(Mã số: 18-063)
Bà Hoan bước vào một quán cà phê nhỏ nằm ở đầu đường. Bà đến bàn của một cặp vợ chồng trẻ rồi chìa tay ra, đột ngột hất mặt lên, giọng cộc lốc:
- Ê, cho mười ngàn đi!
Hai vợ chồng chẳng thèm ngước nhìn bà, lắc đầu. Phản ứng ở những bàn khác cũng không khá hơn. Nhưng hôm nay có vẻ là một ngày may mắn. Vừa khi bà toan ra khỏi quán thì có tiếng người gọi khẽ:
- Bà ơi, bà đợi một chút!
Đó là một anh khách lạ lần đầu uống cà phê ở đây. Anh nhanh tay rút tờ năm mươi ngàn trong ví rồi đưa cho bà cụ. Ông chú Chín ngồi kế bên tỏ vẻ bực bội, miệng lẩm bẩm vừa đủ lớn để vị khách có thể nghe thấy:
- Cháu cho mụ ấy tiền làm gì… Mụ già kỳ cục! Cháu không ở đây nên không biết, chứ người ở đây ai cũng biết tỏng bả rồi.
Bà Hoan là một người cộc cằn, thô lỗ. Bà thường xuyên say xỉn, hay nói tục và chửi bới mọi người vô cớ. Từ nhiều năm nay, bà sống một mình trong căn nhà cũ ở cuối khu chợ. Sáng, bà xách bị đi xin. Tối bà về đến nhà, chân nọ đá chân kia, lảo đảo. Mọi người ở khu chợ đều bảo tính khí của bà quá quắt đến nỗi con bà cũng không chịu nổi. Dù đã lục tuần, bà cứ nhất định phải cắt tóc ngắn rồi nhuộm thật đỏ. Tiền các con đưa bà đốt hết vào rượu và số đề. Bà thiếu nợ nhiều người trong xóm nhưng không khi nào trả. Ai đến đòi là bà nổi xung nổi đoá lên. Khi say xỉn bà cũng nổi đoá nổi xung và rủa... tất cả mọi người bà gặp! Nếu con cái lên tiếng khuyên nhủ thì bà liền làm cho mọi chuyện thêm om sòm: "Chúng mày đủ lông đủ cánh rồi nên định dạy cả tao à?". Cứ thế, ba đứa con của bà lần lượt bỏ đi.
Dù sống nhờ vào sự hào phóng của người khác nhưng không khi nào bà tỏ ra cần điều đó một cách tử tế. Lúc tỉnh, bà xin với vẻ bất cần, chẳng quan tâm xem người ta có cho hay không đã quay ngoắt bỏ đi. Lúc say, bà nài nỉ van vỉ, có khi chửi rủa mãi mới thôi. Vì thế chẳng có mấy người thèm rộng rãi với bà chút lòng cảm thông. Phần đông họ chấp nhận cho là để khỏi bị bà làm phiền.
Bà Hoan thường xin lòng vòng trong chợ rồi dọc theo những con đường lớn đi khắp khu phố. Lúc nào mệt, bà vào hàng quán bên đường xin nước, xin đồ ăn. Hiếm khi bà con ở đây cho tiền, vì họ biết bà Hoan sẽ làm gì với nó. Thỉnh thoảng, khi cảm thấy khoẻ, bà sang cả mấy phường xung quanh. Những hôm như thế bà thường "kiếm được khấm khá". Lúc về, bà sẽ "ăn mừng" bằng một lon nước ngọt... mua ở quán cà phê của Vi. Ừ, bà mua, như để cám ơn cô chủ quán trẻ tuổi vì lúc nào cũng dịu dàng với bà.
Từ nhà đi ra khỏi khu chợ, rẽ phải ở góc đường, qua trạm gác khu phố, rồi băng ngang môt siêu thị nhỏ và vài ngôi nhà nữa là đến quán cà phê yêu thích của bà Hoan, quán cà phê Nhẹ. Trước cửa quán có một cụm cây hoa giấy đỏ do mẹ Vi trồng từ nhiều năm trước. Nó vẫn đứng gác ở đấy, là vệ sĩ bóng râm, là hoa hậu sắc đẹp. Nỗi buồn của khách cũng nhờ vẻ đẹp dịu dàng của nó mà được khoả khuây phần nào.
Trên bức tường chính của quán có một bàn thờ nhỏ luôn được chăm chút cẩn thận và được điểm tô bằng một bình hoa ly trăng muốt. Bên cạnh bàn thờ là bức ảnh "Chân dung lòng Chúa thương xót" được lồng cách trang trọng trong một khung bằng gỗ màu vàng nhạt. Bàn ghế cùng mọi thứ trong quán đểu nhỏ nhắn và dịu nhẹ, dịu nhẹ như tính tình của cô chủ quán Xuân Vi.
