Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

[Giải VVĐT 2018] Trên cánh đồng cỏ dại

TRÊN CÁNH ĐỒNG CỎ DẠI 


(Mã số: 18-041) 



Trên cánh đồng 
Có vô vàn cỏ dại 
Nhưng tôi cũng thấy 
Vẻ chúm chím 
Của một bông hoa. 

Một ngày mùa hè, tôi đứng trong sân trường vắng, vu vơ nhìn những ánh nắng cuối ngày. Ánh nắng chiều thật đẹp, vàng cam dịu nhẹ, lốm đốm trên tàn cây, nhảy nhót trên vai áo tôi. Du- đứa em trai cùng mẹ khác cha của tôi đang say mê bắt ve. Tôi nhìn quanh không thấy Thắm- cô bạn câm của tôi đâu cả. Tôi chạy ra sau trường tìm Thắm. 

Tôi không biết cái gì đã xảy ra và đang xảy ra? Chắc là một cảnh tượng rất hãi hùng. Thắm- cô bạn câm của tôi ú ớ la hét trong nhà vệ sinh. Mùa hè, trường không có ai, chỉ có mấy con bò của Thắm đủng đỉnh gặm cỏ ở bãi cỏ hoang sau trường, chờ Thắm dắt chúng về. Tôi muốn chạy ra sân trước gọi Du. Nhưng tôi sợ đến nỗi té nhào vào lùm cỏ cao. Nằm trong lùm cỏ, tôi thấy Thắm chạy ra khỏi nhà vệ sinh, vừa kéo quần vừa khóc, quên cả việc dắt bò về. Và tôi thấy dượng tôi bước ra khỏi nhà vệ sinh, đầu tóc bù xù. Tim tôi như chết lặng. Dượng tôi là bảo vệ trong ngôi trường này. Những ngày hè tôi, Du và Thắm hay đi chơi với nhau. Cỏ trong sân trường rất nhiều nên tôi đã xin dượng cho Thắm dắt bò vào ăn. Thắm chăn vài con bò thuê cho một người trong làng. 

Thắm chạy ngang qua tôi. Hình như Thắm rất đau. Thắm cứ ú ớ la hét và ràn rụa nước mắt. Giẫm trúng chân tôi trong lùm cỏ cao, Thắm cũng không dừng lại. Thắm chạy băng băng qua bãi cỏ hoang, chạy ra khỏi trường như cố chạy trốn một điều gì ghê gớm, kinh tởm. 

Những ngày sau, người làng xì xào con bé Thắm câm, chăn bò thuê bị hãm hiếp. Nhưng ai hãm hiếp thì không ai biết? Thắm không nói được, không biết chữ. Cũng không biết có ai thấy hay không? Ông chủ bò chở Thắm tới trạm xá chỗ mẹ tôi làm. Mẹ đã làm thuốc cho Thắm trong khi Thắm vùng vẫy, chỉ muốn chạy ra ngoài. Những người lớn phải giữ chặt tay chân Thắm để mẹ làm thuốc. Thắm cứ ú ớ kêu và khóc như mưa. 

Trong bữa cơm gia đình, mẹ có kể chuyện của Thắm. 

- Tội con bé quá! Đã câm còn bị hãm hiếp. Phải chi con bé nói được để chỉ ra cái người xấu xa đó. 

- Hãm hiếp trẻ con là yêu râu xanh phải không mẹ?- Du hồn nhiên hỏi. 

- Thôi, các con ăn cơm đi. Quỳnh này, con đang tuổi mới lớn, phải biết bảo vệ mình. Đừng để bị như Thắm...- Mẹ trầm ngâm nói. 

Tôi lén nhìn dượng. Dượng tôi vẫn ăn cơm bình thường. Dượng không nói chuyện, vừa ăn cơm vừa đọc báo. Tôi biết dượng nghe câu chuyện mẹ nói. Nhưng dượng không ừ hử gì. 

Tôi muốn nói: “Mẹ ơi, con nói được. Thắm câm nhưng mà con không câm. Con biết người làm điều xấu với Thắm”. Tôi nhìn mẹ, lén nhìn dượng, muốn nói ra nhưng lưỡi tôi cứng lại. Tôi không biết phải làm gì với bí mật động trời này? Nói hay không? 

Cuộc sống của gia đình tôi và làng tôi vẫn bình thường giống như nó vốn có. Bốn giờ sáng chuông nhà thờ ngân, chúng tôi thức dậy đi lễ nhà thờ. Đi lễ về thì quây quần ăn sáng. Mẹ tới trạm xá, tranh thủ đi chợ. Dượng cũng qua trường quét tước, dọn dẹp. Tôi và Du không đi học thêm thì ở nhà đọc sách, rồi đi chơi. Trên đường làng, những đứa trẻ con như chúng tôi hồn nhiên chạy nhảy. Đa số chúng tôi có cha mẹ yêu thương, được học hành nên tiếng cười khi chơi đùa cũng hồn nhiên vô tư lự. 

Còn Thắm, người không may mắn như chúng tôi? Sau những lời xì xào, đồn thổi con bé câm chăn bò thuê bị hãm hiếp mà không tìm ra thủ phạm vì nạn nhân không nói được, cũng không biết có ai thấy hay không, chuyện của Thắm dần rơi vào quên lãng. Nhưng Thắm thì nhớ. Làm sao quên? 

Thắm vẫn chăn bò mướn nhưng buồn hơn, lẻ loi hơn, cô độc hơn và sợ hãi hơn. Thắm không còn chơi đùa với tôi và Du nữa. Nhìn thấy chúng tôi từ xa Thắm luôn bỏ chạy. Đi nhà thờ Thắm cũng không ngồi phía trên như chúng tôi mà chui vào một góc tối cuối nhà thờ. Thắm rút vào một thế giới cô độc, không còn nhìn ai, không giao tiếp với ai. Vốn dĩ trước đó thế giới của Thắm cũng quá cô độc rồi. 

Thế giới của tôi cũng buồn hơn khi không có Thắm. Tôi nhớ tiếng cười của Thắm và tôi khi chơi cùng nhau những trò chơi tuổi nhỏ. Tôi nhớ ánh mắt Thắm nhìn tôi, vui vẻ, long lanh, tin cậy. Nhưng giờ Thắm sợ tôi, không tin tôi. Thắm sợ tất cả loài người. 

Những ngày hè không có Thắm, tôi hay ra đài Đức Mẹ đọc kinh cầu nguyện. Tôi hỏi Mẹ tôi có nên nói ra dượng là người đã làm điều xấu với Thắm không? Nếu nói ra thì dượng bị gì? Mẹ tôi và Du cảm thấy thế nào? Và Thắm được gì khi tôi nói? 

Một đứa con gái tuổi mới lớn như tôi, tuy chưa đủ lớn để hiểu tường tận chuyện đời nhưng cũng hiểu được một vài chuyện cần hiểu. Tôi vừa muốn làm một người hùng nói ra tên của “yêu râu xanh” cho mọi người lên án, tránh xa. Như vậy có vẻ như tôi đã làm một điều tốt. Nhưng “yêu râu xanh” đó đâu phải là kẻ xa lạ, mà là dượng của tôi, chồng mẹ tôi và cha của em trai tôi. Tôi cũng thấy xấu hổ khi mọi người biết tôi có một ông dượng là “yêu râu xanh” và chắc mẹ tôi, em tôi càng khổ hơn ở hoàn cảnh đó. Thắm biết là tôi biết thủ phạm. Chính tôi đã nhìn thấy. Thắm có trách tôi khi tôi không nói? Mà, với nỗi đau này, Thắm biết trách ai đây? Mới lọt lòng Thắm đã bị mẹ bán cho người ta, lớn lên không biết nói. Không nói được tên thủ phạm đã hãm hiếp mình. Cũng không trách được cô bạn biết tên thủ phạm mà không dám nói thay mình vì thủ phạm là…dượng nó. Thắm biết trách ai đây? Từ nhỏ Thắm đã không trách than rồi. Thắm chỉ còn biết lầm lũi chăn bò, đi nhà thờ chui vào góc tối và khóc với Chúa mà thôi. 

Một ngày, khi chở tôi đi mua áo chuẩn bị cho tôi nhập trường, mẹ hỏi tôi. 

- Con có biết Thắm bị ai hãm hiếp không? 

- Dạ…không. Sao mẹ lại hỏi con?- Tôi giật thót mình. 

- Mẹ thấy tội nó quá. Sao mẹ cứ thấy mẹ có liên quan tới nó, có lỗi với nó. Hay do Thắm chơi với con, mẹ quý Thắm như con nên có cảm giác đó chăng? 

Tôi im lặng sau lưng mẹ. Tôi biết tôi vừa gây ra tội nói dối. 

Những ngày hè sắp hết tôi hay thấy buồn. Tôi hay buồn khi nhìn cây hoa phượng nở những bông hoa cuối cùng, những chú ve cuối hè khản giọng kêu làm tôi thấy buồn hơn nữa. Lũ ve như biết mùa hè sắp hết nên cố kêu vang cho những ngày cuối? Trong lòng tôi xốn xang một nỗi buồn. Một cô bé mới lớn phải giữ trong lòng một bí mật động trời. Tôi phạm tội nói nối, tôi che dấu người xấu. Vì sợ? Vì muốn bảo vệ mẹ, em trai tôi? Hay tôi muốn người xấu đó vẫn còn hình ảnh đẹp trong mắt những người yêu thương hắn? 

Tôi hay quan sát người xấu khi hắn đi nhà thờ. Hắn lạy Chúa, hắn cầu nguyện, hắn lên rước Chúa. Hắn có thú tội với Chúa mình đã hãm hiếp một cô bé câm bằng tuổi con riêng của vợ mình? Và ngoài cô bé câm tội nghiệp, còn thêm nạn nhân nào nữa? Hắn có cảm thấy tội lỗi không? Có ăn năn không? Chúa có phạt hắn không? 

Trên đường đi lễ về tôi thường đi xa xa sau hắn. Tôi lén canh mọi cử động của hắn. Tôi sợ hắn làm chuyện xấu với người khác, một cô bé tội nghiệp khác, biết đâu có thể là tôi. Mà lạ, gương mặt hắn không có sự ác nào. Hắn có một gương mặt hiền lành, chất phác. Đâu phải tên yêu râu xanh nào cũng có khắc chữ trên mặt là “yêu râu xanh”. Yêu râu xanh có thể là người chồng, người cha, người dượng trong gia đình, ông bảo vệ ở trường học, một người hiền lành ở xóm làng, một con chiên đạo mạo ngoan hiền của Chúa. 

Tôi đi sau hắn, đấu tranh ý nghĩ với hắn và cảm thấy mình cũng là đồng phạm. Chính tôi đã bao che cho hắn. 

Du - đứa em trai cùng mẹ khác cha với tôi có gương mặt giống y như cha nhưng vô cùng hiền lành. Du sốt sắng đi lễ nhà thờ, ở trong đội giúp lễ, hiếu thảo, lễ phép, nhân hậu và vô cùng yêu Chúa. Du luôn nghĩ lớn lên mình sẽ làm linh mục. 

Có lần tôi đã hỏi Du: 

- Em yêu cha em lắm à? 

- Em yêu cả gia đình mình. Cha, mẹ, chị và chị Thắm nữa. 

- Em thấy cha em có tốt không? 

- Có chứ. Cha làm bảo vệ để nuôi em ăn học. Cha là người tốt mà. 

- Nếu cha em là người xấu thì sao? 

- Chị nghĩ cha em là người xấu à?- Du hỏi. 

- Chị chỉ hỏi thế thôi. 

Du im lặng một hồi rồi trầm ngâm đáp: 

- Em tin cha là người tốt. 

Rồi những con ve cũng ngừng kêu. Tôi đã trải qua một mùa hè có vẻ bình yên nhưng cũng đầy giằng xé. Những bữa cơm gia đình lén lút nhìn hành vi của dượng, những thánh lễ không bình yên khi cứ đấu tranh ý nghĩ với việc tiếp tục nói dối hay làm anh hùng tố cáo “yêu râu xanh”? Những lần nhìn mẹ và em Du, muốn nói điều bí mật nhưng biết mình không thể nói. Những chiều lang thang ra đồng cỏ hoang, tìm nơi Thắm chăn bò, muốn tới nói lời xin lỗi Thắm, được chơi bạn lại với Thắm nhưng Thắm luôn nấp, luôn bỏ chạy khi thấy bóng dáng tôi. Những đêm khuya ngủ trong phòng phải chốt chặt cửa, run rẩy lo sợ dượng sẽ làm điều xấu với tôi như đã làm với Thắm. Và lang thang ra đài Đức Mẹ, dâng lên mẹ bó hoa dại tôi hái bên đường. Mong Mẹ chở che tôi và Thắm, nhưng nhường phần nhiều cho Thắm hơn tôi. Mong Mẹ xoa dịu nỗi đớn đau của Thắm. Tôi tin Mẹ sẽ chữa lành mọi vết thương, cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn. 

Hết mùa hè đó, khi tôi chuẩn bị xa nhà, lên phố trọ học. Mẹ báo cho tôi một tin vui. Mẹ bảo đã nói chuyện với chị thợ may trong làng. Chị đồng ý dạy nghề cho Thắm. Người ta học may mất hai chỉ vàng. Còn Thắm chị lấy một chỉ vàng thôi. Mẹ sẽ cho Thắm chỉ vàng đó. Mẹ bảo tự nhiên mẹ cảm thấy thương và quý Thắm. Mẹ chỉ muốn Thắm có nghề, nuôi được mình trong tương lai, không phải chăn bò thuê nữa. 

Tôi chạy như bay ra đồng cỏ để báo tin cho Thắm. Tôi biết Thắm sẽ chạy. Nhưng tôi sẽ đuổi theo. Tôi cảm thấy Thắm sẽ được an ủi phần nào khi biết tin vui này vì hồi nhỏ khi chơi với nhau, Thắm đã ra hiệu cho tôi ước mơ của Thắm là lớn lên được làm thợ may, may những bộ quần áo thật đẹp cho tôi và mọi người mặc. Thắm còn thích may váy cho những búp bê công chúa của tôi. 

Những con bò Thắm chăn kia rồi. Tôi chạy tới nhưng không nhìn thấy Thắm. Một thằng nhóc, người chăn bò mới của ông chủ tay cầm roi, đưa mắt nhìn tôi. 

- Chị tìm chị Thắm hả? Chị Thắm nghỉ chăn bò cả tháng rồi. 

- Chị Thắm còn ở làng mình không hay đi đâu rồi? 

- Đi rồi. Đi xa lắm- Thằng nhóc bảo. 

- Đi đâu?- Tôi hét lên. 

- Không biết- Thằng nhóc cũng hét lên- Nhưng mà xa lắm. 

Cánh đồng cỏ mênh mông không còn Thắm nữa. Thắm đã lớn rồi. Đôi chân đã biết đi xa và chọn đi xa thoát khỏi cái làng có cái người xấu hãm hiếp Thắm. Thắm làm gì ở nơi Thắm tới? Rửa chén, làm osin…bất kể việc gì. Có hạnh phúc không? Ai biết? Ở trong làng chăn bò cũng có hạnh phúc đâu? Ngày nào cũng gặp người xấu hãm hiếp mình mà không thể nói tên hắn, tố cáo hắn. Vợ, con hắn còn ra vẻ không biết, ráng đối xử tốt với mình. Oái ăm quá phải không Thắm? Thắm không biết nói, không biết trả thù. Thắm chỉ biết chạy trốn và ra đi. Đi xa thật xa, thoát khỏi nỗi buồn đau đó… 

Gió trên đồng cỏ thổi bên tai tôi, bay ngược mái tóc tôi. Tiếng ụm bò thân quen làm tôi thấy buồn. Tôi òa khóc nức nở với những uất ức giấu kín trong lòng mình. Tôi biết tôi có lỗi với Thắm. Tôi là kẻ đồng phạm hay là nạn nhân? Tôi khóc, khóc thật nhiều trong gió. Gió lau khô những giọt nước mắt của tôi. 


Đã lâu rồi tôi không mấy khi về làng. Học xong cấp ba, tôi vào đại học, rồi đi làm. Tôi cũng như Thắm, cao chạy xa bay. Tôi không muốn trở về làng để nhìn thấy dượng. Khi không thể tố cáo người xấu tôi chỉ biết tránh xa người xấu. Và tôi nhận xấu để người đó được tốt với cuộc sống của họ, dù thật hay giả. 

Du học rất giỏi, đã đi tu như ước nguyện. Mẹ và dượng đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng mẹ đi hái hoa dại dâng lên đài Đức Mẹ dùm tôi. Mẹ cũng bảo rằng mẹ thường cầu nguyện cho Thắm, dù chẳng biết Thắm ở đâu. 

Một ngày, mẹ thảng thốt gọi tôi về vì dượng bị đột quỵ, nằm liệt ở bệnh viện. Gom góp hết tiền bạc, mẹ chạy chữa cho dượng. Nhưng bệnh tình của dượng càng ngày càng nặng. Mẹ hết sạch tiền mà dượng vẫn không qua khỏi. 

Đưa dượng về nghĩa trang xong, tôi định vào lại thành phố thì mẹ níu tay tôi và Du, bảo ở lại thêm một ngày. Một ngày đó, mẹ chỉ ôm hai chúng tôi và khóc. 

Mẹ đưa cho tôi lá thư mẹ tìm thấy khi dọn dẹp đồ đạc của dượng. Dượng viết nó đã lâu. Dượng định đưa nó cho mẹ nhưng không có can đảm. Dượng đã giữ nó cho tới ngày mất. 

Lá thư là lời xin lỗi với mẹ, với gia đình và với Thắm. Dượng đã nhận mình là kẻ tội đồ khi làm điều xấu với Thắm. Dượng còn viết: “Mình à, tôi không biết Quỳnh có biết tội tôi đã làm không? Nếu biết, sao con không tố cáo tôi? Còn không, sao nó cứ theo dõi tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt sợ hãi và khinh bỉ? Tôi là kẻ có tội. Tôi rất xấu hổ với Chúa, với mình, với thằng Du, con Quỳnh. Tôi ngàn lần có tội với con bé Thắm. Tôi đã xưng tội với Chúa rồi, nhưng Thắm tôi không biết nó có tha thứ cho tôi không? Tôi thật sự ăn năn...” 

Mẹ run run mở chiếc túi nhỏ mà mẹ cất kĩ trong tủ. Trong chiếc túi có một chỉ vàng. 

- Đây là chỉ vàng mẹ định cho Thắm đóng tiền học may. Chưa kịp đóng thì Thắm đã bỏ đi rồi. Một tháng qua, dù trong nhà chẳng còn đồng nào nhưng mẹ vẫn không bán nó. Mẹ vẫn nghĩ có ngày mẹ sẽ gặp lại Thắm, cho Thắm chỉ vàng này. Điều này xuất phát từ tình cảm của mẹ. Mẹ không hề biết rằng chồng sau của mẹ lại làm điều có lỗi với con bé câm tội nghiệp. 

Suốt một buổi chiều, mẹ ra cánh đồng cỏ hoang, ngồi nhìn đàn bò gặm cỏ và khóc. Người ta tưởng mẹ khóc vì nhớ dượng nhưng tôi biết mẹ khóc vì Thắm. Mẹ cũng như tôi, cố tìm bóng dáng Thắm ở những nơi trước kia Thắm gắn bó thân quen. Tôi thấy thương mẹ vô cùng. Một người đàn bà yêu chồng, hết lòng chăm sóc chồng con, vừa biết ra bí mật mình bị phản bội. Nhưng người đàn bà đó lại chẳng thể giận hờn. Chẳng thể trách móc chồng, vì có trách chồng cũng đã về với Chúa. Chẳng thể ghen mà còn thương nạn nhân tội nghiệp. Và lúc này chưa bao giờ mẹ mong gặp Thắm đến thế, để xin lỗi và bù đắp cho Thắm đến thế. Mẹ bảo mẹ linh cảm gia đình mình có điều gì đó có lỗi với Thắm, mẹ cũng có lỗi với Thắm. Đến hôm nay mẹ mới biết tại sao. Trái tim của mẹ làm bằng gì? Chẳng lẽ nó khác với trái tim của những người đàn bà khác? Trái tim mẹ không biết trách móc hờn ghen? Hay Chúa đã cho trái tim mẹ như thế để bù đắp cho Thắm? Ngoài mẹ, ai có thể hiểu và bù đắp cho Thắm đây? 

Tôi và Du đi lang thang trên đồng cỏ, nhìn những chú bò, nhìn ngôi trường giờ đã đổi khác phía xa. Phía bên kia con đường làng, ngôi nhà thờ có tháp chuông cao cao xinh xắn. Bao nhiêu mùa hè đã qua. Bao nhiêu chú ve đã kêu mà không biết ve và người có chuyện gì vui, có chuyện gì buồn? Trường mở cửa vào mùa thu, đóng cửa vào mùa hè. Chuông nhà thờ ngân vang sáng tối. Những chú bò gặm cỏ bất kể mùa nào. Lũ trẻ lớn lên rồi ra đi tung cánh…Thời gian cứ thế mà trôi. 

Tôi nhìn mẹ rồi nhìn ra xa. Tôi như thấy ba đứa trẻ đang chạy chơi trên cánh đồng đầy hoa cỏ dại. Tôi, Du và Thắm. Lúc đó chưa xảy ra chuyện buồn. Ba chúng tôi chạy giỡn với nhau, cười khanh khách cùng gió, trong tiếng ụm bò. 

Tôi vẫn thấy hình ảnh đó trên cánh đồng cỏ này. Mẹ tôi cũng tìm kiếm hình ảnh đó. Tôi tin ở đâu đó Thắm cũng nhớ hình ảnh ấy. Tôi mong sao một ngày nào đó Thắm một lần quay về để mẹ và tôi cùng xin lỗi và bù đắp cho Thắm. Dượng tôi không chắc Thắm có tha thứ cho dượng không? Mẹ tôi cũng không dám nghĩ Thắm sẽ tha thứ. Nhưng tôi tin Thắm có một trái tim nhân ái và thứ tha. Biết đâu nhiều lần và nhiều cách Thắm có thể cho người khác biết người đã hãm hiếp mình nhưng Thắm đã không làm? Vì sợ giống như tôi và cũng vì thương gia đình của người đó. Thắm là bạn của tôi và Thắm biết gia đình tôi, nhất là mẹ, tốt với Thắm như thế nào. Thắm chọn đau đớn, tổn thương và không nói. Thắm cũng để cho người xấu được tốt, để những người thân của người xấu được bình yên? 

Du chợt nhớ ra cái hốc nhỏ trong thân cây nơi chúng tôi hay cất đồ chơi ngày bé. Du rủ tôi đi tới. Do cánh đồng vắng vẻ, ngần ấy thời gian, hốc cây nhỏ vẫn còn. Du lôi ra những đồ chơi trong đó. Có đồ chơi hỏng hóc, có đồ chơi vẫn còn nguyên, chỉ cũ theo thời gian. Có một chiếc còng đá tôi và Thắm đã mất mấy buổi trưa hì hục đẽo gọt. Nó nằm lẫn trong đám đồ chơi, thô, xấu xí nhưng gợi cho tôi vô vàn kỉ niệm. Tôi cầm chiếc còng đá lên xem. Bên trong chiếc còng có khắc dòng chữ nghệch ngoạc:  “Matta Thắm- Maria Quỳnh mãi mãi là bạn”. 

Tôi lặng đi một hồi lâu. Thắm không biết chữ. Thắm không đi học một ngày nào. Nhưng tôi quên mất rằng chính tôi đã vài lần dạy chữ cho Thắm. Thắm biết viết tên mình, tên người khác và viết được những câu đơn giản. 

Vậy mà Thắm đã không viết tên dượng tôi. 

Thắm đã cao thượng không viết tên dượng tôi. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét