Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

Suy nghĩ về việc tuyên dương cuộc tử đạo của thầy Anrê Phú Yên


Suy Nghĩ
VỀ VIỆC TUYÊN DƯƠNG CUỘC TỬ ĐẠO
CỦA THẦY ANRÊ PHÚ YÊN

                                                                    Lm. Dương Hữu Nhân, O.M.I.
                                                                       (Hồ Ngọc Tâm chuyển dịch
                                                                       từ nguyên bản tiếng Pháp)

Đúng vào lúc cuộc  họp Thượng Hội Đồng các Giám mục về Á Châu khai diễn tại Rôma, có sự tham dự của một phái đoàn quan trọng đại diện cho Việt Nam, thì một sự kiện khác cũng đang được chuẩn bị. Sự  kiện nầy hẳn sẽ ghi khắc dấu ấn lâu dài trong đời sống của Dân Chúa Việt Nam trong cũng như  ngoài nước. Thật vậy, công trình nghiên cứu và sưu tầm về vụ án người Tôi Tớ Chúa là Anrê Phú Yên đã hoàn tất mỹ mãn. Từ nay con đường đã rộng mở Giáo Hội có thể chính thức công nhận cái chết vì đạo của ngài và tôn vinh ngài là vị chân phước để noi theo gương ngài và xin ngài hỗ trợ.

* ANRÊ PHÚ YÊN LÀ AI ?

Người mà từ xưa người ta quen gọi là "Thầy giảng Anrê", sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ goá và các anh chị, do chính cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Lúc đó Anrê đã bắt đầu học chữ Nho.
Một năm sau, Anrê xin được thu nhận vào nhóm các thầy giảng giáo lý do cha Đắc Lộ mới thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gửi gắm cho vị quan thuộc nhóm thầy giảng tên là Inhaxiô,  một người được vị thừa sai tin cậy và  là trụ cột của cộng đồng Công Giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô Giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất  để phục vụ Nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy.
Nhóm này gồm khoảng mười hai người, có cả người lớn tuổi lẫn thanh thiếu niên, được cha Đắc Lộ hướng dẫn.  Nhóm đã đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng.  Điều này đã làm nảy sinh lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình Chúa Nguyễn, cũng như tại xứ Quảng Nam là nơi có trung tâm sinh hoạt truyền giáo chính của nhóm. Vị quan trách  nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt Inhaxiô, và đã nhận được giấy phép cho bắt giam và kết án tử hình ngài. Theo kế hoạch của nhà cầm quyền thì "đạo của người Bồ Đào Nha" chỉ dành riêng cho người ngoại quốc, và mọi việc truyền đạo cho người Việt Nam phải bị cấm chỉ.
Inhaxiô vắng mặt khi lính đến tìm bắt ngài. Thầy Anrê trẻ tuổi lúc ấy đang ở nhà một mình, và thầy đã tình nguyện nộp mình thế chỗ cho người anh cả của mình. Trước toà án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: "Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài". Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách rất bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi  người cầu nguyện cho Thầy, để Thầy được "...giữ nghĩa cùng  Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến blọn [trọn] đời". Anrê chết do nhiều nhát giáo đâm rồi bị chặt đầu, miệng không ngớt kêu tên Giêsu. Ngày ấy là ngày 26 tháng bảy năm 1644. Anrê vừa được 19 tuổi. Đắc Lộ ở bên cạnh Thầy. Đứng vây quanh Anrê còn có nhiều tín hữu Công Giáo Việt Nam và ngoại quốc, cũng như đông đảo đồng bào ngoài công giáo. Mọi người rất xúc động trước sự tuyên xưng đức tin của Thầy. Gương tử đạo của Thầy lập tức nổi danh, và qua những lời chứng và tường thuật, đã lan truyền ra đến nhiều nước tận Rôma.  Toà Giám mục Áo Môn (Macao), nơi có rất nhiều nhân chứng sinh sống, đã đón nhận thi hài Thầy hết sức trọng thể, và tổ chức ngay trong tháng 12 năm ấy hồ sơ xin phong chân phước cho Anrê. Chính hồ sơ này ngày nay đã cung cấp cơ sở lịch sử chủ yếu giúp Giáo Hội có thể căn cứ vào để phán quyết.

* 117 VỊ TỬ ĐẠO, CHỪNG ẤY CHƯA ĐỦ SAO ?

Đó là một nhận định bài bác chúng ta đã từng được nghe. Việt Nam đã có 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh, trong đó có 96 vị là người bản xứ. Như vậy thì nào có gì hơn nếu thêm vào người thứ 118 hoặc người thứ 97 ? Quan điểm ấy, theo chúng tôi, là quá thiển cận. Thật  vậy, Anrê Phú Yên không phải là người thứ 118, nhưng chính là người tiên khởi, và là người anh đầu của tất cả. Người ta sẽ nghĩ gì về một gia đình Việt Nam, khi mà người anh cả bị bỏ quên, bị xem như không quan trọng, và không được đặt di ảnh lên trên bàn thờ tổ tiên ? Con đường hẹp, khó khăn, gian khổ để nên thánh của người Việt Nam, chính Anrê là người đi tiên phong. Nếu không có ân sủng đặc biệt, duy nhất, của Thiên Chúa, Thầy hẳn đã không bước đi được trên con đường ấy. Chúng ta là ai mà có thể nhắm mắt  làm ngơ trước mầu nhiệm ấy ?
Hiện nay, người anh cả của những người Việt Nam đã được phong thánh tử đạo là Vinh Sơn Liêm, chết năm 1773. Thánh Liêm là một khuôn mặt lớn, đầy đủ nhân đức để cho chúng ta học tập. Nhưng ngài đã đi du học trong nhiều năm ở nước ngoài, và ngài là một linh mục. Địa vị của vị "tử đạo tiên khởi" phải thuộc về Anrê, chết 129 năm trước thánh Liêm, với lòng can cường không kém. Hơn nữa, Anrê là một người con của đất nước, mang trong mình 100% nền văn hoá của đất  nước, Thầy là một giáo dân Công Giáo. Vì thế, chắc hẳn Anrê là tiêu biểu trực tiếp hơn cho khối đa số vô danh của những người Công Giáo Việt Nam, nhất là những người thuộc những thế hệ đầu tiên, nhờ vào sự khôn ngoan và tính kiên cường, họ đã khám phá ra phương cách Việt Nam để sống đạo.
Đối chiếu với phần lớn các vị tử đạo được tôn phong năm 1988, Anrê biểu hiện một kinh nghiệm đặc sắc và có thể là sống động hơn cho ngày nay, do bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt. Những thế hệ Công Giáo tiên khởi được sinh ra trong bối cảnh của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập đối với các thế lực Phương Tây, không bao giờ Bồ Đào Nha, nước đã gửi  đi các nhà thừa sai, đã can thiệp vào công việc của Việt Nam bằng bất cứ cách nào, dù là để bênh vực cho người Công Giáo.
Những đồng bào không Công Giáo, đại  đa số đã tỏ ra hết sức ngưỡng mộ đối với chàng trai trẻ có lòng can đảm bất khuất này. Họ cảm nhận được nơi Anrê tình thương mà Thầy đã đem đến cho tất cả những người đồng hương của Thầy, một sự việc mà những nhân chứng đã nói đến, và họ đã đáp lại tình thương đối với Thầy. Đó là một sắc thái khá độc đáo trong cái chết của Anrê. Đến thế kỷ 18 và 19 thì các tình huống và tâm trạng đã biến chuyển.
Cần phải nói thêm một điểm chót. Lịch sử rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam đã ghi lại nhiều cuộc cạnh tranh và căng thẳng ngay cả trong nội bộ của cộng đồng Công Giáo. Trong thời đại của Anrê, ngược lại,  theo tất cả các chứng cớ và những tài liệu, người Công Giáo yêu thương nhau như anh em, đến độ lúc bấy giờ người ta gọi đạo Công Giáo  là "đạo của những người yêu thương lẫn nhau".
Anrê phải lấy lại địa vị của mình, địa vị tiên khởi, trong bảng danh sách các thánh của nước Việt Nam, và cũng để làm chứng cho thời đại hoàng kim của cộng đồng Công Giáo. Chính đó là nguồn đích thực mà người Công Giáo thời nay được mời gọi trở về.

