Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Nhớ về một người bạn đã khuất


NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI BẠN ĐÃ KHUẤT 


Tôi nhận được tin M. chết đang lúc tôi cho rằng cậu ta vừa mới bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. M. là một trong những người bạn mù của tôi, một thanh niên có vóc dáng cao to đầy phong độ. Nghe tin M. chết ai trong chúng tôi cũng “shock”, bởi lẽ M. còn quá trẻ lại chẳng đau ốm gì! Cái chết của M. khiến người ta thương tâm, vì lý do gây nên nỗi thật là không đáng. 

M. mới tập tễnh gia nhập Hội người mù địa phương được ít lâu, thì ở đó người ta tổ chức cho hội viên đi tắm biển Cần Giờ. M. hôm ấy cũng tham gia với mọi người, đến giờ cơm trưa không thấy M. xuất hiện trong bữa ăn, người ta đổ xô đi tìm, thì thấy M. nằm chết bên một ghềnh đá ngoài bờ biển. Theo suy đoán, cậu ta bị vấp té, đầu bị đập vào đá khá mạnh nên sùi bọt mép mà chết. Tôi có nghe chuyện má cậu ta đi thưa kiện gì đó ở Hội người mù, nhưng tôi biết lỗi không do Hội người mù, mà có thể nói do chính bà ấy gây nên nông nỗi này. Nói thế có vẻ không công bằng cho một người mẹ thương con rất mực như bà, song tình thương của người mẹ dành cho con đôi khi lại trở nên sai lầm một cách đáng tiếc.

M. chết do cậu ta không chịu nghe theo lời dặn dò của Ban tổ chức trong cuộc vui hôm ấy. M. đã lén tách rời khỏi đoàn, đi lang thang ngoài bãi biển một mình, M. không ngờ có biết bao nguy hiểm đang chờ đón mình. M. không phải là một hội viên vô kỷ luật, song bởi cậu thiếu vốn sống, khó hòa hợp với các bạn đồng trang lứa. M. thường tách ra khỏi đám đông, cho dù ở đó đang có cuộc vui, cậu thích trầm tư một mình. Và cũng bởi bà mẹ có quan niệm người mù phải sống dựa vào người khác. Chính quan niệm của bà đã cản trở M. tiếp cận với xã hội bên ngoài. Hậu quả của việc bà mẹ quá thương con, muốn bù đắp cho đứa con mù lòa bằng cách chăm lo ấp ủ cho con mọi thứ. Bà sợ nó ra ngoài gặp sóng gió, thương nó ở một nơi xa lạ sẽ không có bà chăm sóc, nên đã không tính tới chuyện cho con đi học ở trường mù. Thấy con quanh quẩn trong nhà buồn bã, bà mua đàn mời thầy về dạy nhạc cho con. Ngoài chiếc radio cassette, cây đàn và người thầy dạy nhạc ra, M. chẳng còn ai là bạn. M. được ăn ngon, mặc đẹp, và cũng sẵn tiền để uống cà phê nữa. Nhưng điều cậu muốn, lại chính là điều người mẹ đã không hiểu, rằng một người mù cũng cần có bạn và có một cuộc sống như bao nhiêu người bình thường khác.

Tôi bồi hồi mân mê những hàng chữ nổi trên một tấm bìa cứng, đó là một trong những kỷ vật của M., một bức thư M. đã viết cho tôi trong thời gian tôi dạy cho cậu ta tập viết. Tôi cảm thấy ấm lòng khi nhớ về những ngày chập chững hòa nhập vào thế giới người mù, những ngày tôi đọc bài thâu vào tape và viết bài bằng chữ nổi gởi cho M. qua bưu điện. Tôi nhớ những ngày dạy học cho M. qua điện thoại... Bức thư có nhiều lỗi chính tả, song tôi vẫn cất giữ lại để làm kỷ niệm: 

“Thân gởi chỵ thủy thương mến đây là nhửng chử tuôi diếc cho chỵ 
Thủy ơi dậy da đình mạnh phỏe hếch chứ hả 
Tại biếc chỵ tuôi rấc dui mừng lòng tui vui 
Nhửng điều tui mún nói rấc nhiều nhưng cuối thư mong chị nhiều xức phỏe” 


Đó là kết quả của những ngày tôi và M. vượt qua không gian và hoàn cảnh để thử nghiệm một lối học từ xa. Ngày đó, khi đọc bức thư của M. tôi vừa tức cười vừa thương cho cậu ta, nhưng cũng lại rất vui mừng vì học chữ nổi đã khó, lại phải học từ xa mà M. viết được như vậy đã là tốt lắm rồi. Liền sau đó tôi phone cho cậu ta để nhắc nhở về những lỗi chính tả đã viết trong lá thư ấy... 

