Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Ngân

hình minh họa

NGÂN 


(Mã số: 18-083)

1.


Tối hôm qua, trời Sài Gòn bỗng đổ mưa. Cơn mưa đến nhanh chỉ sau vài tiếng sấm. Mưa bắt đầu rơi, mạnh và thật nhiều. Nước ngập đầy đường, chảy thành dòng sông giữa phố thị. Thế là con đường được sạch trơn. Mưa đã cuốn hết tất cả rác rưởi xuống sông đổ ra biển. Nghĩa rất thích cái cảnh này. Mấy tháng rồi trời nắng, anh phải sống trong bụi bặm và nóng bức. Mưa đã làm cho anh vui và sảng khoái trong người. 

Trời sáng. Mưa đã tạnh hẳn. Nắng bắt đầu lên. Thế nhưng không khí vẫn còn mát mẻ. Nghĩa hăng hái dắt xe ra sân. Hôm nay, anh có một cuộc hẹn quan trọng lắm: Gặp lại tình xưa nghĩa cũ. “Tình cũ không rủ cũng tới”? Ấy, không phải! Anh đi gặp đứa em gái mà anh có dịp quen biết hơn mười năm trước tại một vùng quê nghèo. Anh đã không gặp lại em một lần nào kể từ khi trở lại Sài Gòn. Anh nhớ nhưng không biết làm sao liên lạc với em. 
Hôm vừa rồi, tình cờ anh gặp em trong siêu thị Big C. Anh ngớ người khi em chạy đến ôm chầm lấy anh mừng vui khôn xiết. Sau mấy phút, anh mới nhận ra em qua nốt ruồi ở đuôi chân mày. Hai anh em gặp nhau cười cười nói nói. Và cũng nhờ đó, anh mới có cuộc hẹn hò hôm nay với em. “Hẹn hò”, nghe như đi gặp người yêu ấy! Mà cũng phải thôi, em khác xưa rất nhiều: xinh đẹp hơn, dễ thương hơn, tươi hơn, không còn buồn và tự ti nữa. Em lại có nụ cười rất duyên. Anh nhớ mãi nụ cười ấy từ khi gặp em ở quê. Và hôm nay, anh muốn một lần nữa được cười cùng em. Tự nhiên, anh cười thầm, mở điện thoại lên gọi cho em. 

- Alô, Ngân ơi! Đi chưa em? Đến quán cà phê Chỗ Cũ nhé! Anh đợi em. Hai chục phút nữa nghen em! 

- Dạ! Anh đợi em chút. Em mới dậy thôi. Hôm qua đi công chuyện về khuya nên ngủ muộn. Chờ em nhé! Em chỉ mong gặp anh. 

- Ok! Anh đợi em, mong sẽ gặp được khuôn mặt xinh tươi của em...

Nghĩa dắt xe ra khỏi nhà, cố ngước nhìn mặt trời một chút trước khi lên xe. Anh nhắm mắt hít thật sâu không khí mát lành buổi sớm. Thật tuyệt! Ước gì ngày nào cũng được như hôm nay. Anh bước lên xe, nổ máy và chạy đến Chỗ Cũ. 

* * * 

Nhớ hồi đó, Nghĩa đến quê của Ngân ở Quảng Ngãi để đi làm. Năm ấy, anh đã được 25 còn Ngân mới có 16. Anh đi làm cho công ty lọc dầu Dung Quất. Ước vọng tương lai đã đưa anh về với vùng đất này, bởi công nghệ lọc dầu là một công nghệ mới đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai. Còn khi ấy, Dung Quất vẫn là vùng quê đầy nắng và gió. Chính điều này đã làm cho con người nơi đây thêm chịu thương chịu khó và rất mực dễ thương. 