* MỘT GƯƠNG MẪU PHẢI NOI THEO

Khi nói  đến lịch sử khởi công xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam, người ta có thói quen đưa ra một vài nhân vật lịch sử lớn, đặc biệt là nhân vật Đắc Lộ. Điều này không có gì cần phải cải chính. Nhưng lịch sử của Anrê còn chứng tỏ rằng : Giáo Hội cũng đã được xây đắp nhờ vào những nỗ lực của số đông giáo dân Việt Nam thuộc những thế hệ đầu tiên. Ở vào thời của Anrê, thừa sai chỉ thỉnh thoảng mới có thể đến, và không thể sống thường xuyên ở trong nước. Chính vì lý do này mà những thầy giảng phải lên phiên thay thế họ.
Anrê là tiêu biểu cho tất cả những thừa sai Việt Nam vô danh này, là những anh hùng trong  cuộc sống trước khi tỏ ra anh hùng trong cái chết.  Người ta không thể không nghĩ rằng chính họ là những thừa sai thực sự, vì chỉ có họ mới đủ sức bảo đảm cho sự liên tục và sự tiến triển của  cộng đồng Công Giáo. Thử hỏi tình trạng này không phải là giống như tình trạng ngày nay tại nhiều nơi mà sự lui tới của linh mục bị hạn chế đó sao ? Chính ở điểm này mà Anrê là một gương mẫu  của đời sống Công Giáo rất thích hợp cho thời nay. Thực thế, thật khó mà chọn Đắc Lộ làm gương mẫu để noi theo, nếu không muốn nói là một cách gián tiếp. Ngài đại diện cho một thời đại vẻ vang, nhưng đã qua,  của sứ mạng truyền giáo. Nhưng thời đại của Anrê, thời đại này, không bao giờ là không có.
Là một tín đồ Công Giáo gương mẫu, Anrê nêu gương về nhiều mặt. Chính Thầy đã tuyên bố với quan toà rằng : Thầy ở với vị thừa sai "để có dịp học hỏi và tìm hiểu cho thấu đáo đức tin Kitô Giáo của mình".  Tất cả những ngôn từ kể lại về Thầy chứng tỏ Thầy đã đạt đến một trình độ cao thâm trong sự hiểu biết và thực hành đời sống Công Giáo. Thầy đã tóm gọn trong một câu : "Đi theo Thầy Giêsu của tôi cho đến chết".
Anrê còn là một gương mẫu có tính cách rộng lớn hơn nữa. Thầy chết có những người Công Giáo thuộc nhiều nước vây quanh, tất cả đều một lòng ngưỡng mộ và tôn kính Thầy. Thi hài Thầy được đến Macao đã đem lại cho thành phố này một sự hoà giải rộng rãi, trong lúc tại đây đang có  những tranh cãi đau buồn từng chia rẽ tín hữu Công Giáo từ nhiều năm qua. Như thế, chàng tuổi trẻ Anrê không thể biểu hiện cho sự bình an và sự hoà hợp mà chúng ta hằng cầu mong có được trong Giáo Hội và giữa nhiều dân tộc sống trên địa cầu đó sao ?

* TẠI SAO PHẢI ĐỢI QUÁ LÂU ĐỂ TÔN PHONG CHO ANRÊ ?

Khi Anrê bị giam, những người đến thăm quá xúc động, xin Thầy cầu nguyện cho họ. Anrê trả lời họ rằng chính Thầy là người tội lỗi đáng thương, và lẽ ra họ phải cầu nguyện cho Thầy, để Thầy được trung thành cho đến cùng. Đức khiêm tốn sâu thẳm này có thể nói được là số mệnh của Anrê. Số mệnh này chắc cũng đã đeo theo vụ án của Thầy khiến phải tụt lại đằng sau vụ án của các vị tử đạo khác của thời rất gần đây hơn ...
Ngay từ năm Anrê vừa qua đời, người ta đã hăm hở tiến hành ngay hồ sơ xin phong chân phước. Nhưng  chẳng may diễn tiến công việc vướng mắc vào những cạm bẫy của lịch sử. Vào năm 1649, vụ án đã đến Rôma, và đã được Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đứng ra bảo trợ. Nhưng luật Giáo Hội quy định phải có một bản điều tra thứ hai, tiên liệu việc thẩm cứu các nhân chứng, hình như chủ yếu phải là người Việt Nam, về những câu hỏi do Toà Thánh đặt ra. Do những cuộc bách hại, nên phúc trình thứ hai nầy đã không bao giờ được kết thúc. Lúc bấy giờ chỉ nghe được ở một nhân chứng : chính con trai của người đứng đầu cộng đoàn Công Giáo, cùng bị giam với Anrê, nhưng đã được ân xá vì đã 73 tuổi.
Cũng phải nói thêm rằng, một mặt các nhân chứng trực tiếp lần lượt mất đi, mặt khác, cộng đồng Công Giáo Việt Nam thì bị xâu xé bởi những chia rẽ trầm trọng, do đó mà nguyện vọng của dân Chúa muốn tôn vinh tử đạo cho Anrê dĩ nhiên cũng bớt phần tha thiết... Vụ án Anrê được xúc tiến tại Rôma do các cha Dòng Tên, Dòng của cha Đắc Lộ. Và rủi thay, vào thời kỳ  đó, các cha Dòng Tên ở Việt Nam bị phê bình nghiêm khắc tại Rôma, thậm chí bị lên án về  nhiều việc, trong đó có vấn đề "lễ nghi Trung Hoa".  Do đó không còn ai sốt sắng bênh vực cho vụ án do các cha này trình lên, dẫu Anrê không có điểm nào đáng chê trách, Thầy đã chết vẻ vang trước khi xảy ra tất cả những khó khăn này.
Vào cuối  thế kỷ  20, và một lần nữa, trong thời gian họp Công Đồng Vaticanô  II, vụ  án được xúc tiến trở lại. Nhưng lúc bấy giờ lại có quyết định phải có những cuộc sưu tra thật chính xác và lâu dài. Những công việc này đã không hoàn tất, bởi lẽ những sử gia được chỉ định đã chết hoặc đã gặp trở ngại. Đến năm 1996, vụ án đã được mở lại: một uỷ ban sử gia mới đã được chỉ định, và cuối cùng thì các công việc nghiên cứu của họ đã đạt được kết quả theo ý nguyện. Bấy giờ  Toà Thánh giao cho một chuyên gia để soạn thảo bản tường trình dài chính thức, để được Thánh Bộ Phong Thánh sớm cứu xét, một bản tường trình rất thuận lợi.
Phải tin rằng Thiên Chúa đã dành để cho thế hệ chúng ta được nhận thấy rõ ràng sự cao cả của vị tử  đạo tiên khởi của Việt Nam và dạy chúng ta phải học hỏi với Ngài. Ngài đã được gọi để nên mẫu mực cho tất cả những ai ngày nay đang dấn thân vào công việc làm chứng cho Tin Mừng, và cách riêng cho giới trẻ Công Giáo Việt Nam.  Diễn tiến chậm trễ của hồ sơ xin tôn vinh chân phước Thầy Anrê qua nhiều thế kỷ làm cho chúng ta tin rằng đó có thể là do thánh ý của Thiên Chúa.