"Ê, cho mười ngàn đi!... Ê, cho chút đồ ăn sáng...", đó là những yêu cầu cộc lốc của vị khách “đặc biệt” mỗi khi bà mở hàng. Vi chưa khi nào từ chối bà Hoan điều gì. Cô còn luôn phục vụ bà một cách ân cần và nhã nhặn.
Một buổi sáng khoảng nửa tháng trước, bà Hoan ghé quán khi đã ngà ngà say. Bà nài nỉ để xin cho được bịch ve chai gồm giấy vụn và vỏ lon nước ngọt mà Vi vốn vẫn để dành cho bà. Hôm đó, quán đông khách quá, người vào uống, người đợi mua mang đi nên Vi có dặn bà Hoan:
- Bà đợi con một lúc, làm cà phê cho khách xong con sẽ đem cho bà.
Nhưng con ma men đã che lỗ tai và lấy mất cả sư kiên nhẫn dù ít ỏi của bà Hoan. Bà quỳ trước cửa quán, giang hai tay ra, mắt hướng lên trời và bắt đầu hét thật lớn những câu kinh mà bà chỉ nhớ lúc bà say:
- Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến...
Chưa dừng ở đó, chốc chốc bà lại cúi gập người xuống như thể bà đang van xin. Mỗi lần gập người là mỗi lần bà lại gào thét lớn hơn. Khách trong quán, khách đợi bên ngoài ai nấy trố mắt nhìn, ngạc nhiên. Người đi đường hiếu kỳ cũng dừng lại để xem cho biết chuyện gì.
Buổi sáng hôm ấy ở quán cà phê của Vi, mọi thứ không còn nhẹ như cái tên mà cô đã chủ đích chọn ngay từ những ngày quán còn chưa được mở. Vi phần vì tức giận, phần vì ngại với khách, cô lập tức cầm bịch ve chai chạy ra ngoài. Vi đến chỗ bà Hoan ném phịch xuống đất, giọng bực bội:
- Bà cầm lấy này! Bà cứ như vậy thì ai còn muốn làm cho bà cái gì nữa!
Nói rồi Vi bỏ vào trong tiếp tục pha cà phê cho khách. Một lúc sau quay lại Vi mới hay bà Hoan đã lặng lẽ đi tự lúc nào. Từ hôm đó Vi không thấy bà Hoan đến quán nữa...
Ngày hôm nay ở quán Nhẹ, Vi bắt đầu công việc trong buổi sáng đẹp trời.Vi luôn thích những buổi sáng Chúa Nhật, khách không quá đông, đa phần là khách quen sống ở gần đó. Họ thường đến cùng gia đình, thưởng thức cà phê, chuyện trò với Vi một lúc rồi về. Mọi thứ trôi qua thật nhẹ nhàng và thật chậm. Nó giúp Vi có chút thời gian ngồi lặng im để suy nghĩ. Và Vi lại nghĩ về bà già ăn xin cáu kỉnh, khắc khổ đó.
Vi thường tự hỏi nếu trong những chuyến từ thiện của ban giới trẻ giáo xứ, Vi và các anh chị gặp những người như bà Hoan: say xỉn, thô lỗ, nói năng tục tĩu hoặc sẵn sàng làm mọi cách để người khác phải... thương mình, thì họ có đến làm từ thiện ở nơi đó nữa không? Gần chùa thì bụt mất thiêng, và có lẽ việc từ thiện sẽ chẳng còn sự thiện nữa nếu người được nhận không phải là người có gì đáng để thương.
Vi chợt nhớ đến Lời Chúa của ngày hôm nay: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình".
“Người thân cận?”- Vi thầm nghĩ. Rồi hai mắt Vi chợt sáng lên như vừa được ai đó thì thầm vào tai một tin quan trọng. Người thân cận của Vi không phải là những người cùi ở trại phong Di Linh mà Vi theo mẹ đi thăm mỗi năm một lần. Họ cũng gần hơn những bà con nông dân nghèo ở một xứ vùng cao trên Đắc Lắc. Họ còn chưa hẳn là những người đến trong những dịp phát quà tết cuối năm của giáo xứ. Dù họ vẫn là những người cần đến sự quan tâm của những ai có điều kiện hơn.
