(Mã số: 18-094)
Trời tối dần, những con muỗi bắt đầu vo ve. Xứ đạo nơi ngoại ô thành phố không quá ồn ào như trong nội thành. Thánh lễ kết thúc sớm. Ông câu chánh tranh thủ tưới nước cho những cây kiểng đặt trong hoa viên giáo xứ. Thoang thoảng mùi hương bưởi thanh thanh. Cha An hít một hơi dài, bước nhẹ nhàng trên khoảng sân rộng, tay lần chuỗi Mân Côi. Có tiếng ồn ào phía ngoài cổng nhà thờ, cha cất tràng hạt vào túi áo rồi vội ra xem. Ông câu chánh đang quát một đứa trẻ trạc chừng mười tuổi và ngăn không cho nó vô.
- Có chuyện gì vậy ông câu?
- Cha xem, cái thằng nhóc này, nó cứ lấp ló ngoài cổng, thừa lúc con không để ý nó ào vô, may con túm nó được. Chẳng biết có ý đồ gì.
Nói xong, ông quay lại trừng mắt với thằng bé, bàn tay hộ pháp của ông nắm chặt lấy cánh tay yếu ớt của nó.
- Có cha xứ ở đây, mày liệu hồn nghe nhóc, đừng dở trò.
- Thôi, ông làm thằng bé sợ rồi kìa.
- Tụi nhóc này, con quen quá đi chứ. Chúng nó mà sợ gì!
- Để tôi hỏi xem, hình như cháu nó đang tìm ai… Ông thả tay cháu ra đi.
Ông câu chánh miễn cưỡng thả tay thằng nhỏ ra. Đau quá, thằng nhỏ vừa run sợ, vừa xoa xoa cái tay đau, mắt ngấn nước. Vị linh mục trẻ kéo nó vào lòng, nhẹ nhàng.
- Con đến đây tìm ai? Con nói đi đừng sợ, cha sẽ giúp con.
Thằng bé ú ớ không nên lời. Nó chìa mảnh giấy nhàu nát, lấm lem, có đôi chữ nguệch ngoạc “Tâm xì ke, hấp hối!”. Đọc mảnh giấy, cha thất thần, sững sờ. Cha lật đật đi lấy túi rồi đèo thằng bé, chạy vội. Ông câu ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, thằng bé kia là ai, ông thắc mắc. Kệ! Ông xua mọi nghi vấn rồi tiếp tục công việc của mình.
Con đường dẫn vào nhà Tâm xì ke ngoằn ngoèo, tối om om, phải qua khu nghĩa trang rộng. Thỉnh thoảng, người ta thấy những đốm lửa ma trơi thoắt ẩn thoắt hiện bên những nấm mồ, rùng rợn. Anh có một cái tên rất đẹp: Augustino Nguyễn Thiện Tâm. Thế nhưng ở xứ này, người ta quen gọi anh là “Tâm xì ke”. Có lẽ người ta biết cái quá khứ nghiện ngập vào tù ra tội như cơm bữa của anh. Đúng là tiếng xấu đồn xa, từ quá khứ đến hiện tại. Và miệng lưỡi người đời chẳng bao giờ buông tha cho những lỗi lầm của đồng loại mình.
Nhà của Tâm xì ke nằm ở cuối con hẻm của xóm ngụ cư nghèo. Nói là nhà cho oai chứ nó chẳng khác nào môt túp lều được dựng bằng tôn, trống trước, hở sau, rách nát. Ánh sáng nhờ nhợ từ những ngôi nhà hắt ra không đủ chiếu sáng cả một đoạn đường hẹp. Càng gần tới nhà của Tâm, cha An nghe tiếng khóc càng lớn, bên ngoài, mấy người trong xóm kéo đến chật cửa. Linh tính báo điều chẳng lành nên cha hơi loạng choạng tay lái. Dựng xe bên góc đường, cha cố len lỏi vào bên trong ngôi nhà. Ánh đèn tù mù chỉ đủ để nhìn thấy mặt người. Tâm nằm bất động trên mảnh chiếu trải trên một tấm ván. Tay anh nắm chặt cỗ tràng hạt đã cũ, đôi mắt khép hờ, dường như còn tiếc nuối, đợi chờ một điều gì đó. Tâm đi rồi!