* CON ĐƯỜNG CÒN LẠI PHẢI VƯỢT QUA

Tuy nhiên, trước khi tôn vinh Thầy Anrê Phú Yên lên bàn thờ, còn một chặng đường nữa phải vượt qua, chắc chắn là ngắn hơn chặng đường trước. Công trình nghiên cứu lịch sử thực hiện theo lời yêu cầu của các giám mục Việt  Nam sẽ được nghiên cứu và thẩm định bởi một uỷ ban sử gia do Toà Thánh chỉ định. Bởi lẽ, Giáo Hội không muốn kể vào số các thánh, những người, dù cho xứng đáng,  một khi những hoàn cảnh (chẳng hạn như về mặt chính trị) của đời sống và của cái chết của các vị này chưa được làm sáng tỏ.
Sau đó, một uỷ ban các nhà thần học cũng do Toà Thánh chỉ định, sẽ xem xét giá trị làm chứng đức tin nơi cái chết của Thầy Anrê, và sẽ phán quyết xem Thầy có thực sự là một vị tử đạo không, nghĩa là một  người bị xử tử do sự thù ghét đức tin và đã chấp nhận cái chết vì lòng mến  Chúa và yêu thương anh em mình.
Nếu sự phán quyết của hai uỷ ban đầu thuận lợi thì đến lượt một uỷ ban thứ ba, gồm các hồng y, sẽ làm một phúc trình cho Đức Giáo Hoàng về hoàn cảnh thích hợp để phong chân phước. Đức Giáo Hoàng sẽ lấy quyết định tối hậu và tuyên bố Thầy Anrê là vị chân phước. Sau cuộc tôn vinh chân phước, nếu có được một phép lạ nhờ sự cầu bầu của Thầy và được công nhận, thì Thầy Anrê có thể sẽ được đề nghị trực tiếp tôn phong hiển thánh, như  117 vị tử đạo khác đã bước theo con đường của Thầy.
Tất cả những cuộc vận động này có thể mất nhiều thời gian, thông thường thì trong nhiều năm, bởi vì Giáo Hội làm nảy sinh nhiều hoa quả thánh thiện và hiện nay còn nhiều trường hợp đang chờ đợi. Nhưng nếu Đức Giáo Hoàng muốn thì mọi việc có thể tiến hành mau hơn. Chúng ta có  quyền hy vọng Anrê sẽ được phong chân phước trong Năm Đại Toàn Xá 2000. Đó là điều đã được công khai bày tỏ trước phái đoàn các giám mục Việt Nam và cử toạ các linh mục, tu sĩ nam nữ tại Rôma trong thánh  lễ trọng thể ngày 26 tháng 4 năm 1998.

* MỘT SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI CHO VIỆT NAM

Và đến đây, các giám mục Việt Nam bắt đầu ước mơ.  Đức Giáo Hoàng thích cử hành lễ phong chân phước tại các nước mà ngài thăm viếng. Dù nếu ngài không thể thăm viếng Việt Nam trong tương lai gần, thì chắc chắn ngài cũng có thể phái một Đặc Sứ đại diện cho ngài, để cho ngày  đại lễ mừng Anrê được cử hành hết sức trọng thể như mọi người mong ước, trong đất nước mà Thầy đã sống, và ngay tại vùng đất mà Thầy đã hy sinh tính mạng, trước sự hiện diện đầy hân hoan của đông đảo tín hữu Công Giáo Việt Nam.
Các giám mục Việt Nam, trong khi chuẩn bị tham dự cuộc họp Thượng Hội Đồng về Châu Á, đã cầu xin cho Giáo Hội của các ngài quay trở về nguồn. Điều này cũng có nghĩa là người ta phải học hỏi thời kỳ đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam. Như vậy, việc phong chân phước cho Thầy Anrê sẽ đến đúng lúc : nó sẽ tạo cơ hội cho mọi người nhận biết rõ ràng hơn những thế hệ đầu tiên của người Công Giáo Việt Nam, và biết noi gương họ nhiều hơn.
Anrê chắc chắn sẽ gây được nguồn cảm hứng cho đồng bào của mình về một  sự đổi mới thật sự trong đời sống tâm linh và sự can đảm trong việc làm chứng nhân trong những tình huống khó khăn mà họ đang  trải qua. Khi thầy giảng trẻ tuổi này hy sinh mạng sống tại Quảng Nam, thì  đời sống Công Giáo còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng Thầy đã biết  đi cho đến cùng theo sự xác tín của mình, trong niềm hân hoan và sự can đảm. Thầy là người anh cả của mọi người. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cung kính dành cho Thầy một chỗ xứng đáng trong trái tim của chúng ta, và đừng ngại kêu cầu với Thầy như là vị bổn mạng của chúng ta.
Linh Mục Dương Hữu Nhân, O.M.I.



Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN
 “Người Chứng Thứ Nhất”
(1625 - 1644)
Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

“Người chứng thứ nhất” là tiếng Cha Đắc Lộ dùng để chỉ Á Thánh Anrê Phú Yên. Thực ra, cũng theo cha Đắc Lộ, một giáo dân ở Thăng Long, tên thánh là Phanxicô, chết vì đức tin năm 1630, mới là vị tử đạo tiên khởi, nhưng vị này không bị kết án chính thức.
Ai cũng nghĩ cứ sự thường, Anrê Phú Yên phải được tuyên thánh trước nhất, hay ít ra là cùng với những vị trong đợt đầu tiên. Nhưng năm 1988, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam, nhiều người ngạc nhiên khi không thấy có thầy giảng Anrê Phú Yên. Thực ra lúc ấy, ngài chưa đưọc tuyên phong Á Thánh ! Năm 1994, nhân kỷ niệm 350 năm ngài tử đạo, khoảng 1500 giáo lý viên của các giáo xứ thuộc giáo phận TP. Hồ Chí Minh họp mặt tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã ký tên vào đơn xin tuyên phong Á Thánh cho ngài. Ngày 5-3-2000, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong Á Thánh tại Roma, thoả lòng mong ước của bao tín hữu Việt Nam, nhất là giáo phận Đà Nẵng, giáo phận Quy Nhơn, Dòng Tên Việt Nam và các giáo lý viên trong cả nuớc.