Nghĩa biết được Ngân không phải ở nhà thờ nhưng trên cánh đồng vào mùa gặt lúa. Hôm ấy, sau giờ làm, Nghĩa lang thang đi ra đồng. Cánh đồng ở nơi đây lúc nào cũng khô. Vì thế, người ta chỉ gieo lúa khô thôi. Lúa gieo xuống và chờ mưa để mọc lên, chờ mưa để chín vàng. Lúa chín, người ta gặt, chất lại thành đống rồi tuốt ngay trên ruộng. Rơm rạ được phơi ra khắp nơi để đốt hoặc mang về cho trâu bò ăn. Cảnh tượng ấy làm Nghĩa nhớ quê. Quê anh cũng ruộng cũng đồng. Mùa gặt, người ta tuôn ra đồng đông nghịt. Người cắt, người gánh, người chở lúa… mỗi người một việc, vui ơi là vui. Anh lại nhớ những đám ruộng khô là sân chơi của bọn trẻ con trong làng. Nhóm đá banh, nhóm nhảy dây nhảy lò cò, nhóm lui cui bắt cua bắt ốc. Anh nhớ quá nên đi lang thang trên ruộng và chú ý đến chị em của Ngân. 
Con bé nhỏ, gầy gầy, mặt phơn phớt đen. Mấy đứa em của nó cũng thế. Đứa xách bao bị, đứa cầm câu liêm, đứa mang thúng, đứa xách chai nước. Mấy chị em cứ lầm lũi bước đi trên cánh đồng đã được gặt sạch lúa, chỉ còn rơm rạ ngổn ngang. Hình như mấy chị em đang tìm thứ gì đó. Đến gần, anh mới biết các em đi mót lúa, bắt những con cua con ếch đi lang thang không chịu về nhà. Các em bắt lấy tất cả những gì có giá trị còn lại trên đồng. Tự nhiên, lòng Nghĩa dậy lên một cảm xúc thương mến dạt dào: “Ôi! Sao giống mình đến thế!”… Anh nhoẻn miệng cười. 

- Chào các em! Các chị em đi làm gì mà về muộn thế? 

Ngân và mấy đứa em ngơ ngác vì thấy có người lạ hỏi đến mình. Ảnh lại hỏi bằng giọng lạ nữa chứ. Tất cả dừng lại nhìn chăm chăm vào Nghĩa. Tuy nhiên, Nghĩa vẫn tiếp tục sự tò mò của mình. 

- Hôm nay, các em không đi học hay sao mà ra đồng vào giờ này? 

Nói xong câu ấy, Nghĩa mới ngớ người vì bây giờ đang là mùa hè. Cô chị thấy anh có vẻ thân thiện nên mới đáp lại. 

- Chào anh! Thế anh làm gì mà cũng đi ra đồng vào giờ này? Muộn rồi đấy! 

- Muộn sao? Mới có năm giờ mà! 

- Ở đây năm giờ chiều là muộn rồi anh à! Giờ này, người ta đang ngồi ăn cơm tối với nhau. 

Nghe cô chị nói, Nghĩa ngạc nhiên. Bây giờ, người ta ăn cơm tối hết rồi, mà sao mấy em nhỏ này lại ở ngoài đồng. Ba mẹ của các em đâu? Hay là các em không có ba mẹ? Có lẽ thế. Chẳng phải nhà thằng cu Hải ở quê mình cũng giống như các em này hay sao. Ba mẹ mất vì lũ lụt để lại mấy anh em Hải nheo nhóc, tự kiếm lấy cái ăn. Hằng ngày, Hải phải lang thang ngoài đồng kiếm con cua cái ốc, thấy mà tội nghiệp. Nghĩ đến nhà Hải, Nghĩa liên tưởng đến hoàn cảnh nhà các em đang đứng trước mặt anh đây. Nghĩa muốn biết nhiều hơn về gia đình các em. 

- Ủa, chứ các em không ở nhà ăn cơm với ba mẹ sao? 

- Có chứ! Nhưng chưa tới giờ. Bảy tám giờ, ba mẹ em về, cả nhà mới ăn cơm. Chúng em tranh thủ lúc trời không còn nắng đi ra đồng mót lúa, bắt cua bắt ốc. Mà anh đã ăn gì chưa? 

- Chưa, anh mới đi làm về. Mà mấy chị em tên gì, nhà có gần đây không? 

- Em tên Ngân, bé này tên Ba, thằng này tên Viễn và con này tên Tư. Nhà em gần đây thôi. Anh đi hết cánh đồng này là tới. Còn anh tên gì? 

- Anh tên Nghĩa. Anh đang làm việc cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Anh ở trong khu nhà trọ dành cho cán bộ công nhân của nhà máy lọc dầu. Đó, dãy nhà màu xanh đấy. 

- Em biết rồi! Khi nào rảnh, anh đến nhà em chơi. Ban ngày chỉ có mấy chị em ở nhà thôi. 