Mấy đứa trẻ bụi đời ôm Tâm khóc lóc thảm thiết. Một đứa trẻ trong nhóm nhìn cha, đôi mắt của nó ngấn nước. Dường như nó muốn nói: “Giá như cha đến sớm hơn, thì anh Tâm không chết”. Cha An quỳ xuống bên cạnh Tâm, ngài khẽ đặt tay lên đôi mắt khép hờ ấy, thì thầm: “Xin lỗi Tâm, cha đến muộn, cha…”. Một bầu khí đau thương, ngột ngạt bao trùm cả không gian chật hẹp. Cha An cũng thổn thức. Cha lặng im đau xót. Ai cũng tỏ lòng thương tiếc người vừa qua đời. Giọng nói khàn khàn của một người đàn ông làm phá vỡ cái ngột ngạt đang bao trùm khắp cả không gian tối tăm, chật hẹp.
- Cậu này là bạn của thằng Tâm hả?
- Dạ! Con là linh mục ở nhà thờ gần đây, con mới về năm nay thôi chú?
- À thì ra là ông cha nhà thờ. Xin lỗi, tôi không biết, ngại quá!
- Dạ không sao đâu chú! Mà Tâm mất hồi nào vậy chú?
- Tui cũng không biết, nghe đám nhỏ này khóc ré lên, tui chạy sang thì nó đã đi rồi.
- Con không ngờ Tâm lại đi sớm vậy. Mới tuần trước con còn gặp em. Vậy mà…
- Trông nó vậy chớ nó hiền lành lắm linh mục hà! Tội nghiệp!
- Ông Tư ổng nói đúng đó linh mục, Tâm nó sống tốt lắm! Hồi nó mới về đây, rồi kéo theo đám trẻ bụi đời về, trong xóm ai cũng dè dặt với nó, nhưng sống bên cạnh nó lâu mới thấy nó tốt linh mục à! Không như cái vẻ bề ngoài nó đâu. Ai trong xóm này, nhờ gì nó cũng giúp, giúp nhiệt tình luôn. Nó nghèo vậy, nhưng không hề ăn cắp, ăn trộm của ai cái gì… (Bà Sáu bánh bèo tiếp lời ông Tư tổ trưởng tổ dân phố)
- Thêm mấy đứa nhỏ này nữa nè ông cha… Nhờ anh Tâm, mà tụi nó ngoan lắm. Thương! Không biết giờ ảnh mất rồi, tụi nó sẽ ra sao nữa… À, có tờ giấy, hình như của anh Tâm, nhờ đưa cho ông cha. Lúc nãy có đứa nhỏ, nó đưa cho tui… (Cô Út bán trái cây đầu ngõ vừa nói vừa lấy trong túi ra một tờ giấy học trò gấp làm tư, đưa cho vị linh mục)
- Dạ! Cám ơn bà con đã cho con biết thêm về Tâm. Con cũng chỉ mới biết đến hoàn cảnh của Tâm. Con đang có kế hoạch giúp đỡ Tâm và các em ở đây, vậy mà… Giờ con cầu nguyện cho Tâm, xin bà con thinh lặng đôi chút ạ!
- Ông cha cứ cầu nguyện đi, chúng tôi không có đạo Chúa, nhưng chúng tôi cũng sẽ cầu nguyện với Thần Phật của chúng tôi cho Tâm được siêu thoát. (ông Sáu ba gác tiếp lời)
Trong căn nhà xập xệ, chật hẹp, cha An ngậm ngùi dâng lời cầu nguyện, những đứa trẻ cũng nghiêm trang trước thi hài người quá cố. Vậy là từ giờ phút này, những đứa trẻ bụi đời, không còn người anh hằng thương yêu chúng bao năm qua, không còn người thầy hằng dạy chúng điều lành, việc tốt. Tiếng kinh nguyện không tròn miệng, nó cứ méo xệch quyện với dòng nước mắt của đám trẻ. Những người hàng xóm, cũng thinh lặng. Họ không có đạo, nhưng họ cũng cầu nguyện cho anh theo cách riêng của họ. Bởi ở xóm ngụ cư này, ai cũng quý “cái thằng Tâm, nó xì ke vậy, nhưng nó tốt lành lắm”.