I. THEO CHÚA

Nếu theo Quốc Lộ 1A từ Bắc vào Nam đến cây số 1300, chúng ta sẽ gặp cầu Ngân Sơn bắc qua sông Kỳ Lộ, dân địa phương gọi là sông Cái. Sông này bắt nguồn từ núi Kong K’Dung, cao 1029m, trên cao nguyên Gia Lai ở phía Tây Bắc, và chảy ra Biển Đông ở cửa Tiên Châu trong vịnh Xuân Đài. Qua cầu Ngân Sơn, chúng ta đến thị trấn Chí Thạnh, huyện lỵ của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ Chí Thạnh, men theo con đường dọc hữu ngạn về phía hạ lưu chừng 4km, chúng ta đến nhà thờ Mằng Lăng. Đi thêm chừng 1km nữa, chúng ta đến một địa điểm dân địa phương gọi là Thành Cũ.
Vào thời của Á Thánh Anrê Phú Yên, đây chính là địa điểm của Dinh Trấn Biên. Nếu đi thêm khoảng 3-4km nữa, chúng ta sẽ đến cửa biển Tiên Châu nước yên tĩnh và trong vắt. Hiện nay khu vực này là một vùng nông thôn hiền hoà đầy màu xanh, dân chúng làm ruộng, đánh cá trên sông Kỳ Lộ và vịnh Xuân Đài, kiếm củi đốt than trên hai ngọn núi nhỏ Sơn Chà và A Mang. Nhưng vào thời của Á Thánh Anrê Phú Yên, đây là dinh trấn tiền đồn của Chúa Nguyễn đối mặt trực tiếp với vương quốc Chiêm Thành ở bên kia đèo Cả. Có lẽ mọi sự đã được tính toán rất kỹ để Dinh Trấn Biên được đặt tại nơi ngày nay gọi là Thành Cũ : biển, sông, núi, ruộng, đường bộ, đèo Cả ở phía Nam, đèo Cù Mông ở phía Bắc ...
Năm 1470, sau khi đuổi người Chăm qua phía Nam đèo Cả, vua Lê Thánh Tông đến núi Đá Bia ở đèo Cả, cách Thành Cũ chừng 60 km về phía Nam, đánh dấu ranh giới phía Nam của nước Đại Việt. Bên kia đèo Cả là nước Chiêm Thành còn lại của người Chăm. Cho đến thời của Á Thánh Anrê Phú Yên, nghĩa là gần 200 năm sau, ranh giới này vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên việc khai phá chỉ tiến triển từng bước. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được đặt làm Tổng Trấn Thuận Hoá và Quảng Nam, nhưng thực tế, ông chỉ cai trị đến đèo Cù Mông, tức là hết tỉnh Bình Định hiện nay, chưa đến Phú Yên. Năm 1578 ông cho đưa dân đến Phú Yên. Năm 1629 ông cho lập Dinh Trấn Biên ở Phú Yên. Vết tích Chăm ngày nay vẫn còn khá nhiều ở Phú Yên : Tháp Nhạn ở thị xã Tuy Hoà, nhiều mộ người Chăm mà dân chúng địa phương gọi là mả Hời, một số tên riêng như sông Đà Rằng, núi A Mang ...
Có thể nói, giả sử không có cha Đắc Lộ thì cũng không có Á Thánh Anrê Phú Yên. Cha Đắc Lộ sinh năm 1593 tại Avignon, lúc ấy là lãnh địa thuộc quyền Toà Thánh trên đất Pháp. Năm 1612 cha vào Dòng Tên với ước nguyện được đi truyền giáo ở Viễn Đông. Sau khi thụ phong linh mục năm 1618, cha được chỉ định đi Nhật Bản. Để chuẩn bị, cha đến Áo Môn ở Trung Hoa để học tiếng Nhật. Nhưng lúc ấy chính quyền Nhật Bản cấm đạo gắt gao, trong khi công cuộc truyền giáo  ở Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp, vì thế cha được phái đến Việt Nam lần đầu năm 1624. Cha học tiếng Việt tại Hội An và chỉ trong một thời gian ngắn đã nghe và nói được thông thạo.
Vào thời ấy Việt Nam bị phân chia thành 2 miền, lấy sông Gianh ở Quảng Bình làm ranh giới : miền Bắc được nhân dân gọi là Đàng Ngoài do chúa Trịnh cai trị, miền Nam là Đàng Trong do chúa Nguyễn. Vua Lê ở Thăng Long chỉ có hư vị. Đàng Trong lúc bấy giờ được chia thành 4 trấn : Bố Chính (Quảng Bình), Thuận Hoá (Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam (bao gồm cả hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn) và Phú Yên. Đứng đầu mỗi trấn là vị trấn thủ thường là con trai hay con rể chúa Nguyễn, trừ trấn Thuận Hoá gọi là dinh chính do chúa Nguyễn đích thân chỉ huy.
 Có thời gian một mình cha Đắc Lộ là linh mục tung hoành hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong : “Không bao giờ tôi thấy Thiên Chúa phù hộ rõ rệt hơn. Chỉ mình tôi là linh mục trong lãnh thổ rộng lớn (Đàng Trong) và tôi nói thật rằng, xứ đạo của tôi ít ra cũng rộng tới 120 dặm. Thế nhưng trong vòng 2 năm tôi đi thăm được tất cả không bỏ sót một nơi nào tôi biết, cần bao lâu thì tôi ở bấy lâu để giúp đỡ các linh hồn. Tôi nói thật, hai năm đó như là một Tuần Thánh liên tục : ở đâu tôi cũng phải làm những việc mà ở Âu Châu người ta làm trong Tuần Thánh”. Riêng về “ba tỉnh phía Nam” tức là Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, cha kể : “Cả ba tỉnh này đều rất đẹp, có nhiều cửa biển và sông lớn rất thuận tiện cho việc thông thương đi lại. Về phía tỉnh Phú Yên, chúa Nguyễn có nhiều thuyền chiến để chống xâm lăng... ở ngay biên giới. Ngoài ra chính ở đây có thổ sản rất quý là trầm hương và tổ yến”. Về hoạt động tông đồ, cha kể : “Tôi bỏ ra 6 tháng để đi một vòng cả ba tỉnh, lúc thì đi đường biển, lúc thì đi đường sông, gặp nhiều nguy hiểm. Mà đi đường bộ cũng khó khăn và vất vả không kém. Nhưng Chúa nhân lành hằng ở cạnh tôi và cứu tôi ở hết mọi nơi mọi chốn”.
