Từ ngày khai trương, shop quần áo của tôi luôn đông khách. Sáng nay, như thường lệ, vừa mở cửa tôi đã có khách. Khách không như các cô gái trẻ vào sắm đồ để đi chơi, cũng không có vẻ muốn mua loại quần áo bình thường về mặc: đây là một cô gái độ 17 – 18 tuổi.
Chỉ nhìn thoáng qua bộ quần áo bà ba nâu sờn bạc ở vai và ở gấu, để lộ đôi bàn tay thô ráp và đôi chân to bè lam lũ, trong đầu tôi đã nghĩ nhanh rằng: “Cái ngữ này thì chẳng mua bán gì rồi, mới sớm mai mở cửa hàng đã bị ám…” Tôi hỏi gắt: “Em cần gì ?”
Như sợ tôi bỏ quay vào, cô gái đáp ngay, giọng nhỏ nhẹ đến lạ: “Anh ơi, em dưới quê thồ rau lên thành phố bán, nhưng vừa đến đây xe tự nhiên bị nổ lốp, mà sáng sớm vội đi em lại quên mang tiền.”
Theo hướng cô gái chỉ, bên lề đường là một xe rau và su hào bắp cải chất cao nghệu. Bao năm sống ở thành phố, đủ thứ gian trá lường gạt tôi đã gặp nhiều, hình như bây giờ tôi chỉ còn biết có chính bản thân thôi. Vậy mà không hiểu sao, trước vẻ cục mịch và đôi mắt trong vắt cùng giọng nói không chút dối trá ấy, sự đắn đo xét nét trong tôi ran biến.
Đưa em tờ giấy bạc 50.000 đ, nhìn nụ cười của em thật tươi với cái cách gập thấp lưng cám ơn cùng lời hứa ngày mai sẽ đem tiền lên trả, tự nhiên tôi nghĩ đến hình ảnh của mẹ và chị hai của tôi, những người thân yêu nhất, cũng vất vả lam lũ với ruộng đồng, chắt chiu nuôi tôi ăn học ngày xưa…
Chuyện sáng sớm vụn vặt thế, vậy mà thành đề tài cho những người bán hàng tán gẫu. Kẻ lu loa cho tôi là sến, không quen biết mà cũng cho mượn tiền; người chép miệng ra vẻ sành đời: “Mượn kiểu đi luôn ấy mà !” Ngày hôm sau, không thấy em đến, các bà bán đồ bên cạnh được dịp phô ra đủ thứ kiểu lường gạt, cả tin… rồi cuối cùng quay lại chuyện tôi ngu !
Bẵng đi ba hôm, lúc sáng thắp cho mẹ nén hương, ra cửa lại thấy em, vẫn cái dáng lưng tôm mạnh khỏe tựa vào chiếc xe rau nặng cồng kềnh: “Dạ, em xin lỗi, em cám ơn, xin hoàn lại anh số tiền.” Lại nụ cười tươi tắn, em còn biếu tôi hai bó rau tươi, ngượng ngập thanh minh lý do không lên như đã hứa. Vẫn cái lối gập đầu cảm ơn, em thong thả đẩy chiếc xe rau đi cho kịp buổi chợ.
Ngày hôm đó tôi thật vui, vui cái lối chân chất thật thà của cô gái quê. Có lẽ gương mặt tôi toát lên niềm vui thế nào ấy mà bán hàng lại đâm ra đông khách. Tôi hiểu rằng: từ những điều nhỏ nhặt mà tốt đẹp ấy, cuộc sống sẽ có nhiều niềm vui, sẽ át được cái xấu, làm cho con người sống ra người hơn. Bây giờ thì tôi đã hiểu được tại sao cửa hàng quần áo của mình luôn đông khách.
BÙI TRỌNG NHƠN
báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật 27.12.1998
http://www.giesuchanhlongthuong.net/van-hoa-xa-hoi/nguoi-mo-hang/
0 Nhận xét