
nào rồi cũng cạn mòn, nếu không được dưỡng nuôi và vun đắp. Tình yêu nào cũng đòi
hỏi một sự dấn thân liên tục.
Nếu chính Thiên Chúa đã là người đi
bước trước trong việc bắc một chiếc cầu tình yêu vượt qua hố sâu ngăn cách giữa
con người và Thiên Chúa, con người vào bất cứ thời đại nào cũng luôn được mời gọi
bắc những chiếc cầu vượt qua hố sâu ngăn cách giữa người và người. Cuộc đời này
sẽ trở nên tươi đẹp biết bao nhờ những chiếc cầu của tình yêu nhập thế.
Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn
trong các tuyển tập Mục Đồng của năm tới, xoay quanh các chủ đề “người trẻ và ơn gọi”, bắt đầu với Mục Đồng
tập 13 - “Mùa Xuân Ơn Gọi”.
0 Nhận xét