Mã số: 17-174
Bình minh lên…
Đó là khi ánh mặt trời rạng rỡ bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên xuống thềm trái đất. Từng dải nắng vàng óng lan dần…trải lên muôn loài cái ấm áp long lanh.
Tôi hồi hộp dắt chiếc “cân đẩu vân” ra khỏi nhà. Tất nhiên đó không là một đám mây mà tôi có thể tót lên bay vù vù như Tôn Ngộ Không. Đó là chiếc xe máy màu trắng, giống màu của những đám mây, nên tôi gọi nó là “cân đẩu vân”.
Tôi có cuộc hẹn với một Mục sư, tuy tôi là một người Công giáo. Hai điều này nghe không có gì liên quan đến nhau, ngoại trừ cả hai đều thờ Chúa. Tôi biết vị Mục sư này khi tham gia cuộc thi Viết Cho Niềm Tin, của một Hội Thánh Tin Lành bên Mĩ. Chúng tôi đều là nhóm đạt giải.
Năm ngoái Mục sư từ Úc về Việt Nam. Tôi, một kẻ không chịu được nóng, càng không chịu được lạnh, đã phải đóng quần áo dày cộm, phóng xe đi dưới cái rét thấu xương, trong làn mưa lạnh buốt. Người ta đã từ tận nước Úc xa xôi về đây gặp mọi người, chẳng lẽ mình chỉ có vài km đường mà lại không đến? Mưa một tí, rét một tí mà cũng ngại thì còn làm gì được cho đời? Nghĩ thế nên tôi bắt mình phải đi.
Mới ra khỏi nhà thì tay tôi run run vì rét, lái xe một lúc thì cơ thể quen dần, và hết run, tuy chưa hết rét.
Lần gặp đó, có khoảng gần mười người tất cả. Tôi không nhớ rõ. Cái tuổi ba mươi tư của tôi có bộ nhớ khá “hom hem”, phản ánh tình trạng: “Gái ba mươi tuổi đã toan về già.” Mà đúng thế thật, chỉ một năm sau là tôi chẳng nhớ gì về buổi gặp đó. Trừ một gương mặt và một cái tên: Thanh Liêm!
Có hai Mục sư trong buổi thông công đó, nhưng tôi không ấn tượng gì về anh Mục sư trẻ, chỉ hơn tôi vài tuổi. Mà tôi lại ấn tượng với Mục sư Liêm, nhiều hơn tôi chừng hai mươi tuổi. Có điều gì đó rất đặc biệt nơi Mục sư Liêm, mà tôi đã “giật mình” ngay khi vừa đối diện. Cái “giật mình” đó lại càng trở nên khó quên hơn khi tôi bị ngã xe cách lãng xẹt trên đường về. Và từ hôm đó trở đi, cứ mỗi lần nghĩ đến buổi gặp gỡ, là tôi nghĩ đến cú ngã xe. Cứ nghĩ đến cú ngã xe, là tôi lại nghĩ đến Mục sư Thanh Liêm. Chứ sao nữa! Vì nếu không có Mục sư, tôi còn lâu mới đến!
Sau đó, tôi cất Mục sư Liêm vào đâu đó sâu trong bộ nhớ “đã toan về già” của mình. Để thời gian trôi qua, và giữa chúng tôi cũng không hề có thêm sự liên lạc nào. Tất nhiên tôi và nhóm tác giả đều có kết bạn Face book với nhau. Nhưng chúng tôi rất ít tương tác. Nhất là tôi và Mục sư Liêm, càng chẳng có cuộc trò chuyện nào. Vì Mục sư từng nói với nhóm là rất bận, nên tôi cũng không muốn làm phiền.
Trong năm đó, tôi gặp một sự cố khá nghiêm trọng với cái Face mà tôi vẫn sử dụng. Tôi phải khóa Face đó lại, và dùng Face cũ. Tôi lại gửi lời mời kết bạn cho Mục sư Liêm và mấy Mục sư của chương trình Viết Cho Niềm Tin, cùng nhóm tác giả. Chờ một thời gian thì mọi người cũng lần lượt xác nhận bạn bè với tôi. Nhưng Mục sư Liêm thì không thấy đáp lời. Tôi nghĩ có lẽ Mục sư bận quá… Và tôi cũng nhanh chóng quên chuyện này, cho đến một ngày nọ, mà cái “ngày nọ” ấy là ngày tháng nào thì tôi cũng không nhớ, Face Book thông báo: Thanh Liêm đã chấp nhận lời mời kết bạn của bạn. Chà! Tại sao bây giờ mới chấp nhận nhỉ? Cứ tưởng Mục sư Liêm không dùng Face!
