Dù phải nhờ sự giúp đỡ của một số người Pháp, trong đó có Giám Mục Pigneau de Béhaine,
để xây dựng cơ đồ, các vua nhà Nguyễn khi thống nhất đất nước lại sùng thượng Nho học.
Vua Gia Long (1802-1819) khi vừa lên ngôi đã ra lệnh cho quần thần viết “Luật Gia Long” dựa theo luật nhà Thanh. Đặc biệt vua Minh Mạng, tức Thánh Tổ nhà Nguyễn (1820-1840), một vị vua thông minh nhưng độc đoán, đã tổ chức triều đình và trị nước đúng theo khuôn phép của Tống Nho. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà vua, “Huấn Địch Thập
Điều Thánh Dụ”, được ban hành năm 1834, quy định chính sách giáo dục, văn hóa của triều đại. Chương “Tôn sùng chính học”
đã khẳng định rằng: “Trẫm mong triệu thứ các ngươi tôn sùng chính học, giảng minh nhân luân, đạo Nghiêu Thuấn chỉ là đạo hiếu đễ mà thôi, giáo dục Khổng Mạnh chủ trương nhân nghiã trước hết,
đấy là những điều phải giảng vậy” (1). Vì vậy, vua đã tập trung tất cả quyền hành trong tay, nghiêm khắc với công thần, nhiều lần cách chức Nguyễn Công Trứ và đày ải Cao Bá Quát, bế quan tỏa cảng, không giao thiệp với người Tây Phương, nhất là người Pháp, cấm đoán đạo Thiên Chúa và giết hại những con dân Việt Nam theo đạo này, gây hận thù cả trong lẫn ngoài, làm cớ cho ngoại nhân xâm lược.
Cũng trong “Huấn Địch Thập
Điều Thánh Dụ”, chương VII, vua Minh Mạng đã có những nhận xét chủ quan và sai lạc về đạo Thiên Chúa: “Tả đạo dị đoan, nhất thiết chớ để lừa dối mê hoặc; học thuyết Da-tô lại càng vô lý hơn nữa, thậm chí nam nữ hỗn loạn, hạnh kiểm như cầm thú, dấy gian dựng đảng, tự giẫm lên hình pháp, như vậy là phá hoại tôn giáo, làm hư nát luân thường”(2). Đó là những lời kết án
được dùng để làm cớ giết con dân vô tội. Nếu đạo Thiên Chúa “xấu xa” như thế thì tại sao, dù bị bách hại, vẫn có hàng triệu người Việt Nam theo đạo này từ 1533, tức là 300 năm trước thời Minh Mạng và trước khi quân Pháp chiếm Việt Nam?
Phải chăng các vua nhà Nguyễn vì muốn độc tôn Nho giáo, muốn giữ địa vị “thiên tử” cho vua, không muốn cho ai khác vua được thờ sống thờ chết, được gọi là Chúa, nên đưa ra những lời kết án hàm hồ để cấm đoán và giết dân lành?
Các quan và các nho sĩ chỉ biết một mực bảo vệ đạo Thánh Hìền và bảo vệ địa vị ăn trên ngồi trốc của mình, sợ những ý thức hệ khác, chưa cần biết tốt hay xấu, có thể làm thay đổi trật tự xã hội, đe dọa quyền lợi của giai cấp mình, nên cùng hô hào “Bình Tây sát Tả” (dẹp giặc Tây và giết người theo tả đạo, tức đạo Thiên Chúa). Dẹp Tây thì khó, giết đồng bào dễ hơn. Vì vậy vua quan nhà Nguyễn đã để lại một vết nhơ không thể rửa sạch.
Trong ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, vua quan nhà Nguyễn đã tàn sát khoảng 35.000 người cùng dòng giống chỉ vì khác tín ngưỡng, thêm 50 tới
60 ngàn người chết vì lưu đầy,
400.000 người bị phân sáp (từng phần tử của mỗi gia đình bị tách rời và giao cho các gia đình không theo đạo Thiên Chúa canh giữ). Ở
Đàng Trong, tại tỉnh Biên Hòa, có
120 người bị trảm quyết và 460 người bị thiêu sống. Tỉnh Bà Rịa có 446 người bị thiêu sống. Tỉnh Gia Định có 1.500 người bị thắt cổ. Tại Đàng Ngoài, tổng đốc Nguyễn
Đình Hưng có ngày truyền giết
100 người, ngày 200 người, ngày
400, ngày 600 (3).
