Trước thềm Olympic và Paralympic mùa Đông PyeongChang 2018 (diễn ra từ ngày 9 đến 25/2 tại tỉnh Gangwon, Hàn Quốc), từ ngày 19-22/1, tại Seoul và Pyeongchang , "Diễn đàn nhân văn quốc tế 2018" được tổ chức nhằm mục đích vận động cho nền hòa bình thế giới và thảo luận về vấn đề môi trường với sự tham gia của hơn 200 nhà văn đến từ 18 quốc gia.
Diễn đàn nhà văn thế hệ mới hướng đến thế giới thiên nhiên, cuộc sống hòa bình (Ảnh: FBNV) |
Nhà văn Nguyễn Văn Học, một cây bút Viết Văn Đường Trường, được mời tham dự diễn đàn và có những chia sẻ về bảo vệ môi trường. Năm nay một phần chủ đề của Giải Viết Văn Đường Trường là về môi trường thiên nhiên. Ban biên tập Mục Đồng xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Văn Học và giới thiệu đến bạn đọc bài phỏng vấn của báo Văn nghệ Đà Nẵng dành cho nhà văn. Chúc anh sẽ sớm ra mắt những tác phẩm giá trị về môi trường mà anh đang ấp ủ.
Thông điệp của Học tại diễn đàn (ảnh: FBNV) |
(Quang Huy thực hiện. Nguồn:
Nhà văn Nguyễn Văn Học (ảnh: FBNV) |
Trong khuôn khổ Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra Diễn đàn Nhân văn với sự tham gia của hơn 60 nhà văn tới từ các châu lục với những phần thảo luận sôi nổi về vấn đề môi trường, bảo vệ bầu khí quyền chung.
Nhà văn Việt Nam Nguyễn Văn Học là một trong số các nhà văn đến với sự kiện này với tư cách một nhà văn trẻ viết về môi trường sinh thái. Nhân dịp này, chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi với anh.
- Thưa nhà văn Nguyễn Văn Học, phải chăng văn chương thế giới không thể ngồi yên trước vấn đề ô nhiễm môi trường?
- Diễn đàn Nhân văn quan tâm đến một số vấn đề như chiến tranh, đói nghèo, chia tách lãnh thổ… nhưng ô nhiễm môi trường là một vấn đề được quan tâm đặc biệt. Bởi thế giới đang đi tới thời kỳ kiệt quệ của môi trường sinh thái, chịu sự tổn hại do chính con người gây ra, ảnh hưởng nặng nề đến sự sống của cả hành tinh. Do đó, nhà văn, với trách nhiệm cá nhân, không thể đứng ngoài cuộc.
- Vậy các nhà văn hiện nay quan tâm thế nào đến môi trường?
- Đến với Diễn đàn này, mỗi nhà văn có một tâm trạng, một quan điểm khác nhau. Nhưng tất cả đều chung một chí hướng là sáng tạo ra những tác phẩm có sức lay động tới người đọc. Những năm gần đây, văn chương sinh thái, môi trường, cất lên những tiếng nói đa chiều, sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được xuất bản, đồng thời được chuyển thể thành phim. Tiêu biểu như tiểu thuyết “Cá hồi” của Ahn Do Hyun, một nhà văn Hàn Quốc, thể hiện rõ ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ sinh thái. Thông qua những ẩn dụ, tác phẩm rung lên hồi chuông về cách nhận thức và ứng xử của con người đối với tự nhiên, phản ánh được yêu cầu và tâm thức tất yếu của thời đại khi con người đang gánh chịu sự giận dữ và đáp trả của thiên nhiên. Hay “Cuộc đời của Pi” là tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel được xuất bản năm 2001, giúp tác giả giành được giải Man Booker. Ý thức sinh thái được thể hiện rõ trong các sáng tác văn chương vĩ đại của Mĩ Latin như “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả” (G.Márquez), “Con quỷ chơi đùa ở miền đất hoang” (G.Rosa), “Vương quốc trần gian”, “Thế kỉ ánh sáng” (A.Carpentier)…
Tham dự Diễn đàn, với tư cách là một tác giả trẻ của Việt Nam viết về môi trường sinh thái, tôi thấy một đất nước kinh tế phát triển, và ý thức bảo vệ môi trường rất cao như Hàn Quốc, vẫn luôn quan tâm đến văn chương về đề tài tự nhiên, các tác phẩm văn chương vẫn được xuất bản. Hơn thế họ cũng luôn ý thức được rằng, văn chương cũng có đóng góp lớn cho giáo dục nhận thức, trong đó có yếu tố bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề chúng ta phải học tập.
