Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Người mót lúa


NGƯỜI MÓT LÚA 


(Mã số: 18-072)

Những năm 80, tất cả mọi thứ đều phải vào hợp tác xã: từ ruộng lúa đến xưởng thủ công, từ trâu bò đến heo gà vịt… Ai không chịu vào, coi như hết đường làm ăn. Tuy nhiên, nhà thờ thì biết vào hợp tác xã nào. Khó quá! Người ta đành phải xếp vào loại đặc biệt chờ lệnh của cấp trên. Tình thế ấy thật bi đát cho ông thầy nhà thờ. Ruộng lúa chẳng còn, mọi nguồn thu cho sinh hoạt của nhà thờ cũng vơi dần. Ông thầy đành phải vừa lo việc đạo cho dân, vừa phải tự kiếm ăn. 

* * * 

1. 

Nắng chiều vàng vọt đổ trên cánh đồng Năm Chuông, làm kéo dài những bóng người xiêu vẹo. Theo bước chân người, những cái bóng nhảy nhót cứ dính với họ không rời. Gió nồm từ biển Ninh Hải thổi vào man mát, làm dịu bớt cái nắng gay gắt buổi trưa. Tuy nhiên, hơi nóng vẫn bốc lên làm cho vầng trán thầy Thương lấm tấm mồ hôi. Thầy khom người đi men theo các bờ ruộng, mót những gié lúa còn sót. Từ trưa đến giờ, thầy cũng kiếm được kha khá, đủ thứ giống lúa dài ngắn khác nhau, vàng đỏ, xanh xám lẫn lộn. Phải, lúa mót mà! Có đâu được nhiều, mỗi nơi vài gié góp lại, chứ có phải ruộng lúa của mình đâu mà được nhiều. Người ta cũng chắt chiu lắm, cắt bó kỹ càng, ít khi để sót những gié lúa ngon lành. Vì thế, người mót phải cần mẫn lắm mới có thể kiếm được hơn một ôm lúa trong một buổi đi mót. Tuy nhiên, khi thầy Thương đi mót lại được nhiều hơn người ta. Có lẽ người ta thương thầy nên để sót nhiều hơn hay là thầy gặp hên. Hên gì! Người nhà Chúa thì được Chúa giúp chứ sao! Không tin, cứ đi tu như thầy thì biết… 
Nói cho vui thế thôi, chứ thời buổi này ai còn dám tu. Các chủng viện, các dòng tu đều bị người ta giải thể hoặc hạn chế hoạt động. Các cha cũng chỉ sinh hoạt trong giáo xứ, giáo phận của mình thôi. Đi đâu, các ngài phải thưa trình đàng hoàng. Bởi thế, đi tu vào lúc này là một điều không thể thực hiện được. Đấy, đi tu như thầy Thương thì ở nhà sướng hơn. Đi tu mà phải mót lúa kiếm sống, thật uổng cả một đời. Mặc kệ người ta nghĩ sao cũng được, hằng ngày, vào mùa gặt, thầy Thương vẫn miệt mài với công việc mót lúa của mình. 

- Thầy Thương! Hôm nay… vẫn đi mót lúa à? 

Đó là tiếng gọi của ông Trạng cóc, trưởng thôn Bình Chính. Ông được lên chức trưởng thôn bởi thành tích ủng hộ cách mạng, sẵn sàng nuôi giấu cán bộ trong thời kỳ kháng chiến. Tuy nhiên, dù đã lên trưởng thôn nhưng người ta vẫn cứ gọi ông là “Cóc”. Người ta kể rằng, khi còn nhỏ, không biết bị bệnh gì mà bụng của ông to như bụng cóc. Nghe người ta mách, cha mẹ ông dùng thịt cóc vàng để trị bệnh cho ông. Đến năm lên sáu tuổi, bệnh mới thuyên giảm và dứt hẳn khi ông mười hai tuổi. Trong suốt thời gian đó, người ta chỉ gọi ông là Cóc. Lớn lên, họ lại gọi ông là Trạng nhưng lại thêm “cóc” ở sau để phân biệt với những người khác cùng tên. Người ta gọi riết thành quen. Ông cũng chẳng quan tâm làm gì. Ở cái làng này, ai cũng có biệt danh hết. Đến ông thầy nhà thờ cũng có tên luôn: “Thầy Thương mót”. Cho nên, dù người ta gọi ông là “Trạng cóc”, ông vẫn vui vẻ. Tính ông từ xưa nay vẫn thế. Ông sống với bà con lối xóm bằng cái tình cái nghĩa. 

Nghe ông Trạng gọi, thầy Thương ngẩng đầu lên đáp lời: 

- Dạ, chào bác Năm! Con vẫn đang mót lúa kiếm cơm đây. Thời buổi này khó khăn quá… 

- Ừ, mà thầy cứ mót mãi như thế sao? Giáo dân không nuôi nổi thầy à? 

- Dạ, bác cũng biết rồi đó… Bây giờ đâu phải như ngày trước… 

- Ừ phải!... Nhưng mà hôm nay khá không thầy? 

- Cũng đủ nấu cháo thôi, bác ạ! 

- Thôi! Thầy mót chi cho cực. Thầy qua ruộng tôi ôm một bó về làm gạo. Tôi biếu thầy… 

- Nhưng mà… 

- Không nhưng gì hết. Thầy biết tính tôi rồi mà! Với lại tôi đang là trưởng thôn… 

- Vâng… thế thì con cảm ơn bác! 

Vác bó lúa trên vai, thầy Thương bước đi trong nắng chiều đầy gió. Chiếc bóng của thầy lẻ loi kéo dài trên cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ. Phía xa, những ruộng lúa chín vàng vẫn còn bát ngát. Mỗi đợt gió nồm thổi mạnh làm dậy lên những sóng lúa óng ánh rất đẹp. Thầy Thương vừa đi về vừa thả hồn trong gió mát. Thầy đang nghĩ đến cánh đồng truyền giáo đang mùa thu hoạch bị bỏ đứng, chết khô từng đám vì thiếu thợ gặt. Cánh đồng giáo xứ của thầy cũng đang rơi vào tình trạng đó. Lớp lúa chín không ai gặt, lớp bị người khác gặt mất hoặc chẳng sinh hoa kết quả gì hết. Nó cứ đứng trơ ra giữa trời rồi chết. Thầy nhìn “cánh đồng” quê nhà mà lòng đau xót khôn nguôi. 

Số là thầy đã làm linh mục từ lâu rồi nhưng sự thể hiện thời đã buộc thầy rời chủng viện về quê cày cấy. Đức Cha giáo phận thấy thương nên cho thầy về giữ và chăm sóc ngôi nhà thờ ở quê nhà. Cha sở ở đấy đã theo giáo dân lưu lạc nơi đất khách quê người, bỏ lại một cánh đồng khô cằn không người chăm sóc. Như thế, Đức Cha vừa giúp cho thầy duy trì ơn gọi, vừa giúp cho giáo dân có người chăm nom việc đạo. Sau hai năm sống và làm việc với giáo dân, Đức Cha âm thầm mời thầy ra Tòa Giám mục và phong chức linh mục cho thầy. Điều ấy thật mạo hiểm nhưng là niềm an ủi cho thầy trong cơn thử thách. Sau khi chịu chức, thầy trở về giáo xứ và sống đời linh mục “hầm trú”. Thầy vẫn là thầy như thường ngày nhưng đêm đến thầy phải kín đáo dâng thánh lễ một mình. Và mỗi lần như thế, thầy được lên “dây cót” tinh thần rất nhiều. Cuộc sống ấy kéo dài đến nay đã hơn mười năm. 

2. 


Thầy vừa vác bó lúa về đến nhà đã nghe tiếng chửi bới. Thì ra hai vợ chồng ông Thắng và bà Huy đưa nhau đến xin thầy cho phép ly dị. Không biết họ lấy lý gì mà lại xin một ông thầy cho ly dị. Thầy Thương suy nghĩ và giật mình, chắc hai ông bà biết mình là linh mục chăng? Có thể lắm chứ! Nhưng mình đã rất kín đáo, đến mấy chú giúp cũng không biết mình làm lễ vào giờ nào thì làm sao họ biết. Lo hão không?... Nghĩ thế nên thầy cứ thản nhiên đi vào, bỏ bó lúa nơi đầu nhà bếp rồi bước lên nhà trên đón tiếp hai ông bà. 

- Chào cô chú! Có chuyện gì mà cần đến con? 

Hết bà rồi đến ông thay phiên tố cáo nhau. Tiếng của họ cứ hòa trộn một cách khó chịu như muốn tra tấn màng nhĩ của thầy. Thầy mới xin phép cắt ngang cuộc tranh giành phần phải về mình. 

- Thưa cô chú… Để công bằng, con xin đề nghị chỉ một người nói thôi và người kia phải nghe... 