- Ừ, để chủ nhật anh đến… Chào mấy chị em nhé! Anh vào nhà đây. Chúc mấy chị em buổi tối dzui dzẻ! 

- Cảm ơn anh... 



2. 


Tiếng mấy đứa nhỏ còn reo trong trí, Nghĩa đã đến Chỗ Cũ. Cái quán cà phê này hay làm cho người ta lầm là cứ đến chỗ hẹn cũ. Thế mới gây ấn tượng cho người ta chứ. Nó còn ấn tượng hơn với cảnh trí nhà quê hiện lên trong từng nét trang trí. Nào nhà tranh mái lá, nào bụi chuối cây me cây khế, nào bếp lửa cái nôm cái đó, nào trâu bò tung tăng gặm cỏ… Cái ghế cũng mang dáng dấp nhà quê lắm. Ghế mây kiểu tre già cuộn từng đốt. Tất cả là một Chỗ Cũ mà người xa quê muốn tìm đến. Nghĩa đã đến quán cà phê này nhiều lần nhưng lần này lại khác. Cái cảm giác muốn gặp lại người xưa thật thú vị. Nghĩa mong ngóng để gặp Ngân, để nói chuyện và ôn lại những kỷ niệm bên Ngân và các em của Ngân. 

- Chào anh! Làm ơn cho em hỏi có anh nào trông to con đi một mình đến quán không ạ? 

Nghe giọng Quảng pha Nam, Nghĩa nhỏm dậy nhìn. Anh ngơ ngác vì Ngân khác quá. Vẫn khuôn mặt ấy mà sao hôm nay Ngân đằm thắm và hiện đại hết sức. Có phải vì em trang điểm, thêm ít phấn son nên anh thấy khác không? Phải, em là con gái mà! Con gái phải có chút gì đó làm cho mình đẹp hơn, tự tin hơn, che bớt những khuyết điểm trên khuôn mặt và thân thể. Nhưng đối với anh, Ngân đã đẹp lắm rồi! Ngày gặp em ở quê, anh đã thấy được nét duyên dáng của em qua nét mặt, đôi mắt to tròn đen lóng lánh, mái tóc đen mượt và nước da ngăm. Khi ấy, em còn có duyên huống chi bây giờ. Con người ta đã ra dáng con gái lâu rồi! Phải khác một chút chớ! Với lại, hôm nay em đi gặp anh. Đẹp một chút để đáp lại lòng mến mộ của anh cũng chẳng sao. Anh của Ngân mà… 

- A, Ngân! Anh đây! Ở góc cuối quán này… 

Ngân xoay người nhìn về phía giọng nói. Cái giọng quen thuộc Ngân đã nghe cách đây hơn mười năm. Nó vẫn như xưa nhưng pha chút sương gió hơn. Nó trầm và ấm lắm. Chính cái giọng ấy đã đưa Ngân đến với giấc mơ giảng đường đại học. 

- A, anh đây rồi! Mừng quá!... 

Ngân vừa nói vừa tiến đến chỗ Nghĩa. 

- Anh Nghĩa! Nhớ anh quá trời luôn! Sau lần gặp lại anh ở siêu thị, em mong gặp anh nhiều luôn… Sao rồi, anh có nhớ em không? 

Nghĩa cười. 

- Nhớ chứ! Không nhớ em thì anh còn nhớ ai... 

Nhớ hồi đó, sau khi chia tay mấy chị em để vào Bình Dương đi làm, rồi lại vào Sài Gòn, Nghĩa chẳng biết phải làm gì để liên lạc với Ngân. Anh chỉ còn giữ địa chỉ nhà của Ngân ở Bình Thạnh, Bình Sơn thôi. Hồi đó, Ngân đâu có điện thoại. Anh cũng chỉ mới mua được cái Nokia cũ, để liên lạc công việc thôi. Anh có cho số nhưng mấy chị em lấy gì mà gọi. Mất liên lạc một thời gian khác lâu, anh mới nhận được một lá thư của Ngân gửi về nhà của anh ở quê. Hôm nghỉ tết về nhà, anh mới đọc được. Đọc thư của Ngân, anh thấy thương cho hoàn cảnh của em quá. Nhà Ngân nghèo, ba má đi làm cả ngày, Ngân phải lo lắng cho mấy đứa em. Giờ Ngân đã học lên lớp 12 và muốn học lên đại học nhưng khó khăn quá. Ngân buồn và viết thư cho anh. Thư đã đến được mấy tháng rồi. Anh vội vàng viết thư trở lại và gửi chuyển phát nhanh cho kịp tết. Anh cũng không quên gửi cho mấy chị em chút quà. Thế là anh dzui ơi là dzui! Anh đã không quên mấy đứa trẻ con nơi vùng quê nghèo. Anh nhớ và thương mấy chị em Ngân lắm! 

- Anh bảo nhớ em? Có xạo không đó? Nhìn là em biết liền nghen... 

- Biết gì nào? 

- Thì cái dáng đẹp trai, mập mạp, tuấn tú của anh phải có khối cô theo! 

- Làm gì có!... Anh chỉ cần theo em là đủ rồi. 

- Thiệt không? Đừng lừa em như ngày xưa nghen! Em chẳng chịu đâu… - Ngân cú vào lưng Nghĩa mấy cái. 

- Ui cha, đau quá!... Thôi không trêu em nữa... Mà lâu nay em làm gì trong này? 

- Em làm giáo viên. 

- Giáo viên à? Giỏi thế!... Ngày trước anh mong được làm giáo viên mà thi rớt mất. 

- Dạ không… Giáo viên dạy trường khuyết tật thôi! 

- Thế càng giỏi! Anh vẫn luôn hâm mộ mấy giáo viên dạy bên ấy lắm! Bây giờ, anh chuyển sang hâm mộ em nghen! Thật là thú vị… 

Hồi đó, Ngân đâu tính đi thi gì đâu. Học xong lớp 12, Ngân định vào Sài Gòn đi làm. Nghe mấy đứa bạn kháo với nhau: Vào Sài Gòn, Bình Dương kiếm việc làm dễ lắm. Cho nên, em muốn đi, đi cho khỏi nhà. Ở cái nhà này mãi mệt mỏi lắm. Nhà nghèo lại thêm chuyện ba mẹ “cơm không lành canh không ngọt”, Ngân bứt rứt trong người, muốn ngợp vì cái bầu khí ấy. Ngân muốn đi. Cái hôm viết thư cho Nghĩa, Ngân mong chờ tin của anh từng ngày. Ngân không thể quyết định cho cuộc đời của mình. Ngân cần một chỗ dựa. Cho đến hôm nhận được thư của anh, Ngân mừng khôn tả. Ngân đã tìm được đồng minh. Nghĩa đã giúp cho Ngân có quyết định quan trọng: phải đi học! Đi học thì mới mong ngóc đầu lên được. Thế nhưng Ngân đâu còn thì giờ để học. Ngân đành đăng ký thi vào ngành giáo dục đặc biệt. Khi đó, Ngân chẳng cần biết giáo dục đặc biệt là gì. Ngân chỉ cần biết là mình sẽ có cơ hội đi khỏi nhà. 

Thế là Ngân tạm biệt mái nhà quê để đi tìm tương lai cho mình. Nắm trong tay mấy triệu đồng, Ngân vào Sài Gòn sau khi nhận được kết quả trúng tuyển. Những ngày đầu nơi đất khách quê người, Ngân bơ vơ lạc lõng. Lúc trước, Ngân muốn nhanh chóng đi ra khỏi nhà nhưng sao bây giờ lại nhớ nhà quá. Cái bầu khí ngột ngạt ở nhà sao thân thương thế. Nó không giống cái bầu khí tấp nập bon chen chốn thị thành này. Vì thế, nhiều lúc Ngân buồn, đi lang thang ngoài đường như tìm kiếm một chút thân quen. Nhưng cực nỗi, chốn trăm người tứ xứ này lạ lẫm quá, toàn là người dưng. Mà Ngân phải cẩn thận một chút kẻo bị người ta lừa. Thế mà Ngân vẫn bị lừa! Người ta đã cướp hết số tiền còn lại của Ngân. Như tiệt đường sinh sống, Ngân trở về phòng trọ, ôm mặt khóc. Ngân muốn trở về nhà… Bà chủ nhà trọ thấy tội mới cưu mang Ngân chờ ở nhà gửi tiền vô. Tự nhiên, Ngân thấy mình được quan tâm, được thương yêu. Cái cảm giác ấy thật khó diễn tả. Ngân sung sướng lấy lại tinh thần và cố gắng học cho xong chương trình đào tạo. Ngân quyết tâm trả ơn người đã cưu mang Ngân trong những ngày cơ cực. Thế là cảm giác cô đơn nơi đất khách quê người dần thay thế cho tình nghĩa yêu thương giữa những người dưng. Người dưng mà thân thiết còn hơn người thân trong gia đình. 

Tốt nghiệp. Ngân cầm cái bằng trên tay, chạy vạy xin việc hết chỗ này đến chỗ khác. Như thế, Ngân mới thấy sự khác biệt một trời một vực giữa lời hứa hẹn của trường và nhu cầu thực tế. Phải nói, nhu cầu rất nhiều nhưng người ta lại làm cho nhu cầu gần như không? Đó là cách họ hạch sách những cô cậu sinh viên mới ra trường. Người ta đòi này đòi nọ, đòi kinh nghiệm và đòi tiền. Mà Ngân lấy đâu ra tiền để làm “thủ tục” cho họ. Cho nên, Ngân đi “mòn đường chết cỏ” để xin cho được chỗ làm. May mà trời phật thương Ngân. Một lần nữa, chính bà chủ nhà trọ lại giúp Ngân có được việc làm. 

Biết làm sao trả ơn cho “người dưng” đây? Ngân chỉ biết “cảm ơn” và hứa sẽ không phụ lòng mong đợi của cô. Nhưng cô xua tay: “Ơn nghĩa gì con! Cô cũng một thời lận đận như con. May mà Chúa thương Mẹ giúp, có người thương tình nâng đỡ nên cô mới được như bây giờ. Cô giúp con như để trả ơn người ta vậy. Thôi, ráng làm đi con!...”. Câu nói ấy quen quá! Như tiếng của bà ngoại. Phải, tiếng bà vẫn luôn văng vẳng bên tai Ngân. Bà thương Ngân và cả nhà Ngân nữa, vì mẹ Ngân đã bỏ đạo theo chồng. Bà thường nói: “Làm gì chứ bỏ đạo, bỏ Chúa thì đời sẽ lận đận!”. Và đúng như bà nói, nhà Ngân ít khi đầm ấm. Thôi thì chuyện đã lỡ rồi! Bà chỉ biết cầu nguyện cho gia đình Ngân thôi. Bây giờ nghĩ lại, Ngân thấy thương bà biết bao. 

Miệt mài với công việc tại trường khuyết tật Sao Mai một thời gian khá lâu, Ngân đổi sang trường khác, rồi đổi sang trường khác nữa. Đời Ngân lại lận đận như mẹ Ngân. Đến lần thứ năm, Ngân mới quyết gắn bó lâu dài. Có lẽ vì nơi này lương cao và cũng vì Ngân thương các em. Ở nơi đây, cả nhà trường và phụ huynh đều biết quan tâm đến thầy cô cũng như qui trình chăm sóc dạy dỗ các em. Ngoài giờ học ở lớp, các em còn được phụ huynh tích cực hướng dẫn tập luyện ở nhà. Cho nên, cả cô và trò đều đỡ vất vả. Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn đã nảy nở từ lâu trong tâm hồn Ngân là không biết những đứa trẻ khuyết tật này rồi sẽ ra sao. Ngân thương các em lắm! Nhìn các em bị tự kỷ và bị đao, lòng Ngân đau xót khôn nguôi. 



3. 


Hai anh em gặp nhau, mải miết hồi tưởng bao chuyện đã qua đến nỗi quên gọi nước uống. Nghĩa ngậm ngùi nghe Ngân kể hết chuyện này đến chuyện khác. Nghĩa gật đầu thán phục người em bé nhỏ đầy nghị lực. Có phải em mạnh mẽ là nhờ được sinh ra trên mảnh đất chịu thương chịu khó. Hay vì em đã tự nghiệm ra lẽ sống của mình sau những khó khăn gặp phải trong cuộc đời. Dù gì đi nữa, trong mắt Nghĩa, Ngân là thần tượng, đáng yêu và đáng khâm phục. 

- Ngân, thương em quá luôn! Anh phục em sát đất... 

- Ghét anh ghê luôn! Vẫn cái giọng ấy… Em đâu giỏi gì. Chỉ có điều học ra rồi phải làm, không làm lấy gì mà ăn… Mà làm công việc này vất vả lắm anh ơi! 

Đúng, vất vả thật! Một mình Ngân phải trông coi đến 9-10 em học sinh, bị đao hoặc tự kỷ. Không hiểu vì sao em lại có duyên với các em này. Từ việc dạy chữ đến việc cho ăn, cho chúng đi vệ sinh, Ngân phải một mình cáng đáng. Ngân phải dạy cho các em biết tự chăm sóc cho mình, để khi không có Ngân hay người nhà thì các em cũng biết tự lo cho mình. Tuy nhiên, việc ấy khó như “mò kim đáy biển”. Tư duy của các em chỉ có ngần ấy, mới học xong cái mới đã quên cái cũ. Ngân phải tập đi tập lại cho các em nhiều lần và nhiều ngày, các em mới tự làm được. Một cái khó nữa là tập cho các em biết yêu thương và nhận ra bạn của mình để các em không đánh nhau. Thế mà Ngân mới lơ là một chút, các em đã thụi nhau túi bụi. Ngân mệt đừ người vì các em. Ngày nào, Ngân cũng về nhà với vẻ mặt uể oải. Nhiều hôm chẳng kịp ăn thứ gì, Ngân đã ngủ thiếp đi. 

Tuy nhiên, Ngân không hiểu sao mình lại gắn bó với nghề này lâu thế. Sáu bảy năm rồi chứ còn gì. Mấy đứa bạn học cùng ngành đã chuyển công việc khác hết rồi. Chỉ còn có Ngân “ăn đời ở kiếp” với các em thôi. Và có lẽ vì thế mà Ngân chưa lập gia đình. Cũng phải, khi nhìn các em, Ngân thấy rờn rợn trong lòng. Giả như Ngân lấy chồng rồi sinh ra những đứa con như thế chắc Ngân chết mất. Bởi vì Ngân ít khi thấy ba mẹ các em học sinh của mình vui cười tự nhiên. Họ chỉ cười vì con cười, cười để mong con được khỏe mạnh. Nghĩ đến đấy, tự nhiên nước mắt Ngân chảy dài. 

- Anh ơi! Sao trời lại không thương các em? 

Nghĩa đắn đo ít phút rồi nói. 

- Sao em lại nghĩ thế? Trời Phật thương các em chứ! Chỉ tại cha mẹ các em thôi… Em cứ nhìn cuộc sống ngày nay thì đủ biết. Tuy sung sướng nhưng cũng đầy những cạm bẫy. Qua thức ăn, không biết bao nhiêu chất độc xâm nhập vào cơ thể cha mẹ rồi để lại hậu quả cho các em. Nghĩ đến chuyện ấy mà anh đau lòng cho cả một đất nước, cho cả một thế hệ. 

- Anh nói cũng phải! Giá mà Trời Phật có thể làm phép lạ chữa cho chúng khỏi bệnh anh nhỉ? 

- Anh nghĩ Trời Phật làm được, Chúa làm được nhưng Chúa đâu phải là nguyên nhân gây ra điều này. Giả như ngài gây ra điều ấy thì ngài đã sửa từ lâu rồi… Biết đâu, đấy lại chính là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa… Mầu nhiệm Thiên Chúa thật khó hiểu thấu em à!... 

- Anh nói gì thế, em chẳng hiểu! Em chỉ biết trước mặt em hàng ngày là những đứa trẻ bị bệnh và em thương chúng nó lắm… 

Hai anh em kết thúc câu chuyện khi bụng đã đói cồn cào. Bước ra khỏi Chỗ Cũ, hai anh em hướng về quán ăn xứ quảng “Nhớ”. Trong bữa trưa hôm ấy, Nghĩa cứ nghĩ hoài về những tâm huyết của Ngân đối với các em. Trên khuôn mặt Ngân không còn nét buồn như ngày trước nữa. Nụ cười đã đến với Ngân cùng với những đứa trẻ. Nghĩa nhìn Ngân và thấy lòng vô cùng thổn thức. “Sao Ngân giống Chúa Giêsu đến thế! Có lẽ Chúa đã gửi Ngân đến cho các em như người mẹ hiền. Ngân là một Chúa Giêsu giữa đời thường. Ngân sống những lời Chúa dạy còn ngon lành hơn những người trong đạo đó chứ!... Ngân thật dễ thương biết chừng nào!...” 

Tự nhiên, lòng Nghĩa miên man về một “hạnh phúc” không xa. Nơi đó có Nghĩa, có Ngân, những đứa trẻ và Chúa Giêsu luôn hiện diện ở giữa. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét