+ Tạp bút
Trần Nguyên Hạnh (Phú Cường)
Mỗi loài chim đều sở hữu một chất giọng khác nhau. Riêng họa mi được ưu ái một chất giọng trong trẻo và thánh thót khiến biết bao người say đắm. Dường như sinh ra để làm đẹp cho cuộc đời bằng tiếng hót, họa mi trở thành niềm say mê của biết bao người có dịp được một lần lắng nghe chất giọng thiên phú đó.
Ở thành phố này những ngày chớm đông, khí trời bắt đầu se lạnh trong cơn mưa lất phất. Những ngày nắng ấm tươi vui giờ chỉ còn đọng lại trong mỗi người những nuối tiếc. Thức dậy trong tiếng mưa ủ dột khiến những người vốn ham thích di chuyển cũng lười biếng mà quẩn quanh trong bốn bức tường. Chợt từ ban-công nhà ai, tiếng hót trong trẻo thánh thót của họa mi ngân vang cả con phố, xua tan cái không khí ảm đảm của một ngày mưa, và vô tình gợi lên trong mỗi người xa quê cảm giác khắc khoải, nhung nhớ như đang được thưởng thức tiếng hót của họa mi trong nắng ấm của quê nhà.
Từ lâu, tiếng hót của họa mi đã được xem như một cách giao cảm tuyệt vời của tự nhiên và con người. Nếu một nhành hoa, một tia nắng, mang đến cho con người những hình dung về cái đẹp thì tiếng hót của họa mi lại như một bản nhạc tươi vui của cuộc sống, có thể làm bất cứ ai được một lần lắng nghe tiếng hót ấy cảm thấy tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống này hơn. Tiếng hót trong ngần của họa mi, còn như một cách gắn kết con người với tự nhiên bằng một mối hòa cảm đặc biệt. Không cần một cái nắm tay, một câu nói dịu dàng hay một cử chỉ vồ vập... Theo một cách thật bản năng, tiếng hót của họa mi cứ thế đến với con người như để chia sẻ cùng họ bao nỗi niềm của cuộc sống, mang đến cho cuộc đời bao hi vọng.
Ở quê, thật không khó để được nghe tiếng hót cao vút và thánh thót của họa mi. Cứ từ tháng 6 trở đi họa mi lại về làm tổ trên những chạng cây, những bụi cây rậm rạp quanh vườn. Những ai từng mê đắm tiếng hót của họa mi đều thông thạo từ nơi loài chim này làm tổ đến cách chúng xây tổ. Họa mi có thói quen làm tổ giống chim cu gáy, nghĩa là cũng chọn những chảng ba cây, hoặc là nơi có nhiều cành cây nhỏ đan qua chéo lại sẵn để làm điểm tựa chắc chắn. Chúng thường làm tổ không quá cao và tổ thường ở trong những bụi cây rậm. Người ta cũng thường bắt gặp tổ của chúng trong các lùm cây ở các đồi trọc, hay những cây cao mọc đơn lẻ ở khoảng đất trống trên một ngọn đồi, mặc dù họa mi thường sống trong rừng già, nơi có núi non hiểm trở, có thác có suối. Những người say mê tiếng hót của họa mi, nhờ tìm hiểu và biết được những đặc tính này, họ săn chim để thỏa mãn cảm giác được sở hữu tiếng hót mê đắm của chúng.
Tiếng hay đồn xa, ngày nay không chỉ ở thôn quê, tiếng hót của họa mi cũng đã theo chân của những người chơi chim để đến với thành phố náo nhiệt. Và thế là từ việc được bay nhảy tự do giữa rừng già, được hồn nhiên sống cùng muông thú, hít thở khí trời, tắm mình trong ánh mặt trời ấm áp, họa mi giờ chỉ còn nhìn ngắm thế giới bên ngoài qua những khung cửa nhỏ. Có lẽ vì thế mà tiếng hót của họa mi trở nên buồn hơn, khiến nhiều người xót xa hơn, đặc biệt giữa những ngày mưa buồn tẻ trong thành phố.
Có cô gái, một chiều mưa đứng trên ban-công vô tình nghe thấy tiếng hót của họa mi mà lòng chạnh buồn trong nỗi nhớ quê nhà. Không hiểu vì nỗi nhớ quê đang dâng lên trong lòng cô gái hay vì cái khung cảnh mưa buồn ở một nơi xa lạ, mà khi nghe thấy tiếng hót họa mi cất lên, âm thanh ấy bỗng trở nên buốt lòng giữa tiếng mưa rơi không ngớt.
Mỗi khi nghĩ về điều này, tôi chợt nhớ đến những câu hát về loài chim họa mi trong bài hát “Họa mi hót trong mưa” của nhạc sĩ Dương Thụ:
“Tiếng mưa rơi ngoài hiên, gió mưa như lạnh thêm
Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm”…
Những giai điệu của ca khúc ấy, bỗng dưng chạm vào lòng tôi những nhịp thổn thức, cứ như thể ai đó đã mang tiếng hót trong trẻo thánh thiện của họa mi vùi dập nó, chôn giấu nó giữa cái thành phố ồn ào đầy khói bụi này. Qua bài hát, tiếng hót của họa mi cũng khiến con người liên tưởng đến nỗi lòng thầm lặng của người con gái khi phải xa người mình yêu:
“Trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng
Trên môi em tình yêu đã mất còn nồng nàn nồng nàn”
Thiên nhiên và con người từ lúc khai sinh đã luôn gắn bó và hòa hợp với nhau. Dù chỉ là một nhành hoa, một tiếng chim, hay một tia nắng ấm vẫn làm nên sức sống cho cuộc đời này. Nên nỗi lòng của thiên nhiên đôi khi cũng chính là nỗi lòng của con người, để rồi giữa những ngày mưa rơi ở một thành phố không phải là quê nhà, như một duyên cớ, bao nỗi niềm nhung nhớ lại trỗi dậy theo tiếng hót dịu dàng trong trẻo của họa mi.
Những ai đã trót yêu tiếng ca của họa mi, xin hãy trả họa mi về với rừng xanh, nắng ấm để những khúc ca của họa mi có thể làm đẹp cho cuộc đời, mang đến niềm vui, niềm tha thiết yêu đời cho con người… Để nỗi lòng của những người xa quê ấm lại, để một ngày mưa rơi như hôm nay, ở nơi xứ lạ nỗi nhớ bớt phần xót xa.
0 Nhận xét