Máu mủ tình thâm
Lão thành đạt, giàu có. Tậu được ba căn nhà mặt phố chỉ để cho thuê, lão nghỉ hưu, ở nhà rung đùi an nhàn hưởng phúc. Khối người thèm muốn cái gia sản kếch xù của lão. Ấy vậy mà, lão chưa cảm nhận được hạnh phúc. Nhiều lúc, lão lại cảm thấy thật cô đơn.
Đâu hẳn là lão cô đơn. Bởi lẽ lão có một đứa con gái mà lão gọi là “thứ phản phúc”, mặc dầu lão yêu nó lắm. Ngoài ra, lão còn một đứa cháu gái mà lão gọi là “đồ của nợ”. Cái thứ phản phúc và cái của nợ ấy, lão xem đó như là “món nợ đời” mà lão phải gánh chịu.
Lão yêu vợ lắm, thế nhưng vợ lão đã nhẫn tâm bỏ rơi lão cùng con gái mà lìa khỏi thế gian khi con bé mới được mười tuổi. Yêu vợ nhiều, lão đã đau đớn thật nhiều. Nhưng lão cũng chẳng có mấy thời gian mà đau đớn nữa. Vợ mất, lão vừa lo làm bố, lại phải lo làm mẹ. Trước nay, lão chỉ biết làm bố với việc đưa tiền đều đặn cho vợ con. Lão cũng biết đưa vợ con đi chơi mỗi dịp cuối tuần. Còn việc làm mẹ, lão hoàn toàn không biết gì. Nay tự dưng vừa phải làm bố vừa phải làm mẹ, lão đâm ra lúng túng. Bởi thế mà đứa con gái bé bỏng bị tổn thương trước cú sốc mất mẹ trở nên thật ngang bướng khó bảo, trở nên trầm tính hẳn, chẳng bao giờ chịu nghe lời lão. Cho đến tận lúc nó lớn khôn vẫn vậy.
Nên biết, yêu vợ một, lão yêu con gái mười. Đời lão chỉ có một mình nó. Nó mà được hưởng sung sướng thì lão thấy sung sướng, nó mà phải chịu khổ thì ắt lão phải khốn khổ bội phần. Thế nên, lão luôn muốn kiếm cho nó một tấm chồng, rồi cho nó ở nhà an nhàn hưởng phước với lão. Lão muốn là muốn vậy, nhưng đời nào nó chịu nghe lão. Nó đòi đi học, rồi đi làm. Dầu không muốn, lão cũng đành để cho nó đi học. Tuy thế lão vẫn âm thầm chạy chọt cho nó một công việc nhẹ nhàng. Nó ương bướng không nghe, lại đòi đi làm nhà báo. Đời nào lão chịu cho nó đi làm cái nghề nhà báo vất vả như vậy. Thế mà nó làm thật. Nó xăng văng tất tả đi làm một nhà báo quèn. Dỗ ngọt không được, lão đành để yên cho nó làm. Không phải lão chịu khuất phục nó, nhưng lão đắc ý cho rằng công việc vất vả sẽ chóng làm cho nó mệt mỏi, rồi nó sẽ sớm trở lại là con gái ngoan của lão thôi. Ai ngờ đâu nó đi biền biệt, từ sáng tinh mơ cho đến tận tối mịt, vất vả ngược xuôi. Lão xót cho con lắm, đành xuống nước khuyên nhủ nó, vậy mà nó chẳng thèm nghe lấy lời lão. Thế rồi, cuối năm, nó còn làm thêm một cái việc không tưởng được là đưa về nhà một đứa bé con ước chừng bốn tuổi, gầy gò, nhút nhát. Nó nhận con bé làm con nuôi mà chẳng thèm hỏi ý kiến lão.
Đến đây thì lão chịu hết nổi. Tương lai lão cất công gầy dựng cho nó, nó cố chấp gạt bỏ hết, đã vậy lại còn mù quáng tự quàng thêm gánh nặng vào mình. Lão giận điên lên, đòi đuổi con gái đi. Nó chẳng chịu đi, chẳng thèm để tâm đến lão. Mà chính lão cũng đâu đành lòng để nó đi. Đã vậy, lão la lối đòi chết, ấy vậy mà nó cũng chẳng thèm để vào tai. Hết cách, lão phải chịu thua. Dù uất ức lắm, nhưng đành chịu, vì nó là con gái lão, mà lão lại yêu nó quá.
Cái “thứ phản phúc”, tức con gái lão, tai quái hơn lại đem “cái của nợ”, tức con bé kia, mà gán cho lão chăm. Nó phải đi làm, không chăm sóc con được, thế là nó đẩy hết trách nhiệm cho lão. Uất ức quá, lão khóc “hu hu”, nhưng cũng đành cam chịu. Ấy là vì lão thương con quá.
Đang an nhàn, bỗng dưng lại phải trở thành “bảo mẫu”, lão khóc không ra nước mắt. Tuy vậy, dù không thích con bé, lão chăm sóc nó cũng khá chu đáo. Việc chăm nom nó chiếm gần trọn thời gian của lão. Chẳng còn mấy thời gian mà uất ức, mà buồn bực nữa, lão cũng khuây khỏa phần nào. Mà cũng nhờ vậy nên từ đó, con gái yêu của lão về nhà nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn.
Mặc dầu thế, lão vẫn chưa chịu thua hẳn đâu. Làm sao mà lão có thể chịu khuất phục dễ dàng như thế được. Làm sao mà lão có thể để cho tương lai tươi đẹp của con gái lão bị mờ mịt đi chỉ vì con bé con này được. Qua tiếp xúc với con bé, lão biết đứa bé này vẫn còn một người “bà”. Thế là lão cất công tìm hiểu. Lão muốn trả lại con bé cho “bà” của nó càng sớm càng tốt. Tốt nhất là trước Tết, kẻo không lại đen đủi cả năm!
Xe đỗ lại trước một ngôi nhà ở ngoại thành… Có Thánh Giá trước cổng, có tượng Đức Mẹ đồng trinh, có một khoảnh vườn nhỏ, một sân chơi dành cho trẻ con cùng với mấy đứa nhỏ trạc tuổi “cái của nợ” của lão đang đùa nghịch. Lão cũng đã hiểu được phần nào. Ngần ngừ một lát, lão nhấn chuông và kiên nhẫn đứng đợi.
Qua dì phước coi sóc nhà trẻ, lão biết con gái lão rất thường xuyên lui tới đây, để đưa về những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi, để dạy chúng con chữ, rồi để tìm cho chúng những tổ ấm mới. Biết vậy, lão thấy vui trong lòng. Nhưng niềm vui của lão không được nên trọn vẹn mà sớm trở thành nỗi đau. Bởi trong buổi chiều vắng lặng ấy, lão cũng biết được con gái lão đã từng khóc rất nhiều khi biết mình không thể làm mẹ. Sợ lão đau lòng, cô đã chẳng dám cho lão biết, đành nuốt nước mắt một mình.
Lão khóc. Không phải khóc “hu hu” như lão từng khóc, nhưng khóc nức nở, khóc bằng hết tiếng lòng yêu thương của một người cha.
Trên đường trở về nhà, bất chợt nhận thấy hai bên đường đã ngợp sắc mai vàng cho ngày Tết, lão miên man nghĩ về gia đình, về vợ lão, về con gái lão. Bất giác, lão vươn tay ra choàng lấy đứa cháu yêu của lão mà ôm nhẹ vào lòng.
Trần Tuyến
(Ban Mê Thuột)
0 Nhận xét