Đêm, những con ve vẫn kêu ra rả ngoài vòm cây. Hôm nay cha An không còn tâm trạng đâu để đọc sách. Cha lấy tờ giấy hồi chiều cô Út đưa ra xem. Di chúc của Tâm: “Xin cha thương cưu mang những đứa trẻ đáng thương này, con không thể…được…nữa”. Đôi dòng chữ của Tâm trước khi qua đời để lại, làm cha trằn trọc mãi. Hoàn cảnh của Tâm đáng thương quá! Vậy mà từ ngày về xứ đến giờ, cha chẳng hề biết nhiều về em. Tự nhiên cha thấy mình vô tâm, chưa tròn trách nhiệm của người mục tử. “Rồi đây, bọn trẻ sẽ ra sao khi em không còn nữa? Chúng sẽ trở về với đường phố, sống bụi đời nay đây mai đó sao? Không thể được! Phải tìm cách giúp đỡ chúng thôi. Thực hiện tiếp tâm nguyện của em thôi!”… Bao nhiêu câu hỏi, ý niệm cứ lẩn quẩn trong đầu làm cha thao thức.
* * *
- Ông! Thằng Tâm xì ke chết rồi đó ông! Sáng tui đi chợ, nghe mấy bà nói, ông nghe chưa?
- Rồi! Phát bực đây!
- Có chuyện gì hả?
- Hồi sáng, cha họp hội đồng giáo xứ có nói. Cha bàn lo việc an táng cho nó.
- Vậy thì có gì mà ông bực?
- Cha bảo mỗi người góp vô, lo cho nó cái áo quan, nhang đèn… rồi chỗ an táng là ngay ở hàng đầu tiên, kế phần mộ bà nội tụi nhỏ đó. Bà xem, vậy có bực không? Của dư bạc thừa đâu mà lo chuyện thiên hạ vậy chứ, cái áo quan tươm tất cũng nằm giá vài chục triệu, rồi còn đất an táng, đất nghĩa địa cũng phải mua chứ có phải đất hoang đâu. Ức cái là một thằng xì ke, từng vào tù ra tội mà nằm ngang hàng với bà cố của linh mục!
- Hừ! Cha xứ quá đáng thiệt! Tưởng làm cha rồi muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm sao!... Tui là tui không đồng ý. Tui kiện!
- Bà kiện ai?
- Kiện cha chứ kiện ai? Nghe mà tức!
Bà Ý Lan, vợ ông câu phó hầm hầm bước vào nhà xứ, xin gặp cha. Bà tức cái vụ cha xếp thằng Tâm xì ke ngang hàng với mẹ chồng bà. Bà phải làm cho ra lẽ.
- Con chào cha!
- Bà câu đó hả? Mời bà câu ngồi chơi!
- Thôi, con đang bận, con chỉ đến nói với cha chuyện này… Con thấy không công bằng chút nào hết.
- Có chuyện gì thế bà câu?
- Chuyện thằng Tâm xì ke đó! Đóng góp cho nó cái áo quan thì con không nói, nhưng con ức, không lẽ nó ngang hàng với má con sao? Má con, góp cho giáo hội một linh mục, tiền của có bao nhiêu cũng đóng góp cho giáo xứ, giáo phận… Còn thằng Tâm đó, nó góp được gì cho giáo xứ mà được ngang hàng với má con? Con thấy không công bằng. Mong cha xét lại.
- Chị Ý Lan à, chị cứ bình tĩnh… Em rất trân trọng những gì gia đình mình đóng góp cho giáo hội, cách riêng là bà cố. Nhưng thiết nghĩ, người đã mất rồi, một chỗ đất, một phần mộ có đáng là gì đâu. Mà Tâm cũng đóng góp cho giáo xứ đó chứ, sao lại không?