Vị thừa sai đầu tiên đặt chân đến Phú Yên năm 1624 chính là cha Phanxicô Buzomi. Có thể lúc ấy đã có một số giáo dân đến đó lập nghiệp trong đà nam tiến của dân tộc. Cũng có thể lúc ấy ngài rửa tội thêm một số tân tòng. Năm 1641 cha Đắc Lộ đến Phú Yên lần đầu. Dịp này một thiếu niên 16 tuổi đã tìm đến xin được rửa tội và được cha rửa tội cho. Lễ rửa tội cho chừng 90 người được cử hành khoảng tháng 5 tại tư dinh công chúa Ngọc Liên, người đã theo đạo từ trước với tên thánh là Maria Madalena, và lúc ấy là vợ của tướng Nguyễn Phúc Vinh, quan trấn thủ Phú Yên. Khi được rửa tội, thiếu niên ấy mang tên thánh Anrê. Sau này cha Đắc Lộ chỉ gọi bằng tên ấy, nên chúng ta không biết tên thật của ngài. Có lẽ ở nhà ngài được gọi bằng “Út” theo thói quen địa phương. Còn tên chính thức của ngài trong sổ sách thì cho đến nay vẫn chưa ai tìm được. Lúc ấy Anrê chỉ là một chú bé giữa bao người khác, chưa có gì nổi bật khiến cha Đắc Lộ phải nhắc đến.
Cha Đắc Lộ phấn khởi : “Năm 1625 đạo Chúa Kitô đưọc truyền bá khắp nơi ở Đàng Trong. Chúng tôi có 10 tu sĩ chuyên cần hoạt động và công việc không gặp cản trở”. Đó chính là năm Anrê chào đời. Ngài là con út trong gia đình đông anh chị em, có lẽ cha mất sớm, mẹ là bà Gioanna, một phụ nữ đảm đang và được cha Đắc Lộ gọi là “rất nhiệt thành”. Bà chăm lo nuôi nấng dạy dỗ đàn con nói chung, rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê nói riêng, cả về đường đức hạnh cũng như học vấn. Bà “đã lo cho Anrê ngày từ những năm đầu được học chữ nghĩa, kinh sử”. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi ngài học với thầy Inhaxu. Ngoài ra, hầu như chúng ta không biết gì hơn về tuổi nhỏ của ngài. Có lẽ ngài cũng lên núi Sơn Chà kiếm củi hoặc ra ruộng cày cấy phụ giúp cha mẹ như bao thiếu niên đồng trang lứa. Đặc biệt sau này cha Đắc Lộ cho biết ngài chèo thuyền rất giỏi. Hẳn là ngài đã được tập luyện khi điều khiển những chiếc “xổng”, tức là thuyền nhỏ làm bằng tre trên sông Cái. Vì mẹ ngài rất đạo đức nên chắc chắn gia đình phải đọc kinh cầu nguyện hằng ngày. Chẳng những vậy, có thể ngài còn được mẹ dạy những điều cơ bản về đạo nữa. Tóm lại ngài là mảnh đất tốt, chỉ chờ cha Đắc Lộ đến gieo hạt giống thiêng liêng vào là nảy mầm để rồi sinh hoa kết quả dồi dào.
Có lẽ gia đình bà Gioanna đã cùng với một số gia đình khác chuyển đến Phú Yên từ trước đó khá lâu. Cha Đắc Lộ cho biết là cha mẹ Anrê đều có đạo. Có thể vì ở quê mới không có nhà thờ, không có linh mục, không có ai dạy dỗ, nên phải chờ tới khi cha Đắc Lộ đến, Anrê mới được rửa tội. Có thể xác định, theo chứng từ có được, gia đình ngài ở xóm Lò Giấy, cách nhà thờ Mằng Lăng hiện nay khoảng 3km về phía Tây Bắc, bên kia sông, là xóm đạo đầu tiên ở Phú Yên. Như vậy, có thể Anrê ở xóm này. Hiện nay xóm Lò Giấy chỉ còn lại vài gia đình Công Giáo. Ngôi nhà thờ làng, không biết được dựng từ khi nào, nay không còn dấu vết gì khác ngoài nền lát gạch dùng làm sân phơi lúa.
Chuyến thăm Phú Yên lần đầu của cha Đắc Lộ thành công rực rỗ. Cha cho biết : “Khi tôi ngồi toà thì các kẻ giảng làm phận sự dạy người tân tòng. Tôi cũng tìm thời giờ để giảng mỗi ngày 2 lần. Lương dân kéo đến lũ lượt và Thiên Chúa phán trong lòng họ. Số người chịu phép rửa tội nhiều khi quá đông không làm trong nhà thờ được, mặc dù nhà thờ khá rộng lớn, đành phải dạy dỗ và rửa tội cho họ ở sân lớn trước cửa nhà thờ. Thế mà trong công việc này, tôi không cảm thấy mệt mỏi, không ngã bệnh. Tôi vui sướng đến nỗi không biết tôi còn ở dưới đất hay là đã lên trời”. Dù vậy chỉ ở Đàng Trong được 7 tháng, cha buộc phải rời Việt nam theo lệnh quan trấn thủ Quảng Nam.
II. DÂNG MÌNH CHO CHÚA
Chỉ mấy tháng sau, vào đầu năm 1642, cha Đắc Lộ lại quay về với đoàn chiên Đàng Trong. Lần này Anrê đến xin theo cha và được nhập Hội Thầy Giảng.
Khi chính thức khởi sự công cuộc truyền giáo ở Việt Nam năm 1615, các cha Dòng Tên đặt trụ sở tại Hội An, nơi có thương cảng quốc tế, có nhiều người Nhật Bản và Bồ Đào Nha đến làm ăn buôn bán. Cha Phanxicô Buzomi mà cha Đắc Lộ kính cẩn gọi là “vị tông đồ Đàng Trong” ngay từ đầu đã mời gọi và huấn luyện một số giáo dân làm kẻ giảng tức là giáo lý viên, để cộng tác với các thừa sai trong hoạt động tông đồ.
Khi hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài, từ 1627 đến 1630, cha Đắc Lộ đi xa hơn một bước nữa : lập Hội Thầy Giảng. Chẳng những các giáo lý viên họp thành một cộng đoàn mà mỗi người còn tuyên khấn nữa. Cha Đắc Lộ kể : “Trước mặt giáo đoàn, trong thánh lễ, họ đã thề suốt đời phụng sự Hội Thánh, không lập gia đình và vâng lời các Cha Dòng đến giảng Tin Mừng. Thấy nghi lễ long trọng này, mọi giáo dân đều phấn khởi và trọng kính các tôi tớ Chúa. Còn họ, thực sự họ làm trọn sứ mạng rất xứng đáng. Phần lớn thành quả thâu lượm được ở xứ này là nhờ họ”. Nhờ đó khi có các thừa sai, các thầy giúp các cha. Đặc biệt khi không có các thừa sai, các thầy điều hành cộng đoàn tín hữu trong khi vẫn tiếp tục hoạt động truyền giáo cho những người chưa tin Chúa. Rút kinh nghiệm ở Đàng Ngoài, khi trở lại Đàng Trong, cha cũng thành lập Hội Thầy Giảng. Hẳn là qua đời sống và hoạt động của cha Đắc Lộ nói riêng và các kẻ giảng nói chung, người con út của bà Gioanna nhiệt thành đã nghe được tiếng gọi thầm kín nhưng mãnh liệt của Chúa Giêsu : “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho con trở thành kẻ lưới người”.