Rồi tôi lại thấy Mục sư rất chịu khó đọc bài trên Face, nhờ những cái “Like”. Tôi đã nghĩ có thể Mục sư “like” trước rồi đọc sau, hoặc bận quá cứ “like tạm” để đấy mà không có thời gian để đọc. Vì những bài được “like” đó đều khá nhiều chữ. Và tôi nhầm. Mục sư Liêm đã vào bình luận bài đăng trên Face của tôi. Nghĩa là có đọc.
Những chi tiết rất nhỏ đó thôi, cũng khiến tôi suy nghĩ. Vì các Mục sư khác đều rất nhanh chóng nhận lời kết bạn với tôi trên Face, nhưng không bao giờ tỏ thái độ gì. Nếu tôi nhắn tin nói chuyện, thì họ trả lời. Nhưng xa xôi như mỗi người thuộc về một vũ trụ khác. Những bài của tôi, chẳng biết họ có để ý hay không, mà không có dấu hiệu gì. Còn Mục sư Liêm, tuy là người cuối cùng xác nhận kết bạn với tôi, nhưng lại là người đầu tiên nói chuyện với tôi, “để mắt” tới cái Face của tôi như một người bạn thật sự. Thật đặc biệt.
Vì thế, tôi đã rất vui khi Mục sư Liêm nói trên Face của tôi rằng sẽ về Việt Nam vào dịp giáp tết cổ truyền năm 2017 này, và muốn gặp tôi cùng các anh em Tin Lành. Gặp Mục sư Liêm thì tôi rất sẵn sàng, vì qua lần hội ngộ năm ngoái, tôi đã cảm nhận một chút về cách ứng xử của Mục sư. Nhưng còn có cả các anh em Tin Lành nữa! Tôi rất ngại. Vì mọi cuộc gặp với Tin Lành, tôi đều phải rất…nói nhiều. Vì họ hỏi nhiều. Mà toàn những câu hỏi mang ý phản đối. Mỗi lần gặp người Tin Lành về, dù là gặp Mục sư hay tín đồ, tôi đều thấy muốn “ngậm miệng” một thời gian cho cái miệng được nghỉ ngơi hồi sức. Vì đã phải nói quá nhiều trong một thời gian quá ngắn. Tuy Công giáo và Tin lành đều có chung quyển Kinh Thánh, khác cách dịch. Chung nền tảng giáo lý và tín lý. Nhưng những tín điều về Đức Mẹ, về các Thánh, và cách cử hành phụng vụ…thì đều khác nhau. Và tôi nhận thấy hai bên có nhiều hiểu lầm. Mà tôi, một kẻ nhỏ nhoi cao chỉ đến mét rưỡi, làm sao có thể là sứ giả hòa bình cho “cuộc chiến kinh điển” nhất lịch sử tôn giáo này…?
Họ đều sẽ hỏi: “Kinh Thánh không có đoạn nào nói Bà Maria đồng trinh trọn đời, vì có đoạn chép ”Các môn đệ đến nói với Chúa Giêsu: Thầy ơi, có mẹ và các anh em của Thầy đến gặp Thầy…” ( Mt 12, 46 – 50 ). Nghĩa là sau khi sinh Chúa Giêsu, bà Maria và ông Giu se còn sinh thêm những người con của hai người nữa. Kinh Thánh chép Đức Maria giữ mình đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu, chứ không nói là Đức Maria đồng trinh trọn đời…”
Tôi thì vặn lại thế này: “Chính xác thì đoạn nào, câu nào nói sau khi sinh Chúa Giêsu, bà Maria và ông Giu se sinh thêm những người con? Nếu thật sự Chúa Giêsu có các anh em kiểu đó, thì phải có ghi trong gia phả Chúa Giêsu chứ?
Và tôi sẽ “giảng” một bài về sự chọn lựa của Thiên Chúa Cha để chuẩn bị cho Chúa Giêsu một người mẹ đặc biệt, một người cha đặc biệt và một gia đình đặc biệt. Đại loại là, đến những con người như chúng ta còn muốn chọn lựa điều tốt đẹp nhất cho con mình, huống chi đây là Thiên Chúa! Chẳng lẽ Người không muốn có những điều phi thường nơi gia đình, nơi người phụ nữ sẽ sinh ra con Thiên Chúa, nơi người đàn ông sẽ là trụ cột cho gia đình trần thế của Chúa Giêsu?... Chúa Giêsu sống ba mươi ba năm trần gian, mà chỉ ra đi rao giảng có ba năm cuối, mà Người ở trong gia đình những ba mươi năm đấy nhé! Sống trong nhà với Thiên Chúa Cực Thánh, lẽ nào Maria và Giu se lại như những người đàn ông đàn bà bình thường hay sao? Coi thường Maria và Giu se, phải chăng các bạn đang nghi ngờ Chúa Giêsu có chắc chắn là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa thật hay không?
Rồi nào là vấn đề ảnh tượng, họ bảo: Kinh Thánh nói rất rõ ràng, rằng Thiên Chúa ghét làm hình tượng…
Gọi các Linh mục là cha: không đúng.
Gọi Đức Giao Hoàng là Đức Thánh Cha: phạm thượng, từ đó chỉ có thể nói về Thiên Chúa…
Và họ không tin bàn tay Linh mục lại có thể hóa bánh và rượu thành thịt và máu Chúa Giêsu. Họ không tin một con người là linh mục có thể tha tội cho người khác, chỉ Chúa mới có quyền tha tội. Họ không tin Thánh Thủy, bàn tay Linh Mục không thể biến nước thường thành nước thánh…và hàng một nghìn lẻ một điều họ không thể tin được là công giáo lại tin.
Tôi “giảng” bằng cách liên hệ từ Cựu Ước đến Tân Ước. Mô sê có phải là Chúa không, hay là một con người? Thế mà ông ấy cứ giơ tay lên thì quân Israel thắng trận, khi ông mỏi tay mà hạ xuống, Israel thua. Ông Aharon và ông Khua đã phải đỡ tay ông Mô sê để ông có thể giơ tay được mãi, nhờ vậy mà quân Israel cứ thắng. ( Xh 17, 8 – 13 ) Cây gậy của Ông Mô sê cũng đã làm nên bao phép lạ trước Pharaol, và khiến biển rẽ làm hai…Chẳng lẽ đối với Chúa, cậy gậy vô tri vô giác lại cao trọng hơn bàn tay những con người? Mà thân thể con người là “đền thờ của Thánh Linh” đấy chứ?... Chúa không thể dùng bàn tay của “đền thờ Đức Thánh Linh”, bàn tay Linh mục để làm trung gian cho quyền năng và tình thương của Thiên Chúa sao? Ừ thì Linh mục là người, không có quyền tha tội cho người khác với tư cách một con người. Nhưng Linh mục ngồi trong tòa giải tội đó với vai trò trung gian, giống cái gậy của Mô sê! Linh mục nói: “…Vậy nhờ tác vụ của Hội Thánh, tôi tha tội cho bạn nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Nghĩa là chính Chúa Thánh Linh hiện diện tại đó, để tha tội qua người Linh mục!
Tôi cũng nhắc đến việc Phao lô đặt tay chữa lành và ban Thánh Thần cho người ta ( Cv 19, 4-6 ). Vậy Phao lô không phải là người hay sao? Ông lấy đâu ra quyền năng đó? Tại sao Thiên Chúa không tự mình ngự xuống trên những ai đón nhận Người qua lời chứng của Phao lô, mà ông cứ phải đặt tay thì họ mới nhận được Thánh Thần, được chữa lành hay được đuổi quỷ? …Tại sao Chúa không sai các Thiên sứ xuống đánh trận với Israel để họ dễ dành chiến thắng, mà ông Mô sê lại cứ phải giơ tay lên?
Và rất nhiều trích dẫn Kinh Thánh tôi nêu ra để đối luận với họ. Họ cho rằng tôi bị nhồi nhét quá kỹ, mà không nghĩ đó là sự xác tín cá nhân của tôi. Là công trình bao tháng năm tôi đào bới Kinh Thánh trong nỗi cô độc. Tôi thật sự không thích việc biến Kinh Thánh thành vũ khí chiến đấu với nhau. Công giáo và Tinh Lành như hai anh em trong một gia đình của Người Cha Thiên Chúa, nhưng cứ như hai cực cùng dấu của một thanh nam châm, cứ chống lại nhau, đẩy nhau ra xa, hoặc tìm cách khuất phục nhau. Mệt!
Thật lòng mà nói, tôi rất ngưỡng mộ Tin Lành vì họ giỏi Kinh Thánh, họ vững vàng và dạn dĩ trong việc thể hiện đức tin. Họ có tầm nhìn rất “chiến lược” trong việc mở rộng chương trình “Môn đồ hóa” cho các tín đồ. Họ luôn chăm sóc đời sống đức tin của nhau rất chu đáo, và phong cách sống của người Tin Lành rất tử tế.
Ở đây, tôi không muốn nhắc đến các Hệ phái “ đi lạc”, mà chỉ nhìn chung cách tổng quát về các Hệ phái “chính đạo”. Tuy ngay cả những người Tin Lành theo “lạc giáo” ( như các Hệ Phái Chứng nhân Giê Hô Va, Đức Chúa Trời Mẹ, Phúc Âm Đời Đời, Mặc Môn, Tia Sét Phương Đông,…) họ cũng ứng xử khá lịch thiệp.
Tóm lại là tôi thấy thật oan uổng cho đời sống đức tin của Công Giáo và Tin Lành nếu chúng ta cứ loại bỏ lẫn nhau. Cả hai đều có những ưu và nhược điểm cần hỗ trợ bổ sung cho nhau, để cùng nhau bước vững vàng trong ơn nghĩa Chúa.
Nghĩ miên man về chiến tranh ngầm của hai anh em Công Giáo – Tin Lành, tôi đã định không đi giao lưu.
Thế mà chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, mà tôi lại nhắn vào inbox của Mục sư, tôi cũng không nhớ là mình đã hỏi cái gì, nhưng Mục sư trả lời luôn là đang ở Việt Nam rồi, và cho tôi biết ngày dự định xuống Hải Phòng. Mục sư đã thể hiện rõ sự tôn trọng tôi, khi nói với tôi trước. Để nếu tôi có trở ngại gì vào ngày đó, thì Mục sư có thể thu xếp ngày khác phù hợp với tôi, rồi báo cho các anh em Tin Lành sau, để có thể gặp được đầy đủ những người mà Mục sư muốn gặp. Tôi chuẩn bị cho lời từ chối của mình bằng một câu nói là sẽ thu xếp. Ý tôi là có thể tôi sẽ không đến.
Và đến hôm ấy, cũng không hiểu trời xui đất khiến thế nào, mà tôi cũng lại là người nhắn tin hỏi thăm Mục sư trước. Có thể trong lúc đó, tôi bỗng dưng muốn nói chuyện với ai đó…và nghĩ là nói chuyện với Mục sư Liêm cho nó lành…?! Và câu trả lời của Mục sư là đang ở Hải Phòng rồi. Người hỏi tôi có đến được không? Tôi nói là để tôi thu xếp, mà thật ra chẳng có việc gì phải thu xếp cả. Chỉ là tôi ngại “đấu khẩu” nên không muốn đi. Thế nhưng tôi nghĩ: Người ta từ ngàn dặm xa xôi về đây, trời thì không nắng không mưa, lại ấm áp chứ đâu có rét! Tôi nhắn lại là tôi sẽ đến.
Mục sư Liêm nhắn cho tôi địa chỉ nhà thờ, nơi Mục sư đang ở đó với Mục sư Hiền và mấy anh em Tin Lành nữa. Tôi dắt xe máy ra khỏi nhà. Thôi được rồi, gặp thêm lần nữa xem sao! Điều gì nơi ông Mục sư này khiến tôi muốn tìm hiểu đến vậy? Đấu khẩu một chút cũng không sao. Cả năm qua tôi cũng đã cho cái miệng của mình nghỉ ngơi khá nhiều rồi.
Tôi đi mà không biết rõ nơi tôi cần đến. Địa chỉ không có số cụ thể. Tôi thì không có số điện thoại của Mục sư Liêm. Thật ra năm ngoái thì tôi có số của cả hai Mục sư, nhưng cả năm không liên lạc gì, tôi không chắc là số đó vẫn gọi được. Mà tôi cũng sơ xuất, lẽ ra khi Mục sư Liêm hỏi số điện thoại của tôi, thì tôi cũng nên hỏi số của Mục sư chứ, thật là…!
Ghi nhớ địa chỉ, tôi vừa đi vừa xác định phương hướng trong đầu. Đi theo tên phố, rồi theo tên xóm, tên đường…và tôi bất ngờ dừng xe ngay trước cổng nhà thờ. Tuyệt, tạ ơn Chúa! Mục sư Hiền ra cổng đón tôi, tất nhiên là có cả Mục sư Liêm nữa.
Mục sư Liêm giang cánh tay định chào đón tôi bằng một cái ôm thân thiện, kiểu Úc. Nhưng tôi chưa đi Úc bao giờ, suốt đời tôi chưa từng bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nên tôi bối rối chỉ bắt lấy bàn tay ấm áp của Mục sư, mà lờ đi cái ôm kiểu Úc ấy. Cái bắt tay của một đứa chuyên chào hỏi bằng… lời như tôi là khá xa xỉ.
Vào phòng khách nhà thờ, căn phòng khá rộng, đủ cho năm mươi kẻ như tôi lê la. Tôi cười thật tươi để che dấu vẻ ngại ngùng. Vì dường như mọi người đều biết có tôi sẽ đến. Nên không ai hỏi tôi là ai, sao là người Công Giáo ở Việt Nam mà lại quen một Mục sư ở tận bên Úc? Tôi vui vẻ nói chuyện, mà thấy khá mất tự nhiên, và lạnh. Không hiểu sao tôi lại thấy lạnh, khi trời thì rất ấm. Có thể do tôi thấy trời ấm nên mặc ít áo rét. Đường thì xa, nên tôi ngấm lạnh.
Còn cái sự mất tự nhiên kia, khác với phong độ của tôi khi gặp người Tin Lành. Tôi thoáng có cảm giác mọi người đang nghĩ tôi …”phải lòng” Mục sư Liêm. Kệ họ. Muốn nghĩ sao thì nghĩ. Hơi đâu bận tâm đến ý nghĩ của người khác làm gì. Và đúng là tôi chẳng còn bận tâm chuyện đó, khi một chú trong nhóm bắt đầu “khởi kiện”:
“Bên Công giáo thờ Maria là sai Kinh Thánh…Bà Maria cũng chỉ là tạo vật…”
Tôi trả lời: “Dạ, không phải là thờ đâu ạ, mà là tôn sùng…” Thật ra vấn đề này nhiều người Công Giáo cũng không nắm rõ, nên khiến người Tin Lành hiểu lầm.
Tôi chưa kịp nói tiếp, thì chú khẳng định thêm: “Đúng là thờ mà…”
Tôi chưa kịp mở miệng để kích hoạt “tài khoản giáo lý” của tôi, thì Mục sư Liêm đã cắt ngay lời chú ấy. Thế là chú hiểu ý, tuân phục mệnh lệnh ngầm. “Chiến tranh” vừa mới nhen nhóm đã được dập tắt. Rồi Mục sư Liêm kể chuyện. Hình như ông kể câu chuyện của nhà văn Công Giáo có tên Chesterton của nước Anh, tôi không nhớ nhưng thấy rất vui và ý nghĩa... Tôi lại một lần nữa bị ấn tượng với cách cư xử rất hay của vị Mục sư âý. Vì trong những lần giao lưu kiểu này, tất cả sẽ đều tham gia thuyết phục tôi, nhất là hàng Mục sư. Vậy mà ở đây, tôi lại được chính vị Mục sư ấy nghiêm sắc mặt che trở. Thế nên mọi người vui vẻ đổi chủ đề.
Tôi vốn đã rất ấn tượng với cách ứng xử của Mục sư Liêm. Khi xuống Hải Phòng, người đã hỏi, “Thoa có đến được không?” Ông gọi tôi bằng cái tên rất gần chứ không nói là :”Mời bạn đến”, hay “Mong bạn cố gắng thu xếp… tôi đã từ xa xôi về đây, để gặp mọi người, mong bạn cùng có mặt để buổi thông công được đầy đủ những gương mặt thân quen…” Đó là cách mà người ta sẽ nài nỉ được ai đó. Và tôi không phải là người thích sự nài nỉ đó. Tôi thích được tự do trong những quyết định của mình. Câu hỏi: “Thoa có đến được không…?” của Mục sư đã rất thành công trong việc mời được tôi. Vì nó cho tôi cảm giác được tự do, với sự chân thành muốn gặp tôi được thể hiện từ trước.
Tôi thấy nể ông Mục sư này. Mỗi lần gặp, ông đều để lại trong tôi những ấn tượng rất nhỏ, mà tiếng vang thì rất lớn. Mục sư không nói nhiều, không thao thao bất tuyệt những Kinh Thánh và Lời Chúa. Mà tham gia vào câu chuyện của mọi người cách rất nhịp nhàng, vui vẻ. Tôi cũng không phải “giảng” gì cả, mà vui vẻ lắng nghe, nói ít thôi, để còn quan sát và cảm nhận…
Mục sư mời tôi và mọi người, là khoảng gần mười người, đi ăn trưa. Tôi được mời đích danh, và Mục sư Liêm nói thẳng là cuộc gặp này chủ yếu để mời tôi đi ăn, chúc mừng tôi đã đạt giải nhì với một tác phẩm truyện dài trong cuộc thi của Giáo phận Xuân Lộc. Tôi thấy mình thật thiếu sót khi không thể đem theo tác phẩm đó đến đây, tặng nó cho Mục sư. Và cho đến bây giờ, khi tôi đang thức đến gần 3 giờ sáng để gõ câu truyện này, thì tôi vẫn còn không biết bản thảo 250 trang đó, nó đã được in ra sách chưa…?
Sau bữa trưa, là café trò chuyện. Vài người tỏ rõ sự nhiệt thành muốn Mục sư đến thăm nhà. Tôi lại “bơ” đi. Không mời và cũng không nói gì về việc đến nhà tôi. Vì nhà tôi là nơi tôi dành riêng cho con trai tôi chơi đùa, nên không có bàn ghế và những thứ để có thể tiếp đón người lớn. Đồ chơi thì la liệt khắp nhà như những cái bẫy, bước đi không để ý là dẫm vào đau điếng người. Nên tôi lại một lần nữa là người thiếu sót.
Tôi nghĩ có thể sẽ không bao giờ gặp lại. Mà cuộc đời thì mấy ai biết được ngày mai. Năm trước, khi lần đầu gặp nhóm, tôi cũng không nghĩ sẽ gặp lại Mục sư vào năm sau. Và sau cuộc gặp năm nay, ai biết sẽ có thêm những lần hội ngộ hay chẳng bao giờ nữa? Nhưng dù có gặp nữa hay không, trong lòng tôi luôn ghi nhớ sự trân trọng mà Mục sư Liêm đã dành cho tôi. Sự trân trọng đó đem lại cho tôi nhiều bài học nhỏ mà vô cùng sâu sắc trong cách cư xử giữa người với người, giữa người Công Giáo và người Tin Lành.
Nếu biết trân trọng nhau, Công Giáo và Tin Lành đã không căng thẳng đến thế.
Tôi biết tôi đã viết ra đây một câu truyện thật tẻ nhạt, với vài chi tiết nhỏ. Nó hoàn toàn là câu chuyện thật, (chỉ khác cái tên của Mục sư) vừa mới diễn ra và vẫn đang tiếp diễn. Nó cũng là góc nhìn nhỏ hẹp của tôi về một vùng tâm linh rất rộng lớn mang tên Công Giáo và Tin Lành.
Lúc này, tôi đang ngồi một mình trong nhà, giữa màn đêm tĩnh mịch, với một vài ngôi sao lấp lánh trên nền trời thăm thẳm đen.
Tôi mơ màng nghĩ đến một sự hòa hợp, vào ngày mai… khi ánh bình minh lại rạng rỡ chiếu tỏa khắp mặt đất. Và người ta, dù Tin Lành hay Công Giáo, cùng nắm chặt tay nhau tiến về phía Ánh Sáng Chân Lý…
0 Nhận xét