Lời đề nghị của thầy tỏ ra có hiệu lực khi ông xổ hết tất cả những bực dọc trong lòng và đến lượt, bà cũng xả hết những ấm ức bao năm qua. Chỉ có thầy chẳng nói gì, ngồi nghe tất cả đến nỗi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Phải! Thầy ngủ vì cả một ngày làm việc mệt nhọc, về nhà chẳng kịp ăn chén cơm đã phải chịu người ta tra tấn. Nhưng cũng may là thầy đã ngủ trong lúc nghe hai bên trình bày. Nếu không chắc thầy phải uống thuốc vì những lời họ tố cáo nhau. Thật, vợ chồng sống chung mới biết nhau như thế nào, có đụng chạm mới biết rõ lòng nhau, mới lộ diện khuôn mặt thật của nhau. Và nếu biết nhường nhịn nhau, họ mới sống được với nhau. Cho nên, thầy phải ngủ để chỉ có hai ông bà nói và nghe nhau. Và cũng vì thế, hai ông bà mới thương ông thầy. Thương thầy nên họ không ly dị nữa. Thương thầy nên họ không muốn thầy phải chịu đựng họ nữa. Họ tự kết thúc câu chuyện bằng cách gọi thầy dậy và chào thầy ra về. Họ chỉ để lại một câu làm thầy vui hết sức. 

- Chúng con không ly dị nữa... Tội thầy quá! 

3. 


Mới ăn được chén cơm đã có người chạy vào tìm thầy Thương. Thầy phải bỏ dở bữa ăn để ra ngoài sân đón khách. Trời đã tối hẳn. Trăng rằm đã lên tận ngọn tre, tỏa ánh sáng trắng đục xuống đầy sân nhà xứ. Dáng người đàn ông gầy còm in hình vòng tròn trên sân. Ông tiến đến trước mặt thầy rồi quỳ xuống khẩn khoản. 

- Xin thầy cho con xưng tội... 

Dưới ánh trăng rằm, thầy Thương nhận thấy nét mặt đau khổ của ông Hòa, người vẫn ra vào nhà xứ giúp các việc lặt vặt. Ông là con của ông câu Trưởng, một người rất mực yêu mến các cha và tích cực trong các hoạt động tông đồ. Sau khi ông mất, đất nước thống nhất, tình hình sinh hoạt của giáo xứ xuống hẳn. Gia đình ông tứ tán khắp nơi, chỉ còn lại người con út là ông Hòa bám trụ lại quê nhà. Vốn thừa hưởng tính tốt của bố nên ông thích lui tới nhà xứ để giúp đỡ các cha. Về sau, khi cha xứ di cư với giáo dân vào Nam, ông trở thành người “giữ từ đường” cho cả xứ đạo. Cũng nhờ đó, nhà thờ và nhà xứ không bị trưng dụng. 
Đến khi có thầy Thương, ông cũng không ngừng công việc của mình. Có điều, dạo này ông ít đến nhà xứ. Mỗi lần gặp mặt, thầy Thương lại thấy ông buồn buồn chuyện gì đó. Có lần thầy dò hỏi, ông lại lảng sang chuyện khác rồi tìm cách tránh mặt. Nỗi ẩn khuất ấy hình như hôm nay sẽ được giải bày. Thầy Thương đoán chắc như thế. Tuy nhiên, việc ông Hòa đòi xưng tội là một chuyện lạ lùng. Hay là ông đã biết chuyện thầy là linh mục. Hay là ông đã trông thấy thầy lén làm lễ giữa đêm khuya. Mọi chuyện đều có thể. Cho nên, vừa kinh ngạc vừa bối rối, thầy đứng nhìn ông Hòa hồi lâu mới có thể lắp bắp. 

- Bác ơi! Con là thầy làm sao giải tội được? 

Ông Hòa chẳng ngạc nhiên về lời phân trần của thầy, bởi ông đã biết chắc chắn thầy là linh mục. Bởi vì trong một đêm rước thầy đi đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt, ông đã nhìn thấy thầy đang làm lễ. Cho nên, đêm nay, ông tìm đến thầy vừa để xưng tội, vừa để giải bày nỗi lòng. Ông đang cần một người đáng tin cậy để chia sẻ hết nỗi lòng, hầu giúp ông vượt qua sóng gió của gia đình. 

- Thì thầy cứ ngồi đây với con. Con biết… Thầy cứ yên tâm! Chỉ có con và thầy biết thôi... 