Theo cha Đắc lộ thì Anrê lúc ấy là một thiếu niên không được khoẻ mạnh lắm, đã biết chữ khá, chắc là chữ Nôm, khéo tay, thông minh, khôn ngoan và rất nhiệt thành. Tuy nhiên chú bé này còn trẻ quá. Thầy giảng Inhaxu đã trên 30 tuổi, đã từng là quan ở triều đình, trong khi Anrê mới 17 tuổi, học hành chưa đến đâu, còn non nớt quá. Cha Đắc Lộ từ chối nhưng chú bé ở vào “tuổi bẻ gãy sừng trâu” ấy không chịu đầu hàng. Mẹ ngài là bà Gioanna - mà cha Đắc Lộ rất quý mến - đến xin cho con. Thế là ngài được nhận rồi theo cha Đắc Lộ và các thầy giảng khác đi Hội An, trụ sở của đoàn truyền giáo.
Hội Thầy Giảng Đàng Trong lúc ấy có 10 anh em do thầy Inhaxu đứng đầu. Cha Đắc Lộ kể về thầy Inhaxu : “...con nhà sang trọng, từng là thẩm phán, thông minh, rất giỏi chữ Nho, nhất là rất đạo đức, một vị thánh đích thực, gốc ở miền Bắc, sau khi chịu phép rửa tội thì không muốn rời tôi, và thực ra tôi gặp được Inhaxu thì không lấy gì làm sung sướng hơn”. Như vậy là sau khi theo đạo, thầy Inhaxu bỏ cả đường công danh đang rộng mở để theo cha Đắc Lộ làm kẻ giảng. Anrê được giao cho thầy để học văn chương. Có lẽ là học chữ Nho và Tứ Thư Ngũ Kinh của Trung Hoa. Anrê học hành có kết quả đến nỗi thầy Inhaxu nói với cha Đắc Lộ : “Trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê : linh lợi thông minh, học đâu hiểu đó”.
Chính cha Đắc lộ kể khá nhiều điều về giai đoạn này của Anrê : “Người anh không khoẻ mạnh lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà anh cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức, anh quên mình để giúp kẻ khác... Anrê ở nhà tôi chỉ ít lâu, nhân đức trong linh hồn anh đã biểu lộ ra ngoài. Anh sống giữa chúng tôi như một vị thánh nhỏ. Anh có tư thái hiền hậu, đức vâng lời mau lẹ, rất kính trọng mọi người khiến ai cũng đều cảm phục... Anh coi mình như kém hết mọi người và không có gì làm cho anh bằng lòng hơn là được dịp phục vụ người khác”. Ngoài ra, cha cũng cho biết là ngài khéo tay và chèo thuyền rất giỏi.
Năm 1643, lễ thánh Inhã, tổ phụ Dòng Tên, được tổ chức long trọng tại nhà thờ Hội An. Cha Đắc Lộ đã nhận được lệnh trục xuất. Không thể bỏ một đoàn chiên bơ vơ. Trong thánh lễ, tất cả 10 anh em, kể cả Anrê lúc ấy 18 tuổi, tay cầm nến sáng, quỳ trước bàn thờ, “tuyên thệ suốt đời phục vụ Hội Thánh, không bao giờ lấy vợ, và sẽ vâng lời các cha Dòng Tên đến giảng đạo trong nước hoặc những vị thay mặt các cha”. Chính các kẻ giảng sẽ thay mặt cha, vừa thăm viếng các cộng đoàn, vừa truyền giáo cho những người chưa tin Chúa.
 Cha Đắc Lộ cho biết : “Từ ngày khấn, Anrê tự cho mình có bổn phận sống trọn lành hơn khi trước nhiều lắm. Sự thật thì suốt năm ấy chính là năm cuối đời, anh tiến rất cao trên đường thực hành mọi nhân đức, khiến chúng tôi chẳng hiểu ý Chúa dự định về anh như thế nào, nhưng chúng tôi biết rõ những tác động ấy của ơn thánh sủng chẳng phải là sự thường”.
Sau đó, cha Đắc Lộ cho một mình thầy Inhaxu mặc áo dòng và được gọi là thầy. Ngài chia 10 anh em làm hai nhóm : một nhóm do thầy Inhaxu cầm đầu đi hoạt động ở ba tỉnh phía Bắc là Bố Chính (Quảng Bình), Thuận Hoá (Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam (Đà Nẵng và Quảng Nam) ; một nhóm do anh Đamasô cầm đầu đi hoạt động ở ba tỉnh phía Nam là Quảng Ngãi, Quy Nhơn (Bình Định) và Phú Yên. Anrê ở nhóm trước. Cha Đắc Lộ cho biết : “Tôi trở về Áo Môn vào tháng 9-1643, còn họ trung thành làm tròn nhiệm vụ tôi uỷ thác cho. Thoạt đầu tất cả 10 người cùng nhau ở lại một tháng trong nhà chúng tôi ở Đà Nẵng, mà vì nhà cửa đã bị lương dân phá huỷ bình địa nên phải làm lại. Trong dịp ấy, có mấy người yếu hơn ngã bệnh. Anrê người rất hăng hái nhưng sức yếu nên cũng ngã bệnh. Inhaxu làm bề trên nhưng lại làm đầy tớ tất cả, đêm ngày săn sóc mọi người, không quản khó nhọc và không ngại việc hèn mọn để chữa chạy cho các tôi tớ tốt lành của vị Thầy độc nhất là Đức Kitô”. Khi khỏi bệnh, họ chia tay đi các nơi như cha Đắc Lộ đã chỉ định. Cả hai nhóm đều thu được những kết quả tông đồ đáng khích lệ. Năm anh em đi về phía nam hoạt động rất đắc lực : trong 2 tháng đã rửa tội được 293 tân tòng. Riêng nhóm bắc, chỉ trong ít ngày mà đã rửa tội được 303 người. Anrê làm gì ? Cha Đắc Lộ kể : “Anrê giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ những ngày lễ lớn quanh năm, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của Đạo”. Vào Lễ Giáng Sinh năm 1643, tại Thuận Hoá, Anrê vốn khéo tay, đã dựng một hang đá rất đẹp, có tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ và thánh Giuse. Hai nhóm “đi khắp các tỉnh, các làng, các xã ở Đàng Trong. Thiên Chúa phù hộ, ban ơn, giúp đỡ chúng tôi, nên số giáo dân trong một thời gian ngắn đã thêm được hơn 1.000 người”. Đã diễn ra những cuộc bách hại lẻ tẻ, nhưng giáo dân vẫn vững vàng. Điều này cho thấy các kẻ giảng đã thực sự là nhóm lãnh đạo và chứng nhân kiên cường.
Như thế, có thể nói, cuộc đời tận hiến và hoạt động tông đồ đã thu hút toàn bộ trái tim, khối óc và sức lực của người thiếu niên tưởng chừng còn rất non nớt. Và ngài cũng chứng tỏ là một tông đồ đầy triển vọng : mới 19 tuổi, và mới theo đoàn truyền giáo được hai năm, mà đã biết chèo thuyền, biết làm hang đá, biết giảng giáo lý, có học hành, rất đạo đức, ham làm việc, dám xông pha khắp nơi, không ngại khó khăn và nguy hiểm. Giả như mọi sự diễn tiến bình thường, biết đâu ngài sẽ chẳng trở thành người kế thừa xứng đáng vị tông đồ thời danh Đắc Lộ !

