Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

XUÂN LY BĂNG - Lời Ngỏ Cho Đêm Thơ

Đức Ông Nhà thơ Xuân Ly Băng về với Chúa khi đã 92 trong tâm tình thương nhớ của biết bao người, cách riêng là của những người cầm bút Công giáo.
Ngày 25-8-1988, tại Học viện Salesian Đà Lạt, tôi được ngài nhận trả lời những câu hỏi về cuộc đời và cõi lòng của ngài. Bài phỏng vấn ghi âm sau đó đã được anh Lâm Viên Lê Hữu Phước ghi lại, với tựa đề: “Xuân Ly Băng, hồn thơ và tấm lòng mục tử” (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20090608/924). Câu hỏi cuối cùng của tôi là: “Có những điều gì Cha muốn nói với chúng con nhưng tình cờ con chưa hỏi tới?”. Ngài đáp:
“Đây là lời của người sắp chết nói với những người sẽ chết (cười). Tôi muốn nói với những người thuộc lớp tuổi của Cha, sinh sau tôi vài thập niên trong lãnh vực thi ca. Cha và nhiều anh em khác được Chúa ban tài năng. Tôi hy vọng Cha sẽ phát triển tài năng ấy và phát triển trong quỹ đạo của đời linh mục, trong đức ái, đức tin đối với Chúa. Cần trau giồi kỹ năng và phải viết ngay, đừng lần lữa. Bên cạnh đó, Cha phải tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin. Có thế ta mới làm tròn nhiệm vụ Chúa trao phó và đáp ứng điều Hội Thánh chờ đợi.”

Đã gần 30 năm rồi. Nhìn lại, tôi đã phần nào thực hiện được lời căn dặn của người Thầy và người đàn anh giờ đây đã ra đi: “Tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin.”  Tôi tin rằng trên trời, ngài sẽ tiếp tục phù trì nâng đỡ để con cháu có thể nối nghiệp cha ông.
Không riêng tôi, có những anh chị em khác cũng đã và đang thực hiện lời nhắn nhủ ấy. Năm 2008, sau hai năm phụ trách trang Đồng Xanh Thơ trên Mạng Lưới Dũng Lạc, anh Cao Huy Hoàng đã thực hiện cuộc họp mặt lịch sử của văn thơ Công giáo, tại Tòa Giám mục Phan Thiết, ngày 20-01-2008, với khoảng 60 tham dự viên, trong đó một nửa là các cộng tác viên của Đồng Xanh Thơ. Một trong những lý do khiến cuộc họp mặt diễn ra tại Tòa Giám mục Phan Thiết dịp ấy chính là vì nhà thơ lão thành Xuân Ly Băng đang sống ở đó.
Dưới đây là bài chia sẻ “Cùng sống cuộc sống đức tin văn hóa” của Đức ông Nhà thơ kết thúc ngày họp mặt và tiếp nối là “lời ngỏ cho đêm thơ”, nhân đêm thơ Xuân Ly Băng tại Tòa Giám mục Phan Thiết, 22/3/2008. 
Linh mục Trăng Thập Tự



•      Tên thật: Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa,
•      sinh ngày 23-4-1926, tại làng Phú Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
•      Rửa tội năm 1926 tại họ Hiệu Lân, xứ Xuân Phong, giáo phận Vinh
•      theo học Tiểu Chủng Viện Xã Đoài (1938-1949), Đại Chủng Viện Xuân Bích, Hà Nội (1953) Sàigòn (1954), Đại Chủng Viện Lê Bảo Tịnh (1955-1959).
•      Thụ phong linh mục ngày 19-7-1959.
•      Dạy Việt văn tại các Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự (Thủ Đức) và Sao Biển (Nha Trang) từ 1959-1965.
•      Chính xứ Vinh Hưng, Vinh Thuỷ, Phan Thiết (1965).
•      Quản Hạt  Bình Tuy (1972).
•      Đại Diện Giám Mục (1975)
•      Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết 1987.
•      Giám chức danh dự do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban tặng ngày 25-01-1998.
•      Được Chúa gọi về lúc 22g10, Thứ Tư ngày 19 tháng 7 năm 2017 tại nhà Hưu dưỡng Giáo phận Phan Thiết, hưởng thọ 92 tuổi, 58 năm linh mục.

Đã xuất bản: Thơ kinh, Hương kinh, Trầm tư, Nỗi niềm, Bài ca thương khó, Dụ ngôn Phúc âm, Như trầm hương, Kinh trong thời gian, Khúc hát ân tình, Một vùng châu lệ, Kinh sầu trên quê hương.

CÙNG SỐNG CUỘC SỐNG ĐỨC TIN VĂN HÓA
Ba thuyết trình viên đã khẳng định cho thơ ca Công giáo Việt Nam những nền móng quan trọng: Lê Đình Bảng đặt một nền móng lịch sử, Trăng Thập Tự nêu rõ nền móng tâm linh và Nguyễn Thiên Cung một nền móng thần học.
Góp phần đúc kết và tiếp nối những điều ấy, tôi xin chia sẻ thêm đôi điều về kinh nghiệm thơ.
Người ta thường bảo ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ thầm kín, ngôn ngữ của trực giác, không dễ gì lấy triết lý mà hiểu được, vì ngôn ngữ thơ trước hết là ngôn ngữ của trái tim. “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được” (Pascal). Chẳng hạn hình ảnh cô gái mù với ly cà phê trắng Vũ Thuỷ. Ngay cả thi sĩ, làm thơ rồi, có khi chẳng hiểu hết thơ của mình, đang lúc nhà phê bình có thể tìm hiểu và nhận ra được. Cho nên không thể soi mói thơ bằng các hệ thống lý luận triết học hay thần học.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà thơ là cái gì dễ dãi. Người ta có nói, mỗi tài năng đều gồm 1% do bẩm sinh và 99% do đào luyện. Một phần trăm của thiên tài không thể thiếu. Nếu thiếu, dù có làm cả trăm bài văn vần cũng chẳng ra thơ. Thế nhưng chỉ một phần trăm ấy thôi chưa đủ, cần phải dụng công, phải khổ luyện.
Nhà thơ Giả Đảo có ghi lại một kinh nghiệm:
Nhị cú tam niên đắc
Ngâm thành song lệ lưu,
Được Trăng Thập Tự dịch là:
Ba năm tìm được hai câu,
Ngâm lên nhỏ lụy tuôn châu đôi dòng.
Người Pháp có nói: “Phải luyện tay nghề hai mươi lần, tác phẩm của bạn mới ra hồn” (Vingt fois sur le métier, reprenez votre ouvrage).
Làm thơ là sáng tạo. Khi Xuân Diệu viết: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, Tản Đà đòi lôi ra chém vì Xuân Diệu dám bảo mặt trời đi ngủ. Thế nhưng làm thơ là phải vậy, phải sáng tạo.
Cùng một mặt trăng nhưng với óc tưởng tượng, mỗi tác giả nhìn một khác: Trăng cười, trăng khóc, trăng rỉ máu, trăng có thể là người thiếu nữ nằm lả lơi cợt nhả mà trăng cũng có thể là Đức Mẹ.
Ngôn ngữ thơ phải sinh động, biết cười, biết khóc, biết nhảy múa. Phải biết chọn từ, đảo ngữ. Phải có nhịp điệu và nhạc điệu theo luật bằng trắc của âm thanh.
Bài thơ tả cục phân mà hay thì vẫn là thơ; còn tả cô công chúa tuyệt trần mà không hay thì cũng chẳng phải là thơ. Bài thơ ví được như một bầu trời. Bài thơ dở, đọc lên như bầu trời im lìm bất động. Bài thơ hay thì nhiều câu, nhiều chữ rực lên như trăng sao chớp nháy. Bầu trời thơ Nguyễn Du góc nào cũng chớp nháy, câu nào, chữ nào cũng hay.
Người làm thơ cần đọc thơ của nhiều tác giả, đọc những tác phẩm giá trị, để thấy những nét tân kỳ và độc sáng trong hình ảnh và ngôn ngữ.
Cần học thêm những phong cách mới của thơ Pháp, thơ Anh, thơ chữ Hán, để làm giàu cho hồn thơ. Cần đọc những sách chuyên môn về thơ để trau giồi kiến thức và kỹ năng thơ.
Cần giao lưu nhiều với các tác giả thơ, nhạc, hoạ… để làm cho tâm hồn luôn tươi mới, tránh khỏi bị “cô lậu quả văn”, nghĩa là “hẹp hòi, tầm thường, không đẹp”.
Nhất là phải đọc, nghiền ngẫm và thuộc lòng Thánh Kinh, cách riêng là các Thánh vịnh, sách Diễm ca, Tin mừng Gioan.
Bước vào chức linh mục, thấy mình được gọi rao giảng Tin Mừng bằng thơ ca, tôi đã chăm chú học làm nghệ thuật, nghiền ngẫm quyển “Lý thuyết về văn chương và các nghệ thuật” bằng tiếng Pháp (không còn nhớ tên sách và tên tác giả). Tôi đã đọc rất nhiều thơ, từ Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương cho đến Tản Đà rồi các nhà thơ mới. Có những bài thơ tôi thuộc nằm lòng. Gặp sách chuyên môn về văn chương là tôi đọc. Có những quyển tầm thường nhưng vẫn gặt hái được đôi điều, đôi dòng đáng nhớ. Cũng phải học lại tiếng Việt. Tôi vẫn thường xuyên tra cứu Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn.
Người làm thơ phải đau khổ. Alfred de Musset có nói: “Cứ đánh vào tim tôi, thiên tài sẽ trào vọt”. Hàn Mạc Tử: “Không rên siết là thơ vô nghĩa lý!” Một tác giả khác: “Mà câu tuyệt vọng là câu tuyệt vời”. Một tác giả thơ Đường: “Đản thị thi nhân đa bạc mệnh” (Thôi Hiệu hay Lý Bạch?)
Đừng tự ti mặc cảm. Cứ viết, cứ đăng báo, cứ in, trong sự khôn ngoan dè dặt.
Cuối cùng, cần hai chữ thành thực và khiêm nhường, đừng tự tôn vinh mình. Thời gian sẽ sàng lọc và đào thải những gì không phải là thơ.
 Chúc anh chị em về ăn tết vui.

LỜI NGỎ CHO ĐÊM THƠ
Không kể những bậc kỳ tài, người trọng tuổi không nên nói nhiều và cũng không thể nói nhiều. Nhưng cũng không nên vì thế mà không nói (cũng có nghĩa là không viết) Đức Khổng Tử có lời dạy: Khi còn sống muốn nói gì với con cháu thì nói đi, kẻo chết rồi muốn nói cũng không nói được nữa.
Tôi đã trên 80 tuổi, một đời làm Linh mục, một đời làm thơ, biết nói gì - dù rất ngắn gọn - để lưu lại cho lớp hậu sinh rất khả uý. Lớp người này rất đáng trân trọng vì đặc biệt họ yêu thơ, họ sáng tác thơ. Hơn nữa, họ là những người làm “nghệ thuật”  dưới bóng cây Thánh giá và Ánh Sáng Phục Sinh của Đức Kitô.
Tôi nhớ hồi 1959, sau lãnh chức Linh mục, về dạy học tại Chủng viện Chân Phước Tự, Thủ Đức, có mấy chủng sinh hỏi tôi sáng tác thơ từ ngọn nguồn nào. Nhân đó, tôi viết một bài đăng trong nội san Chủng viện, tôi chỉ nhớ mang máng là Nguồn thơ lấy từ Thánh Kinh và tứ thơ lấy từ lời Cầu Nguyện. Lời ấy, cách đây nửa thế kỷ liệu còn  thích hợp nhắc lại ở đây để tặng lớp hậu sinh yêu thơ và sáng tác thơ nữa không?
Vườn thơ Thánh Kinh rộng mênh mông như trời biển, kỳ diệu và phong phú vô cùng, chứa đựng toàn Chân Thiện  Mỹ. “ Thủ nhi bất cấm, dụng nhi  bất tận.”
Phan Thiết, ngày 22/3/2008

MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA

H. Xin Cha cho biết tình yêu của Cha đối với Thiên Chúa đã qua những bước phát triển nào? Có những thăng trầm nào? Đâu là điều xuyên suốt?
Đ. Điều này đơn giản thôi. Tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa tương đối bình lặng, không có vấn đề nào đáng kể. Có thể nói là liên tục. Chỉ có một thời gian hơi sóng gió là các năm 1946-1949, chủng viện đóng cửa, tôi phải sống ở ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn hoạt động tông đồ, ham thể thao, thể dục, lại thích đàn, sáo, đánh cờ, vv… Chính những sở thích ấy đã thu hút tôi, giữ cho tình yêu tôi luôn được trung thành với Chúa, không bị cạnh tranh vì tình yêu nhân thế. Cho nên, có thể nói, Chúa đã giữ cho tình yêu của tôi đối với Ngài được êm đềm, không bị khủng hoảng.
H. Còn mối tương quan của Cha đối với Chúa thì đã phát triển thế nào?
Đ. Khi tôi còn nhỏ, tình yêu đối với Chúa nặng phần tình cảm bình thường, nhưng càng lớn lên, tình yêu càng đi vào chiều sâu. Càng về sau, nhờ học hỏi, đọc sách, nhất là đọc và suy gẫm Kinh Thánh, đức tin và tình yêu tôi ngày càng đổi mới và sâu đậm. Tôi đã không có cơ may trải qua những đêm tối tâm hồn như Thánh Nữ Têrêxa Avila hoặc Thánh Gioan Thánh Giá. Nơi tôi, mọi sự có vẻ diễn tiến cách tự nhiên, bình thường. Tôi chỉ gặp Chúa cách đơn giản trong vạn vật, trong thiên nhiên, qua con người, cỏ cây, bông hoa, tiếng gió, ánh mặt trời, vv… Vâng, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi mà tôi luôn luôn cảm tạ.
H. Sau 29 năm đời linh mục, đoạn Tin Mừng nào ăn sâu vào lòng Cha nhất?
Đ. Đánh động nhất là những câu Tin Mừng mà Chúa đòi mình phải kết hợp sâu xa với Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành”, “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, “Ai yêu mến Thầy và giữ lời Thầy, Thầy sẽ tỏ mình cho người ấy”. Tôi đã thấy rõ Chúa đã tỏ mình cho tôi qua các biến cố trong cuộc sống. Chúa luôn luôn yêu thương tôi và hiện diện với tôi.
H. Điều gì nơi Chúa Giêsu thu hút Cha nhất?
Đ. Ở tuổi 62 của tôi hiện nay, Đức Giêsu không phải là huyền thoại, không phải là một tình cảm bên ngoài. Đức Giêsu là một thực tại, vừa thần linh vừa lịch sử, là sự sống của mỗi Kitô hữu, cho nên mọi sự nơi Chúa, từ con mắt, trái tim, cuộc sống, lời nói và tóm lại là cả cuộc sống của Chúa đều thu hút tôi. Có điều là làm sao để diễn tả tất cả những điều ấy thành thơ. Cách đây mấy tuần, có người hỏi tôi: “Chưa thấy Cha khai thác đề tài bí tích Thánh Thể?” Câu hỏi khiến tôi suy nghĩ nhiều. Quả thật, để làm thơ về bí tích Thánh Thể rất khó. Cũng như, làm thơ về Hội Thánh không dễ chút nào. Vì làm sao để Hội Thánh trở thành một hình ảnh gợi cảm? Cũng như làm sao để chút bánh chút rượu đã trở nên Mình Máu Chúa có thể biến thành lời thơ? Quả là khó! Điều đó đòi sự sống mình phải có cường độ thật cao, nghệ thuật thật lớn,… Tôi hy vọng những năm cuối đời hiện nay sẽ thực hiện đôi phần.
H. “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Xuân Diệu đã viết câu ấy theo suy nghĩ của ông, nhưng nếu đọc theo ngôn ngữ Kinh Thánh, ta cũng có thể thấy ở đó tình cờ hội đủ các biểu tượng Kitô giáo liên hệ đến hồn thơ Kitô hữu: Gió khiến liên tưởng đến Thánh Thần, Trăng nhắc đến Đức Trinh Nữ, Mây nhắc đến sự hiện diện của Thiên Chúa, như mây phủ trên khám Giao Ước. Xin Cha cho biết thêm kinh nghiệm bản thân trong việc chiêm niệm qua thiên nhiên.
Đ. Trong câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời, nhưng tôi muốn lưu ý để khỏi dừng lại ở bề mặt. Ta thấy Thiên Chúa, nhưng thấy thế nào, có rõ nét không? Thấy rồi có cảm mến, con tim có rung động không? Làm sao để đem Chúa từ trong ánh trăng, từ gió vào trong khối óc, trái tim, rồi từ đó trào ra nơi ngọn bút? Tôi còn nhớ một câu thơ Đức: “Gió đập vào cửa sổ và nói với tôi về Thiên Chúa Tình Yêu”.
H. Cha làm nhiều thơ về Đức Mẹ. Xin cho biết tại sao? Điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất? Lòng yêu mến Đức Mẹ bắt nguồn từ đâu?
Đ. Nói về Mẹ Maria là nói đến cả một trời yêu, vì Maria có nghĩa là biển, có nghĩa là cay đắng. Lòng yêu mến Đức Mẹ cũng do bẩm sinh, có thể do đức tin của người mẹ và huyết thống của gia đình. Rất có thể từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã cảm được lòng yêu mến Đức Mẹ. Trong bài Nhớ Xưa, tôi đã nói đến điều đó. Còn hỏi điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất, thì phải nói rằng toàn thể Đức Mẹ đều gây cảm hứng dạt dào cho tôi, từ khuôn mặt, ánh mắt, đến tấm lòng từ mẫu…
(Trích phỏng vấn của Trăng Thập Tự ngày 25-8-1988)

______________

Đăng nhận xét

0 Nhận xét