Xét cho cùng thì chủ trương giết hại và đày ải người cùng nòi giống theo đạo khác thể hiện tâm trạng bất dung văn hóa, một hình thức xơ cứng tâm hồn, không muốn tìm hiểu, giao lưu, hội nhập với những luồng văn hóa khác. Điều này thật mâu thuẫn với truyền thống khoan dung và Việt Nam hóa những tinh hoa văn hóa đến từ bên ngoài của dân tộc Việt Nam. Nếu không thì Khổng giáo và Nho học đã không hiện diện ở Việt Nam. Việc giết hại người Công Giáo hoàn toàn dựa trên lý do văn hóa và tín ngưỡng, không có lý do chính trị (làm loạn, lật đổ vua) hay lý do bán nước theo Tây.
Kế nghiệp vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị (1841-1847) cũng áp dụng cùng một chính sách của tiên vương. Tới vua Tự Đức (1847-
1883), một vị vua chuyên cần, có kiến thức thâm sâu về Nho học, có tâm hồn thi sĩ, nhưng cũng không làm khác. Cũng giết hại người theo
đạo Thiên Chúa, ra 13 sắc lệnh cấm đạo, đặc biệt là pháp lệnh Phân Sáp vào năm 1867.
Vua Tự Đức cũng bế quan tỏa cảng, cũng không chịu nghe những lời
trần tình khôn ngoan, như của Nguyễn Trường Tộ, một người theo đạo
Gia-tô, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Điều, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp,
Lê Đĩnh, Phan Liêm, Phạm Phú Thứ…để đưa đất nước khỏi hoàn cảnh
bế tắc, cũng chỉ biết ôm lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh để giải quyết những vấn
đề của thời đại mới và đương đầu với súng đạn và tầu chiến tối tân của
Tây phương.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Minh trị Thiên Hoàng (Meiji) lên ngôi
năm Tự Đức thứ 21 (1868) đã biết canh tân xứ sở theo gương các nước
Tây phương, biến nước Nhật từ tình trạng phong kiến, lạc hậu trở thành
một cường quốc, chỉ 37 năm sau (1905) đã đánh bại nước Nga. Cũng năm
Tự Đức thứ 21, xứ láng giềng Thái Lan có vua mới là Chulalongkorn.
Vừa lên ngôi, vua đã biết cải biến pháp chế, phái con em đi du học, rời
cung cấm đi công du ngoại giao tại Ấn Độ và Âu Châu, tránh cho Thái
Lan cảnh bị đô hộ như các nước chung quanh (4).
Khi người ta biết mở mắt để cải tiến thì vua quan nhà Nguyễn làm
gì?
Lệ Thần Trần Trọng Kim trả lời: “Những người giữ cái trách nhiệm
chính trị nước mình chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút,
bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy
nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện đại, rồi cứ nghễu
nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man” (5). Hậu qủa
của tình trạng này là chia rẽ dân tộc, mất nước vào tay ngoại bang.
MẶC GIAO
(Trích trong “Một Cách Nhìn Khác Về Văn Hóa Việt Nam”, Hoa Kỳ 2004)
(1), (2) Minh Mạng, Huấn Địch Thập Điều Thánh Dụ, Lê Hữu Mục dịch, tr 123. Tủ
sách Cổ văn. Ủy Ban Dịch Thuật Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn
1971
(3) Trịnh Việt Yên, Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam, các tr 54, 55. New Orleans, Hoa Kỳ 1987
(4) Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu của Nguyễn Bá Trác, tr 346. Bộ Quốc Gia Giáo Dục dịch và xuất bản, Sài Gòn 1963
(3) Trịnh Việt Yên, Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam, các tr 54, 55. New Orleans, Hoa Kỳ 1987
(4) Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu của Nguyễn Bá Trác, tr 346. Bộ Quốc Gia Giáo Dục dịch và xuất bản, Sài Gòn 1963
(5) Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển II, tr 239, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn
1971
Nguồn: diendangiaodan.com
Nguồn: diendangiaodan.com
0 Nhận xét