III. LỄ TOÀN THIÊU

“Nếu thế gian ghét anh em, hãy nhớ là nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18), Chúa Giêsu đã nói như vậy với các môn đệ. Qua dòng thời gian, bao giờ và ở đâu cũng vậy, các tín hữu được nhiều người thương mến nhưng cũng bị một số thù ghét.
Kẻ thù số một của các tín hữu Đàng Trong thời đó là bà vương phi Tống Thị Toại, một phụ nữ rất có thế lực ở phủ chúa. Bà nguyên là vợ thứ của thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, trấn thủ Quảng Nam. Lẽ ra thế tử Kỳ lên kế vị chúa Sãi (1614-1635), nhưng lại qua đời năm 1631, trước chúa Sãi 4 năm. Vương tử Lan, em kế thế tử Kỳ, lên ngôi kế vị, tức Công Thượng Vươnghay chúa Thượng. Bà Toại ra vào phủ chúa tự do và ăn ở với chúa Thượng như vợ chồng. Chuyện loạn luân này làm cho nhiều người phẫn nộ. Con thứ tư của chúa Sãi là vương tử Trung đã có ý định quét sạch hai kẻ loạn luân khỏi phủ chúa, nhưng việc không thành. Phần nào giống thánh Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng, thầy Inhaxu đã phê phán người phụ nữ tội lỗi ấy và bị bà căm ghét nên tìm dịp trả thù. Bà rất sợ các thừa sai làm cho chúa Thượng theo đạo, vì lúc ấy bà sẽ mất hết. Bà tìm được một người đồng loã là ông Nghè Bộ ở Quảng Nam. “Ông Nghè Bộ” thật ra không phải là một tên riêng, nhưng là tiếng dân chúng thường dùng để chỉ viên cai bạ, hay cai bộ, tức là người đứng đầu ngành tài chính và thuế khoá ở một trấn. Thực ra, chức năng của viên quan này không liên hệ gì đến vấn đề tôn giáo, nhưng vốn đã ghét đạo, lại muốn nhờ cậy bà Toại, nên sẵn lòng làm tay sai cho người phụ nữ  nhiều thế lực.
Những dấu hiệu đầu tiên bộc lộ từ năm 1639. Ông Nghè Bộ xin chúa Thượng trục xuất các thừa sai, vì các cha cho giáo dân tôn thờ ảnh Thánh Giá chứ không sùng bái chư thần trong đất nước. Ông cho người đến cướp một ảnh Thánh Giá rất đẹp các cha vẫn giữ để thờ. Họ đem tới trình chúa và bày ra trăm mưu ngàn chước để làm cho chúa hoảng sợ. Chúa liền truyền cho đốt ảnh đi và đe doạ “người nào còn đưa vào đất nước này những vật khả ố đó thì hãy coi chừng mạng sống...” Người Bồ Đào Nha chuộc được Thánh Giá nhưng các cha bị trục xuất. Chính vì vậy, có thời gian cha Đắc Lộ và các thầy giảng phải hoạt động lén lút chứ không dám xuất đầu lộ diện.
Ngày 25-7-1644, Á Thánh Anrê bị bắt. Thực ra, người bà Toại nhắm đến là thầy Inhaxu, vừa nổi tiếng, vừa có ảnh hưởng lớn. Ông Nghè Bộ cho lính xông vào nhà các cha Dòng Tên ở Hội An để bắt thầy. Không tìm được thầy, lính đập phá nhà cửa, ảnh tượng. Hôm ấy, Anrê ở nhà coi sóc 4 anh em đang đau bệnh, trong khi cha Đắc Lộ và các anh em khác đi làm việc tông đồ. Muốn ngăn cản lính ngừng tay đập phá bừa bãi, ngài nói với họ : “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxu thì vô ích, vì thầy không có ở nhà. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng : tôi là giáo hữu, hơn nữa cũng là kẻ giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxu để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì làm sao tôi lại vô tội được ?”. Thế là họ bắt và trói ngài. Lính định bắt cả mấy thầy đang đau ốm, nhưng ngài cương quyết phản đối, nên họ thôi. Nhưng họ vẫn tiếp tục đập phá ảnh tượng đạo. Ngài đề nghị được cởi trói để xếp ảnh tượng lại cho dễ mang đi, họ cũng chấp thuận. Sau đó, họ trói ngài lại và dẫn về giam ở dinh trấn Quảng Nam trong huyện Điện Bàn ngày nay. Cha Đắc Lộ kể : “Anrê vui vẻ theo họ và trên suốt quãng đường không ngừng giảng cho những người dẫn mình vào ngục biết đường tránh địa ngục và lên thiên đàng”.
Trước đó, lính cũng đã bắt một giáo dân 73 tuổi là ông Anrê Sơn. Hai Anrê cùng thức suốt đêm cầu nguyện và khích lệ nhau. Sáng hôm sau, quan trấn thủ đưa cả hai ra xét xử và kết án tử hình cả hai. Nghe tin ấy, cha Đắc Lộ vận động người Bồ Đào Nha đến xin quan rút lại bản án. Cha kể : “Ông bằng lòng tha cho cụ già, vì còn con cháu ; nhưng về người thanh niên trai tráng xưng mình là giáo hữu và dù có chết cũng không bỏ danh hiệu ấy, thì sẽ phải chết như đã xin, để dạy cho mọi người biết vâng lệnh chúa”.
Nhiều giáo dân Việt Nam cũng như Bồø Đào Nha đến quỳ dưới chân ngài vừa hôn vừa khóc ròng, xin ngài về thiên đàng nhớ cầu nguyện cho mình. Ngài đáp lại : “Tôi là kẻ rất có tội”. Rồi ngài khích lệ họ : “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống... Anh chị em thấy rõ tôi đây bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa Tể Trời Đất và Con Một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Mọi sự chúng ta có đều do nơi Người. Thế mà người ta lại muốn tôi xúc phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi phải chịu, tôi chỉ sợ lửa hoả ngục đời đời là hình phạt dành cho kẻ từ chối không tin thờ Chúa Giêsu Kitô là Đức Chúa Trời thật. Hỡi anh chị em, hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời muốn ban cho anh chị em, phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời”.
Cũng cha Đắc Lộ cho biết : “Sau khi bị kết án tử hình, Anrê hớn hở lạ lùng... Anh xưng tội, quỳ xuống cầu nguyện, vĩnh biệt mọi người, rồi nhanh nhẹn theo toán lính dẫn anh tới thửa ruộng cách thành chừng nửa dặm”. Thành đây là thành Thanh Chiêm, trong huyện Điện Bàn, nơi có dinh trấn thủ ở khoảng km 952 trên quốc lộ 1A hiện nay. Còn thửa ruộng ấy được dân chúng gọi là Gò Xử, nay nói trại đi thành Gò Sứ, ở địa điểm gọi là Chợ Củi, cách thành chừng 1km, theo cách nói của cha Đắc Lộ là 2000 bước.
Trên đường ra pháp trường, ngài khích lệ các tín hữu theo ngài : “Hỡi anh chị em, hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến chết. Không một điều gì có thể dập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu trong trái tim chúng ta”.
Cha Đắc Lộ kể tiếp : “Tôi hằng ở bên anh, và tôi không theo kịp, vì anh đi rất nhanh, mặc dù phải mang gông nặng. Tới địa điểm chiến thắng, anh quỳ xuống để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác bao quanh anh. Họ không cho tôi ở bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào và đứng cạnh anh. Anh vẫn quỳ dưới đất, mắt nhìn trời, miệng luôn hé mở và kêu tên Chúa Giêsu. Một người lính lấy giáo đâm anh từ phía lưng thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Lúc đó Anrê nhìn tôi âu yếm như thể vĩnh biệt tôi. Tôi bảo anh hãy nhìn lên trời, nơi anh sắp tới và có Chúa Giêsu chờ đón anh. Anh ngước mắt lên trời cao và không nhìn xuống nữa. Cũng tên lính rút giáo ra đâm lần thứ hai, rồi lại đâm lần nữa như thể đi tìm trái tim anh. Nhưng con người vô tội ấy vẫn không lay chuyển, thật là kỳ diệu. Sau cùng, một người lính khác thấy lưỡi giáo không làm cho anh ngã xuống đất, liền lấy mã tấu chém cổ. Nhưng một nhát vẫn chưa xong, phải thêm nhát nữa làm đứt hẳn cổ, đầu rơi về bên tay phải, chỉ còn vướng mảnh da. Nhưng tôi nghe rất rõ, cùng lúc đầu lìa khỏi cổ thì Thánh Danh Chúa Giêsu không phải từ miệng anh thốt ra, mà qua vết chém ở cổ. Và cùng lúc hồn anh bay về trời thì xác anh ngã xuống đất”.
Sau đó cha Đắc Lộ gửi phần thân vị tử đạo sang Áo Môn để lưu giữ cùng với hài cốt các vị tử đạo Nhật Bản. Không may một lần kia, nhà lưu giữ bị cháy, mặc dù hài cốt các vị tử đạo không bị thiêu huỷ, nhưng bị lẫn lộn không phân biệt được nữa. Riêng đầu của vị tử đạo, cha Đắc Lộ luôn đem theo bên mình, và khi đến Roma, đã đặt chung vào nhà lưu trữ hài cốt các vị tử đạo Dòng Tên ở trụ sở trung ương Dòng, ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.
Vậy là ngài đã trở thành người của Hội Thánh, của nhân loại : một người con dân Việt Nam mà đầu ở Châu Âu, mình ở Châu Á. Cha Đắc Lộ kể nhiều điều về cha gọi là phép lạ sau cuộc tử đạo của ngài cũng như trong hành trình đưa di hài đến Áo Môn và đến Roma. Tuy nhiên, có lẽ “phép lạ” lớn nhất chính là chỉ trong ba năm, một thiếu niên vô danh đã trở thành một môn đệ tuyệt vời và một chứng nhân anh dũng của Chúa Giêsu.
Xưa, trên đà nam tiến của dân tộc Việt Nam, Á Thánh Anrê Phú Yên đã mở ra một chiều kích mới cho cả dân tộc là tiến đến với Thiên Chúa. Đúng một năm sau, hai thầy giảng Inhaxu và Vinxentê cũng lãnh triều thiên tử đạo. Rồi đoàn chứng nhân hơn một trăm ngàn vị tử đạo trong những thế kỷ tiếp theo. Nay, trên đà phát triển kinh tế và văn hoá, có thể dân tộc Việt Nam cũng như cả loài người vẫn chờ mong những Anrê Phú Yên mới, những con người chân đứng trên mặt đất, mắt hướng lên trời cao, Thánh Danh Chúa Giêsu trào dâng từ những trái tim vừa trong sáng, vừa nồng hậu. Với dáng dấp nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, như chính Hội Thánh và dân tộc Việt Nam hôm nay, mặc dù đi trước về sau, ngài mãi mãi là “người chứng thứ nhất”, một tín hữu Việt Nam tiêu biểu mà chúng ta ước mong là Chúa Giêsu cũng như nhân loại có thể tìm lại được trong hàng triệu cháu con của dòng giống Lạc Hồng hôm nay.