Thế là ông đến sát bên thầy và bắt đầu xưng thú mọi tội lỗi đã mắc trong nhiều năm qua. Số là ông có đứa con trai đi làm việc nhà nước. Đất nước hết chiến tranh, nó bỏ đạo để lên chức lên quyền. Ông biết chuyện và buồn lắm nhưng ông chẳng có cách nào để khuyên dạy. Ngày đêm ông cầu nguyện cho nó thay lòng đổi dạ mà chẳng thấy Chúa biến đổi nó. Ông đâm nản, bỏ Chúa một thời gian khá lâu. Tuy nhiên, chẳng ai biết ông bỏ Chúa, bởi hằng ngày ông vẫn đến nhà xứ. Việc ấy như cái mặt nạ che giấu tâm hồn đen tối của ông. Ông bực con mà lại bỏ Chúa, khác nào “giận cá chém thớt”. Nhưng Chúa là thớt sao? Đôi lúc lương tâm ông dày vò khôn xiết. Ông đã tranh đấu với ý thức tội lỗi ấy suốt mấy năm trời cho đến khi phát hiện ra thầy Thương là linh mục. Thế là ngày đêm ông dốc lòng đến với “cha” để một lần xưng thú hết tất cả và trở về với Chúa. 

Sau khi nghe hết những “tâm sự” thầm kín, thầy Thương đọc lời xá giải và bắt ông phải hứa làm “người mót lúa” để đền tội. Một người sẵn sàng mót đi mót lại trên chính thửa ruộng của mình những gié lúa còn sót để đưa về cùng một kho. Những gié lúa ấy không thể để cho chim chuột ăn mất. Thầy sẽ là người đồng hành với ông và chịu khổ cùng ông. Như thế, “kho lúa nhà Chúa” mới mong dư đầy để phân phát cho muôn dân. 

Trời đã về khuya, hai tâm hồn nhẹ nhõm chuyện trò suốt đêm. Trên trời, trăng rằm đang ngã dần về hướng tây. 


4. 


Sáng hôm sau, mới bước ra khỏi cổng nhà xứ, có cô gái trạc tuổi thầy Thương hớt hải chạy đến xin thầy đi kẻ liệt. Không biết chị hiểu làm sao mà cứ khăng khăng xin thầy đến nhanh cho cha cô được chịu các phép sau hết. Ngập ngừng đôi chút, thầy chạy nhanh vào nhà thờ lấy đồ và kiệu Mình Thánh rồi đi theo cô. Thầy phải đi bộ hết con đường lớn, vòng qua mấy con mương mới đến nhà cô, một hòn đảo nhỏ giữa đồng ruộng mênh mông. Đó là khu gò Mả Đỏ, chỉ có gia đình cô sinh sống. 

Vào trong nhà, thầy đã thấy mọi người đang tụ tập nhưng chẳng ai dám bước vào chỗ ông cụ đang nằm. Hỏi thăm, thầy mới biết ông bị lao phổi nặng. Phải, lao mà, dễ lây lắm! Dù là con cháu cũng chẳng ai dám đến gần để chăm sóc ông cụ. Họ đứng từ xa trông vào hoặc bịt mũi bịt miệng chạy vào rồi nhanh chóng trở ra. Ông cụ cũng biết bệnh tình của mình nên chẳng dám trách cứ ai. Tội cho chúng! Phải chi ông chết ngay tức khắc để con cháu đỡ khổ. Ông cứ âm thầm cầu nguyện với Chúa những lời ấy. Tuy nhiên, Chúa chưa nhậm lời. Mãi đến hôm nay, ông mới tin chắc chắn là Chúa sẽ cất ông đi. Cho nên, ông tha thiết xin con cháu cho ông được gặp cha. 
May mà đứa con gái út được ông Hòa mách cho biết, thầy đã là linh mục. Cho nên, cô mừng húm, đỡ phải khổ công vào tận Phan Rang mời cha. Thế là một lần nữa thầy hiện diện với tư cách là linh mục của Chúa giữa dân Người mà không phải lén lút. Thầy tiến lên để đón nhận ông cụ, dù con cái ông sợ hãi xa lìa. Thầy bước đến bên ông, nắm lấy đôi tay lạnh ngắt, nói mấy lời yên ủi rồi ban các phép sau hết. 

Đang khi xưng tội, máu dâng lên cổ làm ông cụ nghẹn ứ phải khạc ra. Chúa ơi! Tất cả đờm và máu huyết bắn hết lên mặt thầy, che kín cả kiếng mắt và đỏ cả mặt thầy. Ơn Chúa! Thầy phải kìm nén hết sức mới có thể chặn lại tiếng oán thán thốt ra. Ông cụ cũng chẳng biết làm gì, mặt tái xanh tái nhợt, hơi thở hoi hóp, thì thào. 