Lúc đầu, má của M. không muốn cho tôi tiếp xúc với cậu ta, nhưng sau khi nhận được những băng cassette do tôi gởi, và thấy con mình vui vẻ, bà dần dần tin tưởng ở tôi. Thỉnh thoảng có việc ở chợ Tân Bình, bà lại chở M. đến nhà tôi chơi, xong việc bà mới đón con về. Những lần gặp gỡ bà, tôi đã thuyết phục bà cho M. đi học ở trường mù, và chúng tôi đã đưa M. vào sống ở chùa PH, một nơi nuôi dạy trẻ khuyết tật. Biết M. sẽ khó khăn khi sống trong một tập thể đông người, tôi đã phải gởi gắm M. cho H. một thanh niên mà tôi rất tin tưởng. Có lần H. đã nói với tôi “Trong đó, tụi nó gọi thằng M. là người cõi trên chị ơi!" Tôi cười bảo “Ừ! Có vậy chị mới gởi gắm nó cho em chứ!"

Lần sinh nhật thứ 40 của tôi, M. và H. đã đi hai chuyến xe bus chưa kể mấy chặng đi bộ để tới thăm tôi. Điều làm cho tôi xúc động hơn nữa, khi M. vừa bước vào nhà đã vội trao cho tôi một tờ giấy. loại giấy dành để viết chữ nổi và nói: 

-Tui tặng cho chị tờ giấy này để chị viết cái gì chị thích. Tờ giấy này còn trắng trinh nguyên chị à! 

H. nói: 
-Hai thằng mù tụi em đi bộ từ chùa PH đến ngã tư Ga đón xe buýt lên chợ Bến Thành, sang xe buýt Sài Gòn-Củ Chi đến ngã tư Bảy Hiền, rồi đi bộ vào nhà chị đó! Nó cầm tờ giấy quơ quơ trước mặt người ta, mà hễ có ai đụng vào là nó cằn nhằn hà! 

Tôi vừa tức cười, vừa cảm động trước tấm chân tình của M. mà muốn rưng rưng nước mắt. Chưa hết, đến chiều khi chuẩn bị ra về, M. đưa tận tay tôi một hộp bánh, nói “Cái này em cho chị phòng khi hạ đường huyết. Còn cái này nữa...” M. lấy hộp bánh ra khỏi tay tôi, đặt xuống cái bàn trước mặt, sau đó lại nhét vào tay tôi một cái gói khác, mà bảo: 
-Cái này mới nặng ký hơn nè! 

Rồi cậu ta trịnh trọng chúc mừng sinh nhật tôi, kèm theo những lời dặn dò tôi phải giữ gìn “xức phỏe”. 

Khi mở gói quà “nặng ký” của M. ra, tôi thật ngạc nhiên và chợt hiểu một điều M. hằng mong muốn, song M. chưa hề có bạn gái để mà thực hiện. Cậu ta tặng cho tôi một bộ đồ trang điểm đầy đủ cả phấn son, màu mắt... M. không biết rằng, món quà quý đối với tôi lại chính là tờ giấy trắng, cụm từ “trắng trinh nguyên” mà cậu ta đã dùng là đầy ngụ ý dành cho tôi. Tôi nhớ có lần tôi đã nói với M. “Chị rất ghét đàn ông rượu bia, em đừng có học đòi bạn xấu mà say xỉn. Em có chuyện gì chị không biết nói sao với má em nữa!” M. đã khẳng định: “Chị yên trí đi! Tui sẽ không để chị thất vọng đâu!” 

Sau hơn bốn năm học tập ở chùa, M. đã học được nghề massage Nhật Bản, và đã có việc làm hẳn hòi. Lần cuối cùng nói chuyện qua điện thoại, M. khoe với tôi: “Em đang làm massage ở Long Thành, chị à! Nghe tin chị bị bệnh, em rất lo lắng cho chị. Mỗi ngày em đều cầu xin Chúa cho chị được mạnh khỏe! Bây giờ em đã có thể tự kiếm sống, không phải xin tiền má nữa!” 

Tôi nhận được cú phone đó của M. chỉ trước khi cậu ta chết khoảng 2, 3 tháng. M. thường xuyên gọi điện thoại cho tôi để hỏi thăm sức khỏe, vì cậu ta nghe tôi nói đùa rằng “một ngày nào đó chị ra đi, bạn bè sẽ không ai biết...”. Khi nghe tôi nói thế, M. đã thở dài đánh sượt rồi nói: “Em cầu xin Trời Phật cho chị mạnh khỏe, một ngày nào đó gọi điện thoại mà không gặp chị, chắc là em hụt hẫng...” 