Nhà văn Nguyễn Văn Học với tác phẩm "Hỗn danh" được trưng bày tại Hàn Quốc |
- Có vẻ như thế vẫn là chưa đủ, phải không anh và chúng ta cần nhiều biện pháp, giải pháp?
- Đúng thế. Nhà thơ Koike Masayo đến từ Nhật Bản (người từng tham dự Liên hoan thơ thế giới năm 2010, với chủ đề biển), đã mang đến Diễn đàn bản tham luận giàu tính thực tế, phân tích cặn kẽ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến môi trường ra sao, đồng thời cũng nói lên rằng, văn chương thời nào cũng cần. Và qua văn chương, con người cần trồng nhiều hơn những cái cây, thay vì chặt cây; cần trồng hơn cả những cái cây trong tâm hồn mình. Bà Koike cho rằng, khi chúng ta gieo những hạt giống, ngoài tiền bạc, chúng ta còn nhận về sự bảo đảm cho sự sống sau này. Đó là một ý rất hay.
Các nhà văn tại Diễn đàn Nhân văn đã truyền đi một thông điệp về trách nhiệm của người cầm bút trên toàn cầu, là cần phải có hành động thiết thực ngay từ hôm nay nhằm bảo tồn môi trường sống hòa bình, bền vững cho chính chúng ta và những thế hệ sau này.
- Theo anh thì hoạt động sáng tạo văn chương ở Việt Nam có quan tâm đến môi trường không?
- Thực tế thì Việt Nam luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra và năm 2017 vừa qua được đánh giá là một năm kỷ lục về thiên tai ở Việt Nam. Nhưng soi chiếu vào hoạt động sáng tác, xuất bản trong nước thì lại thấy chỉ có một số rất ít các tác phẩm viết về đề tài này chạm tới tim người đọc. Phải chăng đề tài môi trường chưa đủ gây xúc động với người cầm bút? Hay chính người cầm bút trong nước còn chưa hiểu hết giá trị của môi trường, và nhận thấy một điều văn chương chính là một trong những kênh có thể chuyển tải và có tác động rất lớn đến việc chung tay bảo vệ môi trường?.
Trước nay khi nói đến các nhà văn gắn liền với các địa danh thì có các cái tên như nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam của vùng đất phương Nam; nhà văn Vũ Hùng của vùng Tây Nguyên; hay vùng núi đá Hà Giang, không ai khai thác thiên nhiên và con người giỏi bằng Đỗ Bích Thúy… Nhưng những nhà văn như thế đang dần vắng bóng và thế hệ kế cận vẫn chưa thấy ai có thể nối tiếp được dòng văn học này với sức khái quát cao, làm lay động đến người đọc, kích thích họ cùng chung tay bảo vệ môi trường chung.
Cũng trong năm 2017, Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức một hội thảo lớn về phê bình sinh thái. Tại đây, các nhà nghiên cứu chỉ ra thiên nhiên là người bạn lớn, người mẹ vĩ đại luôn tương giao, tương thông, tương cảm và nuôi dưỡng tinh thần con người nhưng lại có sự thiếu khuyết những tác phẩm về đề tài này. Trên văn đàn văn học Việt Nam đã từng có những cuộc tranh luận và câu hỏi đặt ra là, vì sao thế hệ trước viết hay, có được những tác phẩm chất lượng về chủ đề này nhưng bây giờ không có? Có người nói giới trẻ ngày nay thiếu tài năng. Người khác nói thiếu dấn thân, tình yêu mến và đầu tư thời gian cho đề tài này…
- Đến lúc này có thể nói trách nhiệm bảo vệ môi trường chung, Mẹ Trái đất là của công dân toàn cầu. Với tư cách là nhà văn đang quan tâm đến đề tài môi trường, anh có chia sẻ gì với người viết văn, dặc biệt là những cây bút trẻ?
- Môi trường đang cần hơn nữa trách nhiệm và sự quan tâm của người cầm bút. Một tác phẩm văn học sinh thái không chỉ đơn thuần miêu tả tự nhiên hoặc hệ sinh thái, mà quan trọng hơn là phải có đầy đủ tư tưởng sinh thái và góc nhìn sinh thái. Từ góc nhìn, chúng ta lý giải nguyên nhân, nguy cơ sinh thái để tăng cường trách nhiệm và đạo đức nhân loại đối với tự nhiên.
- Xin cảm ơn nhà văn!
0 Nhận xét