                                                                                Hiển Linh, 19-2-2000
                                                                         Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

 

Đôi điều về
Chân Phước Anrê Phú Yên

Minh Đạo

Những sử liệu quý giá còn lại cho chúng ta biết Chân Phước Anrê Phú Yên được sinh ra tại vùng đất nay thuộc giáo xứ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên, giáo phận Quy Nhơn và chịu tử đạo tại vùng đất thuộc giáo xứ Vĩnh Điện, tỉnh Quảng Nam, giáo phận Đà Nẵng.

ĐỊA DANH MẰNG LĂNG

Tương truyền, xưa kia nơi này được gọi là truông Mằng Lăng, một nẻo đi gợi hình ảnh u tịch, rậm rạp cây cối. Mằng Lăng là tên của loài cây lớn, mọc nhiều ở đó. Không rõ Mằng Lăng có thuộc họ Bằng Lăng, một loại cây to, tán dày, lá hình bầu dục, hoa mọc thành cụm đầu cành, màu tím hồng, gỗ nâu vàng, có thể dùng để đóng thuyền và đồ dùng ? Ta có thể tin được có một cây đại danh mộc tên Mằng Lăng vì cây gỗ ấy hiện nay còn một mặt bàn tròn tại nhà xứ Mằng Lăng, đường kính hơn 1,5m. Giáo xứ này hiện nay thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Giáo xứ do linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính quản nhiệm, với số giáo dân là 2416 người.

 THÁNH TÍCH CỦA CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN

Sau khi Thầy Anrê bị hành quyết, cha Đắc Lộ đã xin được thi hài Thầy Anrê và trao cho ông João de Rezende de Figneiroa, thuyền trưởng chiếc tàu Bồ Đào Nha, chở về Macao.


Tàu tới đảo Macao ngày 13-8-1644. Toà Giám mục Macao tổ chức đón rước thi hài thầy Anrê rất trọng thể. Khởi đầu, tất cả thi hài các vị tử đạo có liên quan đến các vị thừa sai Dòng Tên đều được cất giữ và tôn kính trong Nhà Nguyện dâng kính Đức Mẹ của Học Viện Dòng Tên tại Macao. Tuy nhiên vào 1837 (?), khi nhà nguyện này đã bị cháy, thi hài các vị tử đạo cất giữ ở đó đã được chuyển đi nơi khác trước khi bị ngọn lửa thiêu rụi. Rủi ro là trong lúc hoả hoạn, tất cả xương cốt, thi hài đã bị gom chung vào một chỗ, ta không còn phân biệt xương nào là của ai nữa. Sau cùng người ta đã đưa tất cả xương thánh đó ra nhà thờ Chính Toà. Do đó, các xương thánh của Chân Phước Anrê hiện còn ở Goa nhưng chưa được xác định.

Riêng chiếc đầu thầy Anrê, sau khi bị chém lìa khỏi thân, đã được cha Đắc Lộ cất trong một chiếc rương quý giá để mang về Roma và giữ tại trụ sở của cha Bề Trên Cả Dòng Tên. Hiện nay, sọ của thầy Anrê được đặt trong nguyện đường Nhà Mẹ của các cha Dòng Tên ở Roma để người ta đến kính viếng và ngưỡng mộ. Với những phương tiện kỹ thuật và khoa học hiện nay, chúng ta tin là người ta có thể xác định xương cốt của thầy Anrê ở Goa nhờ những mẫu xương sọ còn lại ở Roma. Nhưng ai sẽ đứng ra thực hiện công việc này ?

Nhân dịp Giáo Hội toàn cầu tuyên dương vị anh hùng tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc và Giáo Hội để biết can đảm làm chứng cho Đức Giêsu Kitô giữa lòng dân tộc và nhân loại hôm nay, giữa bao thăng trầm và thử thách trong cuộc sống. Chúng ta cũng luôn cầu nguyện để xin Chúa tiếp tục tôn vinh Chân Phước Anrê theo đúng ý Ngài.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét