Tết năm nào cũng vậy, hễ ở đâu có người Việt sinh sống là sẽ nghe vang lên ba bài hát kinh điển: ngoài đời có bài "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, sáng tác năm 1952; Với những người trong quân ngũ xa nhà, cả xưa lẫn nay, có bài "Xuân này con không về" của ba nhạc sĩ cùng sáng tác đặt bút danh chung là Trịnh-Lâm-Ngân; và Công Giáo thì có bài Thánh Ca "Mẹ là Mùa Xuân" của Hùng Lân, cố nhạc sĩ lão thành Công Giáo, sáng tác năm 1946.
Như vậy trong ba bài hát lừng danh và được phổ biến sâu rộng này, bài "Mẹ là Mùa Xuân" tính đến hôm nay có tuổi thọ cao nhất: 72 năm. Kế đó "Ly Rượu Mừng" cũng đã được 66 tuổi đời âm nhạc. Còn "Xuân này con không về" thì Wikipedia chỉ cho biết đã sáng tác trong khoảng thập niên 60, nghĩa là cũng ngót nghét hơn 60 năm lưu truyền trong dòng chảy âm nhạc bolero.
Có một nét chung dễ thương là cả ba bài hát nổi tiếng này đều nhắc đến người mẹ, bà mẹ đời và Bà Mẹ Đạo. Vậy là bên cạnh mẹ quê hương, mẹ dân tộc, mẹ sinh thành dưỡng dục, người Công Giáo chúng ta còn có thêm một Bà Mẹ, là Mẹ của Thiên Chúa với thật nhiều tước hiệu tuyệt vời thân thương: Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành…
Cách nay 40 năm, khi hát bè bass trong ca đoàn Phanxicô, chúng tôi còn nhớ hình ảnh cha Jean Marie Trần Văn Phán, vừa hát mẫu, vừa múa nhịp kiểu Bình Ca (Grégorien), thỉnh thoảng lại dừng lại diễn tả ý nghĩa của bài "Mẹ là Mùa Xuân", giây phút ấy anh em chúng tôi cứ nhìn nhau tủm tỉm cười vì thấy cha già như thoát tục, như trở thành một "Lão Ngoan Đồng", như muốn xuất thần bay bổng lên, nhất là ở câu cuối lên cao để giải kết, cha như đang… "trông về cõi phúc vô song"!
Kính thưa quý độc giả thân thương, số báo này đến tay anh chị em trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất này, xin được làm một Món Quà nho nhỏ gửi vào trong gia đình của anh chị em, cụ già và bạn trẻ, ba và mẹ, vợ và chồng, em bé đang lon ton bước đi hay thai nhi đang quẫy trong bụng mẹ, những trang báo này sẽ gợi nhớ tấm lòng của Mẹ Maria luôn theo bước với anh chị em trên đường đời, có mặt với anh chị em khi vui lúc buồn, và sẽ nhẹ nhàng ân cần dắt tay anh chị em về đến "bến lành", đến "quê bình an", đến "cõi phúc vô song". Xin biết ơn nhạc sĩ Hùng Lân, xin thắp một nén hương lòng và nguyện một Kinh Kính Mừng cho hương hồn cụ Phêrô Hoàng Văn Hương (1922 – 1986).
Giáo sư nhạc sĩ Hùng Lân (tên thật: Phêrô Hoàng Văn Hương) |
Chắc chắn trong các Thánh Lễ và các cuộc Hành Hương Đức Mẹ Tân Niên nơi này nơi kia, giai điệu và lời nguyện ca "Mẹ là Mùa Xuân" sẽ vang lên và làm ứa ra những giọt nước mắt xúc động của niềm vui, của cảm nhận Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp đang nhìn sâu vào mắt chúng ta, vào lòng chúng ta, vào cuộc đời của chúng ta. Lời ca gần như không còn là sáng tác riêng của nhạc sĩ, nhưng đã trở thành lời tâm nguyện của mỗi tín hữu chúng ta, của cả những anh chị em không phải là Công Giáo…
"Ôi Maria! Mẹ là Mùa Xuân ánh sáng. Mẹ là cửa son đền vàng. Bến lành vào quê bình an. Ôi Maria! Dẫu rằng đời con lầm than, bóng tội mờ che trần gian, sức hèn con ngã nhiều phen. Nhưng con luôn trông đến ngày tàn phai mùa đông, ánh vàng sự rỗi reo mừng, hoa trái đau thương lừng hương. Ban ơn cho con biết tìm ngọt trong sầu than, biết tìm mạnh trong nguy nan, biết có xuân trên đông tàn.
Mẹ là Mùa Xuân đem sức thiêng cho cõi lòng. Mẹ là mùa xuân muôn kiếp muôn dân đợi trông. Mẹ là Mùa Xuân bất diệt trên cõi hằng sống, giúp con vượt đời, trông về cõi phúc vô song…"
Nguồn: Ephata 784
MẸ LÀ MÙA XUÂN (Sáng tác 1946)
Nữ: Ôi Ma-ri-a, Mẹ là Mùa Xuân Ánh Sáng,
Mẹ là cửa son đền vàng,
Bến lành vào Quê Bình an.
Ôi Ma-ri-a, Dẫu rằng đời con lần than,
Bóng tội tràn lan trần gian.
Sức hèn con ngã nhiều phen.
Nam: Nhưng con luôn trông.
Đến ngày tàn phai mùa Đông.
Ánh vàng Sự rỗi gieo mừng,
Hoa trái đau thương lựng hương.
Ban ơn cho con.
Biết tìm ngọt trong sầu than.
Biết tìm mạnh trong nguy nàn.
Biết có Xuân trên Đông tàn.
Mẹ là Mùa Xuân đem sức thiêng cho cõi lòng (Ôi Maria).
Mẹ là Mùa Xuân muôn kiếp muôn dân đợi trông (Ôi Maria).
Mẹ là Mùa Xuân bất diệt trên cõi hằng sống. (Ôi Ma-ri-a).
Giúp con vượt đời trông về cõi phúc vô song (Ôi Ma-ria).
0 Nhận xét