Banner cột chính

Sống đẹp lòng Chúa

"Thánh Phaolô trên đường Damascus" - Tuyệt tác vượt tầm thời đại của Caravaggio



"THÁNH PHAOLO TRÊN ĐƯỜNG DAMASCUS"-TUYỆT TÁC VƯỢT TẦM THỜI ĐẠI CỦA CARAVAGGIO... 


Trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, hình tượng Thánh Phaolô chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Điều này là do vị thế của ông: Ông được xem một trong những cột trụ của hội thánh tiên khởi, và là một nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển Thiên Chúa Giáo thời kỳ sơ khai.

Rất khó thống kê hết số lượng tranh, tượng thể hiện hình tượng Thánh Phaolô. Riêng icon với hình ảnh tượng trưng về Thánh Phaolô một tay cầm kiếm một tay ôm sách Thánh đã là vô số kể…

Trong vô số tranh, tượng thể hiện hình tượng Thánh Phaolô đó, có rất nhiều tác phẩm được xếp vào hàng kiệt tác của những tên tuổi lừng lẫy như Michelangelo, Raphael, Caravaggio, Titian, Rubens v.v…

Phần lớn những kiệt tác này, chủ yếu tập trung vào chủ đề “Thánh Phaolô trên đường đến Damascus”. Đối với các tín hữu Thiên Chúa Giáo, đây là một chủ đề không xa lạ. Nó thể hiện “Ơn Biến cải” mà Thiên Chúa đã dành cho Thánh Phaolô. Thánh Phaolô (Paul), trước đó, với tên Saul, là một kẻ quyết liệt săn đuổi và bách hại các tín đồ Thiên Chúa Giáo đầu tiên. Nhưng sau biến cố trên đường đến Damascus, ông đã trở thành một Sứ đồ của Chúa.

Theo ký thuật của sách Công vụ, biến cố đó như sau: “Bấy giờ, Saul chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi, đến cùng thầy cả thượng phẩm, xin người những bức thư đề gởi cho các nhà hội thành Damascus, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo, bất kỳ đàn ông đàn bà, thì trói giải về thành Jerusalem. Nhưng Saul đang đi đường gần đến thành Damascus, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người. Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ ta? Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán rằng: Ta là Giê-su mà ngươi bắt bớ; nhưng hãy đứng dây, vào trong thành, người ta sẽ cho ngươi mọi điều phải làm. Những kẻ đi cùng với người đều đứng lại sững sờ, nghe tiếng nói mà chẳng thấy ai hết. Saul chờ dậy khỏi đất, mắt dẫu mở, nhưng không thấy chi cả; người ta bèn cầm lấy tay dắt người đến thành Damascus; người ở đó ba ngày, chẳng thấy, chẳng ăn và cũng chẳng uống.” (Công vụ 9. 1-9; xem thêm lời giải trần của Phao-lô trước Vua Agrippa ở Công vụ 26, và Galatians 1. 13-16).

Đây là một trong những tác phẩm rất nổi tiếng của Caravaggio diễn tả câu chuyện Thánh Phaolô trên đường đến Damascus. Tác phẩm này, Caravaggio vẽ năm 1600, theo yêu cầu của Đức Hồng y Tiberio Cerasi cho nhà nguyện Cerasi trong Thánh đường Santa Maria del Popolo, ở Rome.



Nguyên do đầu tiên khiến tác phẩm này “rất nổi tiếng” là bởi sự khác thường của nó về hình thức thể hiện. So với tác phẩm cùng chủ đề của Michelangelo ra đời trước gần 60 năm, và cả tác phẩm của Rubens ra đời sau hơn 10 năm, thì nó quá dung dị, thậm chí là quá “tầm thường”. Trong khi trong tranh của Michelangelo và của Rubens, biến cố trên đường đến Damascus đã được diễn tả như một sự kiện phi thường, trong không gian hoành tráng đầy náo động với sự có mặt của Thiên Chúa… thì trong tranh của Caravaggio, đó chỉ là sự cố ngã ngựa bình thường, của một con người bình thường, trong một không gian chật hẹp…

Đương thời, bức tranh đã bị Đức Hồng y Tiberio Cerasi từ chối. Chỉ sau khi Đức Hồng y Tiberio Cerasi qua đời đột ngột (ngày 03 tháng 5 năm 1601), người kế nhiệm ông là Đức Hồng y Sannessio mới đưa vào nhà nguyện Cerasi trong Thánh đường Santa Maria del Popolo…

Ngày nay, trong tầm nhìn của các sử gia nghệ thuật và của các nhà Thần học hiện đại, thì tác phẩm này của Caravaggio là một kiệt tác vượt tầm thời đại. Trong dáng vẻ hiện thực của mình, nó chuyển tải một thông điệp tôn giáo có ý nghĩa nhân bản hơn hết: Ơn Biến cải của Thiên Chúa có thể đến với những con người bình thường, yếu đuối nhất với hình thức giản dị nhất…!

Tác phẩm cùng chủ đề vẽ năm 1545 của Michelangelo


Tác phẩm cùng chủ đề hoàn thành năm 1612 của Rubens

Đăng nhận xét

0 Nhận xét