- Xin lỗi thầy! Con đã làm khổ thầy... 

Thầy Thương lặng thinh, lấy khăn tay ra lau mắt kiếng, lau mặt rồi chậm rãi thưa với ông cụ: 

- Dạ... Bác cứ yên tâm... Xin bác tiếp tục xưng thú tội của mình... Xin Chúa thương xót cụ! 

Ông cụ nhẹ lòng xưng thú hết tất cả mọi tội lỗi, chịu phép xức dầu và rước Của Ăn Đàng. Mấy đứa con đứng ngoài cửa phòng nhìn vào lòng thảng thốt. Không biết phải làm gì cho thầy. Họ che miệng, cổ họng nghẹn đắng, nước mắt ứa ra. Có một người xúc động hơn hết là con trai trưởng của ông cụ. Anh quỳ xuống từ lúc thầy bước vào phòng ông cụ, lặng lẽ theo dõi từng cử chỉ của thầy và cách thầy chịu đựng cơn bệnh của ông cụ. Anh xúc động hết sức, khóc to thành tiếng khi thầy bước ra khỏi phòng. Anh sụp lạy, ôm lấy chân thầy và tha thiết. 

- Con cảm ơn thầy! Xin thầy cũng tha tội cho con để con được về với Chúa... 

Thầy Thương ngạc nhiên, khom người xuống đỡ anh đứng dậy. 

- Anh ơi!... Chuyện gì thế? Em làm được gì cho anh? 

- Xin thầy... Con là con trưởng mà chẳng đáng là con cái trong nhà. Con là đứa con bất hiểu, bỏ Chúa, bỏ cha để chạy theo tiền tài. Nhiều năm rồi con là kẻ rối, chẳng chịu nghe bố mẹ khuyên răn, chẳng chịu bỏ đàng tội lỗi quay về với Chúa. Cho đến hôm nay, con vẫn chưa muốn thay đổi. Nhưng khi nhìn thầy tận tụy hết lòng với bố của con, con đã được Chúa hoán cải. Vì thế, để đẹp lòng bố con trước lúc ra đi, con xin “cha” cho con được xưng thú mọi tội lỗi của con. Con quyết tâm rồi! Phải ngay lúc này chứ không còn lúc nào khác nữa. Xin “cha” giúp con... 

Tự nhiên, lòng thầy dâng trào một cảm xúc hạnh phúc đến lạ lùng. Thầy cảm nhận được Chúa đang hiện diện gần rất gần, đang chạm đến những “trái tim bằng thịt” biết yêu thương, biết đồng cảm nối kết với nhau. Trái tim ấy sẽ chấp nhận tất cả mọi người dù họ là ai. Cho nên, thầy không có lý do gì để từ chối một lời yêu cầu “dễ thương” đến từ một tội nhân. Nơi nào có tội nhân, nơi ấy cần rất cần tình yêu được biểu lộ. 

- Dạ… Nếu anh tin và ước muốn thì xin anh thật lòng ăn năn và trở về với Chúa... Xin Chúa chúc lành cho anh! 

- … 

* * * 

Bước ra khỏi nhà ông cụ, thầy bước đi thanh thản trở về nhà. Con đường đầy nắng tưởng chừng như đẹp hơn. Cánh đồng lúa chín chưa kịp gặt vàng ươm cứ rì rào theo gió. Từng đàn chim nhỏ bay lên lượn xuống, ríu ra ríu rít vui nhộn. Phía xa, ruộng lúa vẫn còn đầy dẫy đang cần người gặt. Lòng thầy miên man theo từng bước chân như muốn tiến vào cánh đồng ấy để gặt hái tất cả đồng lúa đang mùa chín rộ. Đúng! Phải gặt chứ không phải mót đi mót lại trên cánh đồng của mình. Mót thì ít lắm, tốn công lắm nhưng ít hiệu quả. Gặt, gặt thật nhanh! Nhưng thợ gặt lành nghề đang ở đâu? Lòng “cha” bỗng chùng xuống, khóe mắt cay cay. Cha nhìn cánh đồng và lòng ước Chúa ban cho một phép lạ, một phép lạ vĩ đại từ chính dân của Chúa: Tất cả đều là thợ gặt lành nghề! 

Nắng đã lên đỉnh đầu. Thợ gặt đã trở về nhà, chỉ có người mót lúa luôn cần mẫn với công việc của mình.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét