Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

ĐỌC SÁCH THÁNH CÙNG CON

NGUYỄN NGỌC HÀ (Sài Gòn)
Giới trẻ ngày nay thường dán mắt vào vi tính và điện thoại nhiều hơn những trang sách báo, vì vậy đã có những ý kiến ngay từ gia đình, ba mẹ nên giúp con nâng cao văn hóa đọc, nhất là khi con còn nhỏ. Gia đình Công giáo cũng không ngoại lệ.


Đọc truyện Thánh từ lớp mấy?
Nên cho trẻ đọc truyện từ lớp mấy? Đó là câu hỏi của không ít phụ huynh. Chị Nguyễn Thụy Giao, 35 tuổi (họ đạo Tân Phú. TGP,TPHCM), có con gái hiện học trường tiểu học Trần Văn Đang (Q3), nhận xét: “Không nên ép trẻ đọc sách nếu cháu đọc chữ chưa rành, như thế dễ làm trẻ nản khi việc đọc sách chiếm quá nhiều thời gian”.
Đọc sách mà rị mọ từng chữ sẽ gây cho trẻ sự chán nản. Và càng khủng khiếp hơn khi việc đọc sách như một sự bắt buộc, nhất là sách đạo. Vì vậy, cần có một sự chuẩn bị, chẳng hạn làm cho trẻ ngưỡng mộ các thánh trước khi tìm đọc về gương lành của các ngài. Chị Phạm Tuyết Hoa chia sẻ: “Trẻ nhỏ ngoài gia đình còn cuộc sống nơi trường học với bạn bè và hàng xóm, nên vốn đã có những sách phù hợp với từng lứa tuổi như truyện cổ Việt Nam, truyện cổ các nước, thần đồng đất Việt... Muốn hướng con đọc sách các thánh, đầu tiên nên kể chuyện về các ngài cho con ngay từ khi con còn tuổi mẫu giáo để con trẻ quen dần với hình tượng các thánh. Khi con đọc chữ rành, ba mẹ có thể mua những sách này cho con đọc”.
Ngay từ khi con trai vào lớp 3 trường Kỳ Đồng (Q3), mỗi ngày Chúa nhật sau lễ thiếu nhi, chị Tuyết Hoa đưa cháu vào Nhà sách Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để chọn sách: “Hồi nhỏ thằng bé đã nghe tôi kể truyện thánh Phanxicô nghèo khó, thánh Antôn, thánh Anphongsô... Vì vậy, khi tôi mua cho cháu những quyển sách truyện kể về các vị, cháu rất vui và hào hứng. Cháu dành thời gian để đọc ngoài giờ học tập”.
Đọc sách về các thánh cũng là những bài học đạo đức tốt, có giá trị cao trong việc rèn luyện nhân cách cũng như tinh thần sống đạo cho trẻ. Tuy nhiên, không nên ép trẻ đọc đến bội thực, như thế dễ gây cho trẻ cảm giác ngán ngẩm khi gặp sách Công giáo.
Trang sách và tấm lòng
Sẽ là vô nghĩa nếu chỉ đọc về những tấm gương đức hạnh mà không ghi nhớ để noi theo. Ông Nguyễn Văn Thiện, 45 tuổi, thuộc giáo xứ Hợp An, Gò Vấp cho biết ông từng kể cho con gái nghe về thánh nữ Maria Goretti, sau đó ông mua sách trong đó có vị thánh đồng trinh này cho con gái. Ông khuyên con hãy sống trong sạch như thánh nữ.
Còn bà Phạm Thu Nga, 40 tuổi (giáo xứ Fatima Bình Triệu) cho con đọc sách về những vị thánh vì người nghèo như Camillô, Phanxicô... Bà đều nhắc cho con gái và con trai về các ngài mỗi khi giáo xứ quyên góp tiền cứu giúp nạn nhân bão lụt, hoặc giúp bạn nghèo trên Tây nguyên và không quên nhắc nhở: “Khi ta cho người bất hạnh những gì họ cần trong lúc khó khăn thì cũng là mang hạnh phúc và niềm vui cho mình”.
Tại những bếp ăn từ thiện khá phổ biến tại Sài Gòn này, đa phần tình nguyện viên, ngay cả mạnh thường quân, cũng có không ít kỷ niệm về các thánh mà họ từng đọc khi còn nhỏ. Tại ga Sài Gòn mỗi sáng, hoặc trên đường Trần Văn Đang vào mỗi ngày Chúa nhật, những người lao động nghèo thật ấm lòng khi nhận một ổ bánh từ tủ bánh mì nghĩa tình. Bà Trần Thị Giang, hằng tháng đều phát 300 ổ bánh mì thịt cho người nghèo, kể dù đã ở tuổi 60, bà không quên lúc nhỏ, mẹ mua cho từng quyển truyện thánh, bà đọc và ngưỡng mộ các ngài vô cùng. Bà không dám nói mình muốn như các ngài, nhưng sống tốt chừng nào hay chừng ấy.
Đến những xóm đạo thuộc Gò Vấp như Xóm Mới, hoặc Chí Hòa..., nhiều mạnh thường quân tài trợ bếp ăn từ thiện hoặc tủ bánh mì nhân ái cho biết theo gương những vị thánh mà họ từng đọc khi còn rất nhỏ. Gương sống thánh thiện của các ngài như kim chỉ nam, giúp họ làm điều tốt một cách vô tư, bất vụ lợi.
Những câu chuyện truyền lửa
Anh Phạm Văn Thành, 34 tuổi thuộc giáo xứ Cầu Kho kể từ nhỏ, anh thường nghe ba mẹ kể về truyện các thánh. Từ những câu chuyện đó, anh cảm phục các ngài và thêm lòng tôn kính Chúa nên tự giữ mình trước những cám dỗ như hút sách, buôn bán gian dối, trộm cắp vặt, nói xấu người khác. Nhận ra hiệu quả trên nên hôm nay, cứ đầu tháng, với tháng lương mới lãnh, anh đưa hai con đến Thư quán Trung tâm Mục vụ giáo phận hoặc Nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mua truyện thánh. Theo anh, đó là cách tốt nhất để tập cho các con sống đạo. Anh mong khi lớn lên, các con cũng sẽ ghi nhớ ý nghĩa về những gì được đọc thuở ấu thơ và truyền thói quen đọc truyện thánh cho thế hệ sau.
Chị Nguyễn Tuyết Mai, 37 tuổi (giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức), sở hữu hai kệ sách to từ ba mẹ, mà trong đó phần lớn là sách về các thánh. Con trai chị đang học lớp 3 và đang tập thói quen đọc truyện thánh: “Cứ tập cho con đọc truyện thánh, tập con kể chuyện về các thánh, dần dần con sẽ yêu các ngài và sẽ sống theo gương các ngài được bao nhiêu thì phúc phần cho chính con và ba mẹ bấy nhiêu”.
  Theo cgvdt.vn


Đăng nhận xét

0 Nhận xét