- Nó mà góp được gì hở cha? Góp tiếng xấu cho giáo xứ hả? (Bà Lan hằn học, gắt gỏng từng tiếng một)
- Thôi, chị về đi… Tôi sẽ cân nhắc chuyện này. Và sẽ trả lời với mọi người theo lẽ công bằng. (Cha An có chút bực mình trước kiểu nói của bà Lan)
Sau khi cha An họp bàn với hội đồng mục vụ giáo xứ, có lắm người không đồng ý với cha. Họ xì xào, bàn tán, khó chịu ra mặt, và đỉnh điểm là cơn tức giận của bà Ý Lan, vợ ông câu phó giáo xứ, khi bà vào ý kiến với cha xứ với thái độ khinh khỉnh và có chút trịch thượng. Cha không hiểu tại sao, hằng ngày người ta đi lễ, nghe lời Chúa, tổ chức các nhóm học Docat, giáo lý mới mẻ của Đức Thánh Cha Phanxico, nhưng lại không thực hành những gì mình đã học, đã nghe. Không lẽ tình liên đới, lòng yêu thương tha nhân chỉ là xa xỉ, chỉ là những con chữ đọc vui mắt đối với họ, những người luôn tỏ ra đạo đức, thánh thiện trong giáo xứ này, chí ít là những ai đã phản đối khi cha có ý giúp lo hậu sự cho Tâm. Một nỗi buồn len vào tận tâm can vị linh mục trẻ. Mùa Chay sắp qua, vậy mà có nhiều người vẫn giữ cho mình những ích kỉ, nhỏ nhen. Cha thở dài, tiếng thở đầy tâm trạng của một người linh mục chánh xứ.
* * *
Con đường đến nhà Tâm xì ke bao trùm một nỗi buồn u ám mà vốn dĩ nó chẳng mấy sáng sủa gì. Hôm nay, cha An đến, tẫn liệm cho Tâm trước khi đưa anh về đất mẹ. Căn nhà vốn tồi tàn, nay càng thê lương hơn, tiếng khóc của những đứa trẻ vẫn không ngớt, thỉnh thoảng xen lẫn vài tiếng sụt sịt của bà con xóm ngụ cư này. Chiếc quan tài đơn sơ để giữa nhà. Lúc sáng, ông Tư tổ trưởng tổ dân phố điện thoại báo rằng có người trong xóm thương tình nhường lại cỗ áo của mình cho thằng Tâm. Cây thánh giá cũng được ai đó đóng vội trên nắp áo quan cho giống quan tài của người Công giáo. Cha An thinh lặng cầu nguyện rồi làm các nghi thức an táng cho Tâm. Giữa những người lương dân hiền lành, tiếng cầu kinh của người theo đạo Chúa vang lên trong sự trang nghiêm và nước mắt. Dẫu biết sự sống không mất đi mà chỉ thay đổi, dẫu tin Tâm sẽ phục sinh vào ngày sau hết, nhưng với trái tim yếu đuối, mỏng giòn, của một con người, cha An cũng cảm thấy một chút đau thương, xót xa cho kiếp người bất hạnh.
Tâm được đưa đến nhà thờ bởi bà con trong xóm ngụ cư, không họ hàng thân thích, không một dải khăn tang. Nhưng đoàn người đi trong trật tự, nghiêm trang và đầy xót thương đối với người quá cố. Những đứa trẻ bụi đời, đầu trần, chân đất, gương mặt lem luốc, con mắt đỏ hoe. Chỉ cần ai đó nhắc đến “anh Tâm” thôi, nước mắt chúng cũng trào ra như thể đã chờ sẵn ở đâu đó trong hốc mắt.
Chiếc quan tài được đặt giữa thánh đường rộng thênh. Mọi người về hết, chỉ còn cha An, mấy đứa trẻ và một số bà đạo đức trong các hội đoàn của giáo xứ đến cầu nguyện cho Tâm. Cha miên man hồi tưởng lại những ngày tháng qua, khi Tâm còn sống. Nó như một cuốn phim quay chậm vậy. Từ ngày cha về xứ đến giờ, Tâm đã giúp cha nhiều, từ sửa cái bóng đèn trên cung thánh đến dọn dẹp khuôn viên nhà xứ để đón các ngày lễ lớn…Tâm đã làm bằng sự nhiệt tình và lòng mến, nhẫn nại đến từng chút một, không kêu ca than phiền, không đòi hỏi bổng lộc…Vậy đó, thế mà ai hay, ai biết, người ta cứ nhìn vào quá khứ của anh, để đánh giá anh ở hiện tại, và chắc gì họ đã biết đến cái tên của anh, Augustino Nguyễn Thiện Tâm, ngoài ba chữ “Tâm xì ke”! Biết đến bao giờ vết mờ trong quá khứ của một con người được sạch trong tâm trí của chính đồng loại mình… Có tiếng ồn ào nơi nhà xứ, cha bỏ ngang dòng suy tưởng.
- Chào cha ạ!
- Chào mọi người, mọi người đến có việc gì không? Mời vô trong uống chén trà rồi trò chuyện.
- Dạ, thưa cha, hôm qua cha có hứa với con là cha sẽ trả lời theo lẽ công bằng. Hôm nay chúng con muốn nghe câu trả lời đó đây. (Bà Ý Lan gằn từng tiếng một)
- Tôi biết anh chị em bức xúc vì hành động của tôi. Nhưng sao anh chị em lại hơn thua với người đã quá cố? Tình liên đới giữa người với người của anh chị em đâu rồi? Đến bao giờ anh chị em mới cho những người lầm lỗi một cơ hội làm lại cuộc đời? Tại sao anh chị em xét đoán người khác?... Từ khi tôi đến đây, tôi thấy Tâm rất nhiệt tình trong các hoạt động của giáo xứ. Bao lần tôi kêu gọi anh chị em tham gia vào việc chung, nhưng chẳng mấy khi anh chị em nhiệt tình tham gia đầy đủ hoặc chỉ đứng chỉ đạo người ta làm. Còn Tâm, cậu ấy đã làm mà không toan tính thiệt hơn, không đòi hỏi trả công, dù cậu ấy rất nghèo. Anh chị em có đủ can đảm nuôi vài đứa trẻ lang thang, bụi đời để uốn nắn nó thành người tốt không? Tâm đã hành động như vậy đó. Nếu Tâm không dẫn những đứa trẻ đó về sống cùng, thì liệu chúng sẽ ra sao, đầu trộm đuôi cướp, sống lang thang nơi đầu đường xó chợ rồi. Xin hỏi, vậy Tâm đã xứng đáng chưa? Tôi thấy, Tâm chưa đọc cuốn Docat, học Docat như các vị, nhưng cậu ấy có tinh thần Docat hơn các vị rồi đấy…
Một sự im lặng bao trùm cả nhà xứ. Dường như sự giải thích của vị mục tử đã dần dần thấm vào tâm can của những người phàn nàn ý định của ngài mấy nay. Họ cúi đầu, có lẽ họ nhận ra mình còn quá nhỏ nhen, ích kỉ. Họ thấy mình chưa bao giờ cho Tâm một cơ hội để hòa đồng. Họ chào cha xứ, dần rút về hết mà không một lời nào phản đối.
* * *
Thánh lễ an táng diễn ra thật sốt sắng. Lần đầu tiên từ ngày về xứ đến giờ, cha An mới thấy người ta đi lễ an táng đông đến vậy. Nhà thờ chật kín. Những người lương dân nơi xóm ngụ cư nghèo cũng đến. Họ không vào mà đứng nghiêm trang ở cuối thánh đường, bên ngoài cửa. Những người đã từng phàn nàn về quyết định của cha cũng đến dự lễ, cha thấy họ sốt sắng hơn bao giờ hết. Ca đoàn không ai bảo ai cũng đi đông đủ. Cha mở đoạn Tin Mừng, Lời Chúa hôm nay: “Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt…”
0 Nhận xét