Người thân cận của Vi là bà Hoan say xỉn và hay chửi bới, bà đã hơn hai tuần nay không tới quán Nhẹ. Người thân cận của Vi là mụ "Hằng buôn chuyện" có hai cô con gái bị bệnh down từ lúc mới sinh ra. Là thằng Toản thọt hay đi ra đi vào khu chợ để ăn trộm vặt, là bà Mười cộc cằn bán vé số sống ở cuối đường. Đó là ông hàng xóm khó ưa, là bà cô chưa chồng khó gần. Là thanh niên sống ngay ở nhà bên cạnh. Họ là những người sống không như ý chúng ta, lẽ ra phải dễ thương, phải tốt lành để đáng được chúng yêu mà không cần tính toán, đáng để chúng ta cho mà không thấy hối hận, hay đáng để ta giúp đỡ mà không sợ... bị lừa. Nhưng họ vẫn là họ và vẫn là những người thân cận.
Nghĩ đoạn, Vi mỉm cười. Có một làn gió nhẹ bất chợt thoảng qua… Nó cuốn theo vài bông hoa giấy rồi chúng cùng nhau là đà vui trong nắng sớm, nhẹ nhàng nhưng ấn tượng hệt như những suy nghĩ Vi đang có trong đầu.
Ngày Chúa nhật Vi chỉ bán đến trưa rồi dọn dẹp để chuẩn bị đi lễ. Mọi việc sẽ diễn ra như thế nếu hôm nay không có sự xuất hiện của vị khách lạ hào phóng cho một bà già ăn xin năm mươi ngàn. Bà Hoan sau khi cầm tờ tiền bất ngờ quỳ rụp xuống bàn của vị khách nọ, hai tay níu lấy chân anh, mặt vẫn hất lên, giọng vẫn cộc lốc:
- Ê, cho xin một trăm ngàn đi!
- Trời ơi! Con có đâu mà cho bà thêm một trăm ngàn! - Anh khách giọng bực bội, như thể anh đang hối hận vì vừa đem lòng trắc ẩn của mình đặt nhầm chỗ.
Nếu là bình thường, khi tỉnh táo, bà Hoan đã bỏ đi, có khi còn chẳng kịp nghe lời phàn nàn vừa rồi. Nhưng hôm nay bà hơi say, nên bà cứ níu chân người thanh niên trên cổ còn đang đeo một sợi dây chuyền có mặt Thánh Giá. Rồi bà lại giang tay ra và hét thật lớn những lời Kinh lạy Cha như muốn nhắc cho người thanh niên về căn tính của mình, điều mà có khi anh không khi nào nhớ đến. Và chính Vi cũng đã từng lãng quên.
Ông chú Chín như được thể, liền nói chen vào để chứng minh cho vị khách về lời thì thầm của mình khi nãy:
- Đấy, chú nói rồi! Cháu cho mụ ấy tiền làm gì… Thấy ai dễ là mụ ấy làm tới như vậy đó. Xong mụ ấy lại nướng hết vào lô đề với rượu cho xem. Đàn bà gì mà suốt ngày say xỉn. Chả trách con cái bả cũng không chịu nổi.
Rồi chú quay sang bà Hoan và quát:
- Bà có thôi đi không hả? Người ta vừa cho bà năm mươi ngàn còn gì!
Nhưng với người say thì lời nói nào cũng chỉ thoảng qua tai. Hai tay bà Hoan vẫn ghì chặt lấy chân vị khách khốn khổ.
Đang pha nước, Vi liền bỏ mọi thứ xuống bàn rồi nhanh chân chạy đến gỡ tay bà Hoan ra, môi cười miệng nói như thể gặp người nhà:
- Mấy bữa nay bà đi đâu mà không ghé con? Con để dành vỏ lon nước ngọt cho bà được hai bao đầy rồi đó. Bà vào đây con cho.
Nói đoạn Vi dắt bà Hoan vào gần quầy pha chế và kéo một chiếc ghế ra cho bà ngồi. Cô pha vội một ly nước chanh mang đến chỗ bà Hoan rồi an ủi:
- Bà uống nước đi. Bà đợi chút xíu con sẽ cho bà tiền, coi như tết năm nay con mừng tuổi bà trước! À, tối nay bà nhớ ra đây để con đưa bà đi nhận quà tết ở giáo xứ nhé!
Vi nhẹ nhàng đặt ly nước vào tay bà Hoan rồi trở vào trong xách ra hai bao đầy những vỏ lon nước ngọt để cạnh chân bà. Sau đó Vi rút ra từ trong túi áo một bao lì xì màu đỏ, đỏ rực như niềm vui đang rộn lên trong lòng Vi lúc này. Vi nghĩ đến một điều tuyệt vời mà Vi sẽ làm tối nay. Vi sẽ bắt đầu học "yêu người thân cận" bằng việc đưa bà Hoan trở lại nhà thờ. Vi sẽ học yêu như Chúa yêu, một tình yêu rộng lượng, một agape.
0 Nhận xét