Tôi nhớ đến M. mà ngỡ như tiếng đàn guitar và giọng ca của M. còn văng vẳng đâu đây: 
“...tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở, nhưng nàng...”, 

Giọng ca của M. nghe mùi mẫn quyện lẫn vào tiếng đàn sôi nổi trong một buổi chiều khi chúng tôi vừa mới quen biết nhau. Chiều hôm đó, M. hỏi “Chị có muốn tui đờn cho chị nghe không? Tui sẽ mở loa điện thoại thiệt lớn cho chị nghe tui đờn. Nhưng mờ tui nói trước là tui đờn không hay mà ca cũng dở nữa đó!” Chiều ấy, được tôi lắng nghe và nhiệt tình tán thưởng, M. hưng phấn đến nỗi làm đứt mất một dây đàn, điều đó đã để lại trong tôi một kỷ niệm sâu sắc. 

Tôi nhớ đến M. thật nhiều. Những gì M. đã dành cho tôi, tôi rất trân quý. Và có lẽ M. quý tôi, vì tôi đã không coi cậu là người cõi trên như bao nhiêu người khác. Tôi nhớ đến những cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi qua điện thoại, khi M. chưa đi học xa nhà. M. đã tin tưởng và hỏi tôi những chuyện mà giữa một thằng con trai và một người chị gái thường là chẳng bao giờ người ta dám nói. Rất may, tôi đã từng được học về tâm lý lứa tuổi vị thành niên, và đã từng dạy học cho các em học sinh cấp hai, nên tôi hiểu những điều M. đang băn khoăn thắc mắc. 
Không nhìn thấy gì lại ít tiếp xúc với người đời, M. cũng không được đến trường học tập như các bạn đồng trang lứa, thế nên cậu ta thiếu rất nhiều kinh nghiệm sống. Tôi hiểu, thằng con trai hai mươi mốt tuổi tràn đầy sinh lực trong M. đang muốn nổi loạn. M. vì bị bó hẹp trong bốn bức tường suốt quãng đời thơ ấu và lớn lên trong sự ấp ủ của người mẹ, đã giống như người cõi trên trong mắt bạn bè là vì vậy. Đối với người mẹ, M. chính là động lực sống, đồng thời lại cũng là nỗi lo canh cánh trong lòng. Bà luôn lo sợ một ngày nào đó bà phải ra đi, M. sẽ ở lại không người chăm sóc. Nỗi lo vẫn còn đó, mặc dù bà biết con bà đã có thể tự kiếm sống cho bản thân. Trong khi M. đang hăm hở bước vào quãng đời mới, một quãng đời tự lập, cậu cảm thấy mình bây giờ mới thực thụ là một con người; thì bà mẹ phải chuẩn bị cho ngày bà sẽ ra đi, để lại đứa con trai yêu dấu tội nghiệp. Tôi thì ốm đau bệnh hoạn, lúc nào cũng cho rằng mình sẽ là người ra đi trước...

Trong câu chuyện giữa chúng tôi, chúng tôi đều ngầm hiểu rằng, M. sẽ là người tiễn tôi ra đi; còn lại là một M. trẻ khỏe, chứ đâu phải là tôi hay bà mẹ của M. vốn đang bệnh ung thư! Nhưng, tất cả đã không nằm trong dự đoán của chúng tôi! 

Tin M. chết vì tai nạn khiến cả gia đình tôi ai nấy đều thương cảm. Ai có ngờ đâu, một thanh niên khỏe mạnh như thế bỗng dưng lại lăn ra chết một cách đột ngột như thế! Nghe tôi kể về chuyện bà mẹ có ý định thu xếp cưới vợ cho M. như thế nào, ai cũng nói “Bây giờ mẹ nó không còn phải lo lắng cho nó nữa! Thật là người tính không bằng trời tính”. Tôi thì cho rằng, tất cả đều không ngoài ý Chúa! 

Hôm nay vào tháng cầu cho các đẳng linh hồn, tôi nghĩ đến M. và người mẹ một đời đau khổ của cậu ta. Dù rằng M. là một tín đồ Phật giáo, tôi vẫn thầm mong cho linh hồn cậu được thanh thản nơi thế giới bên kia. Chẳng biết nơi ấy, M. có cơ hội chơi đàn và hát những bài hát cậu đã hát cho tôi nghe ngày xưa? Tờ giấy “trắng trinh nguyên” của M. vẫn còn nằm yên trong tập hồ sơ lưu trữ của tôi. Nó trinh nguyên như những gì M. đã dành cho tôi vậy...


Đăng nhận xét